Nỗi buồn Après Toi

Share:
Vicky Leandros, 1972 (ảnh: Evening Standard/Hulton Archive/Getty Images)

“Après Toi” là tình khúc đã giúp cho Vicky Leandros nổi tiếng khắp thế giới, sau khi đoạt giải thưởng ca nhạc truyền hình châu Âu Eurovision năm 1972, cách đây đúng 50 năm.

Tên thật là Vassiliki Papathanasiou, Vicky Leandros sinh năm 1949 trong một gia đình nghệ sĩ Hy Lạp: Ba là nhà sản xuất âm nhạc Leandros Papathanassiou; mẹ là Kyriaki Protapapa, một họa sĩ nổi tiếng. Chín tuổi, Vicky theo song thân sang Hamburg (Đức) sinh sống. Ở đây, cha cô thành công nhờ sản xuất nhiều ca khúc ăn khách. Theo sự hướng dẫn của ông, năm 1965 Vicky ghi âm những ca khúc đầu tay. Vicky lấy tên cha (Leandros) làm nghệ danh, và thường hay hát các sáng tác của cha mình.

Năm 1967, Vicky Leandros tham gia giải Eurovision tổ chức tại Áo, dưới “màu áo” Luxembourg với nhạc phẩm “L’amour est bleu” của nhạc sĩ người Pháp André Charles Popp. Chung cuộc chỉ xếp hạng 4, nhưng từ đây sự nghiệp của Vicky Leandros cất cánh: Bản nhạc này chiếm hạng đầu thị trường châu Âu, Canada, Nhật Bản, Nam Phi; và nhờ vào phiên bản hòa tấu của nhạc sĩ Paul Mauriat, nó giành luôn ngôi vị quán quân thị trường Hoa Kỳ!

Từ năm 1967 đến 1971, nhờ chất giọng khỏe khoắn, làn hơi đầy dặn, Vicky hát nhạc phẩm “Mamy Blue” (của Nicoletta) trong tiếng Anh, “Le Lac Majeur” (của Mort Shuman) trong tiếng Ý cũng như bài “Scarborough Fair” (ăn khách nhờ ban song ca Simon & Garfunkel) trong tiếng Đức. Vicky còn ghi âm bằng tiếng Pháp, tiếng Nhật, Hy Lạp, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ!

Vicky Leandros, 1965 (ảnh: Helmut Reiss/United Archives via Getty Images)

Năm 1972, Vicky tiếp tục tham gia tranh giải thưởng Eurovision lần thứ nhì, khi cô vẫn đại diện cho Luxembourg đi thi với nhạc phẩm “Après Toi”, sáng tác của người cha. Nhà sản xuất Leandros Papathanassiou đã soạn bài hát này như một khúc nhạc giao hưởng, phần hòa âm do nhạc sư Klaus Munro, một gương mặt nổi tiếng của nhạc viện thành phố Hamburg, đảm nhận.

Nhạc phẩm “Après Toi” đứng đầu bảng xếp hạng cuộc tranh tài, sau đó chính thức được phát hành bằng bảy thứ tiếng – tất cả đều do Vicky ghi âm. Nhờ phiên bản tiếng Anh mà Vicky Leandros lần đầu tiên chiếm hạng đầu thị trường Anh-Mỹ. Theo các chuyên san âm nhạc Billboard, Record Mirror tại Anh và Musikmarkt tại Đức: Ca sĩ có nhiều đĩa bán chạy nhất vào năm 1972 là Vicky Leandros!

Từ năm 1972 trở đi, sau các nước nói tiếng Đức và tiếng Pháp, cô chuyển qua chinh phục thị trường các nước nói tiếng Tây Ban Nha! Năm 1978, cô lưu diễn Nam Mỹ và đứng đầu thị trường doanh số bán với tuyển tập bao gồm ca khúc ăn khách của mình chuyển dịch sang tiếng Tây Ban Nha, chẳng hạn như “Adios Amor” hay “Venecia En Septiembre”.

Sự nghiệp của Vicky Leandros có dấu hiệu chững lại từ giữa 1985 trở đi, nên cô đã… nghỉ hát trong vòng 10 năm (từ năm 1986 đến 1995), dành thời gian để lập gia đình và sinh con. Mãi đến năm 1998, Vicky mới xuất hiện trở lại, và lại thành công nhờ đặt lời tiếng Đức “Weil Mein Herz Dich Nie Mehr Vergisst” cho ca khúc chủ đề của bộ phim Titanic: “My heart will go on”. Năm 2000, cô đoạt giải thưởng dành cho nghệ sĩ hát tiếng Đức xuất sắc nhất!

Vicky Leandros, 1969 (ảnh: Arthur Grimm/United Archives via Getty Images)

Từ 2002 đến 2012, Vicky chuyển qua sáng tác thay vì hát ca khúc của người khác. Có tuổi, Vicky thích tìm lại cội nguồn. Hai tuyển tập mà Vicky cho phát hành vào năm 2003 và 2009 bao gồm nhiều bản dân ca Hy Lạp, một thể loại mà cô thích từ khi còn nhỏ nhưng phải đợi cho đến khi đó, khi đã từng trải, thì mới có thể diễn đạt nổi.

Tuy giờ đây các album của Vicky Leandros không còn được phát hành và phổ biến rộng rãi như xưa, nhưng với năm tháng, các giai điệu của cô vẫn đọng lại trong lòng người mến mộ, vẫn thấm sâu, nốt nhạc vẫn bay cao.

“Après Toi” – cũng giống như bài “L’amour Est Bleu” – được các danh ca ở nhiều quốc gia trình diễn, trong số này có Helena Vondráčková hát tiếng Czech, Eva Kostolányiová hát tiếng Slovak, Carola Standertskjöld hát tiếng Phần Lan, Lola Novaković hát tiếng Serbia, Paloma San Basilio hát tiếng Tây Ban Nha, Ann Louise Hanson hát tiếng Thụy Điển. Và Thanh Lan hát tiếng Việt!

“Après Toi” du nhập vào Việt Nam sau năm 1972, được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt dưới tựa đề “Vắng Bóng Người Yêu” do hai ca sĩ Thanh Lan, Elvis Phương hát, từng làm điên đảo giới yêu nhạc Pháp ở Sài Gòn thời đó. Sau này ở hải ngoại có ca sĩ Kiều Nga và Ngọc Lan hát cũng rất được yêu chuộng.

“Après Toi” không phải là một bản nhạc vui, nó là một bản ballad buồn với rất nhiều tình cảm da diết của một cô gái kể về cuộc sống của chính mình sau khi người yêu ra đi. Đó là một bài tiếng Pháp với từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, nếu dịch qua tiếng Việt thì nhiều người có chung cảm nhận là ca từ hơi sến sến một chút. Nhưng khi nghe nó ở lần đầu tiên, ai dù có biết tiếng Pháp hay không cũng sẽ rất dễ tìm thấy sự đồng cảm, dường như thấy được sự chân thành trong đó!

Vicky Leandros trong buổi diễn tại Passionskirche, Berlin, Đức ngày 17 Tháng Mười Hai 2014 (ảnh: Frank Hoensch/Redferns via Getty Images)

Vicky trải qua hai cuộc hôn nhân và có ba người con. Năm 1982 Vicky và thương gia người Hy Lạp Ivan Zissiadis lấy nhau, có một người con trai, nhưng rồi hôn nhân kéo dài không bao lâu thì tan vỡ. Năm 2005 Vicky lại vỡ tan lần nữa với người chồng sau, Enno von Ruffin, sau 19 năm chung sống và có hai con gái.

Năm 2006, Vicky… tham gia chính trường và đắc cử vào chức nghị viên thành phố Piraeus, một thành phố cảng miền Trung Hy Lạp gần biển Địa Trung Hải, với nhiệm vụ phát triển văn hóa và ngoại giao Piraeus, và sau đó làm Phó Thị trưởng thành phố này. Nhưng rồi công việc này chỉ kéo dài có hai năm, để rồi Vicky từ bỏ chính trường Hy Lạp, trở lại… đi hát chạy show quốc tế!

Vicky Leandros được xem là “giọng ca sứ giả”, do mang tiếng hát đến với mọi người qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, có lẽ do được sinh ra ở đất cổ kính Hy Lạp và lớn lên tại nước Đức – cái nôi của âm nhạc cổ điển. Sự thành công của cô về tiền tài và danh vọng là điều khỏi phải bàn, nhưng có một sự thật: Vicky là người có con tim nhân ái. Ai đã từng lắng nghe cô hát với gương mặt khả ái với đôi mắt buồn và nụ cười nhân ái thường trực trên môi, dường như đó là nụ cười nhân từ dàmh cho tất thảy cho nhân gian.

___________

Bản dịch Après Toi của nhạc sĩ Phạm Duy (hẳn nhiều người thế hệ xưa biết đến và thậm chí thuộc lòng)

“Đời hoang vắng, khi em xin đành mất anh,

Em đành sống quanh bao nhiêu kỷ niệm long lanh

Quạnh hiu sống… đôi tay trơ trọi trống không,

Mỏi mòn mắt trong, trái tim âm thầm…

Ngày tươi sáng khi đôi ta đầy luyến thương

Ta cười hát vang, ta ôm cuộc đời mênh mang…

Tình đã chết… nên em xin là bóng đêm

Đi tìm bóng anh… dưới trăng thanh…

Rồi cuộc đời, cuộc đời sẽ cuốn trôi

Với tiếng khóc với tiếng vui,

Cuộc đời ơi, cuộc đời đọa đày mà thôi…”

___________

Après Toi qua tiếng hát Vicky Leandros (Eurovision 1972)

___________

Après Toi qua tiếng hát Thanh Lan

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: