Vụ đấu giá ba mỏ cát có ‘giá trên trời’ gần 1,700 tỉ!

Một mỏ cát đang khai thác tại Hà Nội – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tin liên quan:

Giá trúng thầu ba mỏ cát quá cao, nên âm mưu lũng đoạn thị trường cát bị lộ?

Trước yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc kiểm tra lại các yếu tố bất thường trong kết quả trúng thầu ba mỏ cát trên, ông Nguyễn Anh Quân – phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội – cho biết doanh nghiệp phải có lý do khi trả giá cao như vậy. Còn lý do gì thì ông không biết. Ông nói với báo chí:

“Bây giờ xã hội phong phú lắm, nên doanh nghiệp họ có thể có nhiều lý do khi trả giá cao như vậy. Tại sao người ta trả cao, nói thật là chúng tôi không kiểm soát được, đấy là quyền của nhà đầu tư, việc này không vi phạm pháp luật, nên sở không có quyền điều chỉnh”.

Nếu dựa vào lời giải thích như chưa từng giải thích của ông Quân, người ta có thể suy luận rằng doanh nghiệp trả giá cao gấp trăm lần giá khởi điểm là do trữ lượng cát được định không chính xác. Cũng có thể đây là âm mưu lũng đoạn thị trường cát.

Ông Quân bác bỏ điều này. Ông cho biết TP. Hà Nội đã xây dựng một đề án thẩm định trữ lượng cát.

Khi xây dựng xong đề án đánh giá trữ lượng, Hà Nội sẽ có một hội đồng thẩm định gồm rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia… để thẩm định. Sau đó, khi có kết quả thẩm định trữ lượng, hội đồng sẽ báo cáo lên TP.

Tiếp đến, Hà Nội sẽ họp liên ngành để giám sát, đánh giá kết quả của hội đồng có chính xác trữ lượng lớn hay không. Nếu không có gì bất thường, UBND TP. Hà Nội sẽ phê duyệt kết quả trữ lượng mà hội đồng đã thẩm định.

Từ kết quả trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ lấy căn cứ để tiến hành đấu giá.

Được biết, ba mỏ cát trên đã được thẩm định trữ lượng để đấu giá từ năm 2019, nhưng vì dịch COVID-19 nên nay mới tiến hành đấu giá.

Hà Nội lấy trữ lượng đã đánh giá từ năm 2019 để đánh giá là bởi “theo quy định về quy hoạch khoáng sản thì 10 năm không phải thẩm định lại trữ lượng, vẫn sử dụng con số đó”.

Ông Quân nói chỉ “bằng mắt thường” thôi, cũng không thấy trữ lượng cát thay đổi so với thời điểm đánh giá năm 2019, nên ông khẳng định không có cơ sở để nói việc giấu trữ lượng. Còn tại sao doanh nghiệp họ trả giá cao, “đúng là không thể lý giải được” – ông Quân nói.

Một mỏ cát ven sông Hồng – Ảnh: Tuổi Trẻ

Đề cập đến âm mưu lũng đoạn thị trường cát, ông Quân khẳng định sự việc ba mỏ cát vừa qua trúng đấu giá gần 1.700 tỷ sẽ không ảnh hưởng tới giá cát cũng như giá vật liệu trên thị trường. Bởi doanh nghiệp không thể “tự thổi giá, tự định giá cho thị trường”.

Về yêu cầu báo cáo của Thủ tướng, ông cho biết sẽ báo cáo với Thủ tướng việc trúng đấu giá các mỏ cát cao ngất ngưởng sẽ không phải là yếu tố ảnh hưởng tới giá vật liệu. Tuy nhiên, ông nói sở cũng không đánh giá được hiện tượng “trả giá cao” như trên nhằm mục đích gì.

“Chúng tôi đã yêu cầu rà soát lại, dù lúc làm đã chặt rồi, nhưng giờ rà soát lại toàn bộ theo yêu cầu, đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy hổng ở chỗ nào cả”.

Câu trả lời của lãnh đạo Sở TN&MT TP. Hà Nội khiến dư luận phải nhìn lại khả năng quản lý tài nguyên của họ. Ông Nghiêm Xuân Định, ngụ tại Hà Nội viết trên Facebook:

“Với một nghi vấn lớn như thế, ngay cả chính phủ cũng bàng hoàng trước việc ‘bỏ giá như phá’ của ba doanh nghiệp trên mà ông Quân trả lời ‘chưa thấy lỗ hổng nào cả’ thì theo tôi, ông nên từ chức. Tôi nghĩ chắc chắn doanh nghiệp trúng thầu sẽ bỏ cọc, vì với trữ lượng cát như công bố, họ không thể bán cát với giá trúng thầu mà huề vốn được, chứ đừng nói bán có lời. Rõ ràng ở đây có một âm mưu nào đó”.

Thực tế trong quá khứ, đã có việc doanh nghiệp tham gia đấu giá rồi bỏ cọc. Cụ thể, cuối năm 2022, đầu năm 2023 Quảng Ngãi đưa ra đấu giá 12 mỏ cát. Mức giá trúng thầu được đẩy lên cao ngút để trúng thầu nhưng sau đó doanh nghiệp trả mỏ, bỏ cọc.

Liên quan đến buổi đấu giá ba mỏ cát nêu trên, giám đốc một doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) cho phóng viên báo Dân Việt biết đã phải “choáng váng” với mức trúng đấu giá của đối thủ. Ông nói:

“Gía trúng thầu tính cách nào thì tương lai thua lỗ vẫn rõ rệt. Giá cát hiện nay là 85,000 đồng/m3, chưa bao gồm thuế, chẳng hiểu sao họ lại đấu cao như vậy. Đến giờ tôi vẫn không hiểu vấn đề là gì? Chúng tôi không nhận ra thì không sao, còn người quản lý tài nguyên mà không nhận ra thì quản lý kiểu gì?”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: