Di dân vào Mỹ bằng sân sau nhà dân San Diego, chó chẳng buồn sủa

JACUMBA HOT SPRINGS, California (NV) – Ba con chó của Brian Silvas thường là những con chó đầu tiên cảnh cáo ông là đang có nhiều nhóm người đi vào nhà ông ở Quận San Diego. Ông thức giấc liên tục trong tiếng sủa không dứt của Whisky, Soldier và Freedom. Hôm nay, ba chú chó im thin thít gần như suốt đêm. Trong khi đám đông di dân không ngừng lướt qua, điều này phổ biến tới mức những con chó giờ đây ngủ như không có kẻ lạ, phóng sự do Đài CNN ghi nhận hôm Thứ Hai, 13 Tháng Mười Một.

Hai năm trước, Silvas mua 78 mẫu đất ở biên giới miền Nam California giáp Mexico, cách San Diego khoảng 75 dặm về phía Đông. Mảnh đất của ông được đánh dấu bằng những ngọn đồi và những tảng đá lớn. Điểm cuối của bức tường biên giới cách khu đất nhà ông vài mét, ở đó chỉ có sa mạc đầy đá và hàng rào dây thép gai khiêm tốn làm rào chắn.

“Nếu có tiền, tôi sẽ xây bức tường cho riêng mình ngay đây!” Silvas nói.

Thay vào đó, ông chứng kiến hàng chục, thậm chí hàng trăm di dân đi qua nhà ông mỗi ngày. Ông nói rằng dòng người vượt biên trở nên tồi tệ hơn từ khi Điều 42 hết hiệu lực vào Tháng Năm, một biện pháp y tế công thời đại dịch cho phép giới chức từ chối di dân đi qua biên giới.

Cách khu đất của Silvas khoảng năm dặm về phía Đông, dọc theo biên giới phía Nam, Jerry và Maria Shuster cũng đang hứng chịu cuộc khủng hoảng tương tự. Ngoại trừ việc di dân băng qua đó không chỉ đi ngang qua đất của họ – họ còn cắm trại. Lều, quần áo vứt đi và rác thải nằm rải rác khắp mảnh đất rộng 17 mẫu Anh. Di dân còn đốt lửa trại vào ban đêm để cố gắng giữ ấm trong nhiệt độ thấp gần như đóng băng, họ tìm đường tới nhiều địa điểm tập trung khác nhau ở phía Hoa Kỳ và chờ đợi cảnh sát của Lực Lượng Quan Thuế và Tuần Tiễu Biên Giới Hoa Kỳ CBP.

Gia đình Shuster sống ở Jacumba Hot Springs hơn 40 năm. Jerry di cư từ Nam Tư cũ. Maria là dân Mexico.

Các viên chức tuần tiễu biên giới San Diego ghi nhận hơn 230,000 cuộc chạm trán với di dân không giấy tờ trong năm tài khóa kết thúc hồi Tháng Chín – mức độ hoạt động mà cơ quan này chưa từng thấy trong hơn hai thập niên.

Phần lớn di dân đi qua Quận San Diego đều có vẻ quen thuộc với quy trình này, như thể họ được chỉ dẫn từ những người vượt biên thành công khác trước đó. Họ tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau trên phần lãnh thổ Hoa Kỳ và chờ đợi các viên chức CBP để xếp hàng cho họ, đưa cho họ nhãn thông tin để dán lên túi xách và sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để chụp hình di dân cầm giấy tờ. Những người đàn ông sau đó bị còng tay trước khi lên xe buýt đi tới các trung tâm tạm giam để làm giấy tờ chờ ngày hầu tòa di trú. Sau đó, họ được đưa tới các trạm trung chuyển ở San Diego, nơi họ tản đi những thành phố khác nhau khắp nước Mỹ, các viên chức quận hạt cho biết.

Cảnh Sát Biên Phòng gặp khó khăn khi nói chuyện với nhiều người trong số họ, thay vào đó dựa vào ra dấu tay hoặc ứng dụng dịch thuật trên điện thoại thông minh – giả sử tín hiệu điện thoại đủ mạnh. Tiếng Tây Ban Nha và Anh Ngữ vẫn không đủ vì các tình nguyện viên địa phương ghi nhận có người dân từ hơn 40 quốc gia vượt biên trong những tháng gần đây, gồm có cả Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan. Nhiều di dân đang tháo chạy khỏi điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ ở quê nhà, trong khi những người khác nói rằng họ đang thoát khỏi đàn áp chính trị và các mối đe dọa vật chất do chính phủ áp đặt.

Trong một tuyên bố gửi cho Đài CNN, Sở Cảnh Sát San Diego cho biết, “Do tính chất của việc xâm nhập, những người phạm tội có thể sẽ bị triệu tập và được thả cách đó không xa. Điều này sẽ làm phân tán dân tỵ nạn khắp cộng đồng… và làm phức tạp thêm nỗ lực ứng phó của CBP khi giải quyết, xác định, kiểm tra và cuối cùng là đưa dân tỵ nạn rời khỏi khu vực.”

Di dân đeo vòng tay do cảnh sát CBP phát, ghi ngày họ có mặt tại một trong những trại tạm trú ở biên giới California. Vòng tay này giúp cảnh sát ưu tiên những người cần được đưa đi để ngăn di dân cắm trại trong điều kiện khắc nghiệt nhiều ngày liền. Ngoài ra còn có tình nguyện viên túc trực vòng quanh mỗi ngày, dọn bàn và phân phát phần ăn.

“Tôi thấy người ta ở đó và chợt nhận ra họ chẳng có nước uống nên tôi mới bắt đầu cho nước và mọi sự bắt đầu đổ dồn tới từ đó,” Sam Schultz, người địa phương, tự mình gánh vác công việc này từ Tháng Năm – ông hùn sức với vài người trong gia đình và các tình nguyện viên khác – để nuôi hàng trăm di dân hai bữa ăn một ngày. “Những người này chỉ muốn có một cuộc sống khá khẩm hơn. Thực tế là vậy.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: