Nhà văn Võ Hồng ví von: “Bụng to như bụng xe đò.” Nhận xét của ông, rõ ràng và hoàn toàn không… trật! Xe đò thường đầy khách mới chịu rời bến, nhưng trên đường đi tài xế vẫn luôn dừng bánh “hốt” thêm mấy con nhạn là đà để kiếm thêm chút đỉnh. Khách lên sau thì ngồi ghế súp.
Dù có nguồn gốc La Tinh (supplementum) nhưng ghế súp thì chắc phải là sáng kiến riêng của giới xe đò xứ Việt, như một “giải pháp tình thế,” khi cái mông nhiều hơn cái ghế.
Trên chính trường Việt Nam, ghế không nhiều, mông cũng ít. Đã vậy, nhiều vị chính khách nhất định ngồi lì vì sợ “mông nhớ ghế” nên nhu cầu ghế súp còn khẩn thiết hơn trên xe đò nữa. Chỉ có điều khác biệt là người làm chính trị không ăn nói bỗ bã như tui, hay như mấy cha nội tài hay lơ xe. Họ không gọi nhau là “súp chủ tịch nước” hay “súp thủ tướng.”
Ngôn ngữ của chính giới nghe “diplomatic” hơn nhiều – theo ghi nhận của Wikipedia:“Phó Thủ tướng Việt Nam là một chức vụ trong Chính phủ Việt Nam, được quy định ngay từ Hiến pháp 1946. Trong Chính phủ Việt Nam từ năm 1955 có nhiều ghế Phó Thủ tướng. Kỷ lục nhất là vào năm 1987 có tới 12 Phó Thủ tướng tại nhiệm và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII (1981-1987) tổng cộng có tói 17 người đảm nhiệm Phó Thủ tướng.”
Thiệt là… ớn chè đậu. Cái gì mà nhiều hay nhiều quá thì thường dễ ớn, và rất ít khi được ưa chuộng hay quan tâm. Người Việt chỉ có dịp nghe đến tên tuổi quý vị phó thủ tướng của nước này khi báo chí nhắc đến những câu “danh ngôn” của họ:
-Nguyễn Sinh Hùng:“Không thể không làm đường sắt cao tốc. Quyết tâm năm 2015 sẽ có một Vinashin mới”.
-Trương Vĩnh Trọng: “Cho đến lúc này, dư luận trong nước cũng như trên thế giới, kể cả những người khó tính, còn ai nói đến vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên nữa. Điều đó cho thấy, khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là đúng đắn và đang gặp thuận lợi.”
-Hoàng Trung Hải: “Chưa có hồ chứa nào xả lũ sai qui trình.”
Nói, nghe đã tệ, cung cách làm việc, xem ra còn tệ hơn nhiều – theo như ghi nhận của G.S Nguyễn Văn Tuấn: “Tôi vừa dự một hội nghị chuyên ngành từ Phú Quốc về, và trong thời gian ngắn ngủi đó cũng được nhìn thấy sự quan liêu và lãng phí ghê gớm trong các quan chức cao cấp ở nước ta.
Hội nghị thu hút khoảng 270 người đến tham dự, với sự tài trợ nhiệt tình của các công ti dược. Khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort được chọn làm nơi tổ chức, và khách tham dự đã đặt phòng từ một tháng trước.
Tưởng rằng đã đặt phòng thì chắc ăn sẽ có phòng để ở, nhưng ở Việt Nam ‘sự đời’ không đơn giản như thế. Một số khách đến ngày hội nghị, đến nơi check-in thì được biết là đã… mất phòng!
Tại sao? Tại vì phái đoàn tùy tùng của ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ra thị sát hay đi holiday gì đó ở đảo Phú Quốc, và vì khách sạn là của nhà nước, nên họ phải dành phòng cho tùy tùng của ông phó thủ tướng, và tống cổ khách đi khách sạn khác. Một kiểu làm business rất đặc thù của các công ty thuộc Nhà nước Việt Nam.
Chưa hết. Khoảng 10 khách mời và diễn giả (speakers) của hội nghị từ Hà Nội cũng không tham dự được, cũng chỉ vì người ta dành ưu tiên cho chuyến bay của ông Hoàng Trung Hải. Cần nói thêm rằng những người này đã mua vé máy bay Vietnam Airlines từ cả tháng trước. Nhưng bất chấp mọi qui luật business, Vietnam Airlines vẫn lấy chỗ của các hành khách này để cho đoàn tùy tùng của ông Hoàng Trung Hải! Một số còn ‘đau’ hơn, vì họ đã bay vào Sài Gòn, nhưng đành phải bay về Hà Nội chứ không có chỗ để đi Phú Quốc…
Sống ớ nước ngoài lâu, tôi chưa bao giờ chứng kiến cái cảnh bộ trưởng hay phó thủ tướng đi mà có xe cảnh sát dọn đường, chưa bao giờ chứng kiến cảnh bộ trưởng, thậm chí thủ tướng, ăn trên ngồi trước.
Tôi cũng từng có cơ duyên gặp một hay hai bộ trưởng Úc nên thấy được phong cách bình dân của họ như thế nào. Thủ tướng Úc đi công tác các tiểu bang chỉ có hai người: ông ấy và bảo vệ, và đi trên chuyến bay dân sự như mọi người dân khác. Còn ở Việt Nam, tôi thấy các quan chức cứ như là những ông trời hay thần thánh sao ấy.”
Nhà báo Trương Duy Nhất là một nhân chứng khác, viết:
“Khách sạn Phương Đông, thành phố Vinh. Cửa vào thang máy có 3 khoang. Khoang chính giữa mở nhưng bị một tay bảo vệ mặc sắc phục vàng đứng ngáng giữa chặn lại. Vài người bước vào liền bị bảo vệ lôi ra. Tất cả khách muốn lên xuống phòng đều được hướng dẫn đứng xếp hàng chờ hai cửa khoang thang máy hai bên.
Tôi ngạc nhiên:
–Sao khoang giữa mở mà không cho ai vào?
Tay bảo vệ thật thà:
–Đây là chuyên khoang dành cho Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng.”
Nói tóm lại thì những ông phó thủ tướng Việt Nam, gần đây, đều là những người gù về tài năng cũng như nhân cách. Câu chuyện ghế súp, tất nhiên, chưa chấm dứt ở đây. Báo Dân Trí lại hân hoan cho biết:
“Chiều 30 Tháng Mười Hai, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ nhiệm hai Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chuyên trách và ba Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm nhiệm…”
Chỉ có Trời, may ra mới biết là cái ông Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương làm cái mẹ gì ở đất nước này, nói chi đến mấy ông thổ tả được mệnh danh là “Phó Trưởng Ban.” Và ngay cả Trời chắc cũng không biết tại sao tất cả quý ông “phó” này trông đều tươi vui sung sướng ra mặt như thế.
Sự hớn hở của họ khiến tôi nhớ đến một bức thư khiếu nại, đọc được cách đây khá lâu, trên Cơ Quan Ngôn Luận Của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ TP.HCM:
“Tôi đặt vé xe qua điện thoại của doanh nghiệp vận tải Thanh Thủy để đi từ Vĩnh Long đến TP.HCM, nhưng đến lúc lên xe thì không được ngồi đúng số ghế đã đặt. Nhân viên nhà xe lý giải là do lỡ nhận số khách nhiều hơn số ghế của xe nên gây ra tình trạng dư khách và đề nghị tôi ngồi ghế ‘xúp’. Vì sợ công việc bị chậm trễ nên tôi buộc lòng phải chấp nhận.
Sau khi tới nơi, tôi gọi điện thoại đến đường dây nóng của doanh nghiệp để phản ánh. Tuy nhiên, người tiếp điện thoại (không chịu xưng tên, chỉ tự khẳng định mình là quản lý cấp cao của doanh nghiệp) không hề xin lỗi tôi về sự sai sót cũng như có hướng giải quyết thỏa đáng, mà còn trách tôi tại sao không chịu thông báo ngay lúc trên xe.
Tôi giải thích rằng tôi không thích tranh cãi ồn ào ở chốn đông người, muốn giữ hình ảnh của doanh nghiệp và không muốn phiền các hành khách khác trên xe. Tuy nhiên, người quản lý này cho rằng đã gọi là đường dây nóng thì phải gọi ngay lúc việc xảy ra, bây giờ về đến nhà thì nguội mất rồi, không chấp nhận xử lý bởi vì đó là lỗi của tôi không chịu gọi ngay. Tôi thấy doanh nghiệp này chưa tôn trọng khách hàng.” Nguyễn Thị Bảo Ngọc (Vĩnh Long)
Chẳng có “doanh nghiệp cách mạng” nào mà tôn trọng khách hàng, nhưng phải chi khi bị ấn đầu ngồi xuống cái “ghế súp” Phó Chủ Tịch Nước mà Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định, Nguyễn thị Bình, Trương Mỹ Hoa,… dám viết một cái thư lầu bầu mấy câu như trên, thì cũng đỡ tủi chút xíu.