Pennsylvania, một thời huy hoàng với vàng đen

DU LỊCH – LỊCH SỬ MỸ
Pennsylvania, 1865, với cơn sốt vàng đen (ảnh: R. Gates/Archive Photos/Getty Images)

Cách nay 164 năm tại tiểu bang Pennsylvania, vào ngày 27 Tháng Tám 1859, lần đầu tiên dầu thô từ sâu trong lòng đất phụt lên cao, mở ra cuộc đổ xô đào giếng dầu, tạo đà cho bang miền Đông này tăng tốc phát triển kinh tế sung túc mãi đến nay.

DÒNG NƯỚC NHỜN ĐEN

Pennsylvania nói chung và thành phố Philadelphia nói riêng có rất nhiều dấu ấn, vết tích quan trọng trong lịch sử hình thành liên bang Mỹ. Riêng tại Philadelphia (gọi ngắn là Philly, lâu nay được công nhận là nơi khai sinh ra nước Mỹ) có hàng chục địa chỉ hấp dẫn để ngắm. Đó là cái chuông bị nứt; Tòa nhà Độc lập; Valley Forge, nơi đóng quân của quân Lục địa Mỹ dưới sự chỉ huy của tướng George Washington chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi giành độc lập khỏi Đế quốc Anh… đến Eastern State Penitentiary, tức nhà tù từng nhốt trùm gangster Al Capone, và chiếc thiết giáp hạm USS New Jersey từng nã đại pháo ở đủ bốn cuộc chiến lớn (Đệ nhị Thế chiến; Chiến tranh Triều Tiên; Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất).

Nhưng Pennsylvania còn có một địa chỉ du lịch hấp dẫn mà ít ai biết đến: Drake Well Museum and Park. Tất cả những gì liên quan đến cơn sốt vàng đen tại bang Pennsylvania đều tìm thấy được trong bảo tàng kiêm công viên giải trí này.

Drake Well Museum, Titusville, Pennsylvania (ảnh: Heilman/Classicstock/Getty Images)

Trong hơn 2/3 thời gian của thế kỷ 19, dầu hỏa chủ yếu được sử dụng như một loại thuốc trị bệnh. Thổ dân da đỏ dùng chất nước đen này làm thuốc đuổi côn trùng, chất bôi trơn và pha màu hóa trang vào những dịp có nghi lễ tôn giáo. Để khai thác dầu, người ta đào những rãnh sâu vào lớp đất mà loại nước nhờ màu đen vẫn rỉ ra đều đều, năm này qua tháng nọ.

Sách xưa ghi rằng có một chủ trại ở Titusville, Pennsyvania, tên là Kiers thường dùng vải thấm chất nước đen ấy, mỗi năm cũng được từ 20 đến 30 thùng. Hàng xóm bắt chước làm như ông ta vì thấy có lợi ích hơn là nuôi gia súc bán cho lái buôn hoặc tại các kỳ chợ phiên địa phương.

Đánh hơi thấy mùi tiền từ nguồn nước đen, nhiều nhà đầu tư từ các thành phố lớn bên miền Đông ào tới thâu tóm đất, mỗi người mua hàng ngàn héc-ta. Trong số này có George Bissell, một luật sư đến từ thành phố New York sớm lập ra công ty Pennsylvania Rock Oil với vốn đầu tư của một vài doanh nhân và nhà ngân hàng tại New Haven, Connecticut.

Mục tiêu của ông Bissell là biến dầu thô thành chất đốt lỏng kerosene dùng cho đèn dầu thắp sáng trong đêm ở mọi gia đình và không lâu sau đó là nhiên liệu chính của xe hơi. Ông thuê Edwin L. Drake, một cựu nhân viên lái đầu máy xe lửa đang thất nghiệp đến Titusville mua đất và tổ chức thăm dò khai thác nhưng thất vọng vì lô đất ông đã mua chẳng cho được bao nhiêu nước đen. Sau nhiều buổi trầm ngâm và bàn tính với ông chủ Bissell, cuối cùng Drake nẩy ra ý xây dựng dàn khoan khoét sâu vào lòng đất để hút dầu. Chẳng còn gì để mất, Bissell bật đèn xanh cho khởi công.

Đại tá Edwin Laurentine Drake (phải) nói chuyện với một kỹ sư trước giếng dầu của mình tại Titusville, Pennsylvania (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

MỖI NGÀY MỘT MÉT

Thực ra, ý tưởng khoan vào đất tìm dầu hỏa không hoàn toàn mới mà đã từng được thử nghiệm tại Rumani, Đức, vùng Caucase và Anh. Khi ông Edwin Drake mang dụng cụ đến Titusville năm 1857 thì trở thành nhân vật bị mọi người quanh vùng cười khinh. Để tạo cho mình chút uy tín, ông tự gắn cho mình chức vụ đại tá. Quyết định đầu tiên của Đại tá Drake là tuyển vào đội nhân viên của mình Billy Smith, một thợ rèn trở thành “chuyên gia đào đất” và được giao nhiệm vụ đào một cái giếng sâu 300m ngay trong cánh đồng lớn nay có tên là Oil Creek. Máy hơi nước được sử dụng tạo lực quay lưỡi khoan. Nhưng mới được 5m thì dàn khoan đổ sụp, dân quanh vùng cười chế giễu dự án của Đại tá Drake, đổi cách gọi ông ta thành Crazy Drake.

Điên cũng được nhưng không dễ dàng bỏ cuộc, việc đào giếng lại bắt đầu nhưng nay có thêm hệ thống ống cột lồng ngoài lưỡi khoan, vừa chắc vừa ngăn được nước thẩm thấu vào bên trong. Phương pháp này tỏ ra hiệu quả và đến nay vẫn còn được ứng dụng. Lưỡi khoan ăn xuống được 10m thì bắt đầu thâm nhập vào lớp đá cứng nên mỗi ngày chỉ đào được một mét. Lúc này Đại tá Drake cũng gặp khó khăn do ông chủ Bissell đang cạn tiền, công ty thì đã đổi tên thành Senecca Oil Company với Drake ở cương vị chủ tịch.

Dù vậy công việc vẫn tiếp tục. Chiều ngày 27 Tháng Tám 1859, khi đã khoan sâu 21m vào trong lòng đất vẫn không thấy gì, mọi người mệt mỏi chuẩn bị bữa tối rồi đi nghỉ sớm thì điều họ tìm kiếm dần xuất hiện. Nước nhờn đen kịt cứ từ từ rỉ ra đầy dưới đáy giếng. Sáng ngày hôm sau, họ phát hiện dầu. Đại tá Drake chạy nhanh tới xem, mừng quá đến như phát điên. Rồi ông cho chế nhanh một máy bơm hút chất nước đen ấy lên. Lúc đầu, sản lượng rất thấp, khoảng 25 thùng mỗi ngày nhưng có ngày chẳng thu được thùng nào, nhưng rõ ràng đây là cách khai thác dầu thô hiệu quả nhất khi ấy.

Edwin Laurentine Drake (ảnh: Photo 12/Universal Images Group via Getty Images)

THÀNH PHỐ DÀN KHOAN DẦU

Tất cả những ai từng cười chê ông Drake Khùng hôm trước hôm sau đều bắt chước làm như ông, các dàn khoan dầu thi nhau mọc lên khắp vùng. Không phải hàng trăm mà là hàng ngàn cái. Cuộc đổ xô đi tìm vàng đen bùng nổ ở bang Pennsylvania; Titusville bỗng chốc thở thành một “derrick ville” (thành phố dàn khoan dầu) và rồi có thêm những thành phố dầu hỏa khác thành hình thật nhanh như Pit Hole, Oil City… không khác gì những thành phố vụt mọc lên từ cuộc đổ xô đi tìm vàng ở California vài năm trước đó. Những giếng khoan mọc lên san sát nhau đến độ che kín tầm nhìn, phủ đen lên toàn khu vực trông không khác gì một bầu trời đen tối lúc giông bão.

Dầu hỏa từ bang Pennsylvania trở thành một trong những nguyên vật liệu có giá trị nhất của nền kinh tế; nhiên liệu vua để chiếu sáng thay cho loại dầu lấy từ mỡ cá voi. Các đường ray nhanh chóng được lắp ráp từ nhiều nơi đến Pennsylvania để vận chuyển nguồn vàng đen ra khắp nước; nhiều người hôm trước nghèo khó hôm sau trở thành triệu phú. Không những thế, dầu thô còn được xuất sang châu Âu, làm “chất đốt” cho cuộc Cách mạng Công nghiệp hóa tại Lục địa cũ.

Nếu như năm 1859, các giếng khoan của Đại tá Drake hút được 2,000 thùng dầu thô thì sản lượng toàn vùng vào năm 1869 tăng thành bốn triệu thùng và đến năm 1873 thì đã lên đến 10 triệu thùng (1.6 triệu m3). Cơn sốt dầu hỏa tại Pennsylvania kéo dài suốt những năm 1857 – 1870 rồi đến năm 1891 thì đạt đỉnh cao 31 triệu thùng, tức 58% tổng sản lượng dầu thô cả nước Mỹ khai thác được. Nhưng sau đó, mọi chuyện trở về bình thường, vì Texas và California cùng với Wyoming và Ohio đã thay chỗ, trở thành những nơi có sản lượng dầu thô lớn hơn. Tuy nhiên Pennsylvania ngày nay vẫn còn duy trì vài cơ sở thuộc ngành khai thác vàng đen.

Buồn cho Đại tá Drake vì đã không sáng suốt sớm đăng ký bằng sáng chế công nghệ dàn khoan dầu hỏa nên đã không thu lợi được từ ý tưởng của mình. Ông chỉ có tiền từ sản lượng dầu thô hút lên được từ lòng đất, một khoản tiền không nhỏ nhưng rồi ông cũng chẳng hưởng được vì đã đầu tư cổ phiếu công ty và mất sạch trong cuộc khủng hoảng tài chánh diễn ra thời hậu nội chiến Bắc-Nam, 1860-1865. Cuối đời, ông ta nghèo túng đến độ chính quyền bang Pennsylvania phải trợ giúp ông $1,500. Khi “Vua khám phá dầu thô” qua đời năm 1880 tại Bethlehem, ông nghèo xác xơ như nhân vật Job trong Kinh Cựu Ước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: