Chỉ trong vài giờ đồng hồ một ngày cuối tháng 6-2021, mạng xã hội Việt Nam tràn ngập các hình ảnh và tin tức về một thanh niên khỏe mạnh đang ở bộ đội, rồi bất ngờ được trả xác về nhà với lý do tự tử, nhưng thi thể có dấu hiệu bị đánh đập dã man đến chết hoặc bị bức tử.
Theo lời của Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng Việt Nam, thì quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, quê tại khu Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tử vong tại Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Quân sự Quân khu 1 vào ngày 28/8 trong lúc đơn vị tổ chức cho bộ đội hành quân vào thao trường huấn luyện theo kế hoạch. Cái chết của thanh niên trẻ này, được mô tả là“chết trong tư thế treo cổ”.
Thi thể bầm dập, đầy thương tích của người thanh niên này được gia đình công khai đưa lên mạng, và kêu gọi cộng đồng mạng hãy cùng đồng hành với gia đình để làm sáng tỏ sự việc. Vì sao một người khỏe mạnh, lạc quan – cay đắng hơn nữa là anh đã tình nguyện đi bộ đội – lại được trả về nhà bằng một thi thể với dấu hiệu của cái chết vô cùng đau đớn, bất thường.
Trước đó, chiều ngày 28/6, đơn vị của anh Đô gọi về báo rằng thanh niên này đột quỵ, sau đó một lúc gọi lại, thay đổi nội dung, nói rằng Đô tự tử. Hành động báo tử của quân đội Việt Nam, tổ chức chính quy bậc nhất Việt Nam, tốn kém cũng hàng nhất nhì tiền thuế của người dân Việt Nam, nhưng lại thiếu minh bạch và nghiệp dư như vậy, làm không ít người ngỡ ngàng và nghi ngờ.
Nhìn hình ảnh do chính gia đình nạn nhân công bố trên các trang mạng, ai nấy không khỏi bàng hoàng, vì ở vùng đầu, mặt, lưng, tay… của nạn nhân có nhiều dấu vết bị đánh mà vết thương vẫn còn hiện rõ, chưa lành. Thật khó tin, có ai đó trước khi treo cổ tự tử lại dành nhiều thời gian để tự hành hạ bản thân của mình như vậy.
Ấy vậy mà, trên Báo Giao thông, Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng khẳng định: “Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định là do tự tử. Quân nhân Trần Đức Đô được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ. Sau khi phát hiện vụ việc đã được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong”. Nói trên tờ Zing News, ông Thông còn tuyên bố trong quân đội, không có tình trạng đánh nhau, bạo lực mà “chỉ có đi làm nhiệm vụ”. Câu nói này đã làm phản ứng của mạng xã hội bùng nổ và đáp trả bằng việc cùng đăng tải hàng loạt các video về tình trạng lính mới, lính trẻ bị đánh đập trong doanh trại ra sao.
Trên facebook của mình, Luật sư Lê Luân ở Hà Nội viết “Không một chức năng nào của nhà nước cũng như các thiết chế có trách nhiệm được làm ngơ trước cái chết quá bi thảm của người trẻ này. Những vết thương trên cơ thể được cho thấy nó thật kinh khủng bởi tác động của ngoại lực.
Bất cứ người hay cơ quan có trách nhiệm nào, nhận lương của dân và quyền lực của dân, không thể chậm trễ hay có bất kể lý do nào để chậm trễ cho việc điều tra và xử lý đến cùng sự việc này trước sự đòi hỏi của người dân.
Bất kỳ cái chết nào của một con người mà không được làm cho rõ ràng cũng chính là cái chết đang đe doạ trực tiếp tới từng người chúng ta”.
Còn với cây bút Phạm Minh Vũ, trong bài viết ngắn “Chết bởi đồng chí”, anh nhận định rằng “Việc sĩ quan đánh chết binh lính ở VN không phải là ít, vì tất cả những vụ đó đều bị che giấu, bịt thông tin.
Liên quan tới một sinh mạng con người, quân đội Việt Nam nên làm rõ vụ này và đưa kẻ thủ ác ra trước toà án binh để linh hồn Đô được siêu thoát.
Thật trớ trêu sĩ quan Việt Nam, giặc không đánh lại đánh dân ta. Thật tréo nghoe binh lính không chết vì bảo vệ chủ quyền, mà lại chết bởi tay đồng chí. Đau!”
Hầu như mọi ý kiến trên mạng xã hội đều thể hiện sự nhìn nhận khác biệt với lời nói của phía đại diện Quân đội Việt Nam. Dù chưa được điều tra ở mức toàn diện, nhưng các phát ngôn từ phía lãnh đạo quân đội đã nhanh chóng khẳng định mình là vô can với cái chết. Ngược lại, người dân và tất cả giới quan sát có chuyên môn như luật sư, bác sĩ… đều có ý kiến rằng mọi thứ cần phải được điều tra cụ thể, sau đó mới có thể đủ yếu tố đưa ra một kết luận cuối cùng.
Trong status có tựa đề “Những con thú người” của nhà văn, võ sư Châu Đoàn (Đoàn Bảo Châu), ông thẳng thắn kêu gọi phía quân đội phải có sự minh bạch cần thiết của mình. “Những vị đang có quyền lực của xã hội này, tôi biết các vị rất quý quyền lực của mình nhưng tôi kêu gọi lương tri, lương tâm của các vị mà hãy lên tiếng để sự việc này không chìm xuồng, để được giải quyết sao cho lòng tin của dân không bị chìm xuồng theo sự việc.
Muốn biết làm gì cho phải, chỉ đơn giản tự hỏi nếu đứa trẻ 18 tuổi kia là con mình, mình sẽ làm gì?
Thường những gì được lương tâm, lương tri soi sáng, câu trả lời hiện ra rất rõ ràng, rất nhanh mà không cần bất cứ một nghị quyết, một đường lối hay một lý tưởng xa xôi nào”, nhà văn Châu Đoàn kết luận.
Tại nhà nạn nhân, trước mặt một số đại diện của quân đội được cử đến để thúc hối thực hiện đám tang và kết thúc sự việc, gia đình Trần Đức Đô tuyên bố sẽ không cử hành tang lễ, mua tủ đông lạnh giữ thi thể và tìm cơ quan khám nghiệm cho tường tận rồi mới tính tiếp. “Lúc đi, con em khỏe mạnh, ngay cả trong thời kỳ COVID. Đến khi về nhà, thì cháu nó như thế này. Gia đình emmuốn tìm lại sự công bằng cho con mình ra đi thanh thản”, mẹ của nạn nhân Trần Đức Đô nói to trong buổi làm việc với đại diện quân đội ngay ở sân nhà mình.
Trước đó, nói trên tờ Tuổi Trẻ ngày 30-6, Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, khởi đầu cũng có ngôn luận giống như tướng Thông. Thế nhưng trước câu hỏi dồn của báo chí, ông có tiết lộ thêm“Nếu động cơ dẫn đến tử vong do mâu thuẫn sẽ xử lý công minh chứ không bao che” .
Nhưng cần phải thấy rõ là hầu hết các báo nhà nước đều đưa tin ngắn gọn, nội dung thỏa hiệp với tình huống mà phía Quân đội đưa ra. Tuyệt đối chưa có – hoặc không thể có – một cuộc điều tra, tìm hiểu sự việc đúng nghĩa với nghiệp vụ báo chí, đặc biệt là nội dung đầy đủ, khách quan theo sát phía gia đình nạn nhân. Toàn bộ mặt báo nhà nước đều thể hiện sự nhịp nhàng theo kiểu có lệnh từ Tuyên giáo.
Bên cạnh đó, gia đình, người thân của nạn nhân Trần Đức Đô còn đưa ra các các chứng cứ về chuyện để cô lập thông tin và bình luận của công chúng trước thảm nạn này, những người dân trong khu vực đón thi thể Trần Đức Đô cho biết đột nhiên khu vực của họ bị lập chốt canh. Một văn bản ra lệnh cắt internet toàn bộ khu vực đó cũng bị tung ra, nhằm không ai phát tán hình ảnh, thông tin gì về vụ việc. Không rõ nguồn gốc văn bản ở đâu, nhưng thực tế trên facebook, nhiều người dân ở đây đã xác nhận là họ có bị cắt internet đúng như tình trạng văn bản mô tả vậy.
Trước sự sôi sục phẫn nộ của đông đảo dân chúng, đã có những phát ngôn cảnh báo răn đe, chẳng hạn như của Đại Tá Tuyên huấn Nguyễn Xuân Thìn, thì “rất nhiều thế lực lập trang giả trên không gian mạng để quy chụp vụ việc”, đồng thời cảnh báo “những ai tung tin lên sẽ chịu trách nhiệm theo Luật An ninh mạng mà Việt Nam mới đưa ra và áp dụng gần đây”, các bản tin tức thuận chiều với Tuyên huấn Quân Đội, cũng đưa rằng “các thế lực thù địch đang lợi dụng sự kiện này”.
Tuy nhiên, trước những hình ảnh có thật, sự kiện đầy dấu hiệu mờ ám, và tiếng kêu đòi của đám đông, rằng vụ việc phải được giải quyết cho ra lẽ, những câu răn đe nói trên, chẳng khác nào châm dầu vào lửa.
Cái chết của nạn nhân Trần Đức Đô rõ ràng đang là một sự thách thức đối với bộ mặt công chính của nhà nước Việt Nam lúc này.