Nóng và Lạnh

(ảnh: B07)

Lúc chiều, chỉ đứng ngoài trời chờ taxi để ra sân bay khoảng hơn 1 phút, mà mồ hôi đầm đìa. Chợt nhận thấy, dù mình có vất vả, cực nhọc, thì vẫn sướng hơn bao nhiêu người. Làm việc trong máy lạnh, di chuyển trong máy lạnh, về nhà cũng máy lạnh…

Xuống máy bay, mấy hành khách đi bên cạnh than nóng quá. Thực ra thì mát hơn rất nhiều nếu so với trước đó vài giờ ở Sài Gòn.

Không xem nhiệt độ, nhưng lúc ấy, ở Liên Khương, chắc khoảng 26 hay 27 độ C. Nếu đi bộ chậm chậm, không ráng sức lắm thì không đổ mồ hôi. Chạy xe mở cửa ra là thấy mát.

Về đến nhà, khoảng 7 giờ tối, không lạnh như mọi khi. Nhìn nhiệt kế: 22 độ C. Ngồi ăn tối ngoài trời, giữa bông hoa và cây xanh xung quanh. Trời không có gió, nhưng 22 độ C thì khá mát. Hết ngồi lại đi thăm vườn, dù trời tối. Muốn ở ngoài trời hoài, để bù đắp cho cả tuần không ra ngoài trời vì nóng.

Cho đến tận khuya mới thấy trời hơi lạnh. Ngó cái nhiệt kế, hơn 18 độ C chút xíu. Hít lấy hít để cái không khí vừa trong lành, vừa thoang thoảng mùi thông, mùi tùng, mùi lavender, mùi rosemary, và mùi của những bông hồng cùng những loại hoa khác… Cứ như là đang ở trong cái máy lạnh khổng lồ.

Nhớ lại có lần mổ một ca chấn thương sọ não. Trời thì nóng như đổ lửa. Cái máy lạnh được trang bị từ trước 1975 không chạy từ lâu mà chẳng ai sửa được. Phòng mổ nóng như lò lửa. Phẫu thuật viên lại phải mặc cái áo mổ dày cui. Mồ hôi cứ ròng ròng, vừa mổ vừa phải chú ý né để mồ hôi đừng nhỏ vô não bệnh nhân.

Chị Phó khoa gây mê thấy thằng em vất vả quá, lấy cái quạt máy thổi thẳng sau lưng thằng em. Thằng em đâu có biết là bà chị thương mình, hét lên, đòi tắt quạt ngay. Quạt như vậy thì khác gì đưa vi trùng vô não bệnh nhân. Bà chị bắt quạt xong đi ra ngoài.

Sếp bật lên nên chẳng ai dám tắt cả. Thế là thằng em đưa chân lên tắt quạt. Mà cái áo mổ nó vướng víu, cái chân đưa lên không điều khiển chính xác, làm đổ cái quạt.

Bà chị điên tiết. Quan tâm đến nó mà nó thô bạo, dám lấy chân đá cái quạt. Thế là chiến tranh nóng chiến tranh lạnh. Phải cả năm sau chị em mới vui vẻ lại. Thực ra thì bà chị thương thằng em, còn thằng em thì lại lo cho bệnh nhân. Ai cũng vì người khác cả. Cái thời bao cấp, tiền đâu mà mua máy lạnh, dù là cho phòng mổ, điện đâu mà xài sang, dù là để cứu người. Mấy chị cán sự từ trước 1975 nói nho nhỏ “Phải chi đừng có giải phóng”.

Lại nhớ đến những phòng bệnh. Cho dù được Nhật xây dựng với cấu trúc thoáng gió, nhưng khi cả 30 bệnh nhân cùng hơn 30 người nhà nhét vô cái không gian được thiết kế chỉ để cho 6 người bệnh, không có máy lạnh, thì những ngày trời nóng nực như mấy bữa nay, sẽ khổ sở thế nào?

Hồi xưa chưa có bệnh viện tư, chưa có khu dịch vụ, cứ bị bịnh, cứ nằm viện thì ai cũng phải chịu như vậy, có cực thì cũng không đến nỗi tủi thân. Bây giờ, ngay trong cùng một bệnh viện công, vẫn có những khu mát rượi. Lại có những bệnh viện tư, mát từ ngoài cổng vô đến tận trong nhà vệ sinh. Phòng chờ, phòng khám, phòng lưu bệnh, phòng mổ, ICU… chỗ nào cũng mát rượi, chỗ nào cũng thơm phức. Vậy mà vẫn có nhiều bệnh nhân phải chen chúc nhau trong những căn phòng vừa chật chội, vừa nóng nực… Những bệnh nhân ấy sẽ tủi thân ra sao? Họ sẽ cảm thấy đau đớn thế nào?

Chợt thấy mình may mắn hơn bao nhiêu người. Chợt thấy mình sung sướng hơn bao nhiêu người. Thôi thì có vất vả một chút, có bị ai đó nghĩ xấu về mình khi tìm cách bù đắp chút gì cho những bệnh nhân đang phải chen chúc trong những phòng bệnh chật chội, nóng bức, ngột ngạt, cũng ráng chịu vậy.

Dù gì thì ông Trời cũng đã cho mình quá nhiều.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: