Giảng đường Hoa Kỳ khẩu chiến dữ dội bởi cuộc xung đột Trung Đông

Cuộc chiến xa xôi Trung Đông đang trở thành đề tài nóng trong học đường Mỹ, đặc biệt Harvard.  
Sinh viên Harvard bày tỏ tình cảm với Israel trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Trung Đông (Craig F. Walker/The Boston Globe via Getty Images)

Ngày 10 Tháng Mười, The Harvard Crimson, một trong những ấn phẩm nổi tiếng do sinh viên Harvard điều hành đưa tin rằng, chỉ sau vài giờ Hamas đột kích Israel, một liên minh gồm hơn 30 nhóm sinh viên Harvard đã cùng ký vào một thư ngỏ cho rằng Israel “hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về tất cả bạo lực đang diễn ra”.

Kể từ khi bức thư được công bố, không chỉ nhiều sinh viên mà các doanh nhân tài trợ cũng phản ứng dữ dội. Một số giám đốc điều hành các công ty lớn thậm chí tìm kiếm danh sách những người ký tên và cam đoan không bao giờ thuê họ.

Ngọn lửa nhen nhúm từ lâu

Trong khuôn viên một ngôi trường đại học vốn bị chia rẽ gay gắt, bức thư ngỏ nói trên đã đổ… axit khắp Harvard. Chỉ trong vài ngày, những sinh viên liên kết với các nhóm đó đã bị tấn công (thông tin cá nhân của họ bị đăng lên mạng và phát tán trên đường phố). Người thân của họ cũng bị chung số phận. Một số CEO Wall Street còn thu thập danh sách sinh viên ký trong thư ngỏ để không tuyển dụng họ. Một chiếc xe tải với bảng quảng cáo kỹ thuật số do một tổ chức bảo thủ trả tiền đi vòng quanh Quảng trường Harvard phía trước đại học với màn hình nhấp nháy ảnh và tên các sinh viên ký trong thư ngỏ, cùng dòng tiêu đề “Đây là những người chống Do Thái hàng đầu của Harvard”.

Từ lâu, các trường học Mỹ đã trở thành nơi tranh cãi gay gắt về quyền tự do ngôn luận, những gì được phép nói và những gì bị xem là khiêu khích căm thù trong khuôn viên trường. Nhưng cuộc chiến Israel-Hamas đã trở nên phức tạp hơn khi các tổ chức bên ngoài, các cựu sinh viên có ảnh hưởng và các nhà tài trợ lớn đang gây áp lực lên cả sinh viên và ban lãnh đạo đại học.

Lawrence Summers, cựu chủ tịch Harvard và cựu Bộ trưởng Tài chính, đã chỉ trích bức thư của nhóm sinh viên là “vô lương tâm và vô đạo đức”. Là cựu quan chức kinh tế thời chính quyền Obama và Clinton, Summers đã thu hút sự chú ý khi chỉ trích ban lãnh đạo Harvard phản ứng “chậm chạp” trước cuộc tấn công của Hamas và bức thư ngỏ. Một tổ chức phi lợi nhuận do cựu tỷ phú Leslie Wexner của công ty thời trang Victoria’s Secret và vợ ông Abigail thành lập loan bố cắt đứt quan hệ với Đại học Harvard.

“Chúng tôi choáng váng và đau buồn trước sự thất bại thảm hại của ban lãnh đạo Harvard khi không thể đưa ra quan điểm rõ ràng và dứt khoát chống lại hành động sát hại dã man thường dân Israel vô tội” – Quỹ Wexner viết trong một lá thư gửi Harvard cách nay vài ngày, trong đó đặc biệt trích dẫn tuyên bố của liên minh các nhóm sinh viên việc họ chỉ đổ lỗi cho Israel về các cuộc tấn công khủng bố của Hamas.

“Ban lãnh đạo Harvard quá thận trọng, lập lờ nên chúng tôi, tương tự cựu Chủ tịch Harvard, Larry Summers, không thể hiểu được tại sao trường đại học lại không sớm lên án tuyên bố của 34 nhóm sinh viên quy trách trách nhiệm hoàn toàn cho Israel về vụ công dân của họ bị tấn công. Việc đó lẽ ra không khó đến thế. Thiếu vắng tiêu chuẩn đạo đức đã dẫn đến hệ quả này. Trường Harvard Kennedy (HKS) không còn là đối tác phù hợp với chúng tôi nữa” – lá thư của Quỹ Wexner nêu.

Mục tiêu của Quỹ Wexner là phát triển và truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo trong cộng đồng Do Thái ở Bắc Mỹ và Israel thông qua các chương trình đào tạo và đầu tư vào những thành viên có triển vọng. Quỹ cấp học bổng một năm cho các chuyên gia chính phủ và dịch vụ công ở Israel tu nghiệp tại HKS. Les Wexner từng điều hành một đế chế kinh doanh gồm Bath & Body Works và Victoria’s Secret. Năm 2020, Wexner rời Limited Brands và bán phần lớn cổ phần của mình. Theo Forbes, vợ chồng ông có số tài sản ước tính trị giá $6 tỷ.

Trong một tuyên bố gửi CNN, người phát ngôn của Harvard nhắc lại lập trường của ban lãnh đạo trường là “lên án cả các cuộc tấn công chống lại Israel và khủng bố và rất biết ơn Quỹ Wexner đã hỗ trợ lâu dài học bổng sinh viên”. Chủ tịch Harvard Claudine Gay cũng công bố một video xoa dịu những chỉ trích nổi lên như nấm gặp mưa.

“Nhiều người hỏi chúng tôi đang đứng ở đâu? Hãy để tôi nói rõ, Đại học Harvard bác bỏ chủ nghĩa khủng bố, gồm cả những hành động tàn bạo dã man của Hamas – Trường đại học của chúng tôi không hề dung túng sự căm ghét người Do Thái, người Hồi giáo và bất kỳ nhóm người nào vì đức tin, nguồn gốc quốc gia, chủng tộc hoặc danh tính của họ. Harvard bác bỏ hành vi quấy rối hoặc đe dọa các cá nhân vì sự khác biệt và cam kết tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi không trừng phạt hay xử phạt những người bày tỏ quan điểm trong khuôn khổ hợp pháp”.

Những sinh viên Harvard ủng hộ Palestine (ảnh: Pat Greenhouse/The Boston Globe via Getty Images)

Không chỉ Harvard

Quyết định chấm dứt mối quan hệ và hỗ trợ tài chính của Quỹ Wexner cho Harvard là sự kiện mới nhất liên quan việc ai đang đứng về phe nào – Israel hay khủng bố Hamas, nhân danh “nhân dân Palestine”. Nhiều đại học trên khắp Hoa Kỳ cũng đang hỗn loạn trước phản ứng của sinh viên, giáo sư và chính quyền đối với cuộc tấn công của Hamas và cuộc phản công sau đó của Israel. Các nhà tài trợ lớn đã ngưng tài trợ cho một số trường đại học danh tiếng.

Công ty luật nổi tiếng Davis Polk thông báo trong một email nội bộ rằng họ đã hủy thư xin việc của ba sinh viên luật tại hai trường đại học Harvard và Columbia (những người đã ký vào thư ngỏ) với lý do: “Tuyên bố của họ trái với các giá trị của công ty chúng tôi, do đó việc hủy bỏ đơn xin việc là phù hợp với tôn chỉ của chúng tôi là cung cấp một môi trường làm việc an toàn và hòa nhập cho tất cả nhân viên”.

Tại Đại học Pennsylvania, chủ tịch hội đồng quản trị đã bị buộc từ chức, sau khi một hội nghị dành cho các nhà văn Palestine mời những diễn giả bị tố cáo bài Do Thái. Tuần trước, tỷ phú Israel Idan Ofer và vợ Batia đã rời khỏi ban điều hành Harvard để phản đối cách các nhà lãnh đạo trường đại học phản ứng trước cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel.

Tên của các sinh viên ký vào thư bị lộ ra vào tuần trước trên một trang web có nội dung “Danh sách khủng bố ở trường đại học, hướng dẫn hữu ích cho nhà tuyển dụng” do Maxwell Meyer, một sinh viên tốt nghiệp Stanford năm 2022 biên soạn. Meyer cho biết trang web của mình đã bị Google và Notion xóa. Nhưng các trang web khác đã tải về danh sách và phát tán khắp nơi. Bill Ackman, tỷ phú quỹ phòng hộ và cựu sinh viên Harvard, viết trên mạng xã hội: “Tên của những người ký vào thư ngỏ nên được phổ biến để tránh ‘vô tình’ tuyển dụng họ”.

“Văn hóa hủy”

Đối với những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận, việc nói xấu và bêu xấu đã trở thành một thứ vũ khí đàn áp ý kiến của cái gọi là “văn hóa hủy bỏ” (cancel culture). Nadine Strossen, cựu chủ tịch của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union) gọi bức thư ngỏ của sinh viên là “đáng trách” nhưng “việc thu thập danh sách nghe có vẻ giống sự quay trở lại với danh sách đen thời McCarthy”.

“Các danh sách đen có thể bịt miệng không chỉ những sinh viên này mà cả những người chia sẻ những quan điểm khác biệt – bà nói – Việc đe dọa tương lai nghề nghiệp của một người là thái quá, đặc biệt khi họ còn trẻ và mới vào đời”.

Phần mình, các sinh viên đứng sau thư ngỏ cảm thấy “Harvard chưa làm đủ” để bảo vệ họ, trong khi Harvard cho biết họ đã thực hiện các bước cần thiết để xoa dịu cơn thịnh nộ trong 10 ngày qua. Trường kêu gọi sinh viên báo ngay cho cảnh sát Harvard khi bị đe dọa đồng thời mở rộng dịch vụ đưa đón. Ban đêm, cổng Harvard Yard chỉ mở cho những người có thẻ sinh viên vào. Tuy nhiên, trường đại học hầu như bó tay với những chiếc xe tải phỉ báng lưu thông trên các đường phố công cộng.

Cách nay hai ngày, Trưởng phòng Sinh viên vụ đã công bố cuộc hội thảo dành cho những sinh viên muốn biết về “các sự kiện gần đây”. Một văn phòng khác mở cuộc hội thảo “Navigating Interpersonal Conflict and Leadership”. Ủy ban đoàn kết Undergraduate Palestine Solidarity Committee cũng phát một hướng dẫn dành cho các sinh viên bị tấn công, trong đó cam kết “trung tâm hướng nghiệp của Harvard sẽ liên hệ với các nhà tuyển dụng để tìm việc làm cho sinh viên” đồng thời khuyến nghị sinh viên “tránh các phương tiện truyền thông tin tức xấu”.

Trong khi đó, tại tòa nhà Harvard Hillel, các sinh viên Do Thái đi qua những cánh cửa khóa kín được canh gác bởi xe tuần tra. Elianne Sacher, một sinh viên đến từ Israel, nhận định: “Tôi cảm thấy phát điên khi đi dạo quanh khuôn viên ngôi trường này. Tội giết người và bắt cóc được hưởng sự tha thứ từ khi nào vậy?”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: