Một tranh tường tại Tel Aviv ám chỉ Hamas kết hợp với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) để nhắm vào Israel nhưng theo một số nhà quân sự thì điều này khó có thể khả năng xảy ra (ảnh: Amir Levy/Getty Images)

Liệu có thể xảy ra “thánh chiến” toàn cầu?

Share:

Loạt nhóm Hồi giáo cực đoan đang trồi dậy với những tuyên bố tiêu diệt Mỹ và Do Thái. Chiến dịch kéo dài của Israel ở Gaza có thể làm mồi lửa cháy bùng thêm cảm giác phẫn uất của người Hồi giáo nhưng khả năng các tổ chức thánh chiến Hồi giáo đứng chung trên mặt trận với Hamas là chuyện khác…

Không có gì ngạc nhiên khi al-Qaeda hoan nghênh cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười của Hamas nhằm vào Israel và coi chiến dịch này nằm trong khuôn khổ cuộc thánh chiến toàn cầu chống lại Mỹ-Do Thái. Toàn bộ các chi nhánh khu vực của al-Qaeda – ở Ấn Độ, Bắc Phi, Sahel, Somalia, Syria và Yemen – đều vỗ tay hoan hô Hamas.

Ngày 15 Tháng Mười, lãnh đạo cấp cao của al-Qaeda đưa ra một tuyên bố chính thức, ca ngợi cuộc tấn công của Hamas và kêu gọi hỗ trợ cuộc chiến, bằng cách mở các mặt trận mới dọc biên giới Israel và đưa các chiến binh vào Gaza từ Jordan cùng nhiều nơi khác để nhắm vào người Israel “ở bất cứ nơi nào có thể”.

Đặc biệt, al-Qaeda kêu gọi người Hồi giáo “nhắm vào những ai theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái” mà họ thấy ở Abu Dhabi và Dubai tại Các Tiểu vương quốc Thống nhất, ở Marrakesh và Rabat tại Maroc, ở Jeddah và Riyadh tại Ả Rập Saudi, và ở Manama tại Bahrain – những quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel trong khuôn khổ Hiệp định Abraham năm 2020.

Dù vậy, theo phân tích của Cole Bunzel thuộc Viện Hoover (Stanford University), các tổ chức Hồi giáo cực đoan khó có thể qui tụ và đoàn kết lại để mở một mặt trận diện rộng đánh Israel và Mỹ. Một trong những lý do chính là các nhóm Hồi giáo thật ra không ưa Hamas và họ thậm chí mâu thuẫn nhau một cách sâu sắc về mặt ý thức hệ.

Sau nhiều năm chống Mỹ điên cuồng, các nhóm Hồi giáo cực đoan bây giờ đã thay đổi. Mối bận tâm chính của phong trào thánh chiến toàn cầu là chống lại những kẻ thống trị “bỏ đạo” ở Trung Đông và thành phần nào ủng hộ điều này. Một số mục tiêu chính là chế độ của Mohammed bin Salman ở Ả Rập Saudi, Abdel Fattah el-Sisi ở Ai Cập, và Bashar al-Assad ở Syria…

Những người ủng hộ Hamas nhiều nhất trên toàn cầu giờ đây không phải là IS hay al-Qaeda mà chính là người dân tại nhiều nước dân chủ phương Tây. Trong ảnh là một cuộc biểu tình của người Hà Lan tại Rotterdam ngày 22 Tháng Mười 2023, lên án Israel và ủng hộ cuồng nhiệt Palestine (ảnh: Romy Arroyo Fernandez/NurPhoto via Getty Images)

Các nhóm liên kết với IS hoặc al-Qaeda chưa bao giờ hoạt động mạnh trong phạm vi lãnh thổ Palestine, mặc dù vấn đề Palestine nổi bật trong các cuộc thảo luận về thánh chiến.

Hamas được thành lập năm 1987 với tư cách là một nhánh người Palestine của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood), một tổ chức chính trị hoạt động không ăn rơ với phong trào thánh chiến. Năm 2006, Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine, sau đó thành lập một chính quyền cùng làm việc với đảng Fatah thuộc Tổ chức Giải phóng Palestine (PLA).

Giới lãnh đạo Al-Qaeda đã lập tức lên án gay gắt vụ việc, cho rằng Hamas đi sai với nguyên tắc của Hồi giáo, vì mục tiêu thánh chiến là “Hồi giáo giáo” toàn bộ Trung Đông chứ không phải dính vào con đường chính trị thế tục. Bin Laden cảnh báo Hamas về bản chất đa thần của nền dân chủ.

Trong một bài phát biểu năm 2007, Bin Laden thậm chí đi xa hơn khi nói rằng, bằng hành động ủng hộ chính quyền Palestine và qua đó thừa nhận các “thỏa thuận” công nhận quyền tồn tại của Israel (ám chỉ các hiệp định Oslo),  giới lãnh đạo Hamas đã mặc nhiên “từ bỏ tôn giáo của họ”.

Những năm sau đó, al-Qaeda tiếp tục chỉ trích Hamas vì không thực thi luật Hồi giáo ở Gaza, trong khi lại xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với chế độ Iran theo dòng Shiite ở Iran và thậm chí đàn áp các nhóm thánh chiến địa phương ở Gaza, như Jund Ansar Allah và Jaysh al-Umma.

Với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), quan hệ giữa họ với Hamas thậm chí căng thẳng hơn. IS thường xuyên lên án Hamas. Một bài xã luận năm 2016 trên bản tin hàng tuần tiếng Ả Rập của IS, al-Naba, đã khiển trách “phong trào bội giáo Hamas” vì thực hành “chủ nghĩa đa thần của nền chính trị dân chủ” và không áp dụng luật Hồi giáo sharia. Bài xã luận nói rõ rằng điều cần ưu tiên, cả về mặt chiến lược và thần học, là chống lại những chế độ “phản Hồi giáo” của các nước Ả Rập, chứ không phải đánh đấm với Israel.

Một số tổ chức tiền thân của IS, trong đó có Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh một thời của al-Qaeda ở Iraq, nói rằng việc chinh phục Jerusalem – tức hủy diệt Nhà nước Israel – là một chặng đường xa vời, thuộc về tương lai của giai đoạn thánh chiến. Trong một bài giảng, Zarqawi nhắc rằng, như chiến binh Hồi giáo vĩ đại thời Trung cổ Saladin, người đã tiêu diệt Đế chế Fatimid ở Ai Cập trước khi ông chiếm lại Jerusalem từ tay quân Thập tự chinh năm 1187, việc muốn đến được Jerusalem ngày nay trước tiên đòi hỏi phải chiến đấu với “những kẻ bội giáo” hợp tác với Cơ đốc giáo và Do Thái giáo.

Do vậy, bộ máy truyền thông IS luôn miễn cưỡng đề cập đến tình hình ở các vùng lãnh thổ Palestine và thậm chí nói thẳng rằng họ không muốn dính đến cuộc chiến giành đất đai giữa Israel và Palestine. IS cũng không quan tâm cái gọi là “chính nghĩa” của người Palestine.

IS cho rằng các tác nhân chính trị đã biến cuộc xung đột Palestine-Israel trở thành “vấn đề của Hồi giáo” và điều này là không đúng, vì không có vùng đất nào được đặt lên trên bất kỳ vùng đất nào khác về mức độ ưu tiên của thánh chiến. Nói cách khác, thánh chiến là hoằng dương Hồi giáo tại khu vực hoặc thậm chí toàn cầu, còn tranh giành đất đai là chuyện của thế tục tầm thường.

Mãi đến ngày 19 Tháng Mười, IS mới đề cập đến vụ tấn công 7 Tháng Mười của Hamas trong một bài xã luận trên al-Naba nhưng viết với giọng chỉ trích và lên án Hamas, khi nói rằng việc Hamas đổ máu “dưới ngọn cờ của trục Iran” là hành động ngu xuẩn điên rồ.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) với chủ trương thánh chiến khác hoàn toàn với con đường chính trị của Hamas (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Tuy nhiên, cục diện Trung Đông có thể ít nhiều thay đổi quan điểm của Hồi giáo cực đoan nói chung, ít nhất đối với một số cá nhân ủng hộ mô hình thánh chiến của IS. Ngày 13 Tháng Mười, một người nhập cư Chechnya trung thành với đường lối IS đã dùng dao sát hại một giáo viên ở Pháp.

Ngày 16 Tháng Mười, một người nhập cư Tunisia đã bắn chết hai công dân Thụy Điển bên ngoài một trận bóng đá ở Bỉ, nhằm trả thù vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển và vụ em bé người Mỹ gốc Palestine Wadea Al Fayoume 6 tuổi ở Chicago bị Joseph M. Czuba, 71 tuổi đâm 26 nhát ngày 14 Tháng Mười.

Nói cách khác, cuộc chiến ở Gaza có thể kích động những cá nhân có cảm tình với thánh chiến, dẫn đến những hành động bạo lực tồi tệ, nhưng, ở thời điểm này, ít có khả năng cuộc chiến Israel-Hamas tiếp thêm sinh lực cho phong trào thánh chiến toàn cầu. IS vẫn đang bị tấn công và nhiều thành viên của họ bị nhốt tù ở Syria. Tốc độ các cuộc quậy phá của IS ở Syria và Iraq đã chậm lại đáng kể. Sự hiện diện chính của IS ngày nay là ở châu Phi cận Sahara và Afghanistan, chứ không phải Trung Đông. Al-Qaeda cũng chỉ có mặt cầm chừng ở các vị trí cũ trong khu vực Trung Đông dù họ có một chi nhánh hoạt động khá tích cực ở Yemen.

Các nhóm Hồi giáo cực đoan, do vậy, có thể háo hức quan sát cuộc chiến mới giữa Israel và Hamas nhưng IS chưa bao giờ ủng hộ chính nghĩa của người Palestine và cũng không ủng hộ Hamas nên khả năng IS tiếp máu cho Hamas là điều khó có khả năng xảy ra.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: