Thầy thể dục dán mắt vào điện thoại, học sinh chết đuối tại hồ vẫn không biết

Hồ bơi trong trường VIS (quận Hà Đông, Hà Nội), nơi xảy ra vụ một nam sinh chết đuối chiều 22 Tháng Tám – Ảnh: Tuổi Trẻ

Một nam sinh lớp 9 trường phổ thông Quốc Tế Việt Nam (VIS) đã chết đuối trong hồ bơi của nhà trường (khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) vì thầy giáo dạy bơi mải mê bấm điện thoại.

Hôm 23 Tháng Tám 2023, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục quận Hà Đông đã xác nhận với Tuổi Trẻ việc một nam sinh lớp 9 chết đuối khi đang học bơi tại hồ bơi của nhà trường.

Trước đó, chiều 22 Tháng Tám, nam sinh trên được phát giác đã tử vong dưới đáy hồ bơi, trong khuôn viên trường.

Vào buổi tối cùng ngày, trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết đang tạm giam ông Trần Lâm Thắng (24 tuổi), giáo viên dạy bơi lội của VIS,  về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo điều tra, chiều 22 Tháng Tám, lớp 9A1 (gồm 27 học sinh) của VIS có tiết bơi lội từ 13:20 đến 14 giờ, do thầy giáo Trần Lâm Thắng phụ trách.

Khoảng 13:20 cùng ngày, thầy giáo Thắng tập trung học sinh lớp 9A1 tại khu vực trước cửa hồ bơi để chuẩn bị cho tiết bơi lội. Ông Thắng cho học sinh khởi động khoảng 10 phút sau đó chia một nhóm tự hoạt động thể thao tại khu vực sân trường, một nhóm gồm 11 học sinh do ông trực tiếp dẫn vào hồ bơi để thực hành.

Sau khi đưa học sinh vào hồ bơi, giáo viên Thắng không phổ biến, hướng dẫn, mà ngồi ở ghế đầu bể bơi, để mặc các em học sinh tự do xuống hồ bơi thực hành. Ông cũng không quản lý, giám sát, mà chỉ ngồi tại chỗ và thường xuyên sử dụng điện thoại di động.

Vì vậy, thầy giáo này đã không phát giác việc học sinh P.H.A. (15 tuổi, ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xuống hồ nhưng không bơi, mà chỉ đi bộ. Khi học sinh A. đi đến đoạn qua dây phao ngăn cách độ sâu 1.2m và 1.55m thì không đi được nữa, rồi vùng vẫy liên tục trong khoảng ba phút trước khi bị chìm.

Sau khi học sinh A. bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên Thắng vẫn không biết, ông tiếp tục sử dụng điện thoại di động. Đến khoảng 20 phút sau, ông Thắng mới yêu cầu các em học sinh lên bờ rồi cho lớp tự giải tán.

Lúc này vẫn chưa ai phát giác nam sinh A. bị chìm. Mãi đến 14:06, ông Hà Văn Xuân, nhân viên vệ sinh, trong lúc dọn vệ sinh hồ bơi thì bàng hoàng phát hiện nam sinh A. nằm bất động dưới đáy hồ, khu vực có mực nước sâu 1.55m.

Ông Xuân cùng một số giáo viên trong trường đã đưa nam sinh A. vào bệnh viện đa khoa Hà Đông cấp cứu nhưng bệnh viện xác nhận A. đã tử vong trước khi nhập viện.

Thầy giáo Trần Lâm Thắng tại trụ sở công an quận Hà Đông, người đã mải mê xem điện thoại để học sinh chết đuối – Ảnh: Công an

VTC News chiều 24 Tháng Tám tường thuật lời hối hận muộn màng của thầy giáo Trần Lâm Thắng.

Nhớ lại sự việc, Trần Lâm Thắng cho biết, tiết dạy bơi lội từ 13:20 đến 14 giờ cho lớp 9A1 là buổi thực hành bơi lội đầu tiên của lớp dưới hồ bơi trong trường.

Nói về nguyên nhân để sự việc đau lòng xảy ra, Thắng cho biết do bản thân sơ ý, không quan sát học sinh và vô tình sử dụng điện thoại. Ông Thắng nhớ lại: “Theo quy định của nhà trường, mỗi một tiết dạy bơi thực hành sẽ có một giáo viên phụ trách bộ môn và hai nhân viên cứu hộ.

Tuy nhiên, do quá tự tin vào bản thân nên buổi chiều 22 Tháng Tám, khi chưa có nhân viên cứu hộ, tôi đã cho nhóm học sinh xuống bơi tự do”.

Ông Thắng cũng biện minh: “Cũng theo quy trình thì khi dạy phải phát phao bơi cho các em, nhưng do có một mình tôi quản lý quá nhiều học sinh nên tôi chưa kịp phát phao cho các em.

Hôm đó, là buổi bơi thực hành đầu tiên với lớp 9A1, tôi cũng chưa nắm được học sinh nào biết bơi, học sinh nào chưa biết bơi. Tôi chỉ quan sát học sinh và dựa vào năng lực của mình để phán đoán…”.

Trao đổi với Dân Việt chiều 24 Tháng Tám, bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường VIS, buồn rầu nói, nhà trường đã phối hợp gia đình nam sinh để lo hậu sự, cũng như phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra. Bà cho biết nhà trường chịu toàn bộ chi phí lo hậu sự cho nam sinh.

Nhận xét về nạn nhân, bà Hồng cho biết, A. là học sinh chăm ngoan, lễ phép và học lực khá.

Hằng năm, ngành giáo dục vẫn tổ chức cuộc thi bơi lội cho học sinh nhưng chủ yếu chỉ là phong trào. Các trường học ở Việt Nam hiếm trường có hồ bơi và có tiết dạy bơi cho học sinh – Ảnh: Báo Chính Phủ

Bà cũng chia sẻ thêm, lớp tập luyện bơi do thầy Trần Lâm Thắng dạy ngày hôm đó là lớp huấn luyện bơi nhằm phục vụ cho giải bơi lội vào cuối Tháng Tám tới đây, những học sinh tham gia buổi học bơi hôm đó được tuyển chọn, các em đều biết bơi, kể cả nam sinh A.

Ngay sau khi tai nạn chết người xảy ra, VIS đã tạm ngưng việc giảng dạy của thầy Thắng, đồng thời cho dừng toàn bộ hoạt động bơi cũng như giải bơi sắp tới.

Thầy giáo Trần Lâm Thắng mới được VIS tuyển dụng từ Tháng Năm, buổi dạy chiều 22 Tháng Tám là buổi dạy đầu tiên của thầy tại trường.

VIS là trường tư thục ở Hà Nội, có các lớp từ tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo trang web của trường này, học phí của học sinh bao gồm nhiều khoản phí: Phí ghi danh 1-2 triệu  đồng/học sinh, phí đầu năm (đồng phục, sách vở, phát triển trường, hoạt động ngoại khóa) từ 4.9 triệu – 8.2 triệu đồng/học sinh, học phí từ 3.7 triệu – 7.2 triệu đồng/tháng/học sinh.

Trước vụ nam sinh A. chết đuối ba ngày, tối 19 Tháng Tám 2022, một học sinh lớp 11 của trường trung học phổ thông Yên Mỹ đã chết đuối ở hồ bơi Minh Hoàng, thôn Ông Tố, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đây là vụ chết đuối thứ hai xảy ra tại hồ bơi này. Ngày 23 Tháng Bảy 2020, một học sinh lớp 8 trường trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ đã chết đuối tại đây.

Hồ bơi Minh Hoàng là hồ bơi tư nhân, hoạt động từ Tháng Năm 2018.

Chết đuối là tai nạn gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và học sinh Việt Nam từ 2-15 tuổi. Theo Tuổi Trẻ ngày 10 Tháng Sáu 2022: Trung bình một ngày có hơn 5 trẻ/học sinh bị chết đuối, một năm trên 2,000 trẻ/học sinh bị chết đuối, tỷ suất cao nhất so với khu vực Đông Nam Á và cao gấp tám lần các nước phát triển.

Trẻ/học sinh Việt Nam chết đuối nhiều nhất trong dịp hè và 76.6% là chết đuối ngoài nhà (ao/hồ/sông/suối/biển), 22.4% chết đuối tại nhà và 1% chết đuối tại trường.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: