Kinh tế Mỹ mất $150 tỷ mỗi năm vì biến đổi khí hậu

Ảnh chụp hôm 22 Tháng Tư, 2-23, từ trên cao Nhà máy lọc dầu Los Angeles của Marathon Petroleum Corp, nhà sản xuất xăng lớn nhất tiểu bang, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất, lễ kỷ niệm hàng năm của phong trào môi trường. (ảnh: David McNew/Getty Images)

Một báo cáo liên bang cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ tồi tệ hơn trừ khi các tiểu bang đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch và các thành phố thích ứng nhanh với môi trường đang thay đổi.                        

Cần sớm biến cam kết thành hiện thực

Nước Mỹ hiện đang trải qua một hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại lên tới $1 tỷ mỗi ba tuần (tức bằng bốn tháng của thập niên 1980, đã điều chỉnh lạm phát).

Theo báo cáo mới nhất: Đánh giá Khí hậu Quốc gia Hoa Kỳ (National Climate Assessment-NCA) công bố ngày 14 Tháng Mười Một (lần đầu tiên, đánh giá có một chương riêng về tác động kinh tế liên quan đến khí hậu), nước Mỹ thiệt hại gần $150 tỷ mỗi năm vì biến đổi khí hậu.

Ảnh hưởng nặng nề nhất là các cộng đồng nghèo và yếu thế. Báo cáo cảnh báo: “Các hậu quả kinh tế khác của biến đổi khí hậu sẽ trở nên khốc liệt hơn trừ khi Hoa Kỳ đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch và giúp các thành phố thích ứng với nhiệt độ cao hơn và mực nước biển dâng cao.

Dù một số tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đã được cảm nhận trên khắp đất nước, nhưng tác động của những thay đổi trong tương lai được dự đoán là sẽ đáng kể và rõ ràng hơn đối với nền kinh tế”.

Các khu trượt tuyết ở Tây Bắc, nông dân ở Trung Tây và ngư dân ở Đông Bắc nước Mỹ đều phải đối mặt với những nguy cơ của biến đổi khí hậu, tác động xấu đến nền kinh tế địa phương.

Hạn hán, cháy rừng, bão và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn do lượng khí thải nhà kính (CO2) ngày càng tăng, gây trở ngại cho việc cung cấp thực phẩm, nước uống và làm xáo trộn cuộc sống.

Theo đánh giá, vào cuối thế kỷ này, khoảng 40% dân số Mỹ sống ở các cộng đồng ven biển sẽ phải đối mặt với mực nước biển dâng và hàng triệu ngôi nhà phải di dời.

Cũng trong ngày 14 Tháng Mười Một, Bộ Năng lượng cho biết đang phân bổ $3.9 tỷ tài trợ liên bang để nâng cấp mạng lưới điện quá tải của đất nước (khoản đầu tư mới nhất trong chuỗi đầu tư được luật cơ sở hạ tầng năm 2021 tài trợ).

Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency-EPA) đang rót $2 tỷ cho các dự án khí hậu cộng đồng thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) được chính phủ Biden ban hành năm ngoái.

Báo cáo của NCA nêu rõ: “Những khoản đầu tư đó là cấp thiết vì Mỹ và các quốc gia khác cần đẩy nhanh việc giảm phát thải và loại bỏ nhiều CO2 hơn khỏi khí quyển để làm chậm đà biến đổi khí hậu”, và lưu ý quy trình cấp phép đang khiến quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Mỹ gặp phải trở ngại nghiêm trọng.

Một người đàn ông trên sân thượng nhìn ngọn lửa đang đến gần khu khu nhà mình hôm 3 Tháng Năm 2013 gần Camarillo, California trong trận cháy rừng lan rộng tới hơn 18,000 mẫu Anh. (ảnh:David McNew/Getty Images)

Báo cáo kết luận: “Mức giảm phát thải gần đây không đủ để đưa nước Mỹ đi đúng hướng và đạt được các mục tiêu khí hậu. Lượng phát thải giảm trung bình dưới 1% mỗi năm từ 2005 đến 2019 sẽ phải nâng lên 6% để giữ cho khí hậu không nóng thêm quá 1.5 độ C vào giữa thế kỷ này, phù hợp với mục tiêu quốc gia và mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris. Không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia cũng chậm trễ trong cam kết Paris của họ.

Bức tranh về biến đổi khí hậu toàn cầu

Báo cáo của NCA được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu sẽ diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) vào cuối tháng này, trùng hợp với nỗ lực của chính quyền Biden nhằm chuyển hàng tỷ đôla vào các dự án năng lượng sạch để tạo công ăn việc làm và làm chậm biến đổi khí hậu.

Cố vấn khí hậu quốc gia Toà Bạch Ốc Ali Zaidi nhận định: “Báo cáo của NCA thể hiện chiến lược của Tổng thống Joe Biden trong việc biến cuộc khủng hoảng khí hậu thành cơ hội kinh tế thông qua trợ cấp và các ưu đãi khác.”

Theo đánh giá trong báo cáo, các công ty khi xây dựng các cơ sở sản xuất mới sẽ phải đầu tư vào các giải pháp bảo vệ khí hậu như tái chế nước ở khu vực Tây Nam để hiện thực hóa lợi ích kinh tế.

Dave White, Giám đốc Viện Đổi mới và Bền vững Toàn cầu (Global Institute of Sustainability and Innovation) thuộc Arizona State University và là đồng tác giả của báo cáo, lưu ý: “Điều quan trọng hơn là phải thực hiện các chiến lược phục hồi để các cơ sở hạ tầng, kinh tế quan trọng được an toàn trước biến đổi khí hậu.”

Đánh giá cũng tập trung vào việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và dự báo, những việc làm mất đi trong quá trình loại bỏ dần loại nhiên liệu này sẽ được thay thế bằng những việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng sạch. Lợi ích của kéo chậm biến đổi khí hậu sẽ lớn hơn chi phí.

Báo cáo cho biết các thành phố, tiểu bang và chính phủ liên bang sẽ phải đối mặt với chi phí lớn hơn từ việc ứng phó thảm họa và các chi phí khác, doanh thu từ thuế cũng giảm nếu do dự trong hành động.

Được thành lập vào năm 1990, pháp luật quy định NCA phải tiến hành đánh giá bốn năm một lần. Báo cáo đánh giá mới này là phiên bản thứ năm do hơn 750 chuyên gia soạn thảo và được 14 cơ quan liên bang xem xét.

Chương mới về kinh tế trong báo cáo nêu rõ biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng thế nào đến tuổi thọ, các hoạt động giải trí và sức khỏe tâm thần ngoài những mất mát hữu hình. “Báo cáo vẽ ra một bức tranh rộng hơn nhiều về cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày,” Delavane Diaz, trưởng nhóm chính tại Viện nghiên cứu Điện năng (Electric Power Research Institute) phi lợi nhuận và là đồng tác giả của báo cáo mới, nhận định.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: