Tại sao phim ảnh ngày càng dài?

Minh họa: denise-jans-unsplash
Share:

Trước khi xem “Killers of the Flower Moon” của đạo diễn Martin Scorsese, khán giả nên ăn thật no và đặc biệt cần giải quyết vấn đề vệ sinh cá nhân, đơn giản vì bộ phim này quá dài. Nó ngốn của bạn mất 3 tiếng 26 phút!

Một bài báo Entertainment Weekly năm 1992 cho biết “thời lượng phim đã kéo dài từ trung bình 90 phút những năm 1930 lên 121 phút ngày nay”; và vào năm 2006, tờ New York Times cũng đề cập đến độ dài “không cần thiết” của nhiều sản phẩm Hollywood. Đạo diễn Alexander Payne từng nói: “Ngày nay có quá nhiều bộ phim dài chết tiệt.”

20 năm qua và đặc biệt 10 năm qua, phòng vé ngày càng được thống trị bởi những bộ phim dài lê thê. Năm 1993, độ dài trung bình của 10 bộ phim hàng đầu ở Mỹ chỉ hơn hai tiếng. Thời điểm này của năm 2023, độ dài trung bình của phim ảnh Mỹ là 2 giờ 23 phút. Phiên bản “The Mermaid” năm 1989 dài 83 phút; bản làm lại năm 2023 dài 135 phút. Về “vấn đề phim dài”, tờ The Economist thuật vui rằng, trong buổi chiếu ra mắt “Killers of the Flower Moon” tại Liên hoan phim Cannes vào Tháng Năm 2023, một số khán giả đã ngủ gật; và sau khi xem xong thì “một cuộc đổ xô điên cuồng (với những đoàn người xếp hàng dài) kéo nhau vào nhà vệ sinh”.

Đạo diễn Martin Scorsese với “Killers Of The Flower Moon” (ảnh: Karwai Tang/WireImage)

The Economist đã phân tích hơn 100,000 phim truyện được phát hành trên thế giới kể từ những năm 1930, thời điểm bắt đầu thời kỳ hoàng kim của Hollywood, sử dụng dữ liệu từ IMDB (Internet Movie Database) và nhận thấy rằng, thời lượng trung bình của các tác phẩm điện ảnh đã tăng khoảng 32%, từ 1 giờ 21 phút vào những năm 1930 lên 1 giờ 47 phút vào năm 2022. Đối với 10 tựa phim phổ biến nhất (được đo bằng số lượng người đánh giá xếp hạng phim trên IMDB), thời lượng trung bình là khoảng hai tiếng rưỡi vào năm 2022, hơn gần 50% so với những năm 1930.

Thật ra chuyện phim dài không phải mới đây. Giới làm phim bắt đầu tung ra những tác phẩm dài vào đầu những năm 1960. Điện ảnh lúc đó bùng nổ và người ta muốn khán giả nhận thấy sự khác biệt giữa nghệ thuật thứ bảy với truyền hình. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, hầu hết các phim đều có thời lượng chỉ từ 10 đến 15 phút. Khoảng giữa thế kỷ 20, khi công nghệ đủ tiến bộ, người ta bắt đầu sản xuất các bộ phim dài hơn một chút. Đến thập niên 1950, màn ảnh rộng đã trình chiếu những phim sử thi hoành tráng có độ dài hơn hai tiếng.

Những bộ phim sử thi vinh danh lịch sử màn bạc đều là những siêu phẩm dài, trong đó có “Lawrence of Arabia” (1962), vượt mốc ba tiếng rưỡi; “Gone With the Wind” năm 1939 (3 giờ 58 phút); “Ben-Hur” năm 1959 (3 giờ 32 phút); và “Cleopatra” (1963) thậm chí dài hơn bốn tiếng nếu sau đó biên tập không cắt bớt.

Vivien Leigh (trái) trong ‘Gone with the Wind’ (ảnh: Silver Screen Collection/Getty Images)

Tương tự, thời nay, người ta tiếp tục tung ra những “siêu phẩm” dài để cho thấy sự khác biệt giữa việc thưởng ngoạn phim đại vĩ tuyến “đã” hơn phim phát trực tuyến (streaming) như thế nào. Giới sản xuất Hollywood chẳng dại gì sản xuất phim dài nếu không có lý do. Bất luận thời nào, một phút cộng thêm của qui trình sản xuất là một khoản tiền cộng thêm cho chi phí.

Trước sự đe dọa của những đối thủ phim trực tuyến như Netflix, Hollywood sẵn sàng làm ra những bộ phim dài để kéo khán giả đến rạp. Hiệu ứng phim dài màn ảnh rộng có thể thấy rõ, với những bộ phim thành công doanh thu như “Avengers: Endgame”, bộ phim siêu anh hùng hoành tráng kéo dài ba giờ của hãng Marvel. “Avengers: Endgame” có doanh thu cao nhất năm 2019. Năm 2022, hầu hết phim dài lượt thượt đều đạt doanh thu tốt. Chẳng hạn “No Time to Die” (2 giờ 43 phút), “Spider-Man: No Way Home” (2 giờ 28 phút), “Dune” (2 giờ 35 phút), “Eternals” (2 giờ 37 phút)…

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến độ dài phim là kỹ thuật. Sự phát triển rạp chiếu phim kỹ thuật số cuối những năm 1990 đã cho phép thời gian chiếu thay đổi. Nhờ kỹ thuật, các nhà làm phim không còn bị hạn chế về mặt vật lý với những cuộn phim cồng kềnh. Những phiên bản được vi tính hóa giúp bộ phim dài ba giờ không tốn nhiều chi phí vận chuyển và lưu trữ như trước đó. Ngoài ra, Dana Polan, giáo sư nghiên cứu điện ảnh tại Trường Nghệ thuật Tisch của NYU, nhận xét thêm rằng, hầu hết phim dài đều được quảng cáo rầm rộ, đánh vào tâm lý khán giả rằng độ dài tương đương với chất lượng.

James Cameron, một tượng đài của điện ảnh thế giới, người chuyên thực hiện những siêu phẩm có độ dài đáng kể (ảnh: Kevin Winter/Getty Images)

Bằng chứng cho ý tưởng “tiền nào của đó” là “Avatar” (2009). Với nhiều chuyên gia điện ảnh, “Avatar” của đạo diễn James Cameron là một bước ngoặt. Trước sự lấn át của các nền tảng trực tuyến như Netflix, thành công thương mại chấn động của “Avatar” (2 giờ 42 phút) đã cho giới làm phim thấy rằng hiệu ứng hình ảnh hoành tráng của nghệ thuật lẫn kỹ thuật điện ảnh hiện đại luôn mang lại những sản phẩm điện ảnh đáng để thuyết phục khán giả đến rạp thưởng thức.

Một cách chính xác, James Cameron là một trong những đạo diễn tiên phong với “trường phái” phim dài. Gần như tất cả siêu phẩm của ông đều dài: “Titanic” (1997; 3 giờ 14 phút); “Avatar The Way of Water” (2022; 3 giờ 12 phút); “Avatar” (2009; 2 giờ 42 phút); “True Lies” (1994; 2 giờ 21 phút); “The Abyss” (1989; 2 giờ 19 phút); “Terminator 2 Judgment Day” (1991; 2 giờ 17 phút)…

Với dân ghiền xinê, thường thì phim dài mới chuyển tải đầy đủ câu chuyện mà kịch bản và đạo diễn muốn mang lại. Với sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ điện ảnh ngày nay, việc làm phim dài không còn là rào cản kỹ thuật. Vấn đề chỉ là ngân sách. Điều duy nhất các hãng phim quan tâm là liệu dự án có đáng để sản xuất thành một tác phẩm dài hay không. Ngoài ra, việc làm phim dài còn lệ thuộc vào “độ lớn” của đạo diễn. Chỉ những tên tuổi khổng lồ như James Cameron, Christopher Nolan hoặc Martin Scorsese mới đủ bảo chứng uy tín để hãng sản xuất bỏ tiền đầu tư và không dám hó hé cắt ngắn phim của họ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: