Huế: ‘Người giàu cũng khóc’ khi hàng trăm xe hơi bị ngập trong lũ…

Một chiếc xe hơi bị nước bao vây trong đợt lũ – Ảnh: Người Lao Động

Vụ lũ lụt lịch sử mấy ngày qua tại Huế, người nghèo khổ đã đành, năm nay Huế chứng kiến thêm cảnh “người giàu cũng khóc”, khi hàng trăm xe hơi bị dòng lũ nhấn chìm, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Theo ghi nhận của báo chí, thời điểm lũ từ đêm 14 đến ngày 16 Tháng Mười Một, tại nhiều điểm ngập như khu vực cầu Kiểm Huệ (thường gọi là cống Phát Lát), giao lộ Tố Hữu – Vũ Thắng ở phường Xuân Phú; Tỉnh lộ 10 ở phường Phú Thượng… có hàng trăm xe hơi bị ngập, hư hỏng nặng. Chị Nguyễn Thùy Dương, một người dân sống tại khu chung cư Vicoland (phường Xuân Phú), cho phóng viên Người Lao Động biết:

“Thấy dự báo đỉnh lũ chỉ tương đương năm 2022 nên nhiều người ra đậu xe ở cầu Phát Lát, đường Tố Hữu vì nghĩ đã an toàn. Vậy nhưng nước dâng cao, vượt cả đỉnh lũ tháng 10-2020 nên xe không kịp chạy, cứu hộ vào không được”.

Những chiếc xế hộp bị ngập sâu – Ảnh: Người Lao Động

Với hơn 85% diện tích bị ngập, cả thành phố Huế có không dưới 500 xe hơi của người dân bị nước tấn công. Trước, trong và sau đợt lũ, dù các cơ sở cứu hộ giao thông đã huy động hết phương tiện, nhân lực để đưa xe của khách về nơi sửa chữa nhưng vẫn bị quá tải, không thể giải quyết nhanh tất cả các trường hợp.

Các garage ở TP Huế hầu như đã quá tải lượng xe hơi đến sửa chữa do bị nước ngập. Nhiều chủ garage chỉ nhận khách ruột, từ chối khách vãng lai, hoặc nếu có nhận, họ cũng hẹn phải mất rất nhiều ngày mới trả được xe.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, chủ garage ôtô Hùng Dũng trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP Huế), cho biết từ tối 14 Tháng Mười Một, khi nước lũ sông Hương bắt đầu dâng thì cơ sở của ông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi cầu cứu từ khách hàng.

Một chiếc xe sang bị ngập trên đường Bà Triệu – Ảnh: Người Lao Động

Đến nay, garage của ông Dũng tiếp nhận khoảng 40 chiếc do ngập lụt đến sửa chữa, xe nhẹ nhất bị nước ngấm sàn, hệ thống điện bị hỏng, xe bị nặng hơn phải làm lại máy. Ông cho biết:

“Có nhiều người mua bảo hiểm nên được thanh toán nhưng cũng có rất nhiều người đành phải tự bỏ tiền ra sửa chữa vì không mua bảo hiểm thủy kích”.

Ông Dũng ước tính có tầm 600 – 700 chiếc xe hơi của người dân TP Huế bị ngập nước đợt này, nhiều gấp đôi so với đợt lũ Tháng Mười năm 2020. Nhiều chủ garage khác cũng có nhận định tương tự như ông Dũng và lượng xe bị ngập lụt chủ yếu ở các vùng trũng bờ Nam sông Hương.

Cứu những chiếc xe khỏi điểm ngập – Ảnh: Người Lao Động

Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc hệ thống ôtô Hyundai Huế, cho biết họ đã tiếp nhận khoảng 50 xe ngập lụt đến sửa chữa. Do số lượng xe quá nhiều nên hãng đã huy động toàn bộ nguồn lực, tăng ca, làm cả ngày nghỉ để giúp khách hàng.

“Phương án sửa chữa của chúng tôi là sẽ đánh giá mức độ hư hỏng của xe rồi đưa ra tư vấn cho khách hàng. Nội thất, băng ghế nệm sẽ được sấy hấp hoặc thay mới theo yêu cầu của chủ xe. Đối với các thiết bị điện nếu hư hỏng sẽ thay thế và được bảo đảm theo chính sách của hãng. Chất lượng xe khi xuất xưởng sẽ được chúng tôi đảm bảo” – ông Văn Anh nói thêm.

Một chiếc xe đắt tiền vào hãng sửa chữa sau khi được cứu khỏi điểm ngập – Ảnh: Người Lao Động

Theo chiết tính của một chủ garage sửa xe, chi phí sửa chữa xe tùy theo mức độ nặng nhẹ, nhẹ thì từ 4 đến 5 triệu đồng, còn nặng như trường hợp xe bị ngập sâu, ngập trong thời gian dài, và thuộc dòng xe sang như Mercedes, Toyota Camry… thì chi phí có thể từ vài chục triệu hoặc có thể lên đến cả trăm triệu đồng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: