Ngày khai trường

Share:
Minh họa: h-u-phu-unsplash

Mới đầu mùa Thu nhưng buổi sáng không gian bắt đầu lành lạnh. Bầu trời cao và xanh, lãng đãng vài cụm mây trắng. Vài cây phong với những chiếc  lá vàng đong đưa, quyến luyến chưa muốn lìa cành. Hôm nay là ngày tựu trường vùng Bắc Mỹ…

Từng nhóm nhỏ học trò lăng xăng đứng chờ xe bus ở đầu đường. Trên vai chúng nặng trĩu ba lô chứa iPad, iPhone và sách vở. Chúng ồn ào, cười nói với nhau như đang chuẩn bị cho một cuộc cắm trại. Một bà mẹ với ánh mắt âu yếm nhìn cậu con trai khoảng năm, sáu tuổi. Cậu bé đứng xớ rớ không bạn bè. Tay cậu nắm chặt tay mẹ. Mắt ngước lên nhìn mẹ long lanh như muốn khóc. Có lẽ đây là buổi khai trường đầu tiên cậu đến lớp học không có mẹ đi theo. Hình ảnh trong sáng của cậu bé làm tôi nhớ lại hình ảnh của tôi ngày nào. Ngày đầu tiên náo nức với một chút rụt rè theo má tôi đến trường.

Buổi sáng mai hôm ấy, không phải là một sớm mai đầy sương thu và gió lạnh của Thanh Tịnh. Đó là một buổi sáng miền Nam đầy nắng đẹp, gió hiền hòa ấm áp. Có tiếng chim se sẻ non đang nhảy nhót, ríu rít mới ra ràng như tâm trạng của tôi. Sáng nay tôi thức dậy sớm. Đêm hôm qua vì lòng nôn nao, tôi không ngủ được. Thế là hết những ngày lêu lổng với đám bạn cùng tuổi hàng xóm. Buổi mai hôm ấy, tôi được má tôi cầm tay dắt đến trường.

Hôm nay tôi được mặc cái quần đùi màu xanh dương còn mới tinh và cái áo sơ-mi cụt tay màu trắng anh ba Tâm tôi nhường lại. Chân mang đôi dép Nhật thay cho cặp chân trần. Tay tôi ôm tập đồ có kẻ 29 chữ cái, tập vở học trò “Rạng đông” ngoài bìa có hình con gà trống đang vươn cổ gáy, cặp bút lá tre và bình mực tím lủng lẳng. Gói xôi đậu xanh, muối vừng được má tôi giúi vào túi quần sáng nay, cồm cộm theo mỗi bước chân đi.

Học sinh miền Nam trước 1975 (file photo)

Vài đứa con gái chưa đến tuổi đi học với ánh mắt ngưỡng mộ trông theo. Chú Ba mập thù lù, chủ tiệm chạp phô đầu ngõ chạy ra xoa đầu cho tôi phong kẹo đậu xanh: “Con đi học cho giỏi”. Tôi ưỡn ngực, phỉnh mũi có cảm tưởng mình là Phù Đổng Thiên Vương đang lớn hẳn lên. Con ngõ nhỏ hôm nay sao mà ngắn thế, mới đi được mấy bước đã đến cổng trường?

Tiếng trống khai trường tùng tùng tùng bắt đầu vang lên làm lòng tôi rộn rã. Mấy đứa bạn học cũng có mẹ dẫn đến trường sáng nay vừa nghe thấy tiếng trống òa lên nức nở: “Mẹ ơi, con muốn về nhà”. Má tôi còn dùng dằng chưa nỡ rời tay. Bà tưởng rằng tôi cũng sẽ òa lên khóc như mấy đứa kia. Nhưng nhanh như một con sóc, tôi vuột khỏi tay má chạy thẳng vào cổng trường. Má tôi với ánh mắt ngỡ ngàng nhưng hài lòng nhìn theo. Hẳn má tôi không biết, với bao nhiêu mong đợi, ngày đầu tiên được đi học như anh hai Huỳnh, anh ba Tâm của tôi đã đến.

Trường tiểu học Tân Hòa nằm trong khuôn viên một nhà thờ Công giáo cùng tên. Trường có hai dẫy bên hông nhà thờ. Dẫy bên trái có các lớp Ba, Nhì và Nhất. Dẫy bên phải có các lớp Năm, Tư và nhà cầu tiêu cuối dẫy. Một cây phượng vĩ còn sót lại vài bông hoa đỏ thắm cuối Hè đứng trơ trọi giữa sân.

Dưới gốc cây, một cậu bé mặc áo rách vai, cỡ tuổi tôi đang ôm bụng nhăn nhó. Cậu đang đói. Từ trưa hôm qua đến giờ, vì nhà nghèo, cậu chưa có miếng gì cho vào bụng. Gói xôi đậu xanh của tôi được trao tận tay, với lời dặn, mỗi sáng hãy đến đây nếu còn bị đói. Lời má tôi dạy từ quyển Quốc văn giáo khoa thư: “Thương người như thể thương thân. Thấy người hoạn nạn thì thương. Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần” vẫn văng vẳng bên tai.

Bây giờ tiếng trống trường càng lúc càng giục giã, sôi nổi hơn. Tùng! Tùng! Tùng… Tùng! Tùng! Tùng… Năm học mới đã bắt đầu. Trong sân trường đông nghẹt học trò áo trắng, quần đen. Có đứa đội mũ, đội nón lá. Có đứa đi săng đan, đi dép hoặc chân đất. Có những khuôn mặt ngẩng cao, tươi vui sán lạn. Có những khuôn mặt cúi gằm, méo xệch bí xị. Các cô, các chú học trò nhỏ bé đang xếp thành năm hàng dài ngay ngắn theo thứ tự của mỗi lớp. Tôi lăng xăng theo sự chỉ dẫn của thầy Ngọc, thầy giáo lớp Năm của tôi, đứng vào hàng thứ nhất.

Minh họa: h-u-phu-unsplash

Sáng nay bầu trời xanh ngắt. Mặt trời đã lên cao. Nắng vàng rực rỡ nơi nơi. Từng làn gió ấm thổi từ trên không xuống. Lá cờ vàng ba sọc đỏ được từ từ kéo lên cột cờ giữa trường. Lá cờ phần phật tung bay trong gió. Cả trường đứng nghiêm chỉnh làm lễ chào cờ. Chúng tôi bắt chước các thầy cô, đặt tay phải trước ngực, miệng hát vang: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…”.

Thầy Hiệu trưởng cũng là cha chánh xứ Đỗ Trọng Kim đứng lên, khuyên bảo chúng tôi phải vâng lời cha mẹ, thầy cô; học hành chăm chỉ để trở nên những con người hữu dụng cho tổ quốc mai sau… Đến lúc đó chẳng đứa nào còn muốn lắng nghe. Mới buổi sáng còn bỡ ngỡ chưa quen nhau. Bây giờ đứa nào đứa nấy quần áo xộc xệch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại đã bắt đầu chọc ghẹo, dây mực vào áo của nhau. Có đứa ngồi bệt dưới đất, tay vọc cát nghịch chơi. Mấy đứa khác không biết kiếm ở đâu ra, đang chơi trò đá cỏ gà rồi cười như nắc nẻ…

Trước khi bước chân vào lớp, chúng tôi được các bà sơ đứng trước cửa lớp khám bàn tay rồi điểm danh. Từng cái tên được xướng lên với những câu trả lời lí nha lí nhí, sợ sệt, yếu xìu hoặc thật to. Tên tôi được đọc lên mấy lần mà tôi vẫn lơ đễnh không trả lời. Thì ra bà sơ đọc lên cái tên cúng cơm của tôi thay cho cái nặc danh “Chí chuột” ở nhà. Sau đó các sơ phát cho mỗi đứa một khúc bánh mì cỡ hai gang tay, một gói sữa bột kèm theo nụ cười nhắn nhủ: “Các em ăn cho chóng lớn, vâng lời thầy cô, học hành giỏi giang, làm đẹp lòng cha mẹ”.

Tôi cầm khúc bánh mì lòng thầm nghĩ: “Ồ! Đi học sướng quá, còn được ăn no hơn cả ở nhà”. Khúc bánh mì dòn tan tôi nhai ngấu nghiến, loáng một chút đã hết. Còn gói sữa bột sẽ được đem về nhà để dưới chân giường. Sữa bột được cái chân giường nén xuống thành cái bánh sữa. Anh ba Tâm đã chỉ cho tôi cách làm bánh này từ năm ngoái.

Lớp Năm của tôi được chia làm đôi. Một bên cho nam sinh. Một bên cho nữ sinh. Mỗi bên có sáu dẫy bàn. Mỗi bàn có một cái rãnh dài, lõm để cây bút lá tre không bị lăn xuống, bốn cái lỗ tròn để đựng bình mực và bốn học trò ngồi chung. Dưới chân có thanh gỗ chạy song song với mặt bàn để gác chân hay để “đá nhau”.

Ba người bạn mới bé bỏng của tôi nhìn nhau ngượng nghịu. Chúng tôi cố gắng để các khuỷu tay không huých vào nhau. Cũng chẳng xa lạ gì. Thắng ở xóm Cầu Cá. Hoành ở xóm Lò heo và Đen ở trong con ngõ chật hẹp giữa xóm. Cho nên chỉ sau vài phút bỡ ngỡ ban đầu đã mày mày, tao tao tía lia.

Cái gì trong lớp cũng khác lạ. Mùi bàn ghế còn thơm mùi gỗ. Trên tường quét vôi trắng treo ba cái băng rôn: “Tiên học lễ. Hậu học văn”, “Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh”, “Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng” và cái bản đồ thế giới.

Thầy Ngọc sau khi dỗ dành một vài cô bé đang mếu máo đòi về, đứng trước bảng đen ghi thời khóa biểu. Màu trắng khói phấn bay mờ mờ trong vài tia nắng lọt vào sau khung cửa sổ. Vài đứa ngồi đầu bàn húng hắng ho. Thầy Ngọc sau khi viết xong mỗi hàng phấn trắng lại trìu mến quay lại nhìn cả lớp mỉm cười. Tôi bắt đầu thấy mến thầy tôi…

Lớp học đang yên lặng bỗng khu “nhà lá” cuối lớp ồn lên như bầy ong vỡ tổ. Mọi người giạt về một bên tay bịt mũi. Mùi hôi thúi bốc lên từ một cậu học trò mặt xanh như tàu lá đang ngồi một mình. Không hiểu vì là ngày đầu tiên đến trường, cậu quá lo sợ nên đã “bĩnh” ra trong quần? Thầy Ngọc khoan dung đến bên cậu bé an ủi và dẫn cậu ta ra khỏi lớp đến khu cầu tiêu cuối dẫy. Nhìn cử chỉ của thầy, cái tâm hồn hãy còn non nớt của tôi bỗng dâng lên niềm kính phục vô bờ bến…

Một con bướm trắng lãng du từ ngoài chập chờn bay vào lớp học làm tôi mơ màng nhớ về mùa Hè vừa qua: Những trưa hè cùng lũ bạn hàng xóm lêu lổng đầu làng cuối xóm lượm lặt vỏ cam, vỏ quít đem đến tiệm thuốc bắc Phước Thận Đường đối diện chùa Phước Long đổi lấy táo tầu, cam thảo, quế chi. Có lần cả lũ len lỏi trong chợ Tân Hòa, vượt qua khu bán cá hôi tanh, lầy lội bị mấy bà bán cá gọi là: “Mấy thằng trời đánh” để đến đường rầy xe lửa số Sáu đường Trương Minh Ký.

Mọi đứa đặt lên đường  sắt những hàng nắp phén rồi ngồi chờ. Khi xe lửa chạy qua, những cái nắp phén bị cán dẹp lép trở thành đồ chơi. Thú vị nhất là món đồ chơi “tùng xèng xoắn dây”. Cái nắp phén được đục hai lỗ ở trọng tâm rồi xỏ sợi dây vào. Người chơi dùng hai tay dang dây ra, dang dây vào làm cái nắp phén quay tít thò lò, phát ra những tiếng gió kêu vù vù nghe đã lỗ tai.

Có những hôm trốn ngủ trưa, cả lũ trèo lên cây trứng cá đầu xóm ăn những trái chín đỏ tươi, mọng nước với những hạt nhỏ li ti. Rồi tản bộ ra con lộ trước khu cư xá Ngói Trắng thọt những trái chùm ruột chua lét. Những trái ô môi “thúi địt” to xù xì, ruột có nhiều múi màu đen nhánh như nhựa đường, mút vào thấy ngòn ngọt, cay nồng. Hoặc chui vào vườn sau nhà thằng Định còm ăn trộm ổi, bị nó xù chó ra cắn làm cả lũ bỏ chạy vắt giò lên cổ.

Có những trưa Hè oi bức, sau khi chơi đánh khăng đã đời, cả lũ nhảy xuống lòng kinh Nhiêu Lộc cuối xóm ngụp lặn để “giải nhiệt”. Bờ kinh mọc đầy những cây mực tím. Chúng tôi lấy các trái đã chín nặn ra làm mực vẽ lên mặt, lên người làm mọi da đỏ rồi ngồi câu cá rô bên bờ. Khi cái phao tre động đậy bị kéo chìm xuống mặt nước là lúc cá đã cắn câu. Cái cần câu lúc giựt lên nghe nặng trịch trên tay. Tôi không biết diễn tả cái cảm giác sung sướng lúc đó ra sao? Nhìn con cá rô to bằng bàn tay đang giẫy giụa khoe cái bụng trắng vàng dưới ánh nắng sao mà “đã thế”…

Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống tan trường đã điểm làm tôi chợt tỉnh giấc mơ. Cả lớp ồn lên như một cái chợ sửa soạn ra về. Thầy Ngọc với nụ cười trên môi đứng bên cửa lớp học vỗ vai, ân cần tiễn đưa từng đứa. Tôi đã trải qua ngày đầu tiên đến trường đi học trong đời.

Minh họa: h-u-phu-unsplash

Trên đường về nhà, tôi đi ngang qua một con lạch nhỏ. Một con cá lóc nhỏ đang bơi lờ đờ giữa dòng. Nếu là ngày thường, tôi sẽ nhào xuống lạch, chụp bắt con cá. Cây trứng cá đầu hẻm, trái chín đỏ trĩu nặng đầy cành hấp dẫn. Nếu là ngày thường, tôi sẽ trèo lên làm một bụng thỏa thuê. Nhưng hôm nay là ngày đi học đầu tiên của tôi. Một ngày đặc biệt. Tôi mơ hồ cảm thấy tôi đã lớn rồi. Từ bây giờ trở đi, tôi sẽ trở nên một người chững chạc, không chơi những trò chơi vô bổ như trước nữa. Lòng tôi cơ hồ một con chim non mới ra ràng đang dang đôi cánh rộng, bay qua những khung trời xa lạ. Một thế giới xa lạ nhưng đầy những điều mới lạ đang chờ tôi khám phá.

Tối nay, tôi sẽ được hãnh diện ngồi chung bàn với hai anh tôi bên cây đèn dầu hôi để học bài. Tôi sẽ cao giọng đọc đánh vần bài tập đọc đầu tiên trong đời:

“Năm nay tôi lên bảy tuổi. Tôi không chơi đùa lêu lổng như mấy năm còn bé. Tôi đi học, học viết, học tính và nhiều môn khoa học khác nữa. Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học, học sao cho mau tấn tới cho “văn hay chữ tốt” cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng”… (Quốc văn giáo khoa thư lớp Đồng ấu – Trần Trọng Kim).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: