Chưa kịp giết Tesla, “sát thủ Tesla” của Trung Quốc có thể bị khai tử

Công nghiệp xe điện Trung Quốc: To xác nhưng không khỏe
Mẫu xe điện ET5 của NIO tại cuộc triển lãm quốc tế Quảng Đông-Hong Kong-Macao tổ chức tại Thâm Quyến vào Tháng Sáu 2023 (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Nhà sản xuất xe hơi NIO (Úy Lai, 蔚来), từng được mệnh danh là “Sát thủ Tesla” (Tesla Killer), đang sính vính khi cuộc chiến giá xe hơi điện (EV) đang lên cao trào. NIO có trụ sở tại Thượng Hải nằm trong số các công ty khởi nghiệp đốt rất nhiều tiền để cạnh tranh trên thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Từ danh tiếng “giết Tesla”

Năm 2017 NIO được mệnh danh là “sát thủ Tesla” khi hãng công bố một mẫu xe thể thao đa dụng có thiết kế đẹp mắt, bảng điều khiển màn hình lớn và các tính năng ra lệnh bằng giọng nói, nhưng đặc biệt hơn là có giá chỉ bằng nửa mẫu xe Model X của Tesla.

Là một trong những công ty khởi nghiệp EV được ca ngợi nhất TQ, NIO còn là minh chứng cho những thách thức lớn mà nhiều nhà sản xuất EV phải đối mặt trong cuộc chiến giá cả tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Doanh số của hãng đã sụt giảm trong những tháng gần đây, khiến NIO phải giảm giá sau một thời gian kiên trì giữ giá và phải đốt nhiều tiền hơn để… khỏi bị giết.

Mới đây, Giám đốc điều hành William Li (Lý Bân, 李斌) lưu ý: “NIO – niêm yết trên Thị trường chứng khoán New York (New York Stock Exchange) – phải quản lý rủi ro thanh khoản một cách thận trọng do doanh số bán kém trong hai quý đầu năm ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động của công ty”. Lý Bân nói thêm, một quỹ được chính phủ Abu Dhabi hậu thuẫn sẽ đầu tư khoảng $740 triệu vào NIO. Họ Lý hy vọng doanh số bán sẽ hồi phục vào cuối Tháng Sáu 2023 nhờ một mẫu xe SUV cải tiến mới đưa ra thị trường.

Không quốc gia nào có công nghiệp xe điện phát triển kinh khủng như Trung Quốc nhưng họ vẫn chỉ to xác hơn là có thể tạo ra những ảnh hưởng đối với công nghiệp EV thế giới. Trong ảnh là một mẫu xe của hãng Li Auto (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Những động thái gần đây của NIO cho thấy cạnh tranh khốc liệt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi nhuận cũng như làm xáo trộn chuỗi cung ứng. Một số công ty khởi nghiệp của ngành công nghiệp EV tại Trung Quốc đã bị loại hoặc bị giết khi đợt bùng nổ EV chậm lại từ đầu năm nay với mức tiêu thụ yếu và chính sách trợ cấp của chính phủ cho người mua EV chấm dứt.

Đầu năm nay, WM Motor (tổng hành dinh ở Thượng Hải) được hai ông lớn Tencent Holdings và HongShan (Sequoia Capital China cũ) chống lưng bị chìm sâu trong nợ nần khiến phải ngưng hầu hết hoạt động, sa thải nhân viên và đóng cửa các cửa hàng vì hết tiền mặt. Hãng Letin Auto, nổi tiếng với chiếc hatchback chạy điện giá bèo $4,000 đã nộp đơn xin phá sản vào Tháng Năm sau khi không nhận được đầu tư mới. XPeng, một công ty khởi nghiệp EV nổi tiếng khác của TQ có niêm yết tại Hoa Kỳ, thông báo doanh số bán bắt đầu giảm từ Tháng Chín dù đã giảm giá hơn 10% cho một số mẫu xe và tung ra một mẫu xe mới với khả năng tự lái tiên tiến hơn. Trong năm nay XPeng chỉ bán được số xe bằng 40% của cùng kỳ năm ngoái.

Một mẫu xe điện của Wuling Bingo (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Theo một nghiên cứu của các nhà phân tích tại CMB International, XPeng đã hạ cấp cổ phiếu vào Tháng Năm nhưng không còn đủ thời gian để xoay chuyển tình thế khi dòng tiền mặt lưu thông đã cạn kiệt và các đối thủ bắt kịp công nghệ của họ. Từng là con cưng của các nhà đầu tư với hy vọng sẽ gặp được một “Tesla mới”, các công ty khởi nghiệp EV trên toàn cầu đang phải vật lộn với thanh khoản eo hẹp hơn, các vấn đề về vận hành và cạnh tranh gay gắt. Các công ty Mỹ như Rivian Automotive và Lucid Group cũng nằm trong số những công ty phải đối mặt với lượng dự trữ tiền mặt bị thu hẹp.

Đến sự thay đổi chiến lược để khỏi bị giết

Tăng trưởng doanh số EV và xe hybrid tại TQ đã giảm trong những quý gần đây so với tỷ lệ phần trăm ba chữ số thường thấy vào năm 2021 và phần lớn năm 2022. Joel Ying, nhà phân tích EV tại Nomura nhận định: “Không phải ai cũng có thể tồn tại trên thị trường. Các công ty khởi nghiệp dễ bị tổn thương hơn các nhà sản xuất xe hơi truyền thống từng kiếm bộn tiền nhờ xe chạy bằng xăng”.

Tờ The Wall Street Journal đưa tin, Bắc Kinh đang hoàn thiện một gói kích thích để vực dậy nền kinh tế và tiêu dùng đang bị suy giảm. Tuần trước Bộ Tài chính Trung Quốc đã gia hạn miễn thuế đối với người mua EV và xe hybrid đến cuối năm 2025. Thị trường EV TQ đã khó càng khó hơn đối với các thương hiệu nước ngoài vào đây làm ăn. Các nhà sản xuất xe hơi kỳ cựu như Ford Motor đã thất bại và Volkswagen (vốn thống trị các loại xe dùng xăng và EV tại nhiều thị trường ngoài TQ) vẫn chưa có mẫu xe nào lọt vào top 10 EV bán chạy nhất TQ.

Mẫu xe Seagull của hãng BYD (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Tesla đứng thứ hai trong top 10, bán được hơn 200,000 xe trong năm tháng đầu năm nay. Cùng thời gian này, nhà sản xuất EV lớn nhất Trung Quốc BYD (Build Your Dream – Tỉ Á Địch Ất Xa – 比亚迪汽车) được tỷ phú Mỹ Warren Buffett hỗ trợ) đã bán được khoảng 900,000 EV và xe hybrid, chiếm 38% phân khúc “phương tiện năng lượng mới” (phân loại của chính phủ).  Li Auto (tổng hành dinh tại Thường Châu, Giang Tô), công ty sản xuất các loại xe hybrid đắt tiền bán được hơn 100,000 xe trong cùng thời kỳ và được xem là một trong những công ty EV đang phát triển nhanh nhất của TQ.

Từ đầu năm đến nay, hàng chục nhà sản xuất EV tại TQ phải giảm giá bán và các đại lý cũng giảm giá và có nhiều ưu đãi để tăng doanh số bán. Từ Tháng Một, Tesla có các đợt giảm giá mạnh và các công ty địa phương nối gót theo sau, kể cả XPeng và BYD. NIO không giảm giá nên chỉ bán được 6,000 xe trong Tháng Tư và Tháng Năm so với hơn 10,000 của những tháng trước.

Các vấn đề của NIO còn phức tạp hơn do việc triển khai chậm các mẫu mới thay thế hàng tồn kho cũ đã lạc hậu. Doanh số giảm kéo tỷ suất lợi nhuận từ số xe mới bán chỉ còn 5% trong Quý 1/2023 so với 18% của năm trước đó. Tính đến cuối Tháng Ba, lượng tiền mặt và các khoản thanh khoản ngắn hạn khác của NIO đã giảm 1/3 chỉ còn $5 tỷ so với năm trước, trong khi tổng nợ tăng lên $2 tỷ.

Hệ quả, công ty phải hoãn đầu tư vào tài sản cố định và một số công trình nghiên cứu-phát triển. Từ đầu tháng này, để vực dậy sản xuất, NIO quyết định giảm giá $4,200 cho tất cả các kiểu EV có sẵn, nhưng rút lại dịch vụ đổi pin miễn phí. Người mua mới nay phải trả tiền cho dịch vụ trao đổi pin. NIO đã lên kế hoạch bổ sung 1,000 trạm đổi pin tại TQ trong năm nay, nâng tổng số lên khoảng 2,400. Tuy nhiên, phải có nhiều người mua EV của hãng hơn dịch vụ này đổi pin mới có thể sinh lời. Để điều chỉnh chiến lược giá cả và sản phẩm, Tháng Năm qua, NIO đã giới thiệu mẫu xe SUV ES6 được tân trang lại để thu hút người tiêu dùng đến các cửa hàng của hãng – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: