Hoa hậu Bồ Đào (32)

Từ lâu, Hiếu vì bận việc, vì bận yêu, lại vì tình cảm của nàng bị phân tán ra cho rất nhiều bạn mới nên nàng không có đi thăm Suzie như trước. Nàng nghe rằng Suzie đã tìm được chỗ làm trong vài phòng trà, và vì không tài giỏi lắm, nên khó kiếm tiền được để sống thong thả theo ước muốn.

Hôm ấy, buồn quá, nàng bỗng nhớ lại những người bạn cũ không phải là bạn của giờ đầu, mà là bạn trong giai đoạn nàng dọn chơn bước vào cuộc đời sống động của nàng.

Hiếu nghe hơi hối hận đã lơi tới lui với họ, tuy không là phụ bạc, vẫn như phụ bạc, và hơi ngạc nhiên không hiểu sao nàng lại muốn đi thăm Suzie.

Nàng không biết cái điểm tâm lý ấy của con người là khi leo lên thang của xã hội, ta bỏ rơi dọc đường không biết bao nhiêu người và cái lúc mà ta bắt đầu thất bại, bắt đầu đau khổ, ta mới nhớ đến những kẻ ở lại sau, và càng thất bại, đau đớn nhiều, càng nhớ những người ở dưới thấp hết.

Khi trả giá chiếc xích-lô đạp mà nàng đã gọi để đi đến nhà Suzie, Hiếu bỗng nhớ lại quan niệm của cô bạn nầy.

“Đã là người có tên tuổi thì đi xe buýt, đi xe đạp xem không được”. Nàng đã chịu ảnh hưởng của quan niệm ấy, áp dụng trong nhiều việc của đời sống của nàng nên đã phải khổ vì tiền rất nhiều.

Khổ nhứt là lương tháng đóng phim không còn nữa, từ ngày phim quay xong đến nay là một tháng rưỡi rồi mà cứ phải sống mãi cái mức sống minh tinh với bề ngoài hào nhoáng.

Lần nầy, nàng đi xích-lô chớ không đi tắc-xi nữa chỉ vì xích-lô trả giá lên xuống được, cho đỡ tốn vài đồng.

Hiếu rất mừng mà thoáng thấy từ ngoài ngõ, nhà bạn mở cửa. Nàng cứ lo Suzie đi đâu đó, để phải về không tốn toi một mớ tiền xe.

Không nghe tiếng đệm dương cầm lúc vào gần tới nhà Suzie, khi bước lên thềm, nàng thấy bạn đang xem một tờ tuần báo có hình.

-A, cô minh tinh, sao mà biệt dạng vậy? Thế nào phim đã quay xong chưa?

-Xong từ lâu.

-Sao không thấy chiếu?

-Ai biết đâu, có lẽ Hùng rõ hơn Bích-Lệ, sao không hỏi anh ấy?

-Nó ít đến đây lắm…

-Sao lạ vậy?

-Có gì mà lạ. Suzie không nhờ nó dắt cho nữa để ca hát thi nó không đến làm gì. Thế nào, kể mọi mặt nghe thử xem.

-Mặt nào của cái gì mới được chớ?

-Nói trước về mặt tiền bạc coi. Kiếm tiền có nhiều không?

-Sắp chết đến nơi. Không ai mời ký hợp đồng nữa hết.

-Cái nghề minh tinh ở xứ ta là như vậy đó. Không ai làm phim thì mình ký với ai.

Bích-Lệ cứ muốn ca hát như Suzie, nhưng lại không biết hát, không có giọng. Làm ca sĩ không cần nổi danh lắm, cũng kiếm được tiền hoài.

-Còn về mặt tình cảm?

-Cũng ạch đụi lắm.

-Nhưng đã yêu rồi chớ?

-Đã và cũng đã đau khổ vì yêu.

-Hoan hô! Thế là “Đau buồn, ta lại gặp ta”.

-Suzie cũng đau buồn nữa sao?

-Không đó là chuyện đời xưa ấy, còn giờ thì chỉ vui thôi, hoặc buồn vì thiếu trò tiêu khiển chớ làm sao mà còn đau buồn được.

-Suzie ơi, lần đầu Suzie đau vì tình, Suzie làm thế nào để…

-Để quên à? Thuở ấy mình ngu lắm, còn biết làm thế nào nữa, và mình cứ ngỡ không bao giờ quên được. Nhưng rồi tự nhiên nó quên lần lần đó chớ! Và tự nhiên mình gặp bồ khác rồi quên hắn đi. Giờ nhớ lại chỉ buồn cười thôi.

-Suzie yêu được người khác à?

-Chớ bà tưởng cái thằng thứ nhứt nó chiếm độc quyền được mãi trái tim của ta sao. Nè không có thằng nào số dách hết đấy nhé. Thế nào thằng nầy cũng hơn thằng kia về cái gì và luôn luôn, ta thích được cái hơn ấy ở mỗi thằng.

Nếu Hiếu mà nghe những lời trên đây hồi mấy tháng trước, chắc nàng đã “buồn nôn” lắm.

-Nhứt là, Suzie tiếp, nếu thằng đầu mà đểu giả lắm là một dịp may cho ta, hơn là nó tốt nhưng vì trắc trở nên hai đứa không tiếp tục yêu nhau được mãi.

-Nó đểu giả thì ta bị ê chề vì bộ mặt xấu trắng trợn của cuộc đời, đâm ra khinh miệt tình yêu, còn buồn làm sao được. Suzie đã trót gặp một thằng đểu giả ngay từ lúc đầu nên bịnh tình của Suzie dễ trị lành lắm.

-Bích-Lệ rủi ro là anh ấy không đểu giả.

-Ai vậy?

-Nghi.

-Làm bộ hỏi bồ vậy chớ Suzie đã biết là hai đứa yêu nhau từ lâu, và biết giai đoạn sau nầy nữa. Nhưng có quả là bồ đang đau khổ lắm hay không?

-Bích-Lệ chỉ muốn chết thôi Suzie à!

-Có thật không?

-Ai nói láo với Suzie làm gì. Có vinh dự gì đâu mà khoe nỗi đau khổ của mình.

-Nếu vậy, Suzie không nên dè dặt, kín đáo nữa. Suzie đã biết, mà biết rất nhiều, biết nhiều hơn cả Bích-Lệ nữa kia.

-Đừng nói, Bích-Lệ đau lòng lắm. Bích-Lệ đoán biết nhưng vẫn không dám nghĩ đến.

-Không phải thế. Nhưng cũng phải có nói ra cái chuyện mà Bích-Lệ không dám nghĩ đến. Nói cho hả chớ? Cái chuyện đó ai cũng biết hết mà! Là Nghi đã yêu cô Thân, cái cô trí thức nước da bánh ít ấy mà.

Hiếu rưng rưng nước mắt mà rằng:

-Có người bảo cô ấy nhan sắc kém Bích-Lệ nhiều lắm thì đừng buồn, chẳng qua đó là một cuộc qua đường mua vui của Nghi thôi. Nhưng Bích-Lệ biết rằng không phải như vậy.

-Bích-Lệ nói có lý. Suzie không phá ai, lại rất dè dặt, nhưng thấy Bích-Lệ quá đau khổ, nên Suzie phải giúp bạn. Đây, Bích-Lệ xem tài liệu nầy thì rõ.

Suzie chạy vô buồng một lát thì trở ra với một bức thơ màu ngà và nói thêm:

-Thư nầy là của Hùng đánh rơi tại đây. Hắn không hỏi nên Suzie cũng quên trả lại. Vì Suzie thân với Hùng lắm nên đã phạm phép lịch sự mà đọc hết từ đầu tới cuối. Bậy lắm, nhưng lỡ rồi, biết sao. Tuy nhiên, nhờ Suzie làm bậy thế mà hôm nay mới giúp Lệ được đây. Nhưng trước hết Lệ phải can đảm, cố trấn tĩnh vì đọc thơ nầy xong, một là Lệ sẽ cười dài mà chán chê mọi thứ, hai là Lệ sẽ ngất xỉu không chừng.

Sốt ruột quá, Hiếu giựt lấy bức thư trên tay Suzie, hành động mà nàng không bao giờ có từ thuở tới giờ.

Nàng ngạc nhiên mà nhận ra tuồng chữ của Nghi trong khi nàng tưởng tượng đó là thư tình của Hùng.

Hiếu không dám đọc. Chắc chắn là Nghi viết thơ cho cái cô đó, chớ không gì lạ, và rủi ro thơ lại lọt vào tay Hùng. Đó là điều nàng đã đoán biết nhưng bằng cớ đích xác sẽ làm nàng đau đớn biết bao.

Tuy nhiên, rốt cuộc rồi nàng cũng đưa thơ lên đọc, không đừng được.

“Anh Hùng mến

“Tiếng MẾN trên đây, không phải là tĩnh từ khách sáo mà mọi người thường dùng để trên đầu thơ. Tôi mến anh thật tình, kính anh nữa, khi mà tôi biết anh đã thầm yêu Bích-Lệ trước tôi, mà vẫn tốt với tụi tôi được, khi anh thất bại, tôi thành công”.

Hiếu ngưng đọc, ngẩn ngơ rất lâu, không đoán được đây là chuyện gì, và tại sao hai người bạn trai nầy lại không nói ngay với nhau, lại gởi thơ nhau lôi thôi như vầy. Dầu sao, nàng cũng nghe nhẹ nhõm vì đây không phải là thơ của Nghi gởi cho tình nhơn của chàng.

“Anh Hùng ơi, có những điều ta khó nói với nhau khi nhìn mặt nhau, nên anh mới viết thơ cho tôi, mà tôi cũng chỉ đáp được bằng thơ thôi anh à.

“Anh Hùng! Thật ra thì tôi vẫn yêu Bích-Lệ như bao giờ và chắc sẽ yêu Bích-Lệ mãi mãi. Nhưng “cô gái sành tranh” (danh từ của anh đấy) lại là cô gái hiểu tôi.

“Trời ơi, sao Bích-Lệ lại không hiểu mỹ thuật như tôi đã mơ ước. Tôi chỉ mong được thế thôi và được như vậy tôi sẽ cùng đi với Bích-Lệ cho trọn đường trần.

“Nhưng mà đã không được vậy. Cả hai người, Bích-Lệ và “cô gái sành tranh” đều cần một người bổ túc mới thành hẳn người yêu lý tưởng của tôi. Bích-Lệ phải biết thưởng thức nghệ thuật, “cô gái sành tranh” phải đẹp.

“Chắc hẳn anh nhận rằng tất cả chúng ta, kể cả chị em bạn gái nữa, ai cũng cần một người bạn đời. Là bạn, người nầy đẹp không chưa đủ, mà cần hiểu ta phần nào.

“Tới phút cuối cùng, sau hơn một tháng trời phân vân, tôi đã phản bội Bích-Lệ với “cô gái sành tranh” ấy.”

Hiếu nghe choáng váng cả người. Nàng tối tăm mày mặt và thấy tất cả mọi vật đều lờ mờ quay cuồng trước mắt nàng.

Suzie chạy đi khui chai nước cam, mang đến cho bạn với chiếc ống sậy giấy cặm trong đó.

-Cám ơn Suzie!

Cô ca sĩ choàng tay qua vai bạn và Hiếu cũng đưa tay ra ôm lấy lưng của Suzie.

-Bích-Lệ sẽ nhớ mãi giây phút nầy, giây phút mà tình bạn thiêng liêng giúp Bích-Lệ qua được cơn đau đớn nhứt trong đời Bích-Lệ.

-Bồ có phước hơn tôi nhiều lắm. Cái ngày xa xôi kia mà tim tôi bị dần gần nát ngướu, tôi không tìm ra ai bên cạnh cả để mà trút bớt mối sầu. Nhưng mà rồi đời nó đã dạy mình can đảm Bích-Lệ à.

“Tôi xấu hổ với tôi hết sức mà đã phản bạn; chắc Bích-Lệ cũng đoán biết phần nào, và tôi rất đau lòng mà tưởng tượng đến niềm đau của Bích-Lệ.

“Mà nào tôi có muốn phản bội đâu? Cái đó nó mạnh hơn tôi, tôi không cưỡng nổi với nó. Cái đó, anh cũng hiểu cho rằng không phải là sắc dục, vì cô gái ấy kém Bích-Lệ một trời một vực.

“Cái đó là sự quyến rũ của một tâm hồn bậu bạn, nó đẹp ngang hàng với sắc đẹp của mọi hoa hậu. Nếu tôi không được Bích-Lệ, có lẽ tôi sẽ hy sinh tâm hồn ấy để chạy theo Bích-Lệ mà nhan sắc gợi thèm hơn là sự kín đáo của một tâm hồn đẹp. Nhưng tôi lại rủi ro được Bích-Lệ trước, và đã nghe không toại chí thành ra tâm hồn kia kêu réo hơn bao giờ cả?

“Hùng ơi, buồn quá, nhưng tôi biết sao! Tôi không muốn kéo dài sự gian dối, đã phản bội mà gian dối nữa thì tội nặng thêm. Nhưng tôi cũng không nỡ nào bỏ rơi Bích-Lệ được.

“Anh vẫn còn yêu Bích-Lệ à? Nghe anh nói thế, tôi không tin lắm, nhưng không lẽ anh lại đùa tàn nhẫn như vậy. Không, tôi không mích lòng, lại còn mừng nữa là khác nếu có một người bạn nào yêu Bích-Lệ thật tình và hứa an ủi nàng cho nàng quên được mối sầu ngày hai đứa tôi xa nhau.

“Nếu được như vậy, tôi sẽ ra khỏi tình trạng bất phân minh hiện giờ. “Tôi mong anh thành thật và đặt hết hy vọng vào dự định của anh”.

Nghi

Suzie rình phản ứng trên gương mặt của bạn từ nãy giờ và bắt gặp nơi đó dấu hiệu của nhiều biến chuyển của tình cảm của Hiếu mà nàng đoán rằng phải có, và cái dấu hiệu cuối cùng của bạn làm cho nàng an lòng: Hiếu không khóc, không nổi giận, không đau đớn, chỉ chán nản quá mà thôi.

Đó là thứ tình cảm không hay lắm, nhưng lại có lợi cho nạn nhơn. Bỗng chốc người ấy được trị lành ngay tâm bịnh. Có lẽ nàng phải mang trọn đời cái bịnh chán chê nầy, nhưng bịnh ấy không giết chết con bịnh như bịnh sầu.

Hiếu đặt bức thơ lên bàn rồi phát cười dài, khiến Suzie vô cùng khiếp sợ. Nàng biết đó là cái cười tiên phuông của sự cuồng trí có thể xảy ra, bỏ nó không lý do, người cười không được gì làm cho y vui cả.

Trong giây phút, nàng hối hận đã làm liều, quên nghĩ đến tai hại nầy. Hiếu vừa cười, vừa nhìn trừng trừng vào bạn, đôi con mắt trắng đờ, không chút tinh thần trong đó. Bất giác Suzie nhìn ra cửa và tính thử lối thoát thân nếu Bích-Lệ nổi cơn điên thình lình.

-Tối nay đi xi-nê với Suzie nha?

Nàng nói bậy một câu có tánh cách đánh trống lấp, và cốt để dễ dỗ dành con người sắp làm dữ ấy. Hiếu cười, lần nầy cô minh tinh chưa xuất hiện trên màn bạc, cười một cái cười có nghĩa và thấy rõ là nàng nhìn bạn, chớ không phải chỉ ngó mà không thấy như nãy giờ.

Không, Bích-Lệ không điên đâu mà Suzie sợ. Trong họ Bích-Lệ, cả bên nội lẫn bên ngoại, vững tinh thần lắm, chớ không bở đâu mà sự xúc động mạnh lung lay được trí sáng suốt.

-Ừ, thì đi xi-nê cho nó quên, nhưng bỏ đêm ca hát à?

-Nếu cần bỏ thì bỏ chớ sao.

-Vậy rủ Hùng đi với.

-Hùng?

Lần nầy, chính Suzie trố mắt nhìn Hiếu. Hiếu vội đính chánh ngộ nhận thầm của hạn:

-Không, Suzie đừng có hiểu lầm. Bích Lệ mà có thích Hùng mười mươi, có yêu Hùng đi nữa, cũng không thể giúp cho con người kia tìm được chỗ vứt Bích-Lệ dễ dàng như vậy. Bích-Lệ có phải là cửa hàng hay một căn phố đâu mà người ta muốn sang từ tay người nầy qua tay người khác. Hùng là người bạn tốt, rủ hắn đi cho vui vậy mà.

-Nhưng nó sẽ hiểu lầm rồi lôi thôi nữa.

-Bích-Lệ sẽ nói cho nó vỡ mộng chớ.

-Vậy thì vui lắm. Bà nè, bà không điên thật chớ.

-Không, và chắc cũng sẽ không. Chỉ đau nhiều có mấy mươi giây thôi, rồi ê chề quá sức đến không còn biết đau nữa.

-Nhưng bị đòn nhiều cũng thế. Tuy lúc chịu đòn quả ta không còn biết đau, mà tối lại thì rêm mình. Suzie chỉ sợ bà lại khổ đêm nay và những ngày sau thôi vì bà sẽ thấm đòn.

-Không, chắc chắn là không. Có lẽ Bích-Lệ nằm đêm sẽ sầu vì vụ nầy lắng lại. Nhưng sầu không phải là đau khổ.

-Hay lắm. Vậy về xin phép má đi bồ.

-Không, không xin phép nữa. Bích-Lệ sẽ đi luôn.

-Đi đâu?

-Ai biết. Nhưng không thể về nhà nữa.

-Như vậy là Bích-Lệ còn đau khổ rồi.

-Không, chỉ buồn thôi.

Như vậy cứ ở đây, đừng đi bậy. Và tốt hơn là nên báo cho ở nhà hay. Không xin phép là nổi loạn đó. Nhưng nổi loạn chỉ làm cho gia đình giận Bích-Lệ còn không cho hay tin thì gia đình sẽ sợ hãi, còn khổ hơn giận nữa.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: