Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (14)

Tôi cắp cặp theo anh Nông lên vùng Đông Cảo-Từ Hồ, nơi Trần Thiện Thính, tức Cúng, đóng đồn trước đây. Tôi biết Thính qua một đêm thôn Nhân Lý tổ chức biểu diễn văn nghệ tại đình làng. Thính người thôn Long Vỹ, cùng xã Thanh Long. Thính ôm đàn guitar tươi cười bước lên sân khấu, vừa hát vừa đệm đàn ca khúc Quê hương ta (không rõ tác giả) tuyên truyền vận động đồng bào không nên rời bỏ quê hương vào Nam theo địch. Tiếng đàn Thính rất điêu luyện, giọng ca Thính rất ngọt ngào truyền cảm, những cung bậc luyến láy thật tài tình.

Trần Thiện Thính, tức Cúng, độ ngoài 30 tuổi, dáng người nho nhã, phong độ nghệ sĩ tài hoa, không ngờ lại là “ác ôn”! Thính là Đồn trưởng lính nguỵ, đeo lon quan Một, cai quản vùng Đông Cảo-Từ Hồ. Nhưng qua hai đêm phát động quần chúng tố cáo Đồn trưởng quan Một Trần Thiện Thính, chúng tôi không thu lượm được kết quả như mong muốn. Chỉ nghe quần chúng nói: Cứ sáng sớm, Thính quân phục chỉnh tề, đầu tóc chải suôn mượt, tay lăm lăm khẩu súng lục dẫn đầu đội lính nguỵ đi càn quét du kích, lùng sục cộng sản. Thính nổ ba phát súng lục, bọn lính nguỵ cũng bắn chỉ thiên đì đùng, không chết ai.

Đông Cảo nổi tiếng giống gà thịt ngon, thỉnh thoảng bị chúng bắn chết một vài con, dường như bắn chơi, không lấy con nào. Đất Từ Hồ nhiều chuối, cứ đến phiên chợ Yên Mỹ, dân gánh gồng đi bán kìn kìn. Những thức ngon như trứng gà, chuối chín, dân sợ Đồn, biếu thì Đồn nhận, họ không ăn cướp như nhiều đồn bốt khác. Các tội ác giết người, đốt nhà, hãm hiếp đàn bà con gái, quần chúng trong vùng nói không hề xảy ra.

Chúng tôi đều ngạc nhiên. Anh Nông dẫn ra nhiều nơi tội ác nguỵ quân nguỵ quyền kinh khủng lắm. Ví dụ bên tỉnh Thái Bình nổi tiếng bốt Quỳnh Lang, đến nỗi nhân dân phải đặt ca vè:

Thái Bình có bốt Quỳnh Lang

Có lò cắt tiết, có hang chôn người

Xác người bị giết nhiều quá, chôn không kịp, địch ném xuống hang hố sâu đào sẵn ngoài bãi. Anh Nông dẫn chứng xa lại dẫn chứng gần. Xã Trai Trang bên cạnh xã Thanh Long có tên đội Hảo chuyên chặt đầu dân quân du kích, cán bộ. Hễ bắt được người nào, nó đem ra bờ đê chặt đầu, ném xác xuống sông, cấm người nhà thu nhặt. Tội ác quá rõ ràng, Đội về xã cho bắt đội Hảo, nó bị xử bắn ngay, không cần mở phiên toà đặc biệt…

Ai nấy nghe đều lắc đầu lè lưỡi. Nhưng tội ác “Một Thính” không ai tố cáo. Không thể tin được! Tây đã phong làm Đồn trưởng, đeo lon quan Một, phải gây nhiều tội ác, đó là thành tích ác ôn của nó!

Chừng nửa đêm, anh Nông và tôi ra về. Anh Nông thở dài: “Thứ hai tuần sau lên Đoàn uỷ biết lấy gì báo cáo? Cứ lý mà suy, nó không thể không gây tội ác. Hay là nơi đó có kẻ nào khống chế, quần chúng sợ không dám tố cáo…?

Tôi im lặng không dám nói gì. Sáng hôm sau, anh Đội phó báo cáo với Đội trưởng về tên Trần Thiện Thính. Anh Đội trưởng quyết định bắt giam tên Thính ngay:

-Bắt ngay kẻo nó trốn chạy, Đoàn uỷ không tha cho chúng mình đâu!

Anh Nông nói:

-Vâng, bắt nhầm còn hơn bỏ sót!

Trong khi tôi củng cố lại hồ sơ Nguyễn Văn Dương, các anh Đội trưởng, Đội phó bàn về vấn đề thôn Nhân Lý hãy còn thiếu một địa chủ, theo chỉ tiêu cấp trên quy định, 50 hộ phải có một địa chủ. Anh Nông nói:

-Có phần vô lý. Như thôn Thượng Tài ruộng ít, dân nghèo, lấy đâu cho đủ ba địa chủ?

Anh Đội trưởng cười:

-Đồng chí lên mà hỏi Đoàn uỷ, còn hỏi tôi, tôi cũng là kẻ thừa hành thôi.

Anh Đội phó nói thêm:

-Các xã đều phải đôn lên cho đủ số, chúng mình chỉ là kẻ vâng lệnh, biết làm sao khác được!”

Anh Đội trưởng gật đầu:

-Thì đôn lên cho đủ số vậy!

Tối hôm ấy, anh Nông bảo tôi theo anh về Nhân Lý nghe quần chúng phát hiện thêm địa chủ cho đủ số quy định năm tên.

Cuộc họp tại đình thôn Nhân Lý. Anh cán bộ Đội phụ trách địa bàn Nhân Lý tuyên bố lý do hội nghị, giới thiệu đại diện Ban chỉ huy Đội về dự. Anh Đội phó Nông mở đầu phát biểu thông báo tên ác ôn Trần Thiện Thính, tức Cúng, đã bị bắt… Cúng nào? Có người nói hơi to: Ấy cái anh Thính tức Cúng người Long Vỹ, “nhạc sĩ” tay đàn miệng hát bài “Quê ta” hay “không chê” được, tại đây, đình làng Nhân Lý ta. Bà con xì xào nhắc cả anh Quyện người làng ta không biết chữ, đi bộ đội phục viên, hôm diễn văn nghệ ấy ngâm bài thơ “Bên kia sông Đuống” mới hay tuyệt trần…

Anh cán bộ Đội vỗ tay mấy cái “đôm đốp”:

-Im lặng! Hôm nay chúng ta họp hội nghị để phát hiện, tố cáo, tìm ra ác ôn, tìm ra địa chủ. Nhân Lý cũng còn bỏ sót một hai tên là ít, phát hiện được càng nhiều tên càng tốt. Nhiều ruộng là một, bóc lột là hai, cường hào là ba, ác ôn là bốn, nguỵ tề là năm!

Quần chúng và cốt cán xì xầm bàn tán. Cán bộ Đội khẳng định:

-Có đấy, thế nào Nhân Lý cũng phải có thêm địa chủ, không lớn thì nhỏ, không nhiều ruộng thì bóc lột, không cường hào thì ác ôn hoặc tề nguỵ!

Một cốt cán phát biểu:

-Làng ta, tôi thấy còn tên Chu Văn Nhu!

Anh Đội hỏi:

-Tên Nhu có phải địa chủ không? Nghe nói Nhu còn là tay sai đắc lực của giặc Pháp, từng làm công an Bắc Việt.

Quần chúng nhao nhao:

-Công an Bắc Việt có lẽ chức to lắm?

-To có bằng Tỉnh trưởng, Quận trưởng không?

-Bắc Việt với Việt Bắc khác nhau chỗ nào, tớ chẳng hiểu gì sất!…

Anh Đội phụ trách Nhân Lý đập tay ra hiệu trật tự:

-Phải tập trung vấn đề, nếu đi lan man thì sáng đêm không xong. Bây giờ tôi hỏi một câu: Chu Văn Nhu có phải địa chủ không? Phải, trả lời phải, không, trả lời không, chỉ cần nói dứt khoát một tiếng!

Hội nghị im lặng, không khí căng thẳng. Anh Đội phó bảo nhỏ anh Đội viên: “Cậu phải bồi dưỡng trước chứ!” Anh Đội viên trả lời: “Vâng, thì đã bồi dưỡng cả rồi, thế mà bây giờ…”

Anh Đội phó sốt ruột, chỉ định một phụ nữ cốt cán bốn, năm mươi tuổi:

-Đồng chí là cố nông mới kết nạp phải gương mẫu phát biểu để quần chúng noi theo!

Người phụ nữ không quen “ý kiến”, ấp úng nói:

-Nhà ông Nhu ít ruộng. Nhưng ông Nhu lấy những ba, bốn vợ, không phải thuê mướn… Nhưng ông Nhu không có con cái, các vợ ông đều là nhân công làm thuê, vậy là bóc lột… tinh… tinh… (có người nhắc: “tinh vi”) à vâng… là… là tinh vi đấy ạ!

Anh Đội mừng rỡ:

-Bóc lột là địa chủ!

Và anh hỏi thật to:

-Tên Chu Văn Nhu bóc lột thường xuyên như vậy có phải là địa chủ không bà con?

Những tiếng đáp “phải” rời rạc. Anh Đội vung cao cánh tay, các cốt cán hiểu ý đồng thanh hô to: “Đả đảo địa chủ Chu Văn Nhu!”

Anh Đội hài lòng bảo thư ký hội nghị ghi biên bản quần chúng nhất trí trăm phần trăm tên Chu Văn Nhu đủ tiêu chuẩn địa chủ bóc lột. Thế là thôn Nhân Lý đủ chỉ tiêu địa chủ. Còn tội làm “Công an Bắc Việt” phải thỉnh thị ý kiến Đoàn uỷ.

Trong lúc cuộc họp chưa giải tán, đội du kích đã tập hợp dưới sự chỉ huy của cán bộ Đội, bao vây nhà Chu Văn Nhu. “Tên địa chủ” bị trói nghiến đưa ra đình làng giam, cùm thật chặt, chờ sáng mai giải lên Đoàn uỷ. Đội sợ giam giữ ở thôn không an toàn, địa chủ Nhu sẽ trốn thoát như địa chủ Tống.

Tôi ở Nhân Lý, ngày một buổi lên xã đi dạy lớp ba trường dân lập, tối dạy bình dân, rồi quanh quẩn ở Nhà thờ họ. Từ khi Đội cải cách về xã, việc học hành đình hoãn. Họ Hoàng bị quy ba địa chủ, trong đó đại địa chủ Tống chưa kịp xử tử hình đã trốn thoát, tôi bị giam lỏng trong cái bếp cũ nát. Từ khi được Đội sử dụng làm thư ký giúp việc, nhân dân bớt điều dị nghị nọ kia về tôi.

Tôi không được xem các biên bản hỏi cung can phạm Chu Văn Nhu, chỉ thấy Đội, cụ thể là anh Đội phó Đoàn Hưng Nông giao cho chép lại án văn Chu Văn Nhu, với lời dặn sửa chữa lại câu chữ rõ ràng, chính xác, đúng văn phạm. Nội dung án văn luận tội và kết tội Nhu địa chủ cường hào gian ác phản quốc hại dân, Toà án đặc biệt xét xử mức án Tử hình!

Tôi hơi giật mình. Ông Nhu mà tôi biết, như tên gọi, là người tính tình nhu mì, hình dáng cao lớn, không nghe ai chê bai điều gì. Cái tội của ông lấy nhiều vợ, do vợ nào cũng chẳng chửa đẻ gì. Cảnh nhà ông buồn vì thiếu tiếng trẻ con. Chu Văn Nhu cũng giống bác Biển họ Hoàng tôi, phải lấy tới ba, bốn vợ… Ai ngờ mắc tội “bóc lột”! Nhưng bác Biển nhờ thành tích thôn đội trưởng du kích, được miễn truy tố, còn Chu Văn Nhu theo địch làm “công an Bắc Việt” là tội lớn.

Dân Nhân Lý không ai rõ “công an Bắc Việt” là một cơ quan tổ chức thế nào, bản thân Nhu đã hoạt động gây tội lỗi phản quốc cụ thể ra sao. Theo lời anh Đội phó báo cáo với anh Đội trưởng, chính Nhu cũng không khai nhận tội trạng gì trên giấy trắng mực đen làm căn cứ pháp lý. Vậy tại sao Nhu bị kết án tới mức “tử hình”? Chép lại án văn đến chữ “Tử Hình” tay tôi cầm bút run quá! Tôi nghĩ đến bố tôi và bao người khác đã hoặc sẽ phải như Chu Văn Nhu!

CÒN TIẾP

_________

Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: