Đô thị Việt Nam đương đại: “Vẽ” nhiều mà không dùng được

KTS Ngô Viết Nam Sơn, tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ngành quy hoạch – kiến trúc ở Mỹ, từng thực hiện nhiều dự án kiến trúc ở Mỹ, Canada và Trung Quốc – Ảnh: Minh Anh

Khi đọc cuốn sách đầu tiên mới phát hành của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn mang tựa đề “Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện quy hoạch-kiến trúc”, tôi chỉ biết thốt lên: “Đúng là bụt chùa nhà không thiêng!”.

Nếu những điều ông viết trong cuốn sách được thực thi thì bộ mặt đô thị ở Việt Nam đã khác.

Đến đường sách Nguyễn Văn Bình ngày Chủ Nhật 12 Tháng Mười Một, tôi tình cờ được lắng nghe đoạn cuối của buổi giới thiệu sách “Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện quy hoạch-kiến trúc” của kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn.

Lắng nghe ông có sự hiện diện của nhiều thế hệ độc giả Sài Gòn, từ trẻ đến già. Họ đều có giấc mơ về hình thái đô thị bền vững (City Design) mà ông phác họa trên nền tảng 10 yếu tố văn hóa sẽ thành hiện thực.

Hình thái đô thị bền vững ấy, tiếc thay, không có ở Sài Gòn, cũng không có ở Bình Dương, hai đô thị phát triển bậc nhất ở miền Nam.

Cuốn sách đầu tiên ký tên tác giả là KTS Ngô Viết Nam Sơn, do Phan Book phát hành, bán với giá bìa 350,000 đồng ($14.49) – Ảnh: Minh Anh

 Bình Dương: “Đô thị ma”

Trong câu trả lời cuối cùng của ông mà tôi nghe được, ông đang nói về những “đô thị ma”, xây những nhà to, nhà sang thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào, nhưng rồi cuối cùng không ai ở như Bình Dương – một tỉnh phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, có nhiều khu công nghiệp với rất nhiều doanh nghiệp, nơi tập trung số lượng công nhân nhập cư đông nhất miền Nam.

Vì sao những ngôi nhà sang, nhà to đó ở Bình Dương không ai ở? Dân giàu chỉ mua để đầu tư cho thuê chứ không ở và đã đầu tư sai chỗ. Với hình thái là một thành phố công nghiệp, dân giàu đâu có thích ở Bình Dương? Ngay như nhiều doanh nhân, ban ngày đến Bình Dương làm việc, nhưng ban đêm về Sài Gòn ngủ.

Còn dân làm việc tại Bình Dương có nhu cầu về chỗ ở là công nhân thì không bao giờ có đủ tiền thuê những ngôi nhà to đó. Họ chỉ cần những phòng trọ 10-15m2, giá thuê trên dưới 1 triệu đồng, càng rẻ càng tốt.

“Sống ở đâu, làm việc ở đó”, sống ở đâu thì lương của mình phải đủ khả năng trả chi phí sống ở đó – KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh. Mô hình “đô thị ma” của Bình Dương chỉ chấm dứt khi những căn hộ sang đó kín người ở, với điều kiện ngay trung tâm Bình Dương, những người lao động có mức lương 20 -30 triệu đồng/tháng.

Trong sách, trang 96, KTS Ngô Viết Nam Sơn viết: “Chúng ta nên cẩn trọng để tránh nguy cơ “đô thị ma” đã và đang xảy ra ở nhiều khu đô thị mới trên toàn quốc, điển hình là Thành Phố Mới Bình Dương, do phát triển địa ốc chỉ lo “an cư” (nhà cửa và hạ tầng cao cấp” nhưng lại không lo được “lạc nghiệp” (việc làm) phù hợp cho người dân”.

“Đô thị ma” vì kiểu cách xây dựng tham lam, nhắm vào “người giàu” ở đâu đó mà vượt xa mong muốn của cư dân tại chỗ. Có thể thấy nhiều thành phố của Việt Nam chỉ giỏi tăng cường mật độ xây dựng, thậm chí đổ đất lấn vịnh Hạ Long hoặc Phú Quốc để xây biệt thự, khách sạn… mà không dự trù được tương lai ai rồi sẽ đến đó ở. Hệ quả là không ai đến ở như Meyhomes Capital và Sun Grand City New An Thoi (Phú Quốc).

Bài học “đô thị ma” ở Trung Quốc nhãn tiền, nhưng không ai thèm học.

KTS Ngô Viết Nam Sơn trong buổi giới thiệu cuốn sách đầu tiên tại đường sách Nguyễn Văn Bình sáng 12 Tháng Mười Một 2023 – Ảnh: Minh Anh

Sài Gòn: “Vẽ” nhiều, chưa chắc đã dùng được

Sài Gòn đang “vẽ” ra rất nhiều dự án đồ sộ trong tương lai, lớn nhất là đô thị lấn biển Cần Giờ, đô thị Thủ Thiêm, nhà hát lớn Thủ Thiêm. Nói về Cần Giờ, KTS Sơn nêu rõ ưu khuyết điểm của từng kịch bản phát triển vùng đất này và nhấn mạnh: “Ngày nay chúng ta cần nhìn định hướng tiến ra biển với một tầm nhìn trăm năm, và cần tham khảo các ý kiến đa ngành và đa chiều, để đánh giá và đưa ra quyết định sáng suốt, dựa trên luận cứ khoa học”.

Đối với kịch bản số 2 đang được chính quyền Thành Hồ đặt nhiều hy vọng là biến Cần Giờ thành một đô thị biển, có cảng biển trung tâm, ông cảnh báo: Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ bị tổn hại vì bị thu hẹp diện tích sẽ không còn là “lá chắn” lý tưởng về khí hậu cho Sài Gòn; tỷ lệ bê tông hóa vùng đất thấp ngập nước và mức khai thác nước ngầm gia tăng làm tăng ngập lụt và xâm nhập mặn sâu hơn vào đất liền.

Bên cạnh đó, trong khi các con sông đều bị sạt lở vì khai thác cát quá độ thì số lượng lớn đất cát để lấn biển và tôn nền đô thị biển sẽ lấy ở đâu; việc tập trung mật độ dân số cao ở vùng đất thấp tạo nên gánh nặng cho hạ tầng trong tương lai; bãi biển Cần  Giờ phẩm chất kém, cát lẫn nhiều bùn đất… không thể trở thành bãi tắm du lịch lý tưởng như kỳ vọng.

Và còn rất nhiều băn khoăn khác mà ông đặt ra như vị trí Cần Giờ không thích hợp để xây dựng cảng biển trung tâm của Sài Gòn; xây khu đô thị ở Cần Giờ rồi ai ra đó ở, liệu có trở thành “đô thị ma” như Bình Dương?

Quầy trưng bày và bán cuốn sách “Nhận diện đô thị Việt Nam: Câu chuyện quy hoạch – kiến trúc” của KTS Ngô Viết Nam Sơn tại đường sách Nguyễn Văn Bình – Ảnh: Minh Anh

Về nhà hát Thủ Thiêm “ngàn tỷ”, ông bác luôn: Một nhà hát nhạc giao hưởng tồn tại đơn lẻ sẽ không đáp ứng được đời sống tinh thần cho dân Sài Gòn. Thêm nữa, nếu đi xe sang, mặc đồ vest sang trọng đi nghe nhạc giao hưởng mà bị kẹt xe rồi phải lội trong nước ngập thì… sẽ rất lạc lõng!

KTS Sơn khẳng định: Nhà hát nhạc giao hưởng chỉ nên được xây khi chính quyền giải quyết xong những nhu cầu cơ bản và cấp bách của người dân như kẹt xe, ngập nước, an ninh an toàn…

Ở một góc nhìn khác, KTS Sơn còn nhận định mô hình “thành phố trong thành phố” như Thủ Đức với Sài Gòn là chưa ổn, vì Thủ Đức thực chất hiện chỉ như một quận lớn, chứ chưa phải là thành phố (TP). Lập ra TP.Thủ Đức nhưng trong thành phố này lại không có quận, còn quyền hành của ông chủ tịch TP.Thủ Đức chỉ ngang ông chủ tịch quận… thì rất yếu, không tương xứng với trách nhiệm.

Còn đô thị Thủ Thiêm thì sao? Nếu Thượng Hải thành công với Phố Đông (kiến trúc hiện đại) và nối được với Phố Tây (nhiều kiến trúc có bề dày lịch sử, lâu đời) thì Sài Gòn đang phá hủy nhiều kiến trúc có bề dày lịch sử và nhiều cây xanh ở trung tâm quận Nhứt, thay thế bằng những công trình cao ốc vô hồn như thay Eden bằng Union Square, thay Ba Son – nơi đáng ra có vị trí đẹp để xây dựng một nhà hát giao hưởng, bằng các tòa cao ốc chung cư và biệt thự dành cho nhà giàu.

Gần 20 năm sau ngày giải tỏa trắng cư dân lâu đời sinh sống ở Thủ Thiêm, khu đô thị này mãi vẫn chưa hình thành và vẫn chưa thể kết nối sang quận Nhứt từ phía bờ sông Sài Gòn, giống như Phố Đông và Phố Tây của Thượng Hải.

Độc giả đến nghe buổi giới thiệu sách của KTS Ngô Viết Nam Sơn có nhiều lứa tuổi khác nhau, từ trẻ đến già, họ cũng khát khao được sống trong đô thị bền vững xây dựng vì con người – Ảnh: Minh Anh

Đà Lạt: Bê tông hóa một thành phố nghỉ dưỡng

Đà Lạt nằm trong số những thành phố du lịch tuyệt đẹp bị các nhà quy hoạch đô thị Việt Nam phá hỏng, như vịnh Hạ Long, như Sapa. Nhưng với Đà Lạt, KTS Sơn có cảm tình đặc biệt vì đó là quê nhà của ông bà ngoại và mẹ của ông. Đó còn là nơi cha ông  – một sinh viên từ Huế vào Đà Lạt học kiến trúc rồi gặp gỡ và nên duyên với mẹ của ông.

Với góc nhìn của một người yêu Đà Lạt, quê nhà thứ hai của ông sau Huế, KTS Sơn cảm thấy đau lòng trước hình ảnh khu trung tâm Đà Lạt bị bê tông hóa. Ông viết: “Một trong những điều làm tôi lo lắng là dự án quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt sẽ biến cô gái má hồng e thẹn thành cô gái thành thị lạnh lùng” (trang 178).

Theo ông, khu trung tâm Đà Lạt không cần các dự án bất động sản lớn như khách sạn cao tầng (chẳng hạn như khách sạn 10 tầng Merperle Dalat Hotel ở đường Hùng Vương, phường 10, mới khánh thành ở Đà Lạt) mà những kiến trúc có sẵn như Dinh Tỉnh Trưởng, rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt và quần thể những con đường nối vào khu trung tâm cũng đủ hợp thành phố đi bộ thơ mộng và gia tăng giá trị cho Đà Lạt.

Chính quyền Đà Lạt chỉ cần trồng thêm cây, sơn phết lại các công trình, chấn chỉnh lại bảng quảng cáo, khuyến khích dân thay mái nhà bằng mái ngói, thay mái bằng bằng vườn cây, trồng thêm hoa trước sân… thì sẽ giúp bộ mặt trung tâm Đà Lạt đẹp hơn mà không tốn kém – ông nhắn nhủ.

KTS Ngô Viết Nam Sơn đang ký sách cho một độc giả – Ảnh: Minh Anh

Ông còn đề nghị lấy cộng đồng làm trung tâm, cho người dân tham gia chỉnh trang khu phố và kinh doanh bằng chính ngôi nhà của họ… thì không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn giúp du khách thêm phần thích thú và muốn quay trở lại.

“Một thành phố du lịch phải kể được rất nhiều câu chuyện hấp dẫn, trong đó có câu chuyện nó đã phát triển như thế nào, có những sự kiện gì. Nếu đập đi xây lại hết thì Đà Lạt sẽ thành vô hồn” – ông viết.

Ký ức về một buổi sáng thức dậy ở Đà Lạt, KTS Sơn lúc đó là một thiếu niên, khi mở cửa sổ ngôi nhà của ông ngoại ở trung tâm thành phố đã nhìn thấy thành phố chìm trong sương mù mờ ảo. Ông yêu Đà Lạt từ khoảnh khắc đó, khi thấy mình bỗng chốc rơi vào một xứ sở thần tiên nào đó.

Ngày nay, sương mù – đặc sản của Đà Lạt, đã lẩn khuất xa xôi ngoài trung tâm, phải đi đến tận hồ Tuyền Lâm cách trung tâm Đà Lạt bảy cây số mới có thể nhìn thấy.

“Đà Lạt không hợp với những công trình có khối tích lớn, bởi triết lý phát triển của Đà Lạt phải là một thành phố ở trong rừng, đi theo hướng môi trường, cảnh quan, văn hóa, lịch sử chứ không cần thêm bản copy của các thành phố khác”, điều ông góp ý hoàn toàn đúng.

Nhưng ai nghe? Những góp ý xây dựng một đô thị bền vững của một KTS tài năng và tâm huyết hoàn toàn rơi vào hư không, không một tiếng vọng lại.

Tham gia viết sách về quy hoạch đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn liệu có tạo ra sự thay đổi cho bộ mặt đô thị Việt Nam trong tương lai? – Ảnh: Minh Anh

KTS Ngô Viết Nam Sơn là con trai của KTS Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome) trong kiến trúc từ năm 1955.  KTS Ngô Viết Thụ là tác giả thiết kế Dinh Độc Lập và nhiều kiến trúc đẹp khác thời Việt Nam Cộng Hòa là trường ĐH Y Khoa Sài Gòn, ĐH Nông Nghiệp Sài Gòn, ĐH Sư Phạm Huế, chợ Đà Lạt và nhà thờ Phủ Cam (Huế).

Ông Sơn không chỉ là kiến trúc sư đơn thuần, ông tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành quy hoạch và kiến trúc tại Mỹ, với bằng tiến sĩ ở ĐH Washington và thạc sĩ tại ĐH California Berkeley, từng là đồng tác giả của nhiều dự án lớn ở Mỹ như ĐH Washington tại Seattle (WA, Mỹ) và ĐH California tại San Fransisco (CA, Mỹ), Almaden Plaza (San Jose, CA, Mỹ); khu nhà ở thượng lưu Lachine ở Montreal (Canada); quy hoạch Phố Đông Thượng Hải và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc)…

KTS Ngô Viết Nam Sơn còn nổi tiếng với những nhận định sắc sảo và thẳng thắn về quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Và có lẽ vì thế, ông không được chính quyền Việt Nam trọng dụng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: