(Ảnh: MH)

Hẻm Casino ở số 63 đường Pasteur có lẽ chỉ còn tiệm Phở Minh mang dấu vết con hẻm ẩm thực có tiếng ở trung tâm thành phố trước năm 1975. Giờ đây, con hẻm không còn là nơi cuốn hút như cách nay nửa thế kỷ trở về trước khi đã có quá nhiều nơi bán thức ăn ngon khắp thành phố, trên vỉa hè hay quán xá sang trọng.

Một số khách lớn tuổi tìm đến quán Phở Minh như để tìm lại hương vị xa xôi của món phở Bắc thanh tao cách nay bảy tám mươi năm khi mới rộ lên ở Sài Gòn. Giới trẻ đến đây có khi chỉ vì muốn uống ly cà phê đầu hẻm hay ăn món Thái cuối hẻm và không biết gì về một thời đông vui của nó.

Tôi dạo bước trong hẻm Casino để nhớ lại tuổi thơ của mình thời chín tuổi. Lúc đó, trên tay cầm cuốn sách mỏng Cái ấm đất của Khái Hưng vừa được bà chị mua cho trong nhà sách Khai Trí, chân rảo bước đến quán ăn món bún thang lạ miệng với trứng chiên và chả lụa cắt sợi dài.

Sáng chủ nhật, khách đến hẻm rất đông, khác hẳn không khí ngoài đường Pasteur khi chưa có suất chiếu phim phía rạp Casino Sài Gòn.

Kể câu chuyện cũ này cho anh bạn nhạc sĩ Hữu Thạnh, anh kể khi nhà anh còn ở khu Chợ Quán trước năm 1975, dù xa quận Nhứt nhưng ngày cuối tháng, khi các con có kết quả xếp hạng trong lớp, dì – vợ sau của ba anh – thế nào cũng đưa mấy chị em trong nhà ra trung tâm Sài Gòn.

Điểm đến đầu tiên c hính là hẻm Casino. Dì cho ăn sáng cho đã rồi đi mua sách, mua bút mực hay quần áo gì đó tính sau.

Hẻm Casino với các chủ các quán hầu hết là người Bắc di cư nấu các món Bắc rất ngon mà anh còn nhớ như phở, bún chả, bún thang, miến thang, bún riêu và bánh tôm v.v… Quán xá trong hẻm không sang nhưng giá món ăn khá cao vì đặt ở trung tâm Sài Gòn. Sau này lớn lên, thỉnh thoảng anh lại vào hẻm ăn Phở Minh.

Chúng tôi cùng nhắc lại một chỗ gần rạp Casino, phía góc trái trên lề đường có một hàng thức ăn vặt của một ông người Ấn Độ. Ông bán ô mai, khô bò, kẹo và mấy loại bánh đựng trong hũ xếp ngay ngắn trên kệ. Các món này bán cho khách vào rạp vừa coi phim vừa nhâm nhi, hương vị rất ngon và giá có món cũng mắc chứ không rẻ. Các bà các cô thích mua hàng của ông lắm. Ai đi xinê Casino Sài Gòn đều biết ông Ấn Độ này.

Nhưng, trước khi có Phở Minh và khu bán hàng ăn uống của người Bắc nói trên, con hẻm giống như các con hẻm khác, chỉ có vài gia đình sống ổn định ở đó từ lâu và nhiều căn nhà cho thuê.

Một cung đường Pasteur ngày xưa (Ảnh: MH)

Tôi may mắn gặp được một cư dân cũ là ông Nguyễn, từng sống ở đây từ hồi trước 1945 khi còn là một chú bé gần mười tuổi. Theo ông Nguyễn, thời trước năm 1945, hẻm này vẫn gọi là hẻm Casino vì ở cạnh rạp hát Casino. Đó là con hẻm rộng, lối vào hẻm trên đường Rue Pellerin (nay là Pasteur). Đầu ngõ kia nằm gần ngã tư Pellerin và Espagne (nay là Lê Thánh Tôn). Hẻm có một dãy nhà ngói một tầng, khoảng chục căn.

Thời đó, ông nội của ông Nguyễn từ ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp và đến thuê căn nhà trong hẻm, là căn số ba. Cả nhà gồm hai ông bà, năm người con gồm ba trai, hai gái sống chung. Nhà lợp ngói, tường xây, gạch lát nền là gạch tàu màu đỏ cam, hình vuông mỗi cạnh bốn tấc. Nhà rộng khoảng 4.5m, sâu hơn hai chục mét.

Giữa nhà trên và bếp có một khoảng sân lộ thiên, giữa sân có một bồn chứa nước mưa, góc giặt giũ và phơi quần áo hay rửa chén bát. Sau vách nhà bếp có một con hẻm nhỏ, áp sát hẻm này, chạy dọc từ căn đầu đến căn cuối là dãy nhà vệ sinh. Dãy nhà vệ sinh này có bậc thang cao khoảng ba bậc, dưới hố tiêu đặt một chiếc thùng hứng phân do công ty vệ sinh cử người thu dọn chuyển phân hàng ngày.

Phía trước dãy nhà là khu sân dài suốt dãy nhà và rất rộng, trong sân có mấy cây bàng tỏa bóng mát, cũng là nơi đám con nít sống trong hẻm, trong đó có ông Nguyễn, chơi đùa cả ngày. Trò chơi thời đó, phổ biến ở con gái là trò banh đũa, búng hột me, nhảy dây, nhảy cò cò… Con trai thì chơi trốn tìm, bắn đạn, thảy lỗ lạc, tạc bao thuốc lá, chơi zéro zich.

Trong hẻm có một số nhà có cư dân là người thuê để làm việc tại Sài Gòn vì quê quán ở các tỉnh xa. Vài căn khác do chủ các cửa hàng bán giày, dép là người Bắc trên đường Espagne thuê cho thợ đóng giày dép vừa để ở vừa dùng làm xưởng đóng giày. Những “xưởng” này thường chiếm từ một đến hai căn, nhà trên biến thành nơi sản xuất giày dép ban ngày và cũng là chỗ ngủ ban đêm cho số thợ thuyền người Bắc.

Những năm đó, ngày trời nắng đẹp, thợ thuyền ra ngồi kín ngoài sân để đóng giày. Trong số đó, có ông Tố là thợ giày nổi tiếng, sau này ra mở tiệm giày ngoài mặt tiền đường D’Espagne (Lê Thánh Tôn) và tồn tại đến ngày nay.

Sống trong hẻm đó, chú bé Nguyễn ngày ngày đi từ ngõ Casino dọc theo đường Pellerin ngang qua đền Ấn trên đường Tôn Thất Thiệp ngày nay. Có lần, Nguyễn vào đền, thấy bên trong có một gian có đông người. Họ không phải là tu sĩ. Thậm chí có những người giàu có làm nghề buôn bán vàng, hột xoàn, cho vay… nhưng đến tối đều về đền để ngủ nghỉ. Vào các ngày lễ đón rước của đền, bao giờ cũng có dàn kiệu rất đẹp diễu hành cùng với hai con bò cao to được trang trí thật lộng lẫy. Đoàn rước kiệu này diễu hành trên nhiều con đường giữa trung tâm thành phố, do các sư sãi người Ấn Độ rước, hầu như không có người Việt tham gia, rồi trở về đền.

Học trò trong hẻm Casino thời ấy hầu hết học tại trường Tiểu học Hồng Bàng gần rạp hát Nam Việt ở Chợ Cũ, đường de la Somme (nay là Hàm Nghi). Gần rạp có một trung tâm huấn luyện các học sinh để tham gia các buổi ca hát do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức vào các buổi sáng chủ nhật với chủ đề “Tuyển lựa tài tử”. Các thí sinh trước khi ghi tên thường được huấn luyện trước tại trung tâm này do một nữ ca sĩ nhận lãnh.

Ông Nguyễn cùng gia đình rời hẻm để về sống nơi khác khoảng vài năm trước 1945. Đến năm 1945 biến động, chiến cuộc tràn lan khắp đất nước sau khi người Việt tổng khởi nghĩa chống Pháp. Rồi người Pháp trở lại. Họ chiếm lại Lái Thiêu cuối năm 1945, tổ chức lại hành chánh, lùng bắt Việt Minh, bắt bớ đàn ông thanh niên ngoài đường, nhứt là người Bắc làm phu cao su trốn về có hàm răng đen, phát âm giọng Bắc để tra khảo.

Nhiều người trốn chạy, mạo hiểm luồn lách lần mò về Sài Gòn và mở quán phở giống như họ đã mở ở Lái Thiêu để kiếm sống tại địa điểm chính là ngõ hẻm gần rạp Casino này. Với thông tin này, việc nhận định rằng phở Bắc bán trong hẻm có từ năm 1954 không hẳn đúng. Có thể các tiệm phở Bắc ban đầu đó kéo theo sự phát triển hàng ăn uống trong hẻm từ năm 1954, khi người Bắc di cư vào Nam và tìm địa điểm tại trung tâm thành phố với giá thuê vừa phải để bán hàng ăn nhằm mưu sinh, giống như trường hợp quán cơm Bà Cả Đọi ở số 53 Nguyễn Huệ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: