Các cộng đồng thiểu số đến El Cajon tìm cách giảm hiềm khích và xung đột

Các đại diện cộng đồng thiểu số có mặt tại El Cajon. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

EL CAJON, California (NV) – Đại diện của nhiều cộng đồng đến El Cajon để dự hội thảo bàn tròn của Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) về những cách làm giảm xung đột và hiềm khích giữa người thiểu số với nhau.

Buổi hội thảo tại Trung Tâm Giải Trí Bostonia ở El Cajon hôm Thứ Năm, 3 Tháng Tám, là một phần quan trọng của chiến dịch “Stop the Hate” do Sở Dịch Vụ Xã Hội California bảo trợ nhiều tổ chức cộng đồng để hợp tác tìm cách ngăn chặn tình trạng thù ghét đang gia tăng qua những cách trực tiếp ngăn chặn hay qua các dịch vụ khắp tiểu bang.

Không chỉ có tình trạng người thiểu số bị thù ghét đang gia tăng, mà tình trạng các cộng đồng thiểu số có hiềm khích, thậm chí xung đột với nhau cũng đang gia tăng ở nhiều nơi, trong đó có thành phố El Cajon, thuộc San Diego County, cách trung tâm thành phố San Diego khoảng 17 dặm.

San Diego County là một nơi đa văn hóa, có nhiều cộng đồng nhập cư, và điều đó có thể dẫn đến xung đột giữa các cộng đồng. Vì vậy, EMS mời nhiều lãnh đạo cộng đồng và lãnh đạo tôn giáo ở khu vực này đến dự hội thảo ở El Cajon để thảo luận về sự hỗ trợ, sự hợp tác và sự thân quen giữa các cộng đồng qua sự hiểu biết về văn hóa hay tín ngưỡng của nhau.

Ông Julian Đỗ, đồng giám đốc EMS. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ngoài các lãnh đạo cộng đồng, buổi hội thảo còn có sự hiện diện của nhiều cơ quan truyền thông của người Việt Nam, người Miến Điện, người Hoa, người Hispanic, người Philippines, người Ả Rập hay Hồi Giáo, người Do Thái, và thậm chí có cả người thổ dân Hoa Kỳ, làm phòng họp có đến mấy chục người từ nhiều cộng đồng.

Người điều hợp chương trình là ông Julian Đỗ, đồng giám đốc EMS, chào mừng quan khách và nói về mục đích của buổi hội thảo. Ông cho biết lý do EMS mời nhiều cộng đồng đến hôm nay để giúp họ hiểu biết nhiều hơn về “hàng xóm” vì San Diego County là nơi đa văn hóa của người nhập cư.

Ông nói trong những năm gần đây quận hạt này có nhiều sự phát triển, nên đây là cơ hội tốt để giúp các cộng đồng thiểu số hiểu biết về nhau nhiều hơn qua văn hóa và tín ngưỡng. Điều đó sẽ giúp họ xây dựng được nhiều cầu nối, giúp các cộng đồng hàn gắn hơn và ngăn chặn hiềm khích hay xung đột.

Ông Julian còn cho rằng chắc chắn ai cũng đến buổi hội thảo này vì có những lo ngại về tình trạng thù ghét trong cộng đồng, và ông bày tỏ sự cảm kích với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo cộng đồng.

Buổi hội thảo về những cách giảm hiềm khích và xung đột của EMS. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ông Michael Odegaard, một trưởng lão và đại diện cho tờ báo Indian Voices của người thổ dân Hoa Kỳ ở San Diego, nhấn mạnh sự quan trọng của những buổi hội thảo như vậy vì hiếm khi nào nhiều cộng đồng được họp mặt để thảo luận về những cách giúp hàn gắn, có nhiều tiến bộ trong xã hội và cuộc sống.

Cô Tuyền Nguyễn, quản lý chương trình “Stop the Hate” của tổ chức Catalyst ở San Diego County và Imperial County, cho hay các lãnh đạo cộng đồng có mặt tại buổi hội thảo nên chú ý đến những câu hỏi như mình thấy gì trong cộng đồng; những lo ngại của mình là gì.

Cô còn nói các cộng đồng nhập cư có những trải nghiệm trong cuộc sống hoàn toàn khác nhau vì sắc dân, văn hóa và nơi họ sinh sống. Vì vậy, đó là những điều cần được chú ý đến khi thảo luận về cách giúp nhiều cộng đồng đến gần nhau hơn.

Linh Mục Noel Gorgis, đại diện cho người Công Giáo Chaldean ở El Cajon, cho biết cộng đồng nào cũng có vấn đề riêng của họ, nhưng nếu nhiều cộng đồng sát cánh nhau thì chuyện gì cũng có thể giải quyết được.

Giờ thảo luận về những cách hàn gắn các cộng đồng thiểu số. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ông cho hay hiện nay các cộng đồng thiểu số không có chỗ cho thù ghét và muốn sống chung an lành. Về những tội thù ghét đã xảy ra, ông nói mình vẫn không thể quên được, nhưng sẵn sàng tha thứ vì mình là người Công Giáo.

Linh mục cũng kêu gọi các cộng đồng nên làm việc với các cộng đồng khác và chính phủ để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng thù ghét.

Hòa Thượng Ashin Pyinnya, đại diện cho cộng đồng Phật Giáo người Miến Điện, cho biết cộng đồng nào cũng giống nhau vì đều là con người, nên phải biết cách sống lương thiện, tìm cách hoàn thiện bản thân cho cộng đồng và phải để lại được nhiều ảnh hưởng tốt cho người khác.

Nhiều người khác từ cộng đồng Philippines đến Ả Rập và Do Thái cũng chia sẻ những suy nghĩ tương tự, cho biết họ từng gặp nhiều chuyện nguy hiểm ở quê nhà, và bây giờ còn bị thù ghét ở Hoa Kỳ. Vì vậy, ai cũng kêu gọi các cộng đồng sát cánh nhau để cùng nhau tiến bộ và có nhiều thành công trong xã hội.

Các đại diện cộng đồng chia sẻ ý kiến. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Sau khi cho mọi diễn giả chia sẻ, ông Julian Đỗ mời họ chia thành nhiều nhóm để thảo luận rồi trình bày những cách để giúp các cộng đồng thiểu số đến gần nhau hơn, làm không khí của buổi hội thảo đầy sôi nổi và đầy nhiệt tình của mọi cộng đồng vì ai cũng hăng hái đóng góp ý kiến.

Những ý kiến được đưa ra gồm có tổ chức thêm nhiều hội thảo như vậy; tổ chức nhiều sinh hoạt hay sự kiện về văn hóa để tạo sự hiểu biết; chia sẻ thông tin với nhau; lấy sự chú ý để các dân cử địa phương qua truyền thông và hợp tác với họ.

Buổi hội thảo của EMS có nhiều ý kiến hay từ các cộng đồng thiểu số từ nhiều nơi đến, và ai cũng hăng hái đóng góp, cũng như muốn có thêm những buổi họp mặt như vậy để giúp cộng đồng tiến bộ hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: