110 năm, 75 năm và 65 năm Christian Dior

(musee-mccord.qc.ca)
Share:

Những “fashion-conscious persons” (người ý thức về sự quan trọng và giá trị của thời trang) hay những “fashionista” (người đam mê thời trang) đều nhớ rõ rằng trong thế giới thời trang deluxe năm 2021 này có những cột mốc đáng nhớ liên quan đến một thương hiệu lừng danh thế giới: 110 năm sinh nhật của Christian Dior, 75 năm lịch sử nhà Christian Dior và 65 năm ngày vĩnh biệt ông Christian Dior (ngày 24 Tháng Mười 2021).

Ngày 19 Tháng Mười Một này, thủ đô Doha của Tiểu vương quốc Qatar sẽ là nơi diễn ra một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử toàn vùng Trung Đông. Dior, nhà thời trang deluxe lừng danh thế giới tổ chức triển lãm các mẫu thiết kế thời trứ danh của nghệ nhân tài hoa Christian Dior (quá cố) ngay trong không gian rộng lớn, nguy nga của Bảo tàng Qatar.

Ông Christian Dior, 1950s (ảnh: KAMMERMAN/Gamma-Rapho/Getty Images)
Ông Christian Dior và ngôi sao màn bạc Jane Russell (ảnh: Keystone/Getty Images)

Được mang tên Christian Dior: Designer of Dreams (Christian Dior: nhà thiết kế những mộng đẹp), chương trình triển lãm này cũng trình làng một số tác phẩm thiết kế thời trang cao cấp mới nhất của Dior chưa hề xuất hiện ở các sự kiện tương tự từng diễn ra trong Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí ở Paris cũng như trong các bảo tàng hàng đầu thế giới tại London, New York, Thượng Hải, Thành Đô.

Tuy nhiên, giới phê bình tin rằng chính những mẫu thiết kế của cách nay 6, 7 thập niên mới thu hút nhất, chẳng hạn như bộ trang phục Bar với áo jacket satin trắng, độn vai rất mảnh, eo thắt và váy vải đen phập phồng. Đó chính là một trong những thiết kế đầu tiên của ông Christian Dior khiến các nhà phê bình thời đó trầm trồ khen ngợi. “Ôi hình ảnh mới lạ hay quá!”; và từ đó sinh ra cụm từ còn nổi đến ngày nay vì đại diện cho cả một trào lưu thời trang thời hậu chiến, đó là “New Look”, vào đầu năm 1947. Nhờ New Look mà Paris có sắc thái mới, trẻ trung trở lại sau những năm tàn tạ vì bom đạn và các cô nàng “Parisiennes” trông xinh tươi, lịch thiệp hơn và đầy nữ tính mới hơn. Đây cũng chính là lý do cho chuỗi sự kiện triển lãm các tác phẩm của ông Dior: kỷ niệm 75 ngày hình thành nhà Christian Dior!

Ngoài ra cũng có trưng bày các mẫu thiết kế của những nghệ nhân kỳ tài đã kế tục sự nghiệp ông Christian Dior sau khi ông đột ngột qua đời vì đau tim năm 1957, được thực hiện từ những nhà thiết kế Yves Saint Laurent (Pháp), Marc Bohan (Pháp); Gianfranco Ferré (Ý); John Galliano (người Anh gốc Gibraltar); Raf Simons (Bỉ) và Maria Grazia Chiuri (người Ý, nhà thiết kế chính của Dior Haute Couture từ 2016). Sau những mẫu thiết kế “ngôi sao” một thời ấy, chắc chắn vật phẩm thu hút sự chú ý của khách nhiều nữa là Lady Dior, một túi xách tay được tái thể hiện cho dự án Dior Lady Art, được đặt theo tên Lady Diana.

Christian Dior ‘New Look’ – ảnh: KAMMERMAN/Gamma-Rapho via Getty Images; Keystone/Getty Images)

CHRISTIAN DIOR TÀI HOA, THANH LỊCH

Có thể nói không sai rằng ông Christian Dior đã đóng góp rất nhiều cho sự thanh lịch, mỹ miều của cả cánh nữ lẫn nam. Và lắm khi cũng giúp quý ông, quý cô trông vừa quý phái vừa ngổ ngáo, đầy thách thức nữa!

110 năm về trước, Christian Dior chào đời trong một gia đình khá giả chuyên làm giàu trong ngành nông nghiệp tại thị trấn ven biển Granville, vùng Normandie phía Bắc nước Pháp. Một ngày nọ, cậu Dior đưa tay cho một bà thầy bói xem. “Này chàng trai, tôi thấy anh hôm trước nghèo túng, hôm sau đã có núi của. Rồi đây anh sẽ rất thành công nhưng là thành công thông qua các bà, các cô!”. Thời ấy, chưa có chuyện bình quyền nam nữ, nữ quyền chưa đạt đến đỉnh cao như ngày nay. Riêng tại Pháp, mãi đến ngày 29 Tháng Tư 1945, phụ nữ Pháp mới lần đầu được đi bầu… thì việc tiên báo rằng Christian sẽ thành công lớn nhờ mỹ nhân thì thật là chuyện… quái gở, không ai tin nổi. Ấy vậy mà chuyện đã diễn ra đúng như bà thầy bói đã phán.

Sản phẩm Christian Dior (ảnh: Unsplash)

Người cố vấn khuyên Christian Dior nên lấy chính họ tên mình đặt cho tiệm may đo là bà Delahaye, sống trong căn hộ sang trọng trong khu phố giàu có ở Quận 16, Paris. “Không có Madame Delahaye thì Christian đã không có được sự nghiệp ngời sáng đến thế,” chính ông Pierre Cardin (từng đến Việt Nam trình diễn các collection của ông, hồi những năm 1990) nhận xét như vậy.

Không lâu sau khi bom đạn đã im tiếng, Thế giới chiến tranh lần thứ hai kết thúc, ông Christian Dior, giã từ đời binh nghiệp, theo nghề thời trang và rồi trình làng collection Xuân-Hè 1947 với rất nhiều thiết kế “gây sốc” thời ấy. Những đường cong tự nhiên của phụ nữ được đề cao (eo thôn, mông tròn căng…), hoàn toàn là một sự nở hoa tưng bừng sau những năm gian khổ thời chinh chiến, thiếu vải để thiết kế váy dài. Ông đã lăng-xê phong cách gọi là New Look!

Càng vang danh, ông càng được các ladies yêu mến, ngưỡng mộ. Trong những năm 1950 và 1960, ông đã giúp những Marlene Dietrich, Grace Kelly, Sophia Loren vận những trang phục sang đẹp. Qua những năm 1990, nhà Dior tiếp tục giúp các nữ minh tinh tỏa sáng hơn nữa, từ Nicole Kidman đến Celine Dion. Cả đến Lady Diana cũng vậy. Gần đây hơn thì có thể kể những siêu sao Charlize Theron, Natalie Portman, Jennifer Lawrence… Từ 2012 đến nay nữ diễn viên đoạt Oscar Jennifer Lawrence chính là gương mặt đại diện chính thức cho nhà Dior, trong khi minh tinh Natalie Portman (cũng có tượng vàng Oscar) thì quảng cáo cho nước hoa Miss Dior Eau de Parfum mới.

Bộ sưu tập Christian Dior tại Viện bảo tàng lịch sử McCord, Canada (musee-mccord.qc.ca)

Ngày nay có ai biết rằng ông Christian Dior là người có phần mê tín dị đoan, rằng ông rất thích con số 13 (nên thường sử dụng 13 người mẫu ở những lần giới thiệu collection mới) và con số 8 (nhà may của ông trong Quận 8, Paris, khai trương ngày 8 Tháng Mười Hai 1946)… Vì thế đã có lúc người ta thấy Jennifer Lawrence khoe áo ngắn với dòng chơi chữ “J’adior” và con số 8. Nhưng một lần không nghe theo lời thầy bói, ông vẫn quyết du hành đến Montecatini, Ý nghỉ mát và đã chết tại đó vào ngày 24 Tháng Mười năm 1957, khi mới 52 tuổi.

Christian Dior Collection – ảnh: Stephane Cardinale/Corbis/Getty Images; Peter White/Getty Images; Chris Moore/Catwalking/Getty Images)

Nhà Dior sẽ sụp đổ chăng? Thế giới thời trang phát hoảng. Không. Nhà Christian Dior vẫn  tồn tại và phát triển. Và chuyện lạ đã xảy ra gần đây: lần đầu tiên sau 70 năm, nhà Dior có một giám đốc sáng tạo là phụ nữ: cô Maria Grazia Chiuri, từ nhà Valentino ở Rome chuyển đến.

Cô đào Jennifer Lawrence trong trang phục Christian Dior đêm Oscar 2013 (ảnh: Kevin Winter/Getty Images)

Ở buổi giới thiệu collection Dior Xuân-Hè 2018, cô Chiuri đã tiếp nối phong cách của ông tổ nhà Christian Dior một cách thật đặc biệt: khai mạc với phần rảo bước của một model khoe áo thun xọc ngang theo kiểu lính thủy với hàng chữ “Why have there been no great women artists”, theo tựa một bài luận rất nổi tiếng của nữ sử gia nghệ thuật Linda Nochlin hồi năm 1971. Bây giờ, năm 2021, bà Chiuri chắc đã phần nào mãn nguyện: rất nhiều nghệ sĩ đoạt giải Oscar, Bafta, Cành cọ vàng, Sư tử vàng Venice… đều là những nữ nghệ sĩ! Và nhiều người trong số đó từng khoác trang phục Christian Dior.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: