Vở nhạc kịch “Cats” và nhạc phẩm “Memory” mang triết lý sống bất tử

Dàn diễn viên trong ‘Cats’, tác phẩm nhạc kịch của Andrew Lloyd Webber Broadway (Getty Images)

Vở nhạc kịch “Cats” có tính chất hư cấu, hài hước, vui nhộn, kể về đời sống của bộ lạc mèo Jellicles. Hầu hết các bài hát trong vở nhạc kịch đều mang giai điệu nhạc kịch kinh điển như bao vở nhạc kịch khác. Tuy nhiên, “Memory” là nhạc phẩm nổi bật, có giai điệu riêng làm điểm nhấn cho vở nhạc kịch.

Nếu để ý một chút, khán giả có thể nhận ra ý nghĩa nội dung của vở nhạc kịch cũng như nhạc phẩm “Memory” ẩn chứa một triết lý sống cho nhân loại, thông qua những con mèo được nhân cách hóa.

Sơ lược về “Cats”

Vở nhạc kịch “Cats” có cốt chuyện dựa trên tập thơ hài hước “Old Possum’s Book of Practical Cats” của nhà thơ Thomas Stearns Eliot (người Mỹ) sáng tác hồi năm 1939. Andrew Lloyd Webber (người Anh) đã bắt đầu phổ nhạc cho các bài thơ trong tập thơ trên hồi năm 1977, và các nhạc phẩm đó lần đầu tiên được trình bày trong buổi nhạc riêng hồi năm 1980.

Sau đó, nhà sản xuất Cameron Mackintosh đã tuyển dụng Trevor Nunn – cũng là người viết lời cho bản “Memory”, và biên đạo múa Gillian Lynne, để biến các bài hát ấy thành một vở nhạc kịch.

Vở nhạc kịch “Cats” lần đầu tiên ra mắt ở nhà hát West End hay New London, London (Anh Quốc) hồi năm 1981, kéo dài 21 năm, với 8,949 suất diễn. Vở nhạc kịch này cũng được công diễn ở nhà hát Broadway tại Hoa Kỳ hồi năm 1982, kéo dài 18 năm, với 7,485 suất diễn.

Trong lần ra mắt đầu tiên tại London, Elaine Paige (người Anh) đã vào vai chính Grizabella hay “The Glamour Cat” – nhân vật chính trong vở nhạc kịch, và trình bày bài hát “Memory” nổi tiếng. Trong lần ra mắt tại Hoa Kỳ,  Betty Buckley (người Mỹ) đã thế vai cho Elaine Paige, và đã giành được giải “Tony Award for Best Featured Actress in a Musical” hồi năm 1983, với bài hát “Memory”.

“Cats” là vở nhạc kịch giành được nhiều giải thưởng, bao gồm giải Nhạc kịch hay nhất (Best Musical) cho hai danh hiệu: giải Laurence Olivier Award và giải Tony Award.

Sau đó, vở nhạc kịch “Cats” được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng và được biểu diễn nhiều lần trên khắp thế giới. Trong các phiên bản nước ngoài, phiên bản tiếng Đức được trình diễn tại nhà hát Operettenhaus ở Hamburg (Đức) trong vòng 15 năm, với hơn 6,100 suất diễn; phiên bản tiếng Nhật vẫn đang biểu diễn tại Nhựt Bổn, với 10,000 suất diễn, kể từ năm 1983.

Vở nhạc kịch “Cats” mang lại một thành công thương mại chưa từng có, với tổng doanh thu toàn cầu là $3.5 tỷ hồi năm 2012. Ngoài ra, “Cats” đã được chuyển thể thành phim hai lần: Phiên bản phim truyền hình hồi năm 1998, do hãng phim PolyGram Video phát hành; phiên bản phim huyền bí hồi năm 2019, do hãng phim Universal Pictures phát hành.

Nhạc phẩm “Memory” cũng đã được nhiều danh ca trên thế giới thâu đĩa, và gặt hái được thành công lớn, trong đó có danh ca Barbra Streisand.

Nhóm diễn viên ‘Cats’ trong chuyến lưu diễn tại Theatre de Paris (ảnh: Micheline Pelletier/Sygma via Getty Images)

Nội dung ý nghĩa của “Cats”

Những ai chưa từng xem vở nhạc kịch “Cats” ở các nhà hát, thì chúng ta có thể cùng xem tại đây bằng phiên bản tiếng Anh, có chiều dài thời gian trong hai tiếng đồng hồ.

Trên sân khấu đầy màu sắc sống động trong bối cảnh bãi xe phế thải, dàn nghệ sĩ trình diễn múa ballet với các cử động của loài mèo và hàng loạt bài hát hầu hết nằm trong tập thơ “Old Possum’s Book of Practical Cats”.

Nội dung câu chuyện theo nghĩa đen là bộ tộc mèo Jellicles hằng năm tổ chức một buổi dạ hội, là lúc con mèo đầu đàn sẽ chọn ra một con mèo trong bộ tộc để đưa lên tầng “Heaviside Layer” hay còn gọi là “Tầng Điện Ly”. Tầng điện ly là lớp bên trên của khí quyển, biên giới cuối cùng của trái đất – trước khi mặt trời mọc. Con mèo được đưa lên Tầng Điện Ly sẽ được hóa kiếp và trở lại cuộc sống mới ở bộ tộc mèo Jellicles.

Mỗi con mèo trong bộ tộc đều có ba cái tên khác nhau: Tên thường gọi ở nhà, tên chính thức, tên đặc thù không bao giờ trùng hợp, và một cái tên bí ẩn mà chỉ bản thân con mèo mới biết.

Xin lạm bàn về ngụ ý của những cái tên. Cái tên thường gọi và tên chính thức không nói lên nét đặc thù của mỗi nhân vật.

Mỗi nhân vật có tính cách khác nhau, điều đó làm nên cái tên đặc thù, quyết định đời sống của nhân vật. Tính cách là những đặc điểm được biểu lộ thường xuyên ra bên ngoài, phân biệt nhân vật này với nhân vật kia.

Còn những cảm xúc tiêu cực chất chứa trong lòng thì chỉ mỗi bản thân nhân vật tự biết, và đó chính là “cái tên bí ẩn”. Một khi “cái tên bí ẩn” đó bị tiết lộ ra do ta mất tự chủ, thì cuộc đời có thể “đi xuống”.

Trở lại vở nhạc kịch: Trong đêm dạ hội, những con mèo suy đoán xem đêm ấy con mèo nào sẽ được chọn ra để đưa lên Tầng Điện Ly.

Chúng lần lượt đoán già đoán non: Mèo mướp làm biếng “The Gumbie Cat” hay “Jennyanydots”; mèo tò mò “The Rum Tum Tugger” hay “Curious Cat”; mèo cô đơn “Grizabella” hay “The Glamour Cat”; mèo ú thích ăn diện “Bustopher Jones” hay “The Cat About Town”; cặp mèo trẻ hư hỏng “Mungojerrie” và “Rumpelteazer”; mèo già thông thái “Old Deuteronomy” có con đàn cháu đống; cặp mèo thường gây gổ “The Pekes And The Pollicles”; mèo siêng năng có tính giúp đỡ “Skimbleshanks” hay “The Railway Cat” làm nhiệm vụ gác đường ray xe lửa;  mèo già “Gus” hay “Asparagus” nghèo khổ rách rưới, toàn thân run rẩy nhưng ánh mắt tràn đầy hạnh phúc?

Từng con mèo có tên kể trên xuất hiện lần lượt trên sân khấu, với những màn hát và múa đẹp mắt.

Đáng chú ý nhất là hai con mèo già: Gus và Grizabella. Gus thời trẻ là con mèo thông minh nhất, thích chiêu đãi đồng loại. Mèo Gus từng là ngôi sao nổi tiếng trên sân khấu, thành công với nhiều vai diễn nhưng thành công nhất là vai ác quỷ Firefrorefiddle.

Còn khi Grizabella xuất hiện với bộ dạng già nua, te tua, đi cà nhắc – sau những năm tháng tách bầy, sống cô đơn, lang thang trên đường vắng giữa đêm khuya, thì tất cả những con mèo khác đều xa lánh.

Grizabella già cỗi, yếu ớt chẳng khác gì mèo Gus nhưng Grizabella thê thảm hơn vì ánh mắt vừa đau khổ vừa lạnh lùng, kênh kiệu, bất cần đời, càng cố gắng tiếp xúc với các con mèo khác thì càng bị bọn chúng xua đuổi, cào cấu.

Grizabella xuất hiện ba lần trên sân khấu thì đều bị đám mèo xa lánh, lui về phía sau hoặc bỏ đi. Có con trước khi bỏ đi còn cụng vào “bàn tọa” của bà – kiểu trò chơi của đám trẻ con ngày xưa, làm cho bà lảo đảo. Cũng có con mèo muốn giao tiếp với bà nhưng bị các con mèo khác ngăn chận.

Trong lần xuất hiện thứ hai, khi chỉ còn lại Grizabella và con mèo đầu đàn trên sân khấu. Lúc này có lẽ bà bắt đầu thấm thía nỗi cô đơn nhưng vẫn tỏ ra thái độ “ta đây” và bắt đầu gắng sức múa một cách đau đớn, bực tức. Dù không còn đủ sức để múa như các con mèo khác nhưng bà vẫn tỏ ra kênh kiệu vì bà từng là một con mèo “nữ hoàng bóng đêm” như cái tên gọi trong quá khứ là “The Glamour Cat”.

Nhóm diễn viên ‘Cats’ trong chuyến lưu diễn tại Vienna, Áo (ảnh: Manfred Schmid/Getty Images)

Bản “Memory” để đời được lồng vào nội dung

Sau những động tác múa thất bại vì tuổi già sức yếu, Grizabella chỉ còn lại giọng hát làm se thắt lòng người, hát cao vút bản “Memory” trong cô đơn để nhớ lại những đêm khuya vắng lặng lang thang trên đường, với biểu cảm chán chường, tiếc nuối nhưng vẫn pha chút kiêu hãnh.

Trong vai con mèo Grizabella, ca sĩ kiêm diễn viên Elaine Paige biểu cảm nội tâm qua ánh mắt, nét mặt và các động tác hình thể thật hoàn hảo, nhất là khi bà trình bày “Memory” vào mốc thời gian [01:02:45] trong vở nhạc kịch:

Midnight, not a sound from the pavement
Has the moon lost her memory?
She is smiling alone
In the lamplight, the withered leaves collect at my feet
And the wind begins to moan

Every street lamp seems to beat
A fatalistic warning
Someone mutters and the street lamp sputters
And soon it will be morning

Memory, all alone in the moonlight
I can smile at the old days
I was beautiful then
I remember the time I knew what happiness was
Let the memory live again

Chúng ta có thể hát theo Elaine Paige hai đoạn nhạc trên bằng tiếng Việt:

Đêm khuya, mình ta bước trong lẻ loi,

Vầng trăng đã quên ngày nào?

Vài vạt sáng đang cười buồn,

Từng chiếc lá tàn, rơi đầy quàng quanh gót chân nặng nề buồn,

Trong luồng gió rền lời than van.

Đèn chớp nhập nhòa từ phía vỉa hè,

Rồi có tiếng loài người vang lên,

Đêm nay sắp hết, dần dần ngày mới sẽ đến.

Và một ngày khác lại bắt đầu.

Đêm khuya, mình ta với trăng sầu đơn côi,

Và ta nhớ thương về ngày vàng,

Thời nhan sắc đẹp tuyệt trần,

Ta từng sống cùng, làn hơi ấm quanh những bạn bè hằng ngày,

Làm sao với tới thời gian xưa?

Như vậy là Grizabella không chấp nhận bản thân đã già mà luôn hoài niệm quá khứ vàng son, xuân sắc. Sự hào nhoáng, lộng lẫy của ngày xưa như là một viên gạch hồng đóng rêu, án ngữ bước chân bà trên quãng đường còn lại, nên bà bị vấp ngã, lảo đảo, mệt mỏi, trở nên lạnh lùng, cáu kỉnh, thành ra đồng loại cũng khó gần gũi bà.

Trong khi đó, mèo Gus đã buông thời còn “cưỡi ngựa bắn cung”, đối diện với giai đoạn già nua bệnh tật theo quy luật tự nhiên “sinh, lão, bệnh, tử”, chấp nhận hiện tại để sống vui vẻ hòa đồng, được đồng loại yêu mến.

Trong lần thứ hai, bản “Memory” có sự thêm bớt phân đoạn để trình bày sự tranh đấu giữa lý trí và cảm xúc. Dầu cho Grizabella đã ngộ ra là phải mở lòng đón nhận hiện tại phũ phàng, nhưng bà vẫn cảm thấy cay đắng cho ngày tháng cô đơn trên phố, mong quay lại thời là “nữ hoàng sắc đẹp”.

Cuối cùng thì bà dùng hết nội lực để quyết tâm gạt bỏ quá khứ qua một bên, bắt đầu cuộc sống mới, chấp nhận hiện tại, sống với niềm vui trọn vẹn trong quãng đời còn lại.

Khi Grizabella hát đến đoạn cuối, tất cả nhạc cụ trong dàn nhạc trỗi dậy cùng một lúc để nâng cảm xúc cho khán giả, và đây là đoạn tạo ấn tượng nhất trong vở nhạc kịch, làm khán giả xúc động.

Dù cho Betty Buckley từng chiếm giải “Tony Award for Best Featured Actress in a Musical” hồi năm 1983 với bài hát này vì kỹ thuật hát nhỉnh hơn Elaine Paige, song tôi vẫn cảm thụ “Memory” dạt dào cảm xúc hơn khi ca sĩ kiêm diễn viên Elaine Paige trình bày:

Memory, turn your face to the moonlight
Let your memory lead you
Open up, enter in
If you find there the meaning of what happiness is
Then a new life will begin

Memory, all alone in the moonlight
I can smile at the old days
I was beautiful then
I remember a time I knew what happiness was
Let the memory live again

Burnt out ends of smokey days
The stale cold smell of morning
A streetlamp dies, another night is over
Another day is dawning

Daylight, I must wait for the sunrise
I must think of a new life
And I mustn’t give in
When the dawn comes tonight will be a memory too
And a new day will begin

Sunlight through the trees in the summer
Endless masquerading
Like a flower as the dawn is breaking
The memory is fading

Touch me, it’s so easy to leave me
All alone with the memory
Of my days in the sun
If you touch me, you’ll understand what happiness is
Look, a new day has begun

Một lần nữa chúng ta cùng hát trọn bài “Memory” bằng tiếng Việt:

Đêm nay, nhìn trăng tỏa ánh vàng thâu đêm,

Và ta nhớ thương kỷ niệm đẹp,

Dù ta biết đã không còn,

Mà ta hãy chấp nhận hiện tại này, khi đó ta hài lòng,

Tiếp cuộc sống mới chờ ta đi.

 

Đêm khuya, mình ta với trăng sầu đơn côi,

Và ta nhớ thương về ngày vàng,

Thời nhan sắc đẹp tuyệt trần,

Ta từng sống cùng, làn hơi ấm quanh những bạn bè hằng ngày,

Làm sao với tới thời gian xưa?

 

Đốt cháy hết những ngày cũ tàn,

Những sáng lạnh lẽo mùi tanh hôi,

Đèn đường đã tắt, một ngày mới khác lại sắp đến,

Một ngày mới khác lại sáng bừng.

 

Nơi đây, ta ngóng ánh dương bừng lên mau,

Và hãy nghĩ về đời màu hồng,

Sẽ không bao giờ nản lòng,

Khi nắng lên rồi, thì đêm nay cũng sẽ trở thành kỷ niệm,

Đón ngày mới đến thật vui tươi.

 

Kìa nắng lên rồi, vàng khắp nơi này,

Phủ lóng lánh trên tàng cây,

Như hoa ban mai khi ánh dương lên đầy ngập lối,

Kỷ niệm cũ ấy dần tàn nhạt nhòa.

 

Hôn tôi, xin nắng kia hãy hôn tôi,

Và tôi sẽ quên hết kỷ niệm buồn,

Rồi ta sẽ ôm tròn ngày này.

Khi nắng dịu dàng,

Là khi ta sẽ thương lấy phút giây hiện tại,

Ô! Ngày mới đến,

Cùng vui lên!

Khi Grizabella chấp nhận hiện tại, bà nở một nụ cười thân thiện, khi ấy đồng loại quay lại đón nhận và yêu mến bà. Cuối cùng bà được chọn để đưa lên Tầng Điện Ly, tức là tinh thần hưng phấn của bà với hiện tại, tạo nên thái độ sống tích cực. Cảnh tượng ngộ nghĩnh nữa là con mèo đầu đàn đưa Grizabella lên Tầng Điện Ly bằng cái vỏ của bánh xe tải.

Tác giả của vở nhạc kịch mượn câu chuyện hư cấu để đúc kết thành một triết lý sống: Khi “tái sinh” tức là khi ta thay đổi thái độ sống. Muốn người khác chấp nhận ta thì trước tiên ta phải chấp nhận bản thân trước. Già không phải là cái tội; bệnh tật, xấu xí không phải là cái tội; lỗi lầm không phải là cái tội – trong cuộc đời, ai cũng phải trải qua những thứ đó. Cái chính là phải có thái độ sống tích cực, biết chấp nhận hiện tại thì sẽ luôn vui sống.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: