Chiều xuân nhớ nhà…

Ảnh: kadir-celep-unsplash
Share:

Chiều xuân. Một buổi chiều ánh nắng vàng nghiêng nghiêng nhảy nhót qua những tàn lá mới chớm đâm chồi chưa đủ để phủ bóng râm lên toàn bộ thảm cỏ ở backyard sau nhà. Gió nhẹ nhàng mơn trớn những tàn cây tạo nên những vệt nắng lung linh chạy rập rờn trên bãi cỏ vừa hồi sức sau một mùa đông dài. 

________________

Ảnh: lucas-george-wendt-unsplash

Tôi ra vườn dẫy cỏ, đổ thêm đất phân vào mấy cái garden bed để chuẩn bị cho mùa trồng trọt năm nay. Xong việc lại ngồi dưới tán cây sồi thong thả rít một tẩu thuốc và nhấp nhấp ngụm cà-phê mới pha từ hạt cà-phê Arabica Buôn-mê-thuột mà bạn tôi gửi qua như một chút quà quê hương cho thằng bạn xa nhà. Không khí trong lành, tiết trời hơi se lạnh, khói thuốc và ngụm cà-phê thơm ngát khiến đầu óc dịu lại, bỏ lại sau lưng những nỗi buồn nhưng nó lại dẫn dắt tôi trở về với ngôi nhà yêu dấu của tôi ở Sài Gòn. 

Hồi tuần trước, cô M., bạn hàng xóm cũ của Mẹ tôi hiện ở Mỹ, nhắn tin cho tôi rằng “Cô rất thích không gian thờ của nhà cháu. Nhìn trang trọng và thanh tịnh lắm. Suốt thời gian về thăm Việt Nam, ở nhà cháu, sáng nào cô cũng ngồi trước bàn thờ để đọc kinh”. Tôi trả lời “Vậy hả Cô? Cháu cũng thích không gian đó. Đi đâu về, người mệt nhoài cứ lên ngồi một lúc ở đó thấy nhẹ cả người.” Tôi thầm nghĩ chắc Cô quên vì chỗ đó nằm ngay trên đất của nhà cô hồi trước, khi cô và gia đình đi xuất cảnh. Cô đã để lại căn nhà cũ cho gia đình tôi và tôi đã gỡ bỏ cả hai căn để xây dựng lại căn nhà bây giờ. 

Khi ngồi trước bàn thờ nhà tôi, Cô đã vô tình trở về đúng nơi Cô đã sống biết bao nhiêu năm trời trước khi ly hương. Và với sự trở lại dù không còn một chút tàn tích của nơi chốn cũ, Cô đã trở về đúng bến bờ quê hương và nó khiến tâm hồn Cô trở nên tĩnh tại, nhẹ nhõm và an lành. Quê hương chỉ đơn giản vậy chứ đâu cần những khái niệm to tát gì? Gia đình tôi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn năm 1968 và sau một thời gian ở tạm bên nhà ông bà Ngoại, Ba Mẹ tôi giật gấu vá vai, vay mượn khắp nơi để mua được căn nhà nhỏ cấp bốn ở trong khu xóm đạo Thái Hòa nằm giữa ngã ba Ông Tạ và ngã tư Bảy Hiền. 

Hơn bốn mươi năm, gia đình tôi gắn bó với căn nhà ấy qua bao thăng trầm lịch sử, xã hội. Hỏi sao tâm hồn tôi luôn gắn chặt với những kỷ niệm, những biến cố, hồi ức với căn nhà? Tôi nhớ cái gác xép cũ ọp ẹp nơi mười anh em trai gái nằm xếp lớp như cá mòi đóng hộp trong hai cái mùng lính cỡ lớn có thể chứa cả tiểu đội.

Mùa hè nóng rẫy từ mái tole hầm xuống khiến mồ hôi nhễ nhại đến nỗi mấy tấm ván thấm đẫm và bóng nhẫy lên. Mùa mưa nghe tiếng mưa đập rộn ràng trên mái như một khúc luân vũ bất tận có khi cả đêm ru giấc ngủ đầy mộng mị. Căn gác ấy là nơi chú bé là tôi trốn Mẹ chui lên và ngồi bên cửa sổ say sưa đọc tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình mà Ba tôi mượn về từ Thư viện Quân đội; hoặc cắm đầu ôn thi mặc cho lũ bạn í ới gọi rủ đi chơi trước nhà. 

Trên gác, Ba tôi cũng đóng một trang thờ nhỏ bằng ván thùng đạn đại bác 105 ly gỗ thông mà ông xin được trong đơn vị. Nổi bật nhất trên bàn thờ là đôi bình hoa lớn cũng làm từ vỏ đạn đại bác sáng choang và ít khi cần phải đánh đồng cho sáng lại. Từ trên gác nhìn xuống phía trước nhà là chiếc sập gỗ nơi Ba tôi nghỉ ngơi và chiếc bàn tiếp khách mà hằng đêm tôi vạch mùng nhìn xuống vẫn thấy ông cắm cúi ghi ghi chép chép hoặc đọc sách bên ánh đèn vàng. Phía dưới gác lửng là nơi mà Mẹ tôi chiếm giữ gần như quanh năm vì cứ ba năm lại nằm cữ hai lần. 

Tôi nhớ cái căn bếp ám khói, mái tole thủng lỗ chỗ vì sức nóng của hai cái lò than, củi và có khi cả cái lò đốt bằng mạt cưa hồi sau năm 1975. Mấy anh chị em thay nhau tuần tự xuống bếp làm cơm có khi ướt như chuột lột vì dột mưa. Tôi nhớ cái sân tráng xi măng là nơi để làm cá, lặt rau, giã cua và giặt đồ. Có khi, ngồi chải giặt cả một thau quần áo to của cả nhà xong thì tay muốn dộp lên và nhăn nheo vì ngâm nước xà phòng quá lâu, lưng mỏi quẹo không đứng dậy nổi. 

Ảnh: jesse-bowser-unsplash

Tôi nhớ cái sân nhỏ trước nhà có cái giếng khơi nước trong veo và cây mận trắng trĩu quả là đích nhắm của lũ trẻ hàng xóm trèo lên hái trộm. Tôi nhớ cái không khí ồn ào náo nhiệt của một gia đình đông trẻ đùa nghịch, cấu véo thậm chí đánh nhau chí tử kèm theo tiếng quát tháo của Mẹ.

Nó chỉ yên lặng được khi cả nhà nghe tiếng xe Suzuki 50cc của Ba tôi nổ bình bịch từ đầu ngõ. Mà dĩ nhiên lúc ấy tôi mơ sẽ có ngày tôi xây lại căn nhà để Ba tôi có chỗ thừa tự thật trang nghiêm, có chỗ cho ông nằm đu đưa đọc sách; có chỗ cho Mẹ tôi nghỉ ngơi yên tĩnh sau một ngày mệt nhoài với lũ con; có chỗ riêng tư cho các em; có tủ sách chen kín đầy tường để tôi có thể bạ đâu cũng có thể ngồi xuống lấy một cuốn sách từ trên giá và ngồi đọc say sưa. 

Và dĩ nhiên tôi mơ có khoảng sân nhỏ trồng cây, trồng hoa và một hòn non bộ nhỏ róc rách nước chảy suốt đêm ngày. Mãi đến sau này, khi cô M. hàng xóm thân thuộc đi xuất cảnh để lại cho gia đình tôi căn nhà nhỏ sát vách, ước mơ ấy trong tôi càng lớn lên theo thời gian. Tôi ra trường, đi làm cật lực, dành dụm tiền để thực hiện giấc mơ hồi thơ dại. Rất tiếc là Ba tôi qua đời năm 1986 sau sáu năm dài tai-biến-mạch-máu não, liệt nửa người và năm năm trong trại tù cải tạo. Ông đã không còn khi tôi có thể thực hiện ước mơ của mình. 

Ảnh: monica-valls-unsplash

Căn nhà mới của gia đình tôi là kết quả chung sức của tất cả anh em tôi. Tôi chịu trách nhiệm chung và cùng với người bạn KTS Nguyễn Trung Chính lo phần thiết kế và tài chính. Em Duy lo tính toán kết cấu. Em Lộc coi sóc việc thi công và nhận phần thiết kế lắp đặt hệ thống điện. Em Ân lo phần hệ thống cấp nước, thoát nước và chi tiết sắt.

Em Tài với xưởng mộc trong tay lo toàn bộ cửa nẻo, kệ bếp, tủ âm tường, giường và các chi tiết nội thất trong nhà. Em Hạnh, em Phương và em Mão lo cơm nước cho cả nhà và thợ thuyền. Cả mấy anh em xúm lại mỗi người một việc nhịp nhàng tuần tự và hiểu ý nhau rất mực. Căn nhà nhỏ hình thành như một niềm tự hào chung của mấy anh em, nhất là với tôi. 

Nói không ngoa là nó chất chứa bao nhiêu kinh nghiệm, kiến thức của gần mười năm theo nghiệp xây dựng. Từng chi tiết kiến trúc và kết cấu trong căn nhà đó là sự chắt chiu, cẩn trọng và tinh tế nghề nghiệp của mấy anh em tôi. Hỏi sao tôi không nhớ nó đến vậy? 

Tôi yêu những buổi chiều cuối năm ngồi trầm tư bên cạnh hồ cá trước sân nhà nhìn những giọt nắng vàng loang loáng trên mặt nước lăn tăn. Tôi yêu những buổi sớm khi bình minh còn chưa ló dạng nằm dúi mình trong chăn ấm nghe tiếng rì rầm đọc kinh sáng của Mẹ trong mùi hương trầm thoang thoảng. 

Tôi yêu tiếng chuông nhà thờ ngân nga lễ sáng và tiếng người lao xao đi lễ sớm. Tôi yêu cái không gian trầm mặc và thiêng liêng ở gian thờ tràn ngập ánh sáng và cũng là nơi chốn bình yên sau một ngày làm việc mệt nhọc. Tôi yêu gian phòng khách rộng rãi nơi mấy anh em tụ tập xem đá banh, uống bia và bàn tán xôn xao.

Tôi yêu mấy kệ sách lớn dọc theo cầu thang nơi tôi có thể ngồi bệt xuống một bậc thang lót gạch terracotta mát rượi với tay lấy sách và đọc miên man. Tôi yêu cái gian bếp mới sạch sẽ, gọn gàng nhờ Mẹ tôi suốt ngày cặm cụi lau chùi, quét tước và nơi mà những món ăn đơn giản nhưng ngon lành, hợp khẩu vị được bày ra trên cái bàn ăn mặt đá hoa cương chờ cả nhà nhập tiệc. 

Ảnh: mark-kassinos-unsplash

Căn nhà đó chỉ thiếu một thứ mà sau này qua Mỹ tôi mới có. Đó là khoảng sân cỏ rộng, xanh mát mắt và hàng cây đại thụ che bóng rợp cả sân vườn sau nhà. Dĩ nhiên rồi vì ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn chật chội, đông đúc, đất đắt hơn vàng thì không dễ có được khoảnh đất như thế.

Nếu có ai hỏi liệu tôi có yêu ngôi nhà của tôi trên đất Mỹ không, xin thưa rằng nó rất hợp ý tôi vì tuy là nhà trệt nhưng bố cục thiết kế cũng na ná như ở Việt Nam với phòng khách, phòng ăn và nhà bếp thông nhau và nhìn ra khoảng sân cỏ rộng. Và cũng vì như có ai đó đã nói “Quê hương chính là nơi vợ con ta ở” thì tôi cũng mạn phép nói thêm “Quê hương cũng là nơi Mẹ ta đang ở”, phải không? 

Chiều Xuân ngồi nhớ nhà, nhớ về những kỷ niệm xưa cũ. Nhiều người sẽ bảo sao tôi “hoài cổ” thế? Sao không sống ung dung tự tại với thực tại và nghĩ về tương lai? Lại xin mượn một đoạn viết của bạn tôi, nhà văn Phạm Công Luận trong tác phẩm mới nhất của anh, “Những bức tranh phù thế”, để trả lời như sau: 

“Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, những gì đã tác động đến mình để trở thành một con người đủ cả những điều hay và dở, những điều mạnh mẽ lẫn yếu đuối trong tính cách không dứt bỏ được. Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương, vì sao gắn bó với xóm giềng, cây cỏ, thời tiết, khí hậu chung quanh khi tất cả đã dần biến dạng. Và vì sao, luôn cố gắng truyền cho con một điều gì đó của quá khứ, dù các con thật ra đang sống để hình thành một quá khứ cho tương lai của các con. Đó là mật mã để gắn kết các thế hệ mà nhiều khi ta mong muốn truyền đi như một thứ bản năng có sẵn”. 

Penn., một chiều Xuân

_______ 

Bài đã đăng trong Giai phẩm Xuân 2023 của Saigon Nhỏ phát hành ngày 19 Tháng Mười Hai 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: