Hà Nội được kêu gọi ngừng cổ súy tư duy thù địch với miền Nam VNCH

Hoạt động nhồi sọ trẻ con về cái gọi là “giải phóng”, luôn được tổ chức rộng rãi vào các dịp 30 Tháng Tư hàng năm (Ảnh: Văn Bu BI Phan)

Một lá thư ngỏ ký tên nhiều tổ chức Xã hội Dân Sự cùng các trí thức hàng đầu của Việt Nam, tung ra trong ngày 30 Tháng Tư, kêu gọi nhà cầm quyền hãy ngừng các chiến dịch và hành động thù địch với một phần của đất nước, sau 49 năm không còn chiến tranh.

Thư có tên “49 năm sau 30 Tháng Tư – Con đường nào cho Việt Nam.”

Lá thư có chữ ký của tám tổ chức trong nước như Lập Quyền Dân, CLB Lê Hiếu Đằng, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, Diễn Đàn Dân Sự… cùng các ông Mạc Văn Trang, Huỳnh Sơn Phước, André Mendras, Nguyễn Huệ Chi… kêu gọi Đảng CSVN hãy hành động thực tâm vì đất nước, vì nếu không lịch sử sẽ soi rọi tất cả, và “trách nhiệm (nếu không muốn nói tội lỗi) chủ yếu phải quy về cho những người cầm quyền.

Đây là một trong những hành động bất đồng chính kiến tập thể mới nhất, được đưa ra và thời điểm nhà cầm quyền CSVN hướng dẫn cho hàng loạt các trang mạng và nhóm dư luận viên đồng loạt ca ngợi việc miền Bắc đã “giải phóng”, đã đánh thắng các thế lực “thù địch như Việt Nam Cộng Hòa và Đế Quốc Mỹ”.

Sau ngày 30-4-1975, một số chính sách do nhà cầm quyền đưa ra gọi là hòa giải hòa hợp dân tộc nhưng trên thực tế vẫn là nói suông, chưa được thực thi một cách chân thành, đầy đủ, và do vậy, đó cũng là điều không mấy khó hiểu. Sự mất mát đau thương của cả dân tộc cùng với mối chia rẽ hận thù trong nội bộ người Việt vì vậy đến tận hôm nay vẫn còn là câu chuyện dài nhức nhối chưa được giải quyết thỏa đáng dứt khoát, dù thời gian đã trải qua chỉ một năm nữa là tròn nửa thế kỷ!”, lá thư ngỏ viết.

Hàng năm, trở thành thông lệ, Hà Nội luôn đẩy mạnh các chiến dịch bẻ cong sự tồn tại hợp pháp của Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tuyên truyền thần thánh hóa cuộc xâm lược miền Nam. Điều này, khiến mỗi 30 Tháng Tư, người ta nhìn thấy những cuộc xung đột ngôn từ không bao giờ dứt giữa hai phe. Dĩ nhiên, thế mạnh thuộc về giới dư luận viên vì việc tấn công vào những người thương tiếc chế độ VNCH và sự mất mát của miền Nam, luôn có công an mạng và các điều luật như 117 hay 331 sẵn sàng ập để tận nhà để ghép những án tù.

Lá thư ngỏ này, được coi như sự phản ứng vì đã quá sức chịu đựng của các thành phần trí thức, kể cả những người từng có chân trong chính quyền CSVN.

Cho đến nay, tình trạng nhân tâm ly tán, sự chia rẽ hận thù còn nặng nề trong nội bộ dân tộc cần được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng lạc hậu, khi mà chính quyền cho đến nay vẫn coi ai ở trong nước hay nước ngoài nói trái ý mình đều thuộc “các thế lực thù địch”, trái hẳn với câu nói cửa miệng của các quan chức cộng sản theo nghị quyết, “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận quan trọng không thể thiếu đối với dân tộc Việt Nam, cần phải được coi trọng…”

“Trong suốt 49 năm, tất cả mọi sự thật phải trái đã được phơi bày, ai ai có chút kiến thức và lương tri cũng đều trông thấy rõ. Xét trên kinh nghiệm lịch sử ngàn năm của mọi quốc gia thì sự tồn tại của một triều đại luôn luôn hữu hạn. Vấn đề cốt lõi bất khả tranh luận là phải dám phủ định những bước đi sai đường để chuyển hướng, bằng việc cải cách kinh tế đi đôi và tương ứng với cải cách căn bản về chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền một cách thực chất theo mô hình phát triển của đa số các nước dân chủ văn minh tiến bộ trên thế giới,” thư ngỏ viết.

Thư ngỏ đưa ra 6 điều cần cải cách để đất nước đi lên, nhưng tập trung nhấn mạnh vào vấn đề chấm dứt cấy sâu hận thù, đẩy mạnh hòa giải dân tộc. “Hòa giải hòa hợp dân tộc là sự đòi hỏi bức bách thiêng liêng của mọi người dân Việt, bất kể ở trong hay ngoài nước, không phân biệt màu cờ sắc áo thành phần lý lịch thuộc cũ hay mới, nhưng không có nghĩa là sự ban ơn bằng nghị quyết này nọ của kẻ thắng đối với người thua (như Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2004), mà phải được coi là mệnh lệnh tối thượng tất yếu của lịch sử. Để cho tình trạng chia rẽ nghi kỵ lẫn nhau kéo dài cho đến tận hôm nay qua thực tế lời nói không đi đôi với việc làm, thì trách nhiệm (nếu không muốn nói tội lỗi) chủ yếu phải quy về cho những người cầm quyền.”

Cuối thư, những người đồng ký tên nhấn mạnh “Chúng ta hy vọng năm tới, sau nửa thế kỷ, vào ngày 30 tháng 4 năm 2025, toàn thể người Việt Nam đoàn kết thống nhất, bỏ lại sau lưng mọi sự nghi kỵ và tỵ hiềm, để đất nước có thể bước vào một kỷ nguyên mới , kỷ nguyên của đoàn kết, phát triển phồn vinh.

Chưa nghe Ban tuyên giáo hay cơ quan tuyên truyền của Hà Nội lên tiếng gì về lá thư ngỏ này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: