Châu Âu đang là điểm nóng khi việc buôn lậu cocaine ngày càng gia tăng đến mức giới chức trách liên tục báo động về tình trạng bất ổn và băng hoại xã hội…
“Nó như một sóng thần ập vào châu Âu những năm gần đây, mạnh như cơn sóng thần cocaine từng tràn vào Miami vào hai thập niên cuối của thế kỷ 20,” một chuyên gia phân tích thuộc DEA (Cơ quan bài trừ Ma túy Liên bang Mỹ) nhận định. Sóng thần ấy, cảnh sát và hải quân châu Âu thấy rõ nhưng không thể nào ngăn chặn sức lan tỏa phá hại của nó. Châu Âu hiện có trên 4,5 triệu người sử dụng cocaine, tức 1,5% dân số từ 15 tuổi trở lên. Đó là con số đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc, trong đó có 600,000 người tại Pháp. “Không bao lâu nữa, châu Âu sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ma túy lớn nhất thế giới, hơn hẳn khu vực Bắc Mỹ,” một viên chức DEA nói.
Sự bùng nổ của việc buôn lậu và tiêu thụ cocaine toàn cầu diễn ra mọi nơi với hệ quả đáng sợ. Cocaine mang về doanh thu lớn đến mức hình thành những tổ chức tội phạm rất lớn và mạnh có khả năng vượt qua mọi vật cản từ địa lý, hậu cần vận chuyển, pháp lý và làm ung thối các quốc gia.
Theo một số nghiên cứu, nền công nghiệp cocaine thu lợi nhuận trung bình $8-13 tỷ/năm. Theo hành trình của từng ký-lô cocaine, từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, đồng tiền cứ thế sinh ra, dày mãi lên! Một loạt series phim truyền hình các nước Nam Mỹ trong thời gian qua đã cho khán giả thấy thực tế về ngành kinh doanh một vốn sinh ngàn lời này, từ Pablo Escobar – The Pattern of Evil; Narcos; La Reina Del Sur (The Queen of the South); El Senor del Los Cielos (The Lord of the Skies) đến Las Munecas de La Mafia (Mafia Dolls); The Chema (El Chapo)…
Khi thị trường ma túy phát triển thì xuất hiện nhiều hơn những ông trùm ma túy – gọi là Narcos – giàu có và quyền lực không thua gì trùm ma túy Colombia Pablo Escobar một thời khuynh đảo châu Mỹ. Hiện nổi nhất là bộ tứ narcos châu Âu: Taghi người Hà Lan; Imperiale người Ý; Kinahan người Ireland và Gacanin người Bosnia. Năm 2017, họ đã bay đến Dubai họp bàn hợp tác, phân chia thị trường và cách thức giải quyết những vấn đề nảy sinh. Từ đó đã hình thành một supercatel kiểm soát đến 1/3 tổng lượng cocaine tuồn vào châu Âu!
Tại nguồn cung bên Colombia, giá một kg cocaine là 700 euro, khi đến các cảng biển lớn ở châu Âu nó đã vọt lên khoảng 30,000 euro. Hệ thống sản xuất và buôn lậu cocaine tổ chức quy mô với đủ loại “chuyên gia” ở từng khâu. Kỹ sư hóa chất, chuyên viên hậu cần, phi công, điều phối viên kho bãi, kế toán, luật sư, chuyên gia rửa tiền, ngân hàng… và dĩ nhiên không thể thiếu những người đại diện cho luật pháp đã bị mua chuộc.
Có dư điều kiện tài chánh, các ông trùm cocaine có thể nhanh chóng biến hóa từng lãnh vực trong toàn qui trình sản xuất-vận chuyển-phân phối và luôn đi trước các hệ thống do thám, ngăn chặn của hải quan, cảnh sát. Cụ thể là năm 2019, cảnh sát phát hiện một “tàu ngầm narco” trên bãi biển ở bờ biển Galicia, Tây Ban Nha. Nó đã vượt Đại Tây Dương thành công, vào được bờ với ba tấn cocaine, mà chỉ cần có ba người thay nhau điều khiển.
Giới chức phòng chống buôn lậu ma túy cho rằng không lâu nữa bọn tội phạm sẽ sử dụng đến cả những thiết bị không người lái, điều khiển từ rất xa. “Nếu drone chở được bom và phi đạn tấn công các tổ chức khủng bố thì dĩ nhiên drone cũng sẽ chở được ma túy cho các narcos,” một quan chức ngành cảnh sát châu Âu nhận định.
Hiện nay các tàu container vượt Đại Tây Dương vẫn là công cụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn hiệu quả nhất nên các vị hải quan châu Âu không thể không nhận thấy rằng từ 2020 đến nay, số tàu lưu thông đến và đi khỏi những cảng biển châu Âu tăng cao bất thường. Và doanh thu, lợi nhuận của các hãng vận tải biển cũng gia tăng rất nhanh, từ Maersk của Đan Mạch, MSC của Ý-Thụy Sĩ đến CMA-CGM của Pháp-Lebanon.
Nếu như vào những năm 1990, Tây Ban Nha là điểm cập bến hàng đầu của những lô hàng cocaine thì nay các cảng nhập lậu ma túy đang ở phía Bắc châu Âu. Những cuộc điều tra dẫn đến bắt giữ tịch thu cocaine đã được ghi nhận tại cảng Anvers, Hà Lan (90 tấn năm 2020); Rotterdam, cũng ở Hà Lan (70 tấn); Hambourg, Đức (19 tấn năm 2021); Gioia Tauro, Tây Ban Nha (14 tấn); Le Havre, Pháp (10 tấn)… Năm 2020 số ma túy tịch thu tại các cảng biển châu Âu vượt qua cột mốc 250 tấn, riêng Anvers đã trên 100 tấn! Di chuyển đến đâu, ma túy gieo rắc tai họa đến đó. Chính quyền địa phương bị mua chuộc; giới truyền thông bị đe dọa, các tế bào xã hội băng hoại… và nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra.
Tại nguồn sản xuất, Colombia vẫn là “nhà máy” số một, cung ứng đến 70% tổng lượng lá coca thế giới từ ba năm trở lại đây. Năm 2020, quốc gia Nam Mỹ này lập kỷ lục sản xuất 2,000 tấn cocaine! Hai nước láng giềng Bolivia và Peru cung ứng 30% số coca còn lại, riêng Peru có gia tăng mạnh gần đây.
Kẹp giữa Colombia, Peru và Thái Bình Dương, đất nước Ecuador cũng lao vào ma túy. Năm 2021, cảnh sát nước này tịch thu được 210 tấn cocaine, riêng tại hải cảng Guayaquil (điểm xuất khẩu chuối ra khắp thế giới) là 96 tấn. Theo cảnh sát nước này, 1/3 lượng cocaine bị tịch thu là hàng chuẩn bị lên đường qua thị trường châu Âu. Ngày 14 Tháng Hai 2022, cảnh sát phát hiện 14 tấn cocaine giấu trong các thùng chuối gửi đi Rotterdam, Anvers và Hambour.
Bến cảng Guayaquil nay là “mặt trận” của những băng đảng mafia địa phương tranh giành bảo kê thu lợi. Những vụ đọ súng, ám sát liên tục diễn ra, xác của phe đối thủ thay nhau bị treo lơ lửng trên các cột đèn trong thành phố, không khác gì chuyện từng xảy ra ở Mexico cách nay một, hai thập niên. Thậm chí có cả những vụ đánh bom sát thương lớn. “Đây là một cuộc chiến chống lại nhà nước,” ông Bộ trưởng Nội vụ Ecuador tức giận nói như thế sau khi xảy ra một vụ đánh bom trên bến cảng làm năm người chết hồi Tháng Tám 2022!
Khác hẳn việc tuồn cần sa rồi cocaine vào Mỹ lâu nay chủ yếu phát triển từ Mexico và các nước Caribê, buôn lậu cocaine vào châu Âu bây giờ lan ra hầu hết các nước Nam Mỹ. Brazil; Guyana; Surinam; Guyane thuộc Pháp; Paraguay nay cũng là điểm xuất phát các lô hàng cấm. Hướng đến đầu tiên thường là bờ biển Tây Phi rồi từ đó chuyển tiếp đến các cảng châu Âu, Đông Âu.