Hoa hậu Bồ Đào (39)

Thầy Trung đang đánh một bức thư gấp bỗng nghe ai gọi mình, tiếng phụ nữ, từ ngoài quầy. Thầy ngẩng lên thì thấy khách là cô gái Việt-Ấn chớ không ai lạ.

-Thưa bác, bác nhận ra cháu chớ?

-À con. Sao lại không nhận ra. Sao lâu quá, không thấy con tới chơi? Gỡ cặp kiếng xệ trên sống mũi xuống, thầy Trung vừa bước ra quầy.

-Dạ, vì cháu đi xa mới về. Thưa bác, bác gái và các em vẫn mạnh khỏe chớ?

-Ừ, cám ơn con. Dạo nầy con khá hay không?

-Thưa bác, cũng đủ sống. Chị Hiếu có thường về thăm hai bác chớ? Ông Trung do dự một giây rồi đáp:

-Hổm nay nó bịnh nên về ở bên nầy để tịnh dưỡng.

Hoàng đóng kịch khá giỏi và khá sành tâm lý. Nàng không có đi đâu xa cả. Nghe những người quen biết với Hiếu bàn tán nhau về chỗ sa sút thể chất của cô hoa hậu kiêu hãnh, về chỗ Long lúc sau nầy chỉ đi với một mỹ nữ không phải là bạn của nàng, nàng đoán ngay là Hiếu đã bị bỏ rơi. Giờ sự ấp úng của ông Trung xác nhận dự đoán của nàng, nàng xót xa thương bạn hết sức.

Là kẻ trải đời, Hoàng không hờn giận Hiếu vì đã bị Hiếu đối xử lãnh đạm ngày nào. Nàng biết rằng con người thường là tốt và họ trở nên xấu chỉ vì hoàn cảnh thôi. Người bạn gái ngây thơ của ngày học đánh máy chung trường vẫn còn nguyên vẹn nơi lòng nàng, và nàng nhớ thương không nguôi kẻ kiêu hãnh vì ngỡ mình cao.

-Vậy sao, thưa bác? Cháu có hay Hiếu bịnh đâu. Thôi để trưa cháu vô thăm hai bác với lại thăm nó luôn thể. Thôi, cháu xin phép bác, cháu đi.

-Ừ, con vô chơi, bác gái cứ nhắc nhở con luôn. Bạn của Hiếu, hai bác chỉ thương có một mình con thôi.

Ông Trung thành thật mà nói điều ấy chớ không phải lịch sự theo xã giao. Hoàng tuy bảnh và lúc sau nầy có tiền, nhưng nàng vẫn gần gũi gia đình ông vì tác phong của nàng. Nàng ở trong hàng ngũ của ông mà ra, chưa hề được lên cao lắm để bị đời biến đổi khác đi.

Trưa hôm ấy, vào khoảng ba giờ rưỡi, Hiếu đang ngồi ăn một khúc bánh tét mới mua của chị hàng rong thì thấy đầu khách nhỏ nhô lên khỏi mô cầu ván. Hiếu rất phiền vì đang ngon miệng. Lại bánh tét là món ăn mà lúc có tiền, nàng trông thấy là muốn ớn ngược ngay. Thế mà mấy bữa rày lại thèm, và hôm nay mua được, ăn nghe ngon lạ lùng.

Nàng toan đứng lên để chạy xuống bếp ăn nốt chỗ còn lại, bắt khách đợi một lát, thì gương mặt người bạn cũ đã hiện ra. Hiếu rụng rời, miếng bánh tét nuốt nửa chừng, mắc nghẹn nơi cuống họng nàng.

Người bạn của ngày nghèo túng thế nào cũng hiểu thấu thâm tâm nàng khi nàng thờ ơ với nó bữa gặp nó trên đường Tự Do. Nó đến đây để làm gì? Để mà mắng nàng cho bỏ ghét à? Để mà bỉ mặt nàng, khi nàng tuột thang xã hội, xuống thấp trở lại, còn thấp hơn nó không biết bao nhiêu à?

-Ăn gì đó bồ?

Hoàng hỏi lớn ngay từ ngoài sân. Hiếu bối rối quá không biết phải có thái độ nào, không hiểu Hoàng mỉa mai hay chơn thật, hỏi thế vì vui tánh. Nàng chưa kịp làm gì hết thì cô Ấn-độ lai đã vào đến nơi, bắt quả tang tại trận nàng đang ăn bánh tét.

Hiếu tức giận bị bắt chợt trong nếp sống thầm kín của một kẻ xuống chơn, toan cự Hoàng, nhưng Hoàng đã chạy tới ôm bạn mà hôn lên tóc và nói:

-Chị nhớ em không biết bao nhiêu, nay mới đi thăm em được đây.

Hoàng rất sành tâm lý, không nói: “Mới dám đến thăm em đây”, bởi đó là lối nói mích lòng, chứng tỏ rằng nàng đã nghèo nên Hoàng mới dám đến thăm, mà nói: “Mới đi thăm được”, làm như là Hoàng không nhận thấy thái độ phụ bạc của Hiếu khi đó, chỉ vì bận đi xa mà không đến.

Hiếu nghe cái hôn hôm nay đầy thương mến y như cái hôn của ngày nằm chung võng với nhau trên đất Ông Tạ. Tự nhiên, lòng nàng êm dịu lại, tim nàng se thắt một niềm xúc cảm trước tình bạn thiêng liêng, và hối lỗi, nàng ôm bạn bằng hai tay dính chất nếp dẻo của bánh tét rồi cả hai cùng nhau khóc.

Bà Trung từ dưới nhà bếp đi lên, thấy cảnh tượng ấy, lặng lẽ lùi trở xuống để cho hai người trao gởi niềm thương với nhau một cách tự do và thân mật. Một hồi lâu, họ buông nhau ra, Hiếu cười trong nước mắt mà nói:

-Áo chị bị em bôi nếp đầy trên ấy.

-Không sao, bôi lọ kìa mới sợ. Vả hàng nội hóa không bao nhiêu tiền.

-Sao dạo nầy chị hà tiện, không mặc lụa đắt tiền như trước.

-Giờ chị là vợ rồi thì chị phải hà tiện, chớ không dám phung phí như hồi chị còn là cô nhơn tình.

-Chị là vợ của ai?

-Cũng của ông ấy. Nhưng em đừng lo. Bả đã qua đời và chị được ổng nhìn nhận chánh thức làm vợ ổng.

-Chị có nhớ hay không có một khi kia, chị mơ cho chúng ta làm chúa ở Sài-gòn.

-Giấc mơ hảo của trẻ con! Và cả hai đứa mình đều chiến bại. Chị biết trước là bại trận nên đã thủ phận lấy ông chồng già mà em đã mắng chị làm bậy. Nhưng em tính, còn người thanh niên nào mà chịu lấy một cô Chà lai làm vợ, ngoài sự mua vui qua đường. Làm vợ ông nầy, là chị thủ phận, tìm một nơi nương dựa chắc chắn đó em à.

-Em cũng bại trận, nhưng không có đất ẩn thân như chị.

-Em nè, em muốn đi làm hay không?

-Em cần tiền hơn bao giờ cả. Lương tháng một ngàn rưỡi, tuy không nghĩa lý gì đối với bạc muôn bạc vạn mà em đã cầm trong tay, nhưng giờ đã khác rồi, được bao nhiêu, đỡ bấy nhiêu.

-Chị biết mấy chỗ làm nầy, rất hợp với em trong giai đoạn em bị khủng hoảng tinh thần. Hiện nay Sài-gòn và vài tỉnh cần tuyển giảng tập viên cho các trường tiểu học, em nghĩ sao?

-Em sợ kém khả năng.

-Về văn hóa thì không ngại. Người ta chỉ đòi học lực lớp nhứt mà em đã học đến đệ tứ. Còn về chuyên môn thì người ta sẽ chỉ dạy em chớ!

-Nghề mới lạ hoàn toàn, em lo quá.

-Chị thì thấy em nên gần trẻ. Trẻ con an ủi lắm đó em à. Lương cũng cao hơn lương thơ ký đánh máy nhiều, lại có tương lai là hy vọng được vào ngạch.

Hiếu chỉ làm thinh và Hoàng nài nỉ:

-Bằng lòng đi em nhé! Em không nên ở không mà gặm sầu, hại cho sức khỏe và tinh thần em lắm!

-Nhưng làm thế nào để…

-Ổng sẽ lo cả cho em. Chính ổng đã mách cái tuy-dô đó. Nhưng chị cần nói rõ là không mong được Sài-gòn tuyển dụng đâu. Sài-gòn là nơi yên ổn, nhiều trò giải trí, nên ai cũng ham cả. Làm sao mà địch nổi với bao nhiêu tài năng và thế lực.

-Em nên đi về các tỉnh vậy. Hiện chị biết mấy tỉnh sau đây cần người: Long-An, Tây-Ninh, Phước-Tuy, Biên-Hòa, toàn là tỉnh gần thủ đô không mà thôi, đi, về cũng tiện. Em thích tỉnh nào?

-Em chưa ra khỏi Sài-gòn bao giờ cả, trừ xuất ngoại với Long, thì tỉnh nào đối với em cũng xa lạ hết. Theo chị, em nên chọn đâu?

-Chị cũng không biết. Vậy em rút thăm, tỉnh nào ra là xin tỉnh ấy.

Trà-Võ mà người bình dân thường kêu là Chợ-Võ, nằm trên đường Sài-gòn Tây- Ninh, cách tỉnh lỵ ba mươi cây số. Đó là một chợ xép miền Đông buồn như bất kỳ chợ xép miền Đông nào mặc dầu vùng ấy có sở cao-su, dân cư khá đông đảo.

Khi được ty tiểu học ở tỉnh lỵ cho biết nàng được gởi về vùng xa thành phố ấy, Hiếu sợ hãi lắm, trở về Sài-gòn cầu cứu với ông chồng già của Hoàng, nhờ ông ta vận động cho để nàng được ở lại tỉnh lỵ.

Nhưng Hoàng lại ngăn trở. Nó bảo rằng Hiếu phải xa không khí thủ đô, thì đành rồi, mà cũng phải xa luôn không khí các tỉnh lỵ các thành phố lớn khác. Nó bắt chồng nó lên Chợ Võ nầy, tìm người để gởi gắm Hiếu, và may quá, ông ta đã tìm được một vị cựu hương chức già, ông hương sư Sen, một người quen cũ. Hương sư Sen nhận cho Hiếu ăn ở trọ tại nhà ông để đi dạy học nơi trường tiểu học gần đó.

Hôm đầu, vào giấc chiều, sau bữa ăn tối ăn rất sớm theo tục lệ của những người ở các làng mạc mà không bận về canh tác. Hiếu ra sau nhà ông hương sư Sen để ngắm cảnh.

Khu chợ hẹp chỉ bằng xóm Cù lao của nàng và đảo sơ qua đôi mắt là nàng thu được cả hình ảnh thành phố vào ý thức của nàng. Hiếu nhìn xa hơn. Quanh đó chỉ là chồi cây thưa và bên kia đường, trước chợ là sở cao-su. Nhưng trông từ xa, Hiếu thấy các khối cây xanh ấy giống như rừng già trùng trùng điệp điệp.

Người thành phố đi nghỉ mát ở  nhà quê, cảm giác họ đối với đồng nội và rừng rú, khác hẳn với người thành phố bắt buộc phải lùi về sống ở một nơi đèo heo hút gió. Nhứt là khi kẻ ẩn dật lại là một cô gái nổi danh tài sắc một thời, và một thời đã sống tưng bừng, lộng lẫy.

Hiếu trông về hướng Nam, và nhớ Sài-gòn như là một người ghiền thuốc Lào mà phải nhịn. Nàng hình dung cuộc sống quay cuồng nơi đó mà nàng không được tham dự vào nữa, và ngậm ngùi tiếc đoạn đời vừa mất của nàng.

Buồn quá, Hiếu đi lần ra đường cái. Đường cũng vắng hoe. Đứng lâu lắm mới thấy một chiếc xe chiều từ thủ đô về tỉnh lỵ, chạy ngang qua đó mà không ngừng vì không có hành khách lên xuống nơi chợ nầy.

Chiếc xe đò có lẽ chỉ chở toàn người ở tỉnh nhưng Hiếu cũng ngửi được mùi Sài-gòn mà nó mang theo về đây. Trên xe, mọi người đều nhìn xuống chợ, nhưng chắc chắn không một ai dè rằng cô gái gầy gầy thơ thẩn đứng nơi cổng trường trước chợ đó là một nhân vật có một thời được đặc biệt chú ý tại Sài-gòn, trong nhà bước ra là năm bảy ống ảnh chĩa ngay vào người cô.

Rồi chiếc xe đò đi qua, mang đi sự sống động, như là một hòn sỏi rơi vào mặt nước tù, làm xao xuyến sự phăng phắc của nó giây lát rồi thôi.

Chuyến xe Tây-Ninh Sài-gòn cuối cùng trong ngày lại đến, ghé qua độ nửa phút rồi chạy đi. Hiếu nghe rất thèm làm một hành khách của chuyến xe ấy. Tiếng gọi của thủ đô mạnh mẽ quá, mặc dầu nàng đã xa Sài-gòn hàng trăm cây số ngàn rồi.

Mặt trời chiều đốt đỏ đầu rừng hướng Tây sau chợ. Lửa tà dương cháy sáng một hồi lâu rồi tái mét lần. Chiều nhuộm màu vàng, rồi hoàng hôn biến ra sắc tím, Hiếu ngậm ngùi hết sức mà thấy hình ảnh đời nàng trong ánh ngày đang hấp hối đó. Đời nàng đã xế chiều rồi và vĩnh biệt tình yêu, vĩnh biệt nhịp sống quay cuồng, vĩnh biệt âm thanh, màu sắc.

Bỗng nhìn lại quanh nàng, Hiếu giựt mình sợ hãi, vội vàng bước mau về nhà trọ; ở đây, không có cô gái nào thả rểu ngoài đường như nàng cả. Nàng quên rằng trong thôn quê, tác phong ấy bị xem bằng những con mắt khinh khi và ngờ vực.

***

Đưa cô giáo mới đến lớp, ông hiệu trưởng nói:

-Đáng lý gì cô chỉ dạy được lớp chót thôi, vì chức tước cô thấp hơn hết trong giới đồng nghiệp của cô. Nhưng lớp chót lại là lớp tối quan trọng rất khó phụ trách, mà cô thì chưa có tí kinh nghiệm nào. Vì thế mà tôi để cô coi lớp tư. Cô nên cố gắng.

-Dạ.

Hiếu hồi hộp lắm, y như là chính cô bị đưa vào lớp để học, cách đây mười lăm năm. Đây là nỗi lo sợ cái gì mới lạ đang chờ đợi nàng mà nàng không biết rõ, chớ không phải sợ lũ học trò bảy tuổi của lớp tư đâu. Họ đã tới cửa lớp. Toàn thể học trò đứng lên một loạt. Ông hiệu trưởng xâm xâm đi tới bàn thầy, bên trong, bước lên bục, nhìn khắp lớp một lượt, rồi dõng dạc nói to:

-Cho ngồi xuống!

Học trò bắt đầu xầm xì. Một thứ tiếng rì rào nổi lên, ông hiệu trưởng đập thước lên bàn và hét:

-Im!

Tức thì dưới nầy lặng trang, con ruồi bay qua cũng có thể nghe tiếng quạt cánh của nó.

Hiếu cũng nhìn qua một lượt. Lớp học đông cỡ sáu mươi trò, hai phần ba là con trai. Con gái được ngồi ở các bàn trên hết. Phần lớn học trò mặc áo đen và Hiếu nghe ngay cái mùi mồ hôi, mùi nắng đọng trong tóc của chúng xông lên nồng nực. Những người dạy học lâu ngày rồi, đã quen với mùi ấy, không còn nghe thấy được nữa. Những gương mặt ngây thơ dưới kia đang nhìn lên, làm cho nàng có cảm tình với chúng tức thì.

-Cô đây là cô giáo mới của các trò, đến thay thế cho thầy các trò vừa dạy được nửa tháng thì được thuyên chuyển về tỉnh vì một lý do riêng. Các trò phải chăm chỉ học, nghe lời cô dạy bảo. Trò nào không siêng năng cần mẫn, không vâng lời cô thì sẽ bị trả về gia đình.

Đoạn ông đưa tay mời Hiếu lên ngồi nơi ghế mà nói:

-Tôi đi đây. Có gì khó nghĩ, cô cứ đến văn phòng tôi.

Ông ấy nghiêm nghị bước ra và học trò lại đứng lên một lượt để tiễn chào.

-Các em ngồi xuống.

Hiếu dịu dàng bảo học trò mới của nàng như vậy khi ông hiệu trưởng ra tới hành lang. Để biết mặt từng đứa, nàng lật sổ ra, kêu tên chúng. Mỗi lần một đứa đứng dậy, bốn mắt nhìn nhau, đôi mắt ngây thơ sợ hãi người mới, nghi ngờ lòng tốt của người nầy, và đôi mắt u buồn yêu cầu một sự tín nhiệm.

Mặc dầu thôn quê miền Nam đã ý thức về sự quan trọng của danh tánh, vẫn còn nhiều quá những trò tên là Nguyễn-văn-Hai, Nguyễn-thị-Ba, Trần-văn-Ớt, Lê-thị- Được.

Hiếu loay hoay một hồi với vụ điểm danh nhìn mặt, với bài Công-dân giáo dục thì đã hết hai giờ đầu và trống ra chơi đã đánh thùng thùng.

Văn phòng ông hiệu trưởng còn là phòng họp của giáo viên. Ở đó có nước trà giải khát và vào buổi ra nghỉ xả hơi của học sinh, các thầy các cô tề tựu nơi đó để nói vài ba câu chuyện. Hiếu được ông hiệu-trưởng giới thiệu với bốn đồng nghiệp khác của nàng, toàn là nam giáo-viên không mà thôi: ông Tước trạc tuổi ba nàng, nhưng phương phi, phì nộn; ông Hoài trẻ hơn một vài tuổi, không có gì đặc sắc; thầy Châu, dạy lớp ba, dư thước tấc về bề cao, trắng trẻo, và mảnh mai như một thư sinh trong truyện Tàu; và thầy Ngọc, dạy lớp nhứt, có tướng một nông dân với vai u thịt bắp.

-Cô quê quán ở đâu, ông Tước hỏi.

-Dạ con ở Sài-gòn, Tân-định.

-Có đạo à?

-Dạ không. Không phải người Tân-định có đạo cả đâu.

-Trước cô làm gì ?

-Dạ, con đóng phim.

Ở đây không có ai xem cái phim mà Hiếu đóng vai chánh cả, vì họ không bao giờ xem chiếu bóng, mà cũng vì phin ấy không được hoan nghinh nên không có gởi về tỉnh. Họ cũng chẳng theo dõi tin tức văn nghệ nên họ không hề nghe đến tên Bích-Lệ khét tiếng năm ngoái.

Mặc dầu sợ lộ tung tích, Hiếu rất mích lòng mà bị không biết đến như vậy. Tự ái nàng bị chạm nhiều quá khi thời oanh liệt của nàng không ai đoái hoài đến hết.

Tất cả mọi người trong phòng họp nầy đều có hỏi chuyện nàng, trừ thầy giáo Châu ra. Hiếu bắt chợt thầy ta nhìn trộm nàng nhiều lần, và bối rối hoảng sợ khi gặp phải mắt nàng. Thầy Châu ấy độ hăm sáu tuổi, mặc mũi khá khôi ngô và trên gương mặt sáng sủa của thầy còn vương đôi chút ngây thơ, còn hôi chút đỉnh mùi học trò.

-Cô ăn cơm tháng nhà ông hương sư Sen, ông ấy lấy bao nhiêu? Ông Hoài hỏi.

-Thưa năm trăm.

-Cũng vừa. Cái thuở mà tôi mới ra dạy học, tôi lãnh mỗi tháng có hai chục đồng thôi. Vậy mà ngày lãnh lương, tôi không biết làm gì cho hết một đồng bạc. Tôi hớt tóc tám xu, mua đôi guốc lòng mức năm xu, và một cục xà-bông một xu, thế là còn lại những mười chín đồng tám cắc tư. Nhờ vậy mà năm sau, cưới vợ xong là tôi cất nhà cột gõ được ngay.

Hiếu nghe ông hương sư Sen cho nàng biết rằng ông Tước và ông Hoài là người địa phương có máu mặt trong chợ ở nhà nền đúc, cột gõ một ôm, láng ướt và mập như những cây đèn sáp.

Ông hương sư Sen lại nhận xét thêm rằng xứ Tây-Ninh là xứ thầy giáo và giáo viên là thành phần quan trọng của giới trung lưu trong tỉnh. Các chợ Trảng, chợ Gò-Dầu, chợ nào cũng đông đảo giáo viên về hưu và khá giả. Thành thử nghề giáo trong xứ rất được kính nể vì riêng cái nghề đạo đức của họ mà cũng vì sự khá giả toàn thể của họ.

-Con thì con không mong cất nhà gạch được như bác ngày xưa. Lương tháng ngàn bảy, ăn cơm rẻ tiền nhưng cũng chỉ còn được ngàn hai, rồi nào xe cộ áo quần tóc tai, chưa chắc đã đủ, để kéo dài đến ngày lương tháng sau.

-Phụ nữ ngày nay mắc tiền quá! Các cô cứ may áo mới luôn, các cô cứ sửa tóc mãi, thì ăn lương bao nhiêu cũng không dư nhiều để mà cất nhà như bọn hà tiện chúng tôi ngày xưa.

-Thưa bác, y phục con mặc, là đã trót may dưới Sài-gòn. Con mặc rách hết lớp nầy thì không may nữa chỉ mặc một chiếc áo the thôi.

-Ý, rồi ai mà cưới cô, cô phải làm đẹp chớ.

-Con chỉ sợ mắc tiền quá con trai họ sợ.

Cả phòng đều cười xòa. Hiếu nói đùa như vậy là thường lúc nàng đóng phim. Nhưng trong thế giới đạo đức nầy cô có vẻ táo tợn như một con quỷ cái, khiến người thư sinh giáo Châu đỏ cả mặt và cứ nhìn gạch không lúc nào dám ngước lên cả.

Lại đến giờ dạy học, và họ chia tay nhau. Khi tan buổi sáng, ba bốn em bé gái lên giành nhau ôm sổ, ôm tập cho cô, Hiếu cảm động quá và nhớ em nàng hết sức, nàng xoa đầu từng đứa và thỏa mãn cả bọn chia đều mọi thứ cho đứa nào cũng được phục dịch cô cả.

Bọn con trai ba gai hơn, nhưng chúng thương cô giáo hiền lành, khác hẳn với thầy quá nghiêm khắc nên chúng cùng đi theo hộ tống cô của chúng thành một cái đuôi đài như câu thòng Vọng Cổ.

Hiếu nhận việc vào ngày thứ sáu, thứ bảy dạy buổi học đầu rồi thì nghỉ. Nhưng nàng không về Sài-gòn và dặn các bé gái:

-Mai chúa nhựt, em nào không bận công việc nhà, đến chỗ cô trọ cô dạy may thêu, nghe chưa.

Cả bọn đều hoan nghinh. Thế là ngày đầu đã qua, mọi việc đều trơn tru một cách đáng mừng. Nhưng chiều thứ bảy, Hiếu càng buồn hơn chiều hôm trước nhiều.

Chiều hôm qua, trí bận lo sợ về buổi tiếp xúc đầu hôm nay, nên quên gia đình, quên cả Sài-gòn một phần. Chiều hôm nay, nàng đã hóa ra người cũ trong giáo giới, biết nó thế nào rồi, trí được giải thoát nên nó phiêu lưu ra xa.

Những buổi cuối tuần như hôm nay, Sài-gòn vui nhộn không biết bao nhiêu, và đèn Sài-gòn sáng không biết bao nhiêu. Con Suzie hôm nay chắc được hoan nghinh nhiều vì trà thất đông khách; con Lilie chắc được ít lắm là năm bảy bạn trai rước đi ăn; chị Hoàng tệ lắm cũng đi Chợ-lớn ăn mì vịt với ông chồng già của chị ấy và… cô gái thay thế cho nàng bên cạnh Long đã say cái mộng giàu sang mà nàng đã say ngây ngất ngày nào.

“Trời ơi, thế là mình đành chôn vùi tuổi trẻ của mình ở đây à? Thật là như một giấc chiêm bao, cuộc đời hào nhoáng năm ngoái! Giờ, bừng con mắt dậy, xa mã tiêu thiều không nghe, không thấy nữa mà quanh mình nghìn trùng rừng rậm ngút ngàn!

“Nếu như xưa kia, khi còn học đánh máy, mình được một chỗ làm như thế nầy, chắc đã được hoàn toàn hạnh phúc, tưởng không còn biết mơ ước gì hơn. Nhưng mà đã trót biết bao nhiêu thứ hơn thế nầy, đã chiếm được các thứ ấy một lúc, rồi phải lui bước thì không sao không ngậm ngùi thương tiếc được. Chắc từ đây, mình sẽ sống mãi trong mối hận dài, không vui, không thỏa được với hiện tại, mà cũng không mong vá lành những bong bóng xà bông lóng lánh nhiều màu nó đã tan vỡ cả rồi.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: