“Việc xảy đến với Tuân… thật đột ngột và bất ngờ. Nó cứ như tai họa từ đâu bỗng giáng xuống gia đình Vương Thúy Kiều vào năm Gia Tĩnh triều Minh… Trong một khoảng thời gian ngắn, tai họa đến với ba người bạn tôi: Tuân Nguyễn, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Huy Cương.”
Hà Nhật tâm sự như trên, trong bài viết có tựa là “Tuân Nguyễn, Kẻ Mộng Mơ.”
Tôi không quen nhưng biết cả ba nhân vật này, cùng với những tai hoạ “đính kèm” trong cuộc đời… lao đao của họ. Câu chuyện hôm nay xin chỉ đề cập đến ông Tuân Nguyễn, như một nén hương lòng – gửi người đã khuất!
Trong một bài viết khác “Người Bạn Lính Cùng Tiểu Đội” Phùng Quán kể:
“Hòa bình lập lại, Tuân ra khỏi quân ngũ, đi học tiếp và tốt nghiệp đại học Sư Phạm, làm thầy giáo. Sau đó được điều về Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam. Còn tôi, lâm vào cảnh khổ nạn văn chương Nhân Văn Giai Phẩm, phải về tá túc bên bờ hồ Tây, nhập phường câu cá trộm…
Trong khi bạn bè thân thích, kể cả máu mủ ruột thịt, người yêu, đều xa lánh tôi, thì Tuân Nguyễn vẫn gắn bó, cưu mang tôi. Mặc dầu lúc này anh là người có chức danh của một cơ quan quan trọng, bắt đầu có tiếng tăm trên thi đàn. Tuân mò tìm được nơi tôi tá túc, thường xuyên mang cho tôi áo quần, tem gạo, phiếu thịt, kẹo, thuốc lá căng tin…
Một lần, tôi hỏi Tuân:
-Cậu hay gặp mình, thế nào cơ quan họ cũng biết. Cậu không ngại à…?
-Có ngại cái con c… Đ.M …! (Phùng Quán, “Người Bạn Lính Cùng Tiểu Đội.” Ba Phút Sự Thực. NXB Văn Nghệ: Sài Gòn 2007, 180-181)
Ở Việt Nam mà quan hệ và nói năng “linh tinh” như thế thì e sẽ lắm chuyện lôi thôi. Và rồi Tuân Nguyễn bị lôi thôi thật, lôi thôi lâu, lôi thôi lắm, và lôi thôi lớn.
Ông bị bắt vào ngày 21 Tháng Mười năm 1964, và được thả… mười năm sau đó!
Sau đó, vẫn theo lời Phùng Quán: “Một buổi vào giữa trưa, tôi đang ngồi đun bếp, thì cửa liếp xịch mở. Tôi ngẩng lên, ngồi lặng đi một lúc khá lâu. Tôi bật gọi, cổ nghẹn tắc:
-Trời… Tuân!
Phải, người đang đứng trước mặt tôi là Tuân Nguyễn. Da mặt vàng úa và hơi phù nề. Cặp kính cận vành đồng rỉ xanh và hai gọng được thay bằng hai vòng dây gai xe. Cái miệng vẫn rộng nhưng không còn tươi nữa. Cặp môi nhợt nhạt vì thiếu máu. Như bừng tỉnh, tôi loạng choạng đứng dậy. Và hai chúng tôi ôm chặt lấy nhau lúc nào không biết. Phút chốc hai gương mặt dãi dầu, bầm dập khổ nạn trần gian, đẫm lệ. Tôi thì thầm qua nước mắt:
-Thế mà đã gần mười năm rồi… Mười năm tốt đẹp nhất của một đời người…
Tuân cười buồn:
-Chắc cậu không tin mình còn có ngày trở về?
-Cậu gầy yếu quá… Người của sách vở, của mộng mơ… Cậu đâu được chuẩn bị để nhận một đòn chí mạng như vậy.
Tuân ngồi xuống cạnh bếp lửa, hơ hơ hai bàn tay gầy guộc, nói:
-Sức thích nghi vô tận cũng là một điều bí ẩn của con người, cậu ạ.
Tôi thổi cơm, rán cá, nấu canh chua. Hai đứa ngồi ăn ngay bên bếp.
-Nghĩ cho cùng, không có cái rủi nào lại không chứa sẵn ít nhiều cái may. Có lẽ nhờ vậy mà con người mới có thể tồn tại trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.
-Cậu thử nói cái may cậu tìm thấy trong mười năm qua xem nào, tôi hỏi.
-Trước hết, mình có dịp suy gẫm thêm về cuốn tiểu thuyết mình định viết, vì đã viết được hai chương đầu, nhưng điều may mắn này mới là quan trọng hơn cả: trong mười năm qua, mình đã sống giữa những con người vô cùng phong phú và phức tạp, chất liệu sống vàng ròng cho các nhà văn. (P. Quán, sđd, tr. 152-153)
Số “vàng ròng” quí báu này, tiếc thay, Tuân Nguyễn không bao giờ có dịp dùng đến. Ông đột ngột qua đời vì một tai nạn lưu thông. Hà Nhật bùi ngùi kể lại:
“Vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm Tuân rồi đưa Tuân đến nghĩa địa Gò Dưa bên Thủ Đức, cúng ‘mở cửa mả’ cho Tuân, những chuyện ấy dồn dập xảy ra cứ như là không có thật. Buổi chiều ấy, ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe mà lạnh người: “Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này, khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi, sao mà tôi khổ thế?’ thì nhìn vào Tuân Nguyễn, sẽ thấy mình chưa phải là người khổ.”
Có lẽ vì “xót” bạn nên nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã nói hơi quá ra như thế. Chứ những mảnh đời te tua bầm dập, với chung cuộc thê thảm và lãng xẹt cỡ như Tuân Nguyễn – hay chỉ hơn thua chút đỉnh – đâu có nhằm nhò hay hiếm hoi gì, ở Việt Nam. Nơi mà Phùng Quán mô tả là “chín người – mười cuộc đời rạn vỡ. Bị ruồng bỏ, và bị lưu đầy.”
Và những kẻ đã bị lưu đầy, theo lời Nguyễn Chí Thiện, không mấy ai trở lại:
Trại lính, trại tù người đi không ngớt…
Người về thưa thớt, dăm ba!
Nghe mà thấy ghê!
Ông Tuân Nguyễn chỉ là một đại diện tiêu biểu cho hàng chục triệu người “đi không ngớt” vào những “trại lính, trại tù,” và cả chục triệu những “cuộc đời rạn vỡ” khác, ở Việt Nam. Thế thôi! Hy vọng là giáo sư Cao Xuân Hạo đủ bao dung, cho phép kẻ hậu sinh này đổi lại vài chữ trong câu nói… lạnh người của ông, thế này:
“Người Việt sinh ra ở đời để đóng vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi sao dân tộc tôi khổ thế này,’ khi nhìn vào Việt Nam sẽ thấy nỗi khổ của dân tộc mình… cũng chưa đến nỗi nào!”
Khổ như thế, đã đành. Chuyện không đành là ở đất nước này khi đề cập đến những chuyện khốn nạn, tàn ác, bất nhân, vô luân,… đại loại như những chuyện nát lòng đã xẩy ra cho Tuân Nguyễn, thì mọi người bỗng dưng nhỏ giọng, thì thào; nếu không, cũng phải vội vàng rào đón hay che chắn trước sau.
Nghe mà phát mệt!
Thử đọc một đoạn trong bài “Tuân Nguyễn Phận Mỏng Cánh Cò” (của nhà thơ Vũ Từ Trang) trên tờ Việt Báo:
“Giá như anh không va vấp, không gục ngã, thì anh đã thành đạt như bao bạn bè trang lứa mê văn chương chữ nghĩa một thời… Cái chết của anh như một định mệnh. Một tai nạn giao thông với một con người lầm lũi sống và yêu cuộc sống. Một cái chết của một cánh cò trắng đang bay…”
Ủa, chớ ông Tuân Nguyễn “va vấp” vào gì vậy, hả Trời?
Giúp đỡ bạn bè trong cơn hoạn nạn, thẳng thắn trình bầy quan niệm sống của mình trước mọi người là cách hành xử bị coi là “va vấp” và đáng bị bỏ tù sao? Ra tù, với “da mặt vàng úa hơi phù nề và cặp môi nhợt nhạt vì thiếu máu,” lúc phải ở nhờ, lúc thì sống chui rúc trong một căn phòng chỉ rộng bằng… chiếc chiếu. Xin đi làm việc thì bị khước từ vì có “thành tích là một tên phản động.” Vậy mà khi lìa đời thì được ông thi sĩ đồng nghiệp mô tả đó là “cái chết của một con cò trắng đang bay.”
– Đ.M., “bay” kiểu chi mà kỳ cục rứa hè?
Nếu không “đãi bôi” như vậy thì mọi người cũng chỉ dám buồn rầu, khe khẽ thở dài, ái ngại đổ thừa cho “số phận” không may của Tuân Nguyễn mà thôi. Ông Hà Nhật đã nhắc lại điệp khúc “mất mùa vì tại thiên tai” – theo cung cách đó – để kết luận cho bài viết (thuợng dẫn) như sau :
“Tên thật của Tuân Nguyễn là Nguyễn Tuân, ngẫu nhiên mà trùng tên với nhà văn tài hoa bậc nhất nước ta. Có lẽ khi đặt tên cho con, các vị thân sinh của anh không hề nghĩ gì đến chuyện này, vì phải rất lâu sau khi con trai họ ra đời thì Nguyễn Tuân mới có Vang bóng một thời cho người đời ca tụng. Tránh việc trùng tên cho người ta khỏi ngộ nhận, hóa ra Tuân Nguyễn đã tự nhận mình như một sự đảo ngược của số phận: một người thì có đủ thứ vinh quang, một người thì gặp toàn nghiệt ngã.”
Cái được mệnh danh là “đủ thứ vinh quang” này, theo như chính Nguyễn Tuân xác nhận, ông gìn giữ được suốt đời là nhờ biết … sợ! Mà sợ hãi tới cỡ đó, vào thời buổi đó, nghĩ cho cùng, cũng phải giá thôi. Thời phải thế, thế thời phải thế.
Bỉ nhất thời dã.
Thử nhất thời dã.
Hồi đó là một thời. Bây giờ là thời thế khác. Người Việt hôm nay ăn nói và hành xử (đã) khác xưa chăng? Đ.M, không dám khác đâu. Đọc thử poster giới thiệu Hoàng Hưng, cách đây chưa lâu, của một “nhà thơ đương đại” là biết liền chớ gì:
“Tên thật Hoàng Thụy Hưng, con một gia đình trí thức Hà Nội, có thơ đăng báo từ năm 11 tuổi… Mười tám thi đỗ vào Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội… ông đã bỏ học, tình nguyện lên Tây Bắc…Hai mươi ba tuổi, ông về dậy văn cấp ba tại Hải Phòng… Về Hà Nội … Hoàng Hưng rẽ sang một hướng khác: ông không nhìn đời toàn mầu hồng nữa, ông kết bạn với những thành phần ‘phức tạp,’ và đến năm 1982, vì một lý do ‘đáng tiếc,’ ông phải bước vào trại cải tạo.”
Nghe cứ y như thể Hoàng Hưng đang là một thanh niên trí thức, lý tưởng, tràn đầy nhiệt huyết, bỗng đâm ra đổ đốn, giao du toàn với bọn đầu trộm đuôi cướp, rồi đến năm 1982 vì “một lý do đáng tiếc” không tiện nói (kiểu như móc túi hay giựt đồ và bị bắt gặp quả tang) ông phải bước vào trại cải tạo vậy!
Cái được mô tả là “thành phần phức tạp,” và “lý do đáng tiếc” – khiến Hoàng Hưng phải vào tù – được chính ông tường thuật như sau, qua RFA:
“Cái lý do trực tiếp của nó là khi tôi cầm trong tay bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm vào năm 1982 khi tôi từ Thành Phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, nhà thơ Hoàng Cầm có tặng tôi bản thảo chép tay Về Kinh Bắc…Tôi không nghĩ là nó có vấn đề gì nhưng không ngờ họ lại bắt tôi và họ bảo tôi lưu truyền văn hóa phẩm phản động…”
Chữ “họ” trong đoạn văn thượng dẫn là một đại danh tự, dùng để chỉ (hay ám chỉ) cái tập đoàn cộng sản – những kẻ đã hành xử quyền lực một cách bất nhân và bạo ngược hơn nửa thế kỷ qua – ở Việt Nam.
Bao giờ mà người dân Việt còn “kiêng,” chưa chỉ thẳng vào mặt, và đặt thẳng tên cho chúng nó, rõ ràng như vậy, thì “họ” vẫn tưởng mình là những người của “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm,” và vẫn còn có thể tiếp tục tác yêu tác quái, trên đầu muôn dân trăm họ.