Bất động sản nghỉ dưỡng ‘đóng băng’, bỏ hoang trên 50%

Việt Nam hiện có tới hơn 24,000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng “bơ vơ”, đã bàn giao nhưng chưa vận hành, khai thác – Ảnh: Tiền Phong

Tình trạng ế ẩm đang xảy ra ở hầu hết các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam, đẩy lượng hàng tồn kho lên con số báo động trong năm năm qua.

Tiền Phong ngày 26 Tháng Tám 2023 dẫn báo cáo của DKRA Group thống kê: Đến Tháng Sáu 2023, Việt Nam đang có số lượng tồn kho căn hộ du lịch (condotel) 42,364 căn; tồn kho các nhà liền thổ ven biển xấp xỉ 30,000 căn; tồn kho biệt thự biển đến cuối Quý II/2023 lên đến 15,000 căn.

Còn theo nghiên cứu của bộ phận Nghiên cứu thị trường – BHS Group (BHS R&D), từ năm 2020 đến nay, Việt Nam có 81 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang trong quá trình bàn giao, cung cấp ra thị trường hơn 44,000 sản phẩm, bao gồm cả cao tầng và thấp tầng.

Trong đó, chỉ gần 20,000 sản phẩm được vận hành, còn 24,000 sản phẩm đã bàn giao nhưng chưa vận hành, khai thác, gần như bị bỏ hoang, chiếm 54.5%!

Gần 55% bất động sản nghỉ dưỡng đã bàn giao nhưng chưa vận hành, chưa khai thác, gần như bỏ hoang – Đồ họa của Tiền Phong

Trong 81 dự án trải dài ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, miền Trung dẫn đầu với 34 dự án do sở hữu lợi thế đường bờ biển dài nhất, theo sau là miền Bắc và miền Nam với số dự án lần lượt là 29 và 18 dự án.

Tỷ lệ thuận với số lượng dự án, lượng sản phẩm nghỉ dưỡng khu vực miền Trung dẫn đầu với hơn 23,500 sản phẩm, chiếm 53%, trong đó có tới 16,000 sản phẩm bị bỏ hoang, phân bổ chủ yếu ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định và Phú Yên.

Tương tự, miền Bắc còn 5,000 sản phẩm bị bỏ hoang, rải rác tại Hoà Bình, Hải Phòng và Phú Thọ. Và miền Nam còn 3,000 sản phẩm bỏ hoang, phần lớn ở Kiên Giang.

Ông Hoàng Hữu Minh Dũng, Trưởng ban R&D BHS Group nhìn nhận bên cạnh tình trạng toàn thị trường địa ốc gặp khó do suy thoái kinh tế chung, tỷ lệ lớn các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng “bơ vơ” do chưa có đơn vị chuyên nghiệp đứng ra khai thác vận hành. Giá phân khúc này dự báo tiếp tục đi ngang và sẽ là phân khúc phục hồi chậm nhất…

Cũng trên Tiền Phong ngày 12 Tháng Tám 2023 cho biết, hiện nhiều ngân hàng đang công bố thanh lý hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng nhưng vẫn chả mấy ai mặn mà giao dịch.

Chẳng hạn như ngân hàng Nông Nghiệp Việt Nam (Agribank) đang rao bán Khu B của dự án Trung tâm Bến Du thuyền Hoàng Gia tại Khu đô thị Vĩnh Hòa (phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), còn ngân hàng Công Thương (VietinBank) rao bán Khu A của dự án này.

Trung tâm Bến Du thuyền Hoàng Gia bao gồm các khách sạn, condotel, resort nghỉ dưỡng cao cấp… được xây dựng tại “khu đất vàng” của thành phố biển Nha Trang. Dự án này dự kiến bàn giao cho khách hàng từ cuối 2019 nhưng tới nay đã chậm tiến độ hơn ba năm.

Khoảng giữa Tháng Bảy, tại Hội An, VietinBank cũng rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự, với giá bán từ vài chục tỷ tới vài trăm tỷ đồng.

Với lợi thế bờ biển dài, miền Trung có nhiều bất động sản nghỉ dưỡng nhất nhưng tỷ lệ bỏ không chưa khai thác cũng nhiều nhất – Đồ họa của Tiền Phong

Bộ Xây dựng cho biết, dù đã tung nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu cao lên tới 25-40%, thì lượng hàng bán ra của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, condotel không đáng kể.

Không chỉ với condotel, tình trạng ế ẩm đang xảy ra ở hầu hết các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam, đẩy lượng hàng tồn kho lên con số báo động trong nửa thập niên qua.

Cụ thể, theo báo cáo của các công ty nghiên cứu bất động sản, tồn kho condotel đến Tháng Sáu đã vọt lên 42,364 căn, mức tiêu thụ thấp hơn 78% so với cùng kỳ, riêng Tháng Tư – Tháng Năm, sức tiêu thụ condotel giảm 95%!

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra trong Quý II/2023, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp (giá trên 10 tỷ VN đồng) gần như không ghi nhận giao dịch, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư mua trước đó, dẫn tới hàng tồn kho ngày càng cao.

Số liệu từ báo cáo tài chính Quý II của 10 doanh nghiệp bất động sản có lượng hàng tồn kho lớn ghi nhận tổng hơn 297,000 tỷ VN đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể từng công ty thì có nơi giá trị hàng bất động sản tồn kho tăng gần 10% so với đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS đánh giá, từ cuối năm 2022 đến Tháng Sáu 2023, phần lớn doanh nghiệp đều ghi nhận giá trị hàng tồn kho bất động sản tăng là điều dễ hiểu, do thanh khoản thị trường gần như đóng băng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: