Người đâm xe hơi vào trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa đã qua đời

Sau khi đâm xe hơi vào cổng trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Luận đã bị phỏng nặng phải đưa đi cấp cứu – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Diệp Tý Luận (52 tuổi), thương nhân đã đâm xe hơi vào trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa, đã qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Xác nhận với Tuổi Trẻ ngày 14 Tháng Chín, thân quyến ông Diệp Tý Luận cho biết ông đã qua đời chiều 13 Tháng Chín và đã được đưa về nhà ở thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để chuẩn bị làm lễ mai táng.

Sau khi đâm xe hơi Hyundai Sonata 4 chỗ vào cổng trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa trên đường Trần Phú, tối 10 Tháng Chín, ông Luận bị phỏng nặng vì lửa xăng.

Được cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa Khánh Hòa ngay sau đó, trưa 11 Tháng Chín, ông Luận được chuyển viện vào bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn để tiếp tục điều trị nhưng đã không qua khỏi.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, lý do ông Luận tự tử là vì có nhà và nhà xưởng nằm trong quy hoạch dự án của tỉnh Khánh Hòa, đồng nghĩa là ông bị mất hết tài sản.

Ông Diệp Tý Luận là người thành lập, đại diện pháp luật của một công ty kinh doanh sắt thép, đi lên từ một cơ sở mua bán phế liệu, hoạt động kinh doanh đến nay đã hơn 21 năm tại thôn Phú Ân Nam, xã Diên An.

Theo thông tin của Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Luận có “quá trình làm ăn kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không theo như ý muốn…”, còn lãnh đạo chính quyền tại địa phương thì cho biết khu vực nhà ở – nhà xưởng doanh nghiệp sắt thép của ông Luận hiện có phần nằm trong ranh giới mở rộng, xây dựng đường… để thành lập khu dân cư và thương mại Phú Ân Nam – dự án do UBND huyện Diên Khánh làm chủ đầu tư!

Nhà và nhà xưởng của ông Luận tại thôn Phú Ân Nam (xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị của huyện – Ảnh: Tuổi Trẻ

Công trình trên đất là nhà và nhà xưởng của ông Luận thuộc quy hoạch vừa nêu, nên xã không cấp sổ đỏ cho ông, tức không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Trưa 12 Tháng Chín, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến các khu vực dự án trên. Nhà ở và nhà xưởng công ty của ông Luận giáp vách nhau, đều có mặt tiền giáp đường liên xã, tại thôn Phú Ân Nam.

Theo hàng xóm ở cùng đường và gần bên công ty, mốc giới mở đường đã được thông báo cho dân. Nhìn theo ranh giới tường rào của nhà dân đã dỡ dọn xây theo mốc giới đó thì nhà xưởng công ty và nhà ở của gia đình ông Luận đều có phần mặt tiền nằm trong ranh giới mở đường.

Chiều 12 Tháng Chín, một lãnh đạo của xã Diên An cho biết khu vực đất nhà và công ty sắt thép của ông Luận “có nằm trong quy hoạch dự án tại Phú Ân Nam nhưng thuộc dự án giai đoạn nào thì hiện tại chưa rõ” (?)

Dự án khu dân cư này đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang thực hiện giai đoạn 2, dù chưa đụng gì đến đất nhà ở và nhà xưởng của ông Luận… nhưng khi ông cần vay vốn làm ăn ở ngân hàng, ngân hàng không giải quyết vì đất đai nhà và nhà xưởng của ông bị vướng quy hoạch dự án!

Có lẽ bị dồn đến đường cùng nên ông Luận uất ức đâm xe hơi vào trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa – cơ quan đầu não chính quyền tỉnh, để tự tử.

Dự án đường đang được xây dựng và khu vực có nhà xưởng doanh nghiệp của ông Luận, người đã đâm xe hơi vào cổng trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa tối 10 Tháng Chín 2023 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Giờ đây, ông Luận đã qua đời theo ý nguyện, nhưng cái chết của ông chắc chắn không thay đổi được quy hoạch của huyện, có nghĩa là vợ con của ông cũng sẽ bị mất đi phần đất có nhà và nhà xưởng mà họ gầy dựng trong hơn 21 năm. Họ sẽ trôi giạt về đâu, khi trụ cột của gia đình đã mất?

Những cái chết tự tử vì uất ức trong vấn đề khiếu kiện đất đai không có con số thống kê ở đất nước cộng sản này. Người chết thiệt thân đã đành, mà gia đình của họ ở lại càng bế tắc hơn, vì chả có cái chết nào thay đổi được điều khoản chết tiệt trong hiến pháp “đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý”!

Một bài báo của CafeF ngày 4 Tháng Ba 2022 đã từng viết: “Hiện nay 80% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai và Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó, 75% là khiếu nại, tố cáo có phần đúng. Mà nguyên nhân phần lớn liên quan đến thể chế, chính sách có nhiều bất cập.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn nhìn nhận việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai còn nặng về mệnh lệnh hành chính, nhiều quyết định chưa thấu tình đạt lý; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật còn thiếu kiên quyết, dẫn đến vụ việc không dứt điểm được, khiếu kiện kéo dài”.

Thừa nhận 75% khiếu nại, tố cáo về đất đai có phần đúng, nhưng thực tế thì đã có biết bao gia đình, biết bao con người lây lất mỏi mòn đi khiếu kiện hết thế hệ này đến thế hệ khác… mà kết quả vẫn bằng “con số không”! Rồi đây, những oan hồn mất đất mất nhà như ông Luận sẽ ngày càng đông hơn mà thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: