Ôi Mardi Gras!

Minh họa: Marc Vandecasteele/Unsplash
Share:

Thành phố New Orleans vốn là niềm tự hào của miền Nam nước Mỹ vì nơi đây chính là nơi giao thoa của các nền văn hóa Pháp, Tây Ban Nha, Anh và châu Phi để tạo nên một thứ văn hóa rất riêng – văn hóa Cajun-Creole. Để có thể khám phá và tận hưởng những đặc trưng văn hóa của New Orleans, không có địa điểm nào tuyệt vời hơn là Canal Boulevard, đại lộ chính cắt ngang con đường ăn chơi nổi tiếng nhất của thành phố, Bourbon Street. Và nếu bạn đến với Canal Boulevard hoặc Bourbon Street vào Tháng Ba, mùa lễ hội Mardi Gras, thì bạn có thể tự hào mà nói rằng tôi thực sự đã đến New Orleans.

Minh họa: Chalo Garcia/Unsplash

Ngày thường Canal Boulevard của khu French Quarters đã náo nhiệt và nhiều màu sắc, tới gần mùa lễ hội Mardi Gras, khu vực này lại càng tưng bừng hơn. Mardi Gras trong tiếng Pháp có nghĩa là ngày Thứ Ba béo, là dịp người Công giáo ở đây tổ chức ăn chơi thả cửa trước khi vào tuần chay của Lễ Phục Sinh vì từ Lễ Tro (Ash Wednesday) trở đi, họ phải chay tịnh kiêng khem và không được uống rượu bia cho đến lễ Phục Sinh (Easter Day).

Vốn từng là thuộc địa của Pháp và Tây Ban Nha, New Orleans và cả tiểu bang Louisiana có số người theo Công giáo La Mã vượt trội so với những người theo đạo Tin Lành. Chính vì vậy Mardi Gras ở đây thường được tổ chức rất lớn, thậm chí là lớn hơn cả Giáng Sinh hoặc năm mới. Thật vậy, trong suốt những năm ở Louisiana, tôi thấy người Mỹ ở đây rất coi trọng Mardi Gras và Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn) chứ không đi chơi Noel hay Tết Tây như ở Việt Nam.

Lễ hội Mardi Gras thường rơi vào trung tuần Tháng Hai hoặc đầu tuần Tháng Ba Dương lịch, có những dịp chỉ cách Tết Âm Lịch Việt Nam vài ngày. Đối với người dân New Orleans, Mardi Gras là một dịp lễ hội truyền thống đặc trưng với những buổi diễn hành xe hoa rực rỡ trên các con phố trung tâm thành phố New Orleans. Đến với New Orleans vào dịp lễ Mardi Gras, bạn sẽ có cảm tưởng mình đang tham gia vũ hội hóa trang Carnival ở Brazil hay Tây Ban Nha với đường phố ken đặc người là người.

Từ sáng tới tối, tất cả những con phố của khu French Quarters không có lấy một phút yên tĩnh vì lượng du khách đổ về càng lúc càng đông, nhất là vào buổi tối. Con đường Bourbon, con đường ăn chơi nổi tiếng của New Orleans, là nơi tập trung cuối cùng của những kẻ đi chơi lễ. Mùi rượu bia, mùi thuốc lá, mùi nước hoa và mùi mồ hôi người quyện lại với nhau tạo thành một thứ mùi hỗn độn rất… trác táng. Có lần tôi nói với thằng bạn Mỹ rằng mình không thích cái mùi hỗn tạp của Bourbon Street, nó nhăn răng cười bảo: “You know what, it smells like teen spirit!” Có lẽ tôi không còn teen để cảm nhận được thứ tinh thần ăn chơi đó chăng?

Minh họa: Marc Vandecasteele/Unsplash

Điểm nhấn Mardi Gras là những cuộc diễn hành bằng xe hoa được trang trí hết sức công phu trên các tuyến đường chính trong thành phố, với sự hộ tống của những nhóm marching band chơi nhạc jazz sôi động. Từ xa, những đoàn xe hoa diễn hành này nhìn giống những đoàn xe lân sư rồng chạy khắp các nẻo đường Chợ Lớn trong dịp Tết Nguyên Đán ở Sài Gòn vậy. Nếu xe hoa diễn hành được trang trí thật bắt mắt thì những người ngồi trên xe hoa hoặc tháp tùng theo xe cũng phải ăn mặc và hóa trang thật đẹp cho xứng với xe.

Những người tham gia diễn hành có thể hóa trang thành bất cứ gì họ muốn, sang chảnh cũng được, lố lăng cũng được, kín cổng cao tường hay sexy hết nấc đều được cả nhưng không được hóa trang thành ma quỷ như Halloween. Những người chịu chơi và có tiền thì đầu tư những trang phục đắt tiền kiểu quý tộc Pháp thời Vua Louis XVI hoặc những nhân vật thần thoại… nhưng hầu như ai cũng đeo một chiếc mặt nạ khiêu vũ nửa mặt có gắn lông vũ nhuộm màu sắc sặc sỡ.

Trong lễ hội Mardi Gras còn có một loại mặt nạ nữa là mặt nạ chú hề, gần giống hình nhân vật Joker trong bộ bài tây đội chiếc mũ ba sừng màu xanh lá cây, vàng và tím, ba màu sắc biểu tượng của Mardi Gras. Tuy nhiên, mặt nạ này thường được làm với kích cỡ rất lớn để treo ở đầu những chiếc xe hoa đi diễn hành hoặc ngoài cửa các nhà hàng hay cửa hiệu như một biểu tượng của dịp lễ hội này.

Ngồi trên xe hoa, những người tham gia lễ hóa trang sẽ tung những xâu chuỗi đủ màu sắc bằng nhựa xuống cho những người xem lễ hai bên đường đang chen chúc nhau để vẫy chào đoàn diễn hành và đón bắt những xâu chuỗi nhựa màu, như nhận lấy sự may mắn. Những xâu chuỗi nhựa đủ màu này tượng trưng cho sự phồn vinh và thịnh vượng là một đặc trưng của Mardi Gras, nên dù không có giá trị gì về mặt vật chất vẫn được người đi xem lễ tranh nhau giành giật.

Minh họa: Filiberto Santillán/Unsplash

Có người trên cổ và hai cánh tay đã trĩu nặng những vòng chuỗi như thế vẫn nhào lên trước để giật thêm. Cảnh tượng giành những xâu chuỗi hạt này không khác cảnh giật cô hồn Tháng Bảy ở Việt Nam là bao. Thật ra con người ở đâu cũng có những thuộc tính tâm lý giống nhau. Có những hành động hết sức ngớ ngẩn thậm chí là nguy hiểm, nếu bình thường thì chắc sẽ không ai làm. Nhưng nếu trong một trường hợp đặc biệt như các lễ hội chẳng hạn và nhất là khi có nhiều người cùng làm. Thật vậy nếu vào một ngày bình thường nào đó và bạn chỉ có một mình, chắc gì bạn đã đứng đấy để đón lấy những xâu chuỗi nhựa rẻ tiền một người xa lạ ném cho bạn một cách hồ hởi phấn khởi như thế. Nhưng Mardi Gras thì khác.

Theo tôi biết, một số tiểu bang khác ở Mỹ như Texas hay Georgia cũng tổ chức lễ diễn hành Mardi Gras tuy nhiên chỉ có Mardi Gras ở New Orleans mới có một tục lệ khiến nhiều du khách lần đầu tiên chứng kiến phải giật mình về sự táo bạo của nó: Khoe ngực để nhận những xâu chuỗi. Thường các cô gái trẻ (và không thiếu các bà trung niên) đứng trước ban công của một quán café hay nhà hàng nào đó; bên dưới là đám đông các chàng trai reo hò phấn khích, tay thì dứ dứ những nắm xâu chuỗi hạt.

Mỗi lần các cô gái ở trên cuộn chiếc T-shirt mỏng tang ướt đẫm bia và mồ hôi lên để lộ toàn bộ bộ ngực trần, các chàng trai bên dưới lại ném lên một mớ chuỗi hạt để thưởng cho họ. Thôi thì đủ thứ chanh, cam, dưa, cà, mướp… Càng được thưởng nhiều chuỗi hạt, các cô các bà lại càng khoe bạo (chỉ cần vào google image gõ từ khóa “Mardi Gras boob flashing” bạn sẽ hiểu tôi đang nói gì). Có người cởi hẳn cả áo, mình trần như thế, chạy xuống đám đông và dúi đầu các chàng trai vào bầu ngực mình. Nói thật lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng này, tôi thật sự bị shock đến mức không nói nên lời.

Những mùa Mardi Gras sau, tuy không quá ngạc nhiên như lần đầu tiên, tôi cũng chưa bao giờ dám đứng trong đám trai ném chuỗi hạt để “nhận thưởng” từ các cô gái chịu chơi. Không phải là vì tôi quá ngoan hiền nhưng thật lòng tôi chưa bao giờ thích hay ủng hộ những trò quá khích để thể hiện bản thân. Và nói thật, tôi cảm thấy điều này không “vệ sinh” cho lắm.

Nói về ẩm thực Mardi Gras, ngoài những món truyền thống của New Orleans như crawfish, gumbo, jambalaya và dĩ nhiên… rất nhiều bia, thì món ăn đặc trưng của lễ hội này là King Cake, món bánh tương truyền là một trong những món quà mà ba vị vua đã mang đến hang đá Bethlehem để tặng cho Chúa Jesus đêm Giáng Sinh. King Cake là một loại bánh vừa giống bánh ngàn lớp vừa giống bánh mì to và dài đến vài mét, bề mặt có phủ một lớp đường cát nhuộm màu tím, xanh, vàng cùng một lớp bột quế, còn phía trong có nhân mứt trái cây. Canteen trường tôi học đến mùa Mardi Gras lại làm một ổ King Cake thật dài đặt trong sảnh, ai muốn cắt ăn bao nhiêu thì cắt.

Sau lễ diễn hành, King Cake sẽ được cắt ra thành từng lát phát cho mọi người thưởng thức. Khi nhào bột, người làm bánh lén giấu một đồng xu nhỏ vào bột, ai nhận được lát bánh có đồng xu coi như may mắn cả năm. Các buổi diễn hành Mardi Gras ở New Orleans thường dẫn đến quảng trường thành phố nơi một chiếc bánh King Cake thật dài được bày trên bàn và được cắt chia cho những người dự lễ hội.

Một phiên bản khác của King Cake, thường được làm ở nhà cho gia đình hoặc bạn bè là loại bánh mà bên trong thay vì có một đồng xu thì lại có một hình búp bê em bé bằng nhựa nhỏ bằng ngón tay út. Ai nhận được phần bánh có búp bê nhựa này sẽ phải mở tiệc tại nhà mời những người có mặt trong buổi chia bánh đến dự hoặc phải tự tay làm một cái bánh King Cake khác và chia cho mọi người.

Cũng như bao lễ hội náo nhiệt khác trên khắp thế giới, những buổi diễn hành Mardi Gras sau khi kết thúc để lại những con đường ngập rác và đầy mùi xú uế của bia, nước tiểu, thức ăn thừa và những đống nôn. Những vụ ẩu đả do say xỉn tranh giành và những vụ móc túi giật đồ trên đường phố cũng không hề hiếm. Du khách đến New Orleans để dự Mardi Gras luôn được cảnh báo về an ninh đặc biệt nhưng ít ai chịu quan tâm một khi đã đắm mình vào không khí lễ hội sôi động ở đây. Ôi, Mardi Gras!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: