Quảng Nam: Kiểm lâm đốt rừng để tập… chữa cháy cho quen tay

Cảnh diễn tập chữa cháy rừng sáng 26 Tháng Sáu – Ảnh: Người Lao Động

Để cho cuộc diễn tập chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam mang một khoảnh rừng phòng hộ ven biển ra… đốt để chữa cháy “cho đúng với thực tế” (!?)

“Đây là một ý kiến táo bạo, đầy tính sáng tạo của lãnh đạo các cấp tại tỉnh Quảng Nam”, một người dân trố mắt thốt lên với sự ngạc nhiên cao độ.

Cuộc diễn tập chữa cháy rừng được Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) tổ chức vào sáng ngày 26 Tháng Sáu tại khu vực rừng phòng hộ tại thôn Bình Trúc (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình).

Để ngày đốt rừng trở thành một sự kiện đáng nhớ, một diện tích khoảng 2,000m2 rừng phòng hộ tại khu vực trên được lực lượng chức năng căng dây rào chắn để “chỉ đốt trong khu vực này thôi”. Một cán bộ trong Ban tổ chức nói thế.

Nhiều cây keo thuộc rừng phòng hộ ven biển bị đốt cháy – Ảnh: Người Lao Động

Chưa hết, nhiều cây keo trong khu vực được khoanh vùng đó đã bị cưa hạ xuống từ cuối tuần vừa qua, để phục vụ cho buổi diễn tập. Hàng chục cây keo có tuổi đời vài chục năm tuổi có chức năng phòng hộ chống cát bay cũng bị cưa thẳng tay.

Ông Phan Tiến Dũng, người dân thôn Bình Trúc gần đấy cho biết hôm Thứ Bảy (24 Tháng Sáu) ông nghe thấy có tiếng cưa cây ở khu vực rừng phòng hộ. Ông nghĩ có lâm tặc tới phá rừng, nên hăng hái đi trình báo công an xã. Họ bảo ông đừng lo, mấy người cưa cây là người của nhà nước. Ông Dũng tỏ ra khá ngạc nhiên khi biết lực lượng chức năng lại đem rừng phòng hộ đi đốt để diễn tập chữa cháy.

Có nhiều cây keo 20 năm tuổi dùng phòng chống cát bay cũng bị cưa để đốt – Ảnh: Người Lao Động

Ngày diễn tập đốt rừng để chữa cháy diễn ra đúng như kịch bản, hàng chục người, vừa lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp lẫn dân “a-ma-tơ” cầm giáo mác chạy quanh khu vực rừng bị đốt hò reo vang trời. Khói đen bốc lên cao cả trăm mét khiến một số người ở xa tưởng rằng cháy rừng thiệt.

Ông Châu Quang Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Sa, cho rằng buổi diễn tập rất thành công, giúp chính quyền địa phương và người dân có kinh nghiệm trong việc PCCC rừng. Ông cũng cho biết những cây rừng bị cưa để làm thực bì là những cây bị chết hoặc bị khô, nếu không cưa thì rất dễ xảy ra cháy lan nếu có hỏa hoạn.

Cũng theo chủ tịch UBND xã Bình Sa, khu vực rừng bị đốt để diễn tập là rừng phòng hộ chống cát bay từ dự án PACSA, có tuổi đời khoảng 20 năm.

Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho hay bản thân ông có mặt trong buổi diễn tập, khu vực chọn để diễn tập đã được kiểm lâm và huyện Thăng Bình khảo sát kỹ, là khu vực cây rừng thưa thớt.

Ông Út cho rằng việc đốt rừng phòng hộ để diễn tập “không ảnh hưởng lớn đến cây rừng”.

Nhiều gốc cây còn tươi chứ không khô héo như lời biện hộ của ông Châu Quang Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Sa – Ảnh: Người Lao Động

Khi được hỏi vì sao không chọn khu vực khác phù hợp hơn mà lại đem rừng phòng hộ để đốt, ông Út cho biết diễn tập như vậy để sát với thực tiễn, để tạo ra các kỹ năng PCCC rừng.

“Yêu cầu diễn tập phải sát với thực tiễn tí, có những hình ảnh gần giống như với vụ cháy thật và yêu cầu thao tác phải giống với cháy rừng thật. Năm nay khu vực phía Đông dễ xảy ra cháy rừng hơn nên diễn tập khu đó để thao tác, có kỹ năng, tác nghiệp tốt trong sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác PCCC rừng, tạo ra sự nhận thức của người dân nên tổ chức khu đó là phù hợp, nói chung đã có sự tính toán”.

Người dân địa phương thì không nghĩ như những ông lãnh đạo. Họ cho rằng “đó là cách biện hộ ngớ ngẩn, ngu xuẩn nhất” mà họ từng thấy. Ông Phạm Thanh (trú thôn Bình Trúc) nói: “Chúng tôi ở ngay đấy mà còn rất bất ngờ trước việc này. Nhiều cây keo được nuôi cả 20 năm, giờ bị cưa bị đốt, mà mấy ông ấy không một chút xót xa là sao? Cả một khu vực bị cháy đen thì giờ ông Anh (Chủ tịch UBND xã Bình Sa) nói chúng bị chết trước là nói dối. Rất ít cây bị chết, cả đám rừng xanh tươi như thế nào thì dân biết rõ”.

Bảng “cấm lửa” do Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đặt cảnh báo cạnh khu rừng họ đốt – Ảnh: Người Lao Động

Bà Nguyễn Thị Hoa (trú xã Bình Sa) nhắc lại câu “nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại” để đáp lại lời giải thích của ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam:

“Đốt rừng, cho dù để làm bất cứ điều gì cũng là hành động phá hoại. Ông Út giải thích rằng yêu cầu diễn tập phải sát với thực tiễn, thế chúng tôi hỏi ông, nếu có diễn tập chữa cháy nhà cửa, ông có cho phép dùng nhà ông để diễn tập cho sát với thực tế một tí được không?”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: