Hoa hậu Bồ Đào (35)

Tâm trạng hôm nay của Hiếu sở dĩ sanh ra là vì linh tánh báo trước một tương lai rất gần, không hay cho nàng: nàng không dám nghĩ nhiều, về sự không hay ấy, dồn nó vào tận tiềm thức của nàng và từ nơi đó, viễn ảnh bị dồn ép kia đến thành nỗi bùi ngùi thương tiếc.

Mãi cho đến lúc mấy đứa em nhỏ của Hiếu thấy được chị, reo to lên, cả nhà mới giựt mình thức dậy. Chưa từng có người thân yêu nào đi xa về, ông Trung bà Trung không ngạc nhiên ở cái chỗ Hiếu không đánh điện báo tin hồi hương, ông bà chỉ hết hồn mà thấy con tiều tụy quá, khác hẳn ngày nàng ra đi, vui tươi và hồng hào không biết bao nhiêu.

-Trời, con tôi! Con tôi sao ra thế nầy!

Hiếu òa lên khóc, khóc không có nghĩa gì cả, nhưng ông bà Trung lại ngỡ là con đã bị ai ngược đãi khổ sở lắm, hay vừa thoát khỏi tai nạn nào cũng nên. Bà chạy lại ôm lấy Hiếu, chỉ nói lên có mấy tiếng: “Con ơi, con của má…” rồi cũng òa lên mà khóc.

Mấy đứa bé tự nhiên cũng khóc theo rùm lên như ai vừa chết. Hai người đờn ông không khóc. Ông bố vợ hỏi chú rể:

-Gì đã xảy ra đó con?

-Dạ, em Bích-Lệ của con bịnh. Nó cấn thai và bị thai hành.

-Vậy hả? Ngỡ gì. Thôi nín đi mẹ con bây! Tin mừng sao lại ráp lên mà khóc.

Long chỉ ở có mấy phút, rồi xin đi, hẹn sẽ trở lại, và hỏi nhỏ Hiếu xem nàng định ngày nào “về nhà”. Hiếu đáp:

-Để em ở đây với má một lúc xem sao. Nhưng anh đến thường nhé!

-Ừ anh đến thường.

Ông Trung bà Trung đã làm ngơ từ lâu, nay bắt đầu thắc mắc trở lại vì cái tin mới nầy. Bà tự hỏi danh từ tin mừng của ông không biết có đúng hay không. Một đứa con là một sợi dây liên lạc có thể cột chặt thêm đôi bạn tình mà cũng là tấm vách ngăn, có thể chặt đứt cây cầu ô thước.

Nhưng tình thương con vẫn lấn át được mọi băn khoăn và tức thì bà mẹ ấy chạy ngay xuống bếp để nấu cháo, mối lo nghĩ đầu tiên của những bà mẹ, và lối săn sóc dịu dàng nhứt của các bà.

Hiếu lần vào buồng mẹ để tìm yên tĩnh mà nằm đặng thở dốc. Những con bịnh không trị được và sắp từ biệt cõi đời được các bịnh viện cho về nhà để tiện việc chôn cất, người nào cũng nghe như là sắp khỏi hẳn bịnh của họ trong mấy giờ đầu mà họ để chơn vào chốn cũ thân yêu.

Không khí gia đình có cái gì an ủi lạ lùng, chẳng những dẹp lui đau khổ mà xoa dịu được cả những đau đớn của thể xác.

Từ lúc bước vào đầu ngõ đến giờ đã mất hai tiếng đồng hồ mà Hiếu không nghe buồn nôn lần nào cả. Được một lúc khỏe khoắn trong người, nàng lắng nghe tình cảm của nàng khi mà không khí nơi đây giúp cho mọi huyên náo trong lòng nàng và ngoài kiếp sống của nàng lắng lại.

Hiếu nghe như mình vừa từ một cuộc phiêu lưu, kỳ thú cũng có mà nguy hiểm cũng có, trở về. Thật là tưng bừng, cuộc đời của nàng từ mấy tháng nay. Nhưng có điều nầy là luôn luôn người ta sung sướng được về quê cũ sau một cuộc phiêu lưu thật sự, trái lại, người ta khổ biết bao khi lùi về sống cái đời sống nhỏ nhoi của mình sau khi đã nếm qua đủ cả các thứ cao vị của cuộc đời.

Cái buồng hẹp nầy, tuy thế, sang hơn và khô ráo hơn biết bao nhiêu căn buồng tối và ẩm của thuở mà nhà chưa được sửa chữa. Thế mà qua khỏi những phút sung sướng đầu tiên được nghỉ ngơi sau một chuyến đi rất mệt nhọc, nàng dã bắt đầu nghe ngộp thở khi nhớ ra căn phòng ngủ rộng thênh thang của khách sạn Ba-Lê và của biệt thự của Long.

Nàng muốn ngồi dậy đi rửa mặt, nhưng ngại đứng gần lu nước, múc nước bằng gáo rồi xối lên tay, nước rơi xuống gạch bắn tung lên, ướt cả chơn, rất khó chịu.

Những tiện nghi như là bồn rửa mặt, tuy không đáng kể thế mà dễ ghiền, được dùng qua rồi, không thích xối nước bằng gáo nữa, mà trái lại, còn sợ hãi còn nhờm cái lối rửa tay, rửa mặt ấy!

Đi xuống khó chịu quá. Hiếu nhớ ra lần đi thang máy đầu lên tại buyn-đin chùa Chà để thăm Lilie, lên, nghe hơi kỳ kỳ thôi, mà xuống thì nó nhột cái ruột, nghe muốn nôn. Đi máy bay cũng thế, lên cao, nghe nhẹ lâng lâng bao nhiêu thì mỗi lần phi cơ rơi trong một “lỗ không khí” hành khách nghe khó chịu bấy nhiêu.

Đi xuống trong cuộc đời, không kể sự tủi thân, lại tệ hơn, khó chịu rất nhiều khía. Hiếu thử hình dung những lần suy sụp trong đời một nhà doanh thương. Chắc họ can đảm lắm mới khỏi thất chí để rồi cần cù gây dựng lại.

Gây dựng lại? Nếu không may, nàng bị Long bỏ rơi chắc thế nào nàng cũng phải cố mà vươn lên một lần nữa, chớ khó lòng mà trở về vị trí cũ lắm.

Bỗng Hiếu giựt mình sợ hãi quá sức. Những nhà doanh nghiệp suy sụp, họ giống như những trái banh cao su, rơi xuống, lại tưng lên, nhờ ở tài năng riêng của họ cũng như trái banh đã nhờ ở tính cách riêng của chất cao-su. Họ có cái gì để mà vin theo đó rồi leo trở lên.

“Còn mình? Mình có cái gì? Mình chỉ có nhan sắc thôi, mà nhan sắc lại chỉ bắn tưng mình lên có một lần chớ không giúp cho mình tưng mãi được như chất cao-su của trái banh”.

Nhưng Hiếu lại cười thầm mình đã khéo sợ hão. Long chưa có ló mòi phụ bạc lần nào cả, và cái việc đưa nàng về xứ là dấu hiệu nuông chiều.

Mãi đến chiều hôm sau, Long mới trở lại. Hắn không có cắt nghĩa vì sao mà hắn biệt dạng suốt hăm bốn tiếng đồng hồ. Hiếu cũng không gặng hỏi vì nàng đang ở vào giai đoạn sinh lý của người đàn bà mà tình yêu không cần thiết lắm: giai đoạn mang thai.

Vả lại Hiếu cũng không phải mà một cô gái hay nhõng nhẽo với tình nhơn, với chồng, phương chi nàng đau ốm, không muốn sanh sự với ai hết.

Nhưng lý do, quan trọng hơn hết là vì Long đã làm một việc chủ yếu và cần thiết cho nàng là hắn đã trao cho Hiếu một số tiền.

Trước đây Hiếu hay nghĩ lắm, và khi nhận tiền, nàng băn khoăn về cái chỗ đã không buồn, không giận Long lúc chàng không đến, và khi chàng đến, không nghe vui mừng bao nhiêu.

Nàng ngạc nhiên hết sức mà nhận ra sự nghèo nàn về tình cảm của mình, và bỗng dưng nhớ lại tâm trạng của những con bạn mà buổi đầu nàng thấy chúng là kỳ dị, những con Lilie, Suzie ấy. Chúng nó không buồn, không vui về gì nữa cả, không thiết tha với sự sống cho lắm. Nàng cũng đã biến thành những con người như thế rồi à? Đành rằng buổi đầu nàng không yêu Long, nhưng ăn ở với nhau như vợ chồng hơn tám tháng, Long lại đẹp trai, giàu, nhứt là tốt bụng thì không làm sao mà nàng không yêu hắn đôi chút được. Thế mà…

Long đến như một kẻ chuyên đánh bẫy, tới thăm chừng coi có con thịt nào vào cạm không, tức là nhìn sơ một cái rồi đi. Hắn hỏi thăm sức khỏe của bạn qua loa, hỏi xem Hiếu có muốn về “bên ấy” chưa rồi hẹn sẽ đến nữa.

Nếu có ai theo dõi được đời sống tình cảm của Hiếu, họ sẽ bảo rằng nàng tốt phước. Nàng không thừa tự cái di sản đa cảm nào của một ông cha, một bà mẹ thực tế. Nội cái việc đó đã là cái may mắn lớn trong đời nàng rồi. Trong mối tình đầu không may cho nàng, kẻ khóc là anh con trai Trọng. Mối tình thứ nhì, cũng không hay nốt, nhưng sự đau đớn to tát quá đã chà xát lòng nàng đến chai cứng đi nên nàng cũng không khóc được.

Nước mắt là cái trò đẹp đẽ, nên thơ, của bọn điên, được nấy anh văn sĩ quan-trọng-hóa ra để nghe cho hay vậy thôi chớ được ráo mắt mãi như thế nầy, mặc dầu bao phong ba bão táp, là sung sướng nhứt đời đó.

Và cái lũ hay khóc, chỉ dại dột làm nạn nhân thôi chớ không chịu làm thủ phạm bao giờ. Vì thế mà lũ ấy chỉ phải khóc mãi, khóc suốt đời và hưởng được cái danh hảo là người tốt.

Bà Trung không tin thầy Tây, Hiếu không khỏi chứng bị cái thai bạo hành là một lý do khiến cho bà khinh miệt thêm loại thầy, loại thuốc đó.

Bà chạy ông thầy Xóm Gà, bà chạy ông thầy chùa Bà Đầm, bà chạy ông thầy Cây Gõ mỗi lần thí nghiệm thuốc của họ trên người của Hiếu độ mười hôm và sáu bảy ông kéo dài cuộc thí nghiệm ấy đúng hai tháng.

Hiếu tự nhiên hết bịnh. Một sáng kia, lúc thức dậy nàng nghe trong người thơ thới lạ kỳ, và suốt ngày hôm đó ăn uống như thường, không nôn mửa lần nào cả.

Bà Trung rất băn khoăn, không biết nhờ thuốc của ông thầy nào để ngày sau biết rõ mà mách giùm bà con. Hiếu thì đoán rằng bịnh tự nhiên mà hết, đúng y như lời vị bác sĩ ở Ba-Lê đã nói. Nhưng nàng không buồn cãi với mẹ làm gì.

Hai tháng không ăn được đã đào sâu đôi má nàng và nhuộm da mặt nàng một màu xanh mét rất kém mỹ thuật. Bây giờ thì nàng ăn lợi nghĩnh đây, ăn tợn như hai người ăn và bắt đầu mè nheo mỗi lần Long đến cho tiền. Nàng vặn hỏi tại sao hắn ít đến, vặn hỏi những ngày không đến hắn làm gì.

Long là một anh chàng sống buông trôi, không muốn lôi thôi với ai cả, nên chi cứ làm thinh và lần hạch sách cuối cùng của Hiếu hết sức dữ dội, chàng đề nghị rước Hiếu về bên ấy, thế là êm chuyện ngay.

Sinh lực nơi một thiếu phụ, dồi dào quá. Mới có mấy ngày, mà má nàng đã cạn lần rồi đầy đặn trở lại như cũ. Đôi bạn lại tiếp tục sống tưng bừng như trước, bụng nàng chưa đội áo, nên nàng không bị chiếc áo ngắn che thai làm cho hết nhanh nhẹn mà phải nghỉ các cuộc vui chơi của một người đàn bà còn trẻ mà giàu.

-Nhưng có thật là em có thai hay không? Long hay nhìn bạn rồi tò mò hỏi đùa như vậy.

-Không, em không có thai, em chỉ có nghén thôi. Long không cười sau câu đáp pha trò ấy mà chỉ nói:

-Trông em, không khác gì trước. Có hồng hào hơn thật đó. Và bắt đầu hơi đẫy đà.

-Nhưng có thể nói vì em ăn lại sức nên sanh ra thế.

Hôm ấy, mười ngày sau khi về đây, một bữa ăn tối kia, Long đi ăn có một mình: Hiếu đau bụng, đau quá đến không đi được. Khuya lại, Long về thì nàng bảo là hơi êm và ngủ yên đến sáng. Nhưng sáng ra, lại nghe đau trở lại như cũ. Nàng chỉ uống cà-phê sáng thôi rồi nhịn đói cả ngày hôm đó.

-Nếu đau mãi như vậy, chắc có gì bất thường, sao em không đi thầy thuốc?

-Vì không đau nhiều.

-Nhưng khá nhiều, đến nỗi em đi ăn không được.

-Để xem.

Tối lại, nàng lăn lộn mà rên. Nhưng không có Long ở nhà. Khuya chàng về thì thấy bạn đang nằm sấp trên gối, mồ hôi ướt đầm dề tóc tai và áo xống.

Hiếu rên hừ hừ sáng đêm, Long ngủ không được, gắt:

-Lạ quá, thích nuôi bịnh lắm. Sao lại không đi thầy thuốc?

Hiếu tủi thân, định bụng cố lì, để mà chịu cho đến chết cho rảnh. Nhưng lúc gần sáng, nàng sợ hãi không biết bao nhiêu, mà thấy bị băng huyết chút ít.

Nàng tự săn sóc như có kinh kỳ và đợi đến chín giờ để đi bác sĩ cho khám bịnh. Bác sĩ đã cho nàng biết một điều mà nàng không rõ là nên vui hay nên buồn: cái thai muốn hư.

Ông ấy đã ra toa để nàng uống và tiêm thuốc cầm thai, và nàng trở về nhà với chứng đau bụng càng lúc càng nặng thêm.

Khổ hình đau bụng và băng huyết nầy kéo dài đến ba hôm, ba hôm không ăn uống, không ngủ, nó làm cho Hiếu tiều tụy y như là lúc bị cái thai hành.

Qua ngày thứ tư vì băng huyết nhiều quá, nàng mệt lã đi. May lắm là có Long ở nhà. Hắn chạy đi mời vị bác sĩ đã chữa cho Hiếu, và ông ấy bảo phải đi nhà thương ngay vì, không còn hy vọng cứu vãn cái thai nữa.

Long một mặt báo tin cho bên nhà Hiếu, một mặt đưa bạn vào bệnh viện Saint Paul.

Khi đóng tiền nhà thương xong, hắn trở lại phòng nhận bịnh để hỏi thăm buồng của Hiếu, thì hắn mừng rỡ hết sức mà thấy bà Trung đã có mặt nơi đó rồi.

Từ lúc biết rằng Hiếu phải hư thai, hắn lo lắng, không phải cho sức khỏe của bạn, mà về cái chỗ không biết đặt ai ở lại với Hiếu. Nhà hắn, tôi tớ toàn là đàn ông, không dùng được vào việc nầy, mà hắn thì không thể nuôi vợ.

Hắn móc bóp ra, trao cho bà Trung một xấp bạc và nói:

-Thưa má, đây là nhà thương tư nên cái gì họ cũng đòi thêm tiền cả. Con xin gởi má số tiền nầy để ứng dụng khi nào cần.

Bà Trung xem kỹ số tiền rồi nói:

-Nhưng sao nhiều quá thế nầy, con?

-Không nhiều đâu má. Con sợ thiếu nữa là khác, để rồi má xem.

Hai người lên lầu, tìm một lúc là đến buồng Hiếu nằm. Vừa thấy mặt nhau là hai mẹ con khóc oà. Trong con mắt của bà Trung, đi nằm nhà thương là sắp chết đến nơi rồi, còn Hiếu thì chỉ khóc để phụ họa theo mẹ thôi.

Long nắm lấy tay bạn và nói:

-Có má ở đây với em, em cứ an lòng, còn bịnh thì đã có bác sĩ lo cho. Anh phải về để chạy công việc.

Hiếu không đáp. Nàng biết Long không có công việc gì cả. Hắn không chịu khó được và rất ham vui, chỉ có thế thôi.

Chiều lại, bác sĩ mới săn sóc Hiếu. Nghĩa là cho cái thai ra cho dễ dàng, và ông đã thành công. Tuy nhiên, không vì thế mà Hiếu được “giải thoát”.

Giải thoát là danh từ chuyên môn trong sản khoa, nó có nghĩa là giúp cho cái nhau ra ngoài. Để làm công việc ấy, bác sĩ đã phải dùng dụng cụ, Hiếu bị băng huyết nhiều, và đau đớn đến phải gầm lên.

Sau đó, nàng bị sốt và nhà thương đã phải tiêm thuốc trụ sinh để ngừa nhiễm độc. Công việc giải thoát kéo dài đến ba hôm liền, mỗi ngày hai bận, và mỗi lần được để lên xe đẩy lại buồng sanh, là nàng kinh sợ như đi lên đoạn đầu đài vì nàng đau đớn thể xác không sao tả cho hết được. Nàng đau đến ngất đi trong lúc bác sĩ săn sóc cho, và cứ muốn thoát nợ cho rồi.

Sau đó là một trận băng huyết mệt lã người. Nhịn đói hằng tháng hôm bị cái thai hành, Hiếu không xanh xao bằng năm hôm “giải thoát” nầy.

Qua ngày thứ sáu là xong cả, nhưng Hiếu cứ bần thần mãi vì thuốc trụ sinh tiêm thật nhiều để ngừa độc đã hành nàng như cái thai hành mấy tháng trước.

Tuy nhiên nàng vẫn nghe nhẹ nhõm vì cực hình nằm trên xe đẩy lại phòng sanh đã chấm dứt.

Đến hôm đó, Long mới ló mặt vào, trong giờ thăm viếng mỗi trưa. Hắn ngạc nhiên biết bao mà gặp lại một Bích-Lệ già đi mười tuổi, mới trông, nhìn gần không ra.

Hắn cứ ngỡ sảo thai trị dễ dàng như chữa một mụt ghẻ, và hôm nay, chắc Hiếu đã tươi tỉnh hẳn và có thể rước về được ngay.

-Sao lạ thế nầy em?

-Em cũng ngỡ dễ dàng lắm, như anh tưởng. Thật không dè và nhứt sanh, nhứt tử.

-Nhưng mà đã xong chưa?

-Xong cả rồi. Chỉ còn phải bồi dưỡng thôi.

-Em xanh quá!

Bà sơ đang có mặt nói:

-Như vậy là đỡ lắm đa. Nhiều người còn hư hơn bà nhà lắm đó.

-Chừng bao lâu lấy lại sức được, thưa bà?

-Độ một tháng. Nhưng cái xanh xao nầy thì không bao giờ khỏi cả. Ông nên biết, bà đã mất đi mấy lít máu, và theo chỗ kinh nghiệm của tôi, thì có lấy lại được chỗ máu mất ấy, cũng không hết xanh xao.

Hiếu không chú ý đến lời bà sơ cho lắm. Nàng chỉ nghe khỏe trong người là mừng đấy thôi. Nàng lại bắt đầu thèm ăn, và khi sáng uống ly cà-phê dở của nhà thương, nàng nghe ngon lạ kỳ.

Nhưng khi Long đi rồi, nàng nhờ mẹ trao cho chiếc gương nhỏ để soi thử thì bỗng rụng rời khi nhìn thấy bóng nàng trong đó. Chính Hiếu cũng không nhận được nàng, chớ đừng nói chi người khác.

Nàng bỗng dưng già quá, như là thời gian đã vút qua một cách đặc biệt và chín mười năm đã vùn vụt trôi chảy như nước tháo. Hiếu buông chiếc gương tròn, nó rơi lên nệm, lăn đi vài vòng rồi nằm ngửa và nhìn trần, như là mỉa mai mời người soi gương hãy soi lại, bất khuất không chịu bị hất hủi như vậy.

Hiếu cũng ngửa mặt mà nhìn trần, nhưng chỉ thấy hình ảnh của nàng, của một người đàn bà đã quá tuổi xuân, không, của một cô gái già trước tuổi, bởi vì những người đàn bà quá xuân mà khỏe mạnh, vẫn tươi tốt được như thường.

Nhìn trần như vậy lâu lắm, đoạn Hiếu nói với bà Trung, trong khi một nữ y-tá già mang đến cho nàng một ve thuốc:

-Trưa nay má về lấy cho con cây son, hộp phấn và miếng bông con để trong xắc, và xắc ở trong va-ly con é.

-Phải đa, cô nữ y-tá nói xen vào. Cô nên son phấn một chút cho nó bớt tiều tụy đi. Đầm họ sanh rồi bữa sáng là chiều lại họ son phấn ngay. Ấy, họ không muốn chồng họ thấy họ xấu.

-Vậy hả bà?

Hiếu hỏi cô nữ y-tá già bằng một giọng hối hận vô cùng đã không biết sự khôn khéo ấy.

-Chớ sao? Bởi vì về sau mà họ có đẹp trở lại, các ông chồng vẫn giữ mãi trong trí hình ảnh xấu xí của họ mà các ổng đã bắt chợt. Điều đó không tốt đâu nhé. Về sau, những nào cơm không lành, canh không ngọt thì hình ảnh ấy trồi lên, thế là có cớ cho các ổng không dung tha các bà.

-Vậy hả bà?

Hiếu lặp lại câu hỏi của nàng, xa xăm như một tiếng vang từ đâu vọng lại.

-Chớ sao! Ba sắp nhỏ có kể cho tôi nghe chuyện một bà hoàng hậu ở bên Tàu ngày xưa. Bà ấy bịnh lâu ngày, suy lắm và nhứt định từ chối không cho ông hoàng đế ấy vào thăm bà ta. Về sau bà ta chết đã lâu, mà vị hoàng đế ấy cứ khóc tiếc thương mãi người đẹp.

-Vậy hả bà?

Lần nầy câu hỏi lặp lại bận thứ ba, nghe đau xót vô cùng. Hiếu chau mày rồi hỏi thêm:

-Giả thử vị hoàng đế cứ bất kể lời từ chối của hoàng hậu, vào trong thâm cung mà thăm viếng, thì sao hay bà?

-Thì hoàng đế đã thấy hoàng hậu xấu, và chắc hoàng đế không thương tiếc lắm về sau.

Trong buổi đi soát qua một lượt các bịnh nhân vào giấc xế, bác sĩ vừa bước vào phòng đã thấy ngay mặt hoa nhơn tạo của con bịnh. Ông cười mà rằng:

-Tốt, tốt lắm! Như thế trông bà tươi tỉnh hẳn ra.

Hiếu cố gom tất cả vốn ngoại ngữ của nàng mà hỏi một câu:

-Thưa bác sĩ, liệu tôi sẽ hồng hào trở lại được hay không bác sĩ?

-Được, nhưng chỉ phần nào thôi.

-Sao lạ vậy bác sĩ? Y học không thể cho lại tất cả sức lực mà tôi đã mất sao?

Có một sự mất thăng bằng đột ngột. Chính cái sự mất thăng bằng ấy là điều khó lập lại. Tạo hóa làm rất giỏi mọi việc, kể cả bộ máy nơi con người. Khi ta làm hỏng bộ máy ấy, không phải luôn luôn ta sửa chữa được y như cũ.

Hiếu đã hết bần thần nhờ thôi tiêm thuốc trụ sinh, và bắt đầu ăn lại nghĩnh. Nàng có tươi tỉnh thật sự và đỡ gầy phần nào một cách mau chóng nên không sợ hãi lắm về sự đồi trụy của thân thể mà bác sĩ và cô nữ y tá đã tiên liệu.

Nhứt là ba hôm sau, Long có đến thăm nàng, hắn có cảm giác tốt, làm nàng vui không xiết kể. Cảm giác ấy do sự so sánh với tình trạng của nàng hôm trước mà có, và Long cũng ngỡ rồi đâu sẽ vào đấy và tẩm bổ trong ít lâu là cô hoa hậu Bích-Lệ sẽ trở về với nhan sắc kiều diễm của cô.

Ngày thứ chín, bác sĩ khám lại kỹ lưỡng lần cuối cùng rồi cho Hiếu ra nhà thương. Long không hay tin, nên không có mặt để rước bạn, và bà Trung đưa con về thẳng nhà bà.

Thật là thối về ngoại. Về mẹ hay về ngoại cũng thế thôi. Hiếu nghĩ đến điều nầy rồi nao nao buồn. Về mẹ thì an ủi lắm và rất sung sướng là những kẻ có mẹ để mà về. Nhưng chính sự về mẹ ấy là bước thất bại trên đường đời.

Hai hôm nữa, Long mới vào nhà thương, mới biết rằng bạn hẳn đã ra khỏi đó. Hắn vào xóm Cù-lao và tìm thấy một Bích-Lệ không hấp dẫn như trước, chớ cũng không đến đỗi héo xào quá như lúc nàng còn trong nhà thương.

Long rất lịch sự và biết điều, cám ơn bà Trung bằng những lời lẽ khiến bà quên hết sự thờ ơ của hắn khi Hiếu ở trong Saint Paul, và xin phép cho Hiếu về với hắn. Bà Trung nói:

-Tốt hơn là con để nó ở đây cho má chăm nom nó một ít lâu. Nó còn yếu lắm.

-Nhưng thưa má, ở ngoài con, tiêm thuốc tiện hơn. Vả lại em Bích-Lệ con nó cần đổi gió cho mau lại sức, có lẽ tụi con sẽ đi Đà-Lạt, hay đi biển ngày nào đây.

Hiếu cũng đòi đi vì nàng thèm những tiện nghi bên nhà của Long. Vả lại để Long tự do lâu ngày quá, nàng cũng hơi lo sợ.

Bà Trung không cầm cọng nhiều vì bà rõ tâm trạng của những cặp vợ chồng son trẻ, rời nhau một phút đã nghe buồn rồi, huống hồ gì là đã đến hai tuần lễ rồi mà Long và Hiếu xa nhau.

Lần ra đi nầy, không hiểu sao Hiếu như được linh tánh báo trước rằng một ngày rất gần đây nàng sẽ trở về. Không có dấu hiệu nào bên ngoài giúp nàng tiên đoán điều không may ấy cả, mà còn trái lại nữa, vì chính Long đã nài nỉ rước nàng đi. Nhưng sự lo sợ của nàng, nàng thấy là không phải vô lối, tuy rằng vô căn cứ.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: