Những khúc luân vũ mùa Đông

Share:
Ảnh: BB Ngô

Đất trời đang bước vào những ngày đầu tiên của mùa đông. Những chiếc que diêm cũng bắt đầu được đốt lên nhiều hơn để thổi bùng những đóm lửa sưởi ấm trong ngày băng giá. Có phải mùa Đông sắp đến trong thành phố?

“Mùa đông sắp đến trong thành phố

Buổi chiều trời lạnh

Heo may từng cơn gió bước chân về căn gác nhỏ” (Mùa đông sắp đến trong thành phố)

Sau một đêm thức dậy, chúng ta bỗng thấy những chiếc lá úa vàng cuối cùng trên cành cũng phải rơi theo cơn gió heo may đang tràn về. Ô cửa sổ không thể mở toang để có thể chào đón ánh nắng hiền hoà, se dịu của mùa thu. Những người hành khất không nhà cũng co ro hơn trong buổi chiều tắt nắng sớm. Những hàng cây dần dần trơ trụi lá tạo thành bức vẽ khô cằn trên bức tường thành phố. Bức vẽ ấy là dấu hiệu của một mùa Đông nữa, sắp đến trong thành phố, như nhạc sĩ Đức Huy từng tâm tình trong ca khúc của ông.

Mùa Đông, mùa cuối cùng trong một năm. Mùa tụ hội những trăn trở, băn khoăn, vui buồn khi thời gian đang chạm đến ngày cuối cùng của vòng quay 365 ngày. Lúc đó, trong cái cảm giác nôn nao đón chờ năm mới thì người ta cũng dễ say sưa với những giấc ngủ vùi mỗi sáng, cuộc tròn trong chiếc chăn ấm, mặc cho ngoài trời gió đông ngõ cửa.

Nếu mùa Đông của Đức Huy là hình ảnh người thiếu nữ mang dáng vẻ cô đơn trong miền băng giá của buổi chiều lạnh cùng nỗi tương tư suốt những đêm dài cùng tiếng sầu, thì mùa Đông của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là một bản tình ca cất lên cho một cuộc hẹn hò không tròn vẹn như lời đã hứa.

“Bài tình ca mùa Đông anh hát giữa đêm lạnh giá

Tình còn mãi chờ mong thấp thoáng bóng em vợi xa” (Bài tình ca mùa đông)

Tiếng hát Lệ Thu nức nở, nghẹn ngào, nuối tiếc thả rơi theo từng bước Tango khắc khoải.

Mùa Đông về cùng với những kỷ niệm giăng ngập trong đêm mưa lạnh giá. Bên ngoài, tiếng gió đêm đông rả rích. Bên trong, là nỗi nhớ mỗi ngày mỗi đầy. Hình như mùa Đông đã lạnh, nay càng thêm lạnh trong tiếng nhạc Tango giận hờn. Trầm Tử Thiêng đã chọn điệu Tango cho “Bài Tình Ca Mùa Đông” của mình, khắc khoải càng thêm khắc khoải, cô đơn càng thêm cô đơn. Phải chăng có thể là mùa Đông mới có thể khiến cho ông viết lên những giai điệu như thế?

Ảnh: BB Ngô
Ảnh: BB Ngô

Nhưng rồi, cũng có những người yêu mùa Đông, yêu cái lạnh giá, cho dù đó là mùa Đông của chia ly, như cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã từng.

“Từng mùa đông theo qua, anh đã quen với đường đời băng giá 

Xưa hôn em một lần, rồi đau thương tràn lấp 

Anh yêu em một ngày và xa em trọn kiếp 

Nên anh yêu mùa đông, nên anh yêu mùa đông, ôi Mùa Đông của anh. …” (Mùa Đông Của Anh) 

Đêm Đông và lữ khách

Trong bốn mùa của đất trời, thì có lẽ mùa Đông là mùa làm cho người ta dễ dàng thấy cô đơn nhất, cho dù đây cũng là một trong những mùa lễ hội lớn nhất và lãng mạn nhất trong năm, mùa Giáng Sinh, mùa của yêu thương và của những lời chúc tụng. Bất cứ người Việt Nam nào, mỗi khi nghĩ về mùa Đông, thì hầu như người ta nghĩ ngay đến giai điệu trầm buồn, chậm chạp, lạnh lẽo của một Đêm Đông với lữ khách tha hương không nhà.

“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống 

Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông 

Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời 

Cùng mây xám về ngang lưng trời” (Đêm Đông) 

Ảnh: Unplash

Trong lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Lê Quang Thanh Tâm, danh ca Bạch Yến, hiện sống ở Pháp, là con dâu của cố Giáo Sư Trần Văn Khê kể rằng:

“Tôi trình bày ca khúc này năm 1958, lúc đó tôi mới 16 tuổi. Thời ra đời của Đêm đông và Sơn nữ ca chỉ mới có các nhịp điệu fox trot, valse, tango, boston… Mãi sau năm 1950 mới có điệu slow rock. Đêm đông ngay từ lúc mới ra đời đã mang giai điệu tango. Chính tôi đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trao đổi và xin ý kiến đổi cách hát Đêm đông từ điệu tango sang điệu slow rock. Thật bất ngờ, khán giả hài lòng và giai điệu này được giữ cho đến bây giờ…”.

Đêm Đông được cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết khi ông đang học chuẩn bị thi tú tài ở Hà Nội năm 1939. Năm ấy, vì không có tiền, nên ông không thể về nhà ăn Tết cùng gia đình. Lang thang trên phố phường giữa cái lạnh mùa đông Hà Nội cho đến khi mệt nhoài, ông về phòng trọ của mình và cho ra đời ca khúc Đêm đông trong đêm đó.

Những tư liệu về ca khúc nổi tiếng này đều nói rằng hình ảnh người ca nhi trong ca khúc chính là người ông đã nhìn thấy trong đêm ông đi lang thang giữa phố Hà Nội.

Cho đến tận bây giờ, người ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng, và người thiếu phụ ngẩn ngơ mong chồng trong ca khúc này đã trở thành tiếng nói chung cho tâm tư của tất cả những người xa quê, mơ về một mái ấm, một gia đình, một quê hương xa vời vợi.

Năm 1972, một giai điệu sâu lắng trầm buồn được ra đời, trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng về Giáng Sinh của nền âm nhạc Việt Nam. Đó là Bài Thánh Ca Buồn, của nhạc sĩ Nguyễn Vũ.

Giai điệu buồn bã cùng với ca từ lại nói lên tâm trạng hoài niệm, ray rứt về một cuộc tình đã rất xa. Tuy là ca khúc về Giáng Sinh, nhưng nhạc phẩm này lại chất chứa nhiều những tục luỵ của trần thế. Cũng có giáo đường, cũng có thánh ca, cũng có tiếng chuông ngân, nhưng bao trùm lên đó là một tình yêu dưới thế. Và có vẻ như bài ca này dành riêng cho những ai có hoài niệm về một tình yêu đã có và đã mất trong đêm Giáng Sinh lạnh giá.

Ảnh: BB Ngô

Giáng Sinh là tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Latinh, chữ Natalis, có nghĩa là “ngày sinh ra đời”. Theo nhiều tài liệu của người Kito giáo, một thế kỷ trước kỷ nguyên Thiên Chúa, đã có một buổi lễ được tổ chức vào ngày 25 Tháng Mười Hai, gọi là lễ tôn thờ Mirthra, vị thần ánh sáng của người Ba Tư. Cho đến thế kỷ thứ II, tại La Mã, giáo hội Thiên Chúa đã chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Chúa Jesus. Những tín hữu Kito giáo tin là Chúa Jesus được sinh ra tại Bethlehem thuộc xứ Judea của nước Do Thái.

“Đêm Đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời

Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa.

Trong hang Bêlem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng (Hang Belem)

Nếu tính đến năm nay thì ca khúc Hang Belem đã gần 80 tuổi kể từ khi nhạc sư Hải Linh sáng tác đúng vào mùa Giáng Sinh năm 1945. Từ đó đến nay, ca khúc bất hủ này luôn vang lên trong những đêm thánh, như ngọn lửa sưởi ấm thắp sáng lòng tin của những con chiên ngoan đạo vào Thiên Chúa. Nhưng nào có phải chỉ thế thôi, có những người ngoại đạo, vẫn lắng nghe và tìm đến “Hang Belem” như tìm đến niềm tin vĩnh cữu trong cõi trần thế.

Kể từ thời Phục hưng cho đến sau này, ngày Lễ Giáng Sinh đã không còn chỉ là của riêng những người Thiên chúa giáo. Giáng sinh đã trở thành ngày lễ quốc tế, ngày lễ của gia đình. Mọi người thuộc các thế hệ tề tựu về bên cạnh nhau, thể hiện tình yêu thương cho nhau theo cách của họ. Trẻ con sẽ là những thiên thần lên ngôi trong mùa lễ hội này. Những thiên thần ấy sẽ đi vào giấc ngủ cùng với hình ảnh ông già tuyết leo vào từ ống khói, đặt vào trong chiếc vớ len màu đỏ món quà mà chúng mong đợi nhất và hát vang bài hát vui tươi Jingle Bells, một thông điệp của mùa lễ Giáng sinh.

Rất thú vị là Jingle Bells có tên gọi ban đầu là One Horse Open Sleigh, được sáng tác năm 1840 dành cho ngày lễ Tạ Ơn. Nhưng sau đó, đã trở thành ca khúc chủ đề Giáng Sinh nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng rộng lớn nhất. Jingle bell đã được dịch ra hằng trăm ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt là ca khúc Chuông vang vang do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện dịch lời.

Belem, Portugal. Ảnh: Unplash

Thế giới có Jingle Bell rộn rã vang lên khi mùa Giáng Sinh về, thì Việt Nam chào đón mùa lễ hội này với những giai điệu du dương, nhẹ nhàng như chính dòng chảy của dân tộc.

“Hỡi người dương thế lặng nghe cung đàn

Mau tìm cho tới thờ kính vua giáng trần…” (Cao cung lên)

Cao Cung Lên, tác phẩm đầu tiên của nhạc sỹ Hoài Đức tức Linh Mục Giuse Lê Đức Triệu và Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên sáng tác năm 1945. Đây là bài hát được được coi là một trong những bài thánh ca Giáng sinh bất hủ của Việt Nam.

Tác giả của Cao Cung Lên là một linh mục, nên từng nốt nhạc trầm bổng của ca khúc này nghe như một bài thánh ca. Ca từ và giai điệu trong vắt như dòng nước thánh. Tiếng ngân vang vọng trong đêm khuya, đánh thức người dương thế, báo cho biết tin rằng Người đã xuống cõi đời, này thế nhân hãy cùng tôn kính, cùng hoà vào đêm thánh để đón nhận ơn lành.

Đất nước và dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao mùa Giáng Sinh trong chinh chiến. Cho đến tận bây giờ, cứ mỗi mùa Noel về, người ta vẫn còn gửi cho nhau những tấm ảnh của người lính chiến, quỳ bên những thánh đường đổ nát. Những tấm ảnh qua bao năm tháng vẫn còn vang vọng tiếng nguyện cầu bình an, cầu xin cho quê hương ngừng tiếng súng.

Bóng nhỏ giáo đường của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông luôn được nhắc đến mỗi khi tiết trời trở lạnh cuối năm, báo hiệu mùa Giáng Sinh đang về. Tác giả là một người lính, ông hiểu rõ cảm giác lạnh lẽo, cô đơn của người lính trận xa nhà trong đêm thánh. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu trong thời chiến được khắc sâu trong ngôi giáo đường đổ nát.

Như một vòng luân vũ, mùa Đông này trôi qua, mùa Đông khác sẽ đến. Xuân, Hạ, Thu, Đông, bốn mùa thay áo. Mỗi sớm mai thức dậy, chúng ta biết rằng một đêm Đông đã trôi qua, và một ngày mai đang đến. Cho nên, dù đó có là cơn gió lạnh cắt da, nhưng đâu đó, vẫn sẽ luôn có những ngọn lửa ấm áp nuôi dưỡng nguồn khát vọng cháy bùng cùng ngày mới.

***

ĐỌC THÊM

Cây Giáng Sinh ‘Bất Khả Chiến Bại’ ở Kyiv

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: