“Tôi là Bond, James Bond!”

Share:

Trên màn ảnh lớn, lời tự giới thiệu nổi tiếng này đã được thốt ra từ miệng của bao nhiêu tài tử nào may mắn và vinh dự được thể hiện vai gã điệp viên thượng thặng của Sở Tình báo Anh, James Bond 007, trong gần bảy thập niên qua? Nhân dịp No time to die, tức phim James Bond thứ 25 sắp tỏa sáng trong các cụm rạp toàn cầu (chính thức công chiếu ngày 8 Tháng Mười), chúng ta thử xem lại đã từng có những diễn viên nào là James Bond ghi dấu ấn độc đáo. 

HIỆN HÌNH TỪ TRANG SÁCH TIỂU THUYẾT ĐIỆP BÁO

Năm 1953, Ian Fleming trình làng Casino Royale, cuốn tiểu thuyết đầu tiên về James Bond. Nhân vật chính, một gã điệp viên mang mật số 007, người có quyền được giết đối phương mà không cần xin phép cấp trên! Gã Bond 007 này là một người hùng “nhào nặn” ra từ hình mẫu là những gã biệt kích, lính đánh thuê và điệp báo viên mà tác giả Fleming đã từng gặp trong thời gian làm việc ở cơ quan tình báo Hải quân Anh thời Đệ nhị thế chiến.

Ông Fleming mô tả James Bond cao 6 feet, cân nặng 168 pound, tuổi khoảng 36-39, tóc đen hớt ngắn, một lọn tóc vắt ngang trán, miệng xấu vì có vết thẹo chạy dọc trên gò má phải. Gã này lái xe Bentley, mỗi ngày đốt 70 điếu thuốc đặt hàng theo yêu cầu, loại thuốc pha trộn sợi cây thuốc trồng ở vùng Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có nơi cửa hàng Morland trên phố Grosvenor, London. Gã Bond có niềm đam mê xe hơi, sành ăn ngon và rất giỏi tán gái và phải là gái rất đẹp, rất sexy…

Lúc gần cuối đời, tác giả Fleming còn nhấn mạnh rằng, “nhân vật văn học nổi tiếng của tôi thực sự là hình mẫu của người đàn ông đích thực vào thời chúng tôi!”. Thế là trong gần bảy thập niên sau đó, “cái thời ấy” cứ mãi thay đổi, từ thời Chiến tranh lạnh qua thời Giải căng (Détente), rồi thời các cartel buôn lậu ma túy đe dọa thế giới và đến thời “những nhà nước điên rồ”. Gần đây hơn là những năm khắc khoải thời hậu biến cố 11/9 tại Mỹ. Các tài tử lần lượt vào vai James Bond đã “trải” qua các thời ấy!

SEAN CONNERY GHI DẤU ẤN SÂU ĐẬM

Năm 1962, khi Sean Connery được chọn làm James Bond đầu tiên trong phim Dr. No, ông Ian Fleming không vui chút nào. Vì Connery, 32 tuổi, tướng tá tốt, mặt đẹp trai nhưng không phải là tài tử nổi tiếng, và còn là một tay thể thao cơ bắp (bodybuilder) nghiệp dư – trong khi ông Ian Fleming mường tượng diễn viên vai Bond phải là gã đàn ông thanh lịch, dáng vẻ toát lên tính yêu đời, yêu người, duyên dáng, lịch lãm, có tài châm biếm nhẹ nhàng, ít nhất cũng phải như David Niven (một tài tử Anh khi ấy đã có danh thơm), chứ ai đời lại chọn một gã lao động vai u thịt bắp người Tô Cách Lan! Nhưng Ian Fleming đã đánh giá nhầm Sean Connery và mãi sau này, ông đã thẳng thắn tuyên bố, “Không có ai diễn Bond hay hơn Connery”, thậm chí ông còn viết lại nguồn gốc gia đình 007 có… bố là người Tô Cách Lan!

Ngay lần đầu vào vai, Connery đã thể hiện một Bond gợi cảm hơn, tay chơi hơn nhưng cũng căng cứng hơn Bond mà ông Fleming từng nghĩ đến khi ngồi trước cái máy đánh chữ. Khi ấy, đầu những năm 1960, tức thời của JFK trong Tòa Bạch Ốc và của Frank Sinatra, Dean Martin, Sammy Davis Jr…, thời Chiến tranh lạnh thì Bond-Sean Connery tỏa sáng thật hợp. Khi cần là hắn bóp cò khẩu Walther PPK, và hắn không bao giờ ngại lên giường với mỹ nhân dù ngay sau đó vẫn ra đi thật thản niên. Thời ấy là chưa có phong trào giải phóng phái nữ mà!

Sean Connery diễn tốt quá nên được giao tiếp các nhiệm vụ và sứ mạng điệp viên tuyệt mật của Bond, tổng cộng sáu phim, phim nào cũng dựa trên nền tảng Chiến tranh lạnh, Mỹ-Liên Xô đối đầu. Phim Dr. No khởi chiếu năm năm sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik, cuộc chạy đua vào không gian nổ ra giữa hai đế quốc này. Phim 007 thứ hai là From Russia with love, năm 1963, tức hai năm sau khi xuất hiện bất thình lình Bức tường Bá Linh và một năm sau cuộc khủng hoảng phi đạn Liên Xô tại Cuba. James Bond 007 phải đối phó với SPECTRE (viết tắt của Special Executive for Counterintelligence, Terrorism, Revenge and Extortion) mà người xem thừa hiểu là đại diện cho quyền lực ác ôn phía bên kia Bức màn sắt!

Bond-Connery còn tiếp tục chống phá SPECTRE trong Thunderball (năm 1965) và You only live twice (năm 1967) trong những âm mưu trộm đầu đạn hạt nhân, bắt cóc… phi thuyền không gian. Khi ấy Bond-Connery đã trở thành người hùng, một siêu nhân của thời Chiến tranh lạnh, và sau vài năm gián đoạn (vai Bond được chuyển sang cho George Lazenby), ông đã trở lại trong Diamonds are forever vào năm 1971.

GEORGE LAZENBY BỊ LÃNG QUÊN

Đáng buồn cho người vào vai 007 sau tài tử Sean Connery là George Lazenby, không khác gì một bao cát trong phòng tập quyền Anh, ai muốn xả bực dọc thì cứ đó mà đấm mà đá. Phim On Her Majesty’s Secret Service, năm 1969, không được các khán giả ái mộ Sean Connery ưa thích dù cho George Lazenby, một người mẫu Úc, diễn vai 007 rất ư là dữ dằn (trong lần diễn thử, anh ta đấm vào mặt một chuyên gia điều phối các màn nhào lộn khiến nhà sản xuất Albert Broccoli thích thú nên đã duyệt cho anh diễn vai Bond).

Theo giới phê bình chuyên ngành, George Lazenby đúng là người của thời khắc ấy, thời của phong trào phản chiến, của Mùa hè Tình yêu (hippie), khi thế hệ trẻ bắt đầu trưởng thành và tỉnh thức trước những thực tế xã hội và thế giới. Tuy không phải là một gã hippie nhưng rất có thể George Lazenby có thích đĩa nhạc của Cat Stevens (các bài Wild world, Morning has broken, Oh very young…) và có thể bất động mấy ngày liền để suy tư. Trong On Her Majesty’s Secret Service, Bond-Lazenby cũng chiến đấu chống SPECTRE nhưng phải lòng với người đẹp Contessa Teresa “Tracy” di Vicenzo (diễn bởi Diana Rigg) đến độ thành hôn với nàng! Ôi sao mà lãng mạn nhưng yếu đuối thế, khác hẳn, thua xa Bond-Connery!

ROGER MOORE ĐỂ LẠI DẤU ẤN GÌ?

Sean Connery trở lại nhiệm vụ ly kỳ trong Diamonds are forever xong cũng vẫy tay từ biệt nên các nhà sản xuất phải tìm đến một tài tử lâu nay vẫn có tên trong danh sách ứng cử viên sáng giá nhất cho vai James Bond 007. Đó là Roger Moore, người dần thể hiện đúng là  một “anti Bond-Connery”: Dịu mềm thay vì gai góc; hề hề thay vì nghiêm túc, hời hợt thay vì lì lợm. Roger Moore đúng là một Bond của thời “gì cũng cười”, khi mà Chiến tranh Lạnh đang tan băng, các kịch tác gia đang rất khó khăn tìm “đối thủ mới” cho Bond!

Thế mà rồi họ cũng tìm ra nên Roger Moore đã có đến bảy lần nhập vai Bond, từ 1973 (phim Live and let die) đến 1985, kẻ thù thỉnh thoảng vẫn là “bọn Nga” hoặc những tổ chức do Liên Xô tài trợ, có cả tổ chức buôn bạch phiến, có khi ăn theo cả trào lưu kung fu hậu Lý Tiểu Long (phim The Man with the Golden Gun, năm 1974), tiên phong trước Chiến tranh các vì sao (phim Moonraker, năm 1979), và có đồng minh tạm là người Liên Xô (phim The spy who loved me, năm 1977).

Nếu như Bond-Moore là một “phản ứng” tự nhiên của Bond-Connery thì rồi Bond-Moore cũng phải nhận sự phản ứng. Khi phim A view to a kill trình chiếu thì Roger Moore đã ở tuổi 57, không còn “trẻ” để hoàn thành các nhiệm vụ tối mật, tối quan trọng cho Nữ hoàng. Ai thay?

TIMOTHY DALTON MỀM QUÁ

So với Moore 57 tuổi thì Timothy Dalton 41 tuổi là lý tưởng. Thế nhưng chàng Bond này không có hấp lực như Bond, xem ra là người hùng bị “lắc và quậy” (shaken and stirred) nhiều hơn các ly Martini mà 007 rất hay uống, kiểu “lắc chứ không quậy”. Vì khi ấy là thời đầu vì thập niên 1980-1990 là thời gian thế giới lo âu, khắc khoải vì bệnh AIDS bùng nổ mọi nơi. Nó cũng là thời gian bùng nổ scandal Contragate của chính quyền Mỹ. Cho nên Bond không còn quyến rũ người đẹp, tránh ái ân hơn là thích lên giường. Dù cho anh ta cũng có đối thủ cũ là “quân đỏ”, chơi với mujahideen ở Afghanistan (trong The living daylights), nhưng rồi tụt dần (Licence to Kill, năm 1989) để rồi Bond tưởng như sẽ “nghỉ hưu” hoàn toàn.

PIERCE BROSNAN VIỂN VÔNG

Sau năm năm vắng bóng mới lại thấy tên Bond được ghép vào với họ tên của một diễn viên người Ireland là Pierce Brosnan, rất thành công với loạt phim truyền hình Remington Steele (năm mùa phim với 94 tập!). Năm 1995, Bond-Brosnan khởi sáng trong GoldenEye, kẻ thù đã không còn ở xa mà ngay trong nhà của MI6! Hai năm sau, Bond-Brosnan lại thành công với Tomorrow never dies chống kẻ xấu là trùm truyền thông muốn kích ngòi cho nổ ra Thế chiến thứ ba. Đó là thời mà trùm báo chí Rupert Murdoch gây tiếng vang toàn cầu.

Lại hai năm nữa qua đi, Bond trở lại và dính vào vòng vây chính trị dầu hỏa vì năm trước đó, 1998, thế giới trải qua một cuộc khủng hoảng giá dầu thô, không phải tăng cao mà rớt thấp báo động. Phải chờ đến năm 2002 thì Bond-Brosnan mới có đối thủ nặng ký là Bắc Triều Tiên. Nhưng Bond ấy đã khác xưa lắm, lái xe tàng hình, nhảy vào lâu đài khổng lồ xây bằng đá khối…

Bond cần phải “về nguồn”. Phải là một Bond non trẻ mà rất ngầu. Rồi ai sẽ tự giới thiệu, “Tôi là Bond, James Bond!”? Câu chuyện còn tiếp tục. Tập sau sẽ kể…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: