Hoa hậu Bồ Đào (38)

Nhìn lại đôi mắt mình trong gương, khi trang điểm, Hiếu mới thấy rằng nhận xét của Long là đúng. Bây giờ nàng mới hẳn là đờn bà, chớ trước khi thai nghén, nàng ngây thơ như là con gái. Lại là đàn bà “văm” nữa chớ! Nàng không hiểu sao Nguyễn Du lại dùng tiếng “sắc sảo” để tả người trinh nữ là Vương-Thúy-Kiều, sắc sảo là nàng bây giờ đây với gương mặt hơi gầy quầng mắt hơi sâu sâu, với sự già dặn của cái cười cũng như của cái nhìn.

Hôm nay trời đẹp ghê hồn, trời riêng của lòng Hiếu và chỉ có hôm nay nàng mới ý thức rõ về hạnh phúc của nàng và tận hưởng hạnh phúc đó.

Thắng trận dễ dàng quá, lúc trước nàng cứ ngỡ là phải như vậy và không quí trọng chiến lợi phẩm bao nhiêu. Có dày công chiến đấu, có phải vật lộn như vầy, nàng mới nghe sung sướng mà ngồi trên chiếc xe hơi nầy.

Long day qua nhìn bạn rồi hỏi:

-Em làm thế nào là lấy sức lại mau dữ vậy?

-Mau gì mà mau. Đã hơn tháng rồi.

-Phải. Em tiều tụy đã hơn tháng nhưng thình lình lại béo tốt ra. Mau là mau ở đoạn sau đó.

Hiếu cười mà rằng:

-Em gặp một bà tiên, bả đưa em vào rừng, cho em tắm dưới cái suối đổi lốt kia, rồi em phản lão hoàn đồng.

-Em sẽ trường xuân hay không?

-Em mong như vậy. Nhưng bà ấy không có hứa gì cả. Đôi bạn cười xòa.

Họ đi khỏi Thủ-Đức, hóng mát trên một cánh đồng vắng mãi cho đến lúc chạng vạng tối, mới trở về ngã ba Bình-Triệu, ghé quán ăn tối.

Những loạt ọt-moon tiêm hổm nay làm cho Hiếu đỡ gầy rất nhiều và hơn thế, giúp cho sinh lực nơi nàng dồi dào ra. Hơn hai tháng rồi, nàng không được bạn vuốt ve lần nào cả, cơ thể đồi trụy của nàng vẫn khao khát yêu đương phần nào, nay sức mạnh của các thứ kích thích tố lại tăng cường sinh lực tiềm tàng đang ngủ yên trong người nàng nên nàng biến thành một người bạn tình bồng bột, khiến Long rất ngạc nhiên và thích lắm.

Vì thế mà ái ân nồng đậm khiến cho Hiếu tin tưởng nhiều vào ngày mai và thấy bao nhiêu lo lắng của mình thật hão huyền. Đêm hôm sau, họ đi ăn trong thành phố. Những người bạn mà họ gặp đều nhìn sững “minh tinh” Bích-Lệ, với cái vẻ đàn bà của cô.

Người con gái có đẹp bao nhiêu cũng bị họ xem thường, không đáng kể như người đàn bà, vì con gái họ thấy là trẻ con, họ lại sợ khó tánh. Chỉ có đàn bà mới dám trả đũa lại một cách lịch sự những lời tán của họ, và vì thế mà họ thích.

Những ngày vui, những ngày tưng bừng đã quay bước trở về với những đêm liên hoan dài, đêm nào cũng như có hội, có hội trong lòng nàng và ngoài đời.

Long thỉnh thoảng vắng nhà một ngày đêm. Hiếu đoán biết rằng hắn đến với người bồ đã thay thế cho nàng, lúc nàng sút kém, người bồ mà hắn chưa có thể dứt ngang được, hoặc không muốn dứt cũng nên.

Nàng biết rằng trong tình thế đó, nàng mà lùi một bước thì kẻ ấy sẽ tiến lên ngay. Vì thế mà nàng thường soi gương và thường đi cân, lắm khi mỗi ngày cân đến hai bận. Mỉa mai quá, phần đông phụ nữ sợ phát phì, ăn uống kiêng khem để ốm bớt, Hiếu trái lại, muốn thêm thịt, và thịt nàng, cỡ mua mà được thì mấy vạn một kí-lô nàng cũng dám xuất tiền ra, miễn người nàng khỏi teo thì thôi.

Những chiếc cân của các hiệu thuốc tây, bị công chúng phá phách nhiều quá, nên không chiếc nào còn làm việc hẳn hòi, nói đúng cái sức nặng của người cân. Vì thế mà đến khi Hiếu phải hốt hoảng mà thấy thân thể nàng bỗng dưng mất đi ba bốn ký thịt một cách thình lình.

Nhưng nàng bị sút cân thật sự. Một cô bạn mách cho nàng biết rằng chiếc cân bàn của các hiệu bán than, bán gạo, rất mạnh và không hỏng; nàng đã cân trên thứ cân bàn ấy, và mới tin chắc rằng mình sụt bề nặng, không sụt đột ngột, nhưng dễ sợ hơn, là nó sụt theo một nhịp đều đều.

Những lần Long không về, mỗi tuần mỗi nhặt thêm, làm như là hắn rất sợ người gầy. Ban đầu Hiếu tự hỏi sao lại thế, nhưng khi nhớ rằng nàng càng gầy, mặt nàng càng già ra thì nàng thấy đó là sự dĩ nhiên, không sao trách Long được.

Những hôm hắn ở nhà, không phải là nàng được hắn đưa đi ăn luôn luôn đâu. Phần cơm xách Hiếu vẫn giữ, mặc dầu đã bỏ đời sống ẩn dật trong nhà. Những chiều Long không đề nghị đi ăn, là hắn có tiệc mời đâu đó, hắn cắt nghĩa như vậy. Những khi ấy thì nàng đơn thân ngồi trợn trạo nuốt cơm lạnh đựng trong gào mên chan bằng nước mắt của nàng và trộn với tủi hờn của nàng.

Thịt của Hiếu, tạo bằng kích thích tố, bạo phát và bạo tàn như nấm mối, nó mọc lên đầu hôm sớm mai và từ sáng đến trưa là tàn lụn. Tiêm ọt-moon đâu có mười hôm là có da có thịt y như ngày nào, nhưng một tuần lễ sau thì đã bắt đầu sụt cân, và qua thêm một tuần nữa là da dùn, trán nhăn.

Chắc là Long thấy hắn tài lắm là đã không buông cô tình nhơn vô danh ấy ra. Nếu hắn dứt khoát với ả nọ, thì có phải bây giờ hắn lại nhọc công chinh phục người khác nữa hay chăng?

Và Hiếu tin chắc rằng hắn vẫn còn đeo đuổi theo người ấy, bằng vào mùi nước hoa riêng biệt của nàng mà hắn mang về nhà. Ít khi nào mà hai cô nhơn tình của một người đàn ông sang trọng lại trùng mùi nước hoa với nhau.

Đến tuần lễ thứ tư sau kỳ trị bằng kích-thích tố thì Hiếu đã hoàn toàn là cô Hiếu ngày ra khỏi bịnh viện Saint Paul.

Những lần vắng nhà của Long kéo dài hằng tuần lễ, và mỗi bận hắn về, hắn không còn buồn tìm cớ để cắt nghĩa sự lêu lỏng của hắn nữa.

Hiếu nghe rằng vì hắn lịch sự nên không tống cổ nàng ra khỏi nhà nầy đó thôi. Dầu sao nàng vẫn là một cục nợ khó chịu, hắn hết yêu, hết thương mà không nỡ tàn nhẫn.

Hiếu cũng là người biết điều, nên hôm ấy nàng lặng lẽ xếp y phục nhận vào va-ly. Nàng có ý muốn viết cho Long một bức thơ vĩnh biệt, nhưng nghĩ lại nên thôi, không làm công việc vô ích ấy: Long không phải là người hay cảm, hắn sẽ quên nàng ngay một tiếng đồng hồ sau khi nàng ra đi. Nàng cũng không hề yêu hắn thì có cần gì nói lời gì với hắn đâu.

Cũng chẳng phải từ giã theo lịch sự làm gì, hắn đã không lịch sự, xem như nàng không có, nàng đã không lịch sự mà xách gói ra đi, thì còn khách sáo với nhau làm gì.

Hiếu đáp lời thăm hỏi của hai người giúp việc trong nhà bằng một giọng cố bình thản để khỏi phải khóc:

-Cô đi Đà lạt. Các người ráng làm việc nhé!

Khổ nhứt là về đến xóm, phải đi biểu diễn cho bao nhiêu người xem. Gái có chồng, thỉnh thoảng về mẹ là sự thường. Nhưng Hiếu đã về mẹ trong lúc sút kém như thế, họ trông là đoán biết đó là một cuộc triệt thối vì bại trận.

Đàn bà hay xét việc bằng trực giác. Bà Trung thấy con về, nghĩ ngay đến cảnh con bị ruồng rẫy, nhưng bà không hỏi gì đến duyên cớ về mẹ của con bà. Sự an ủi lớn lao nhứt, hữu hiệu nhứt của bà, bà biết đó là im lặng và thương yêu.

Không hiểu sao, Hiếu cũng biết là mẹ hiểu, và vì thế mà nàng khóc oà khi ngã vào trong tay mẹ. Tất cả các em của nàng đều bu quanh hai người lớn đang khóc, để khóc theo họ, mặc dầu chúng không biết sao mà mẹ và chị lại khóc.

Bà Trung làm như là hiểu lầm, dỗ con:

-Thôi, con à. Con ở lại đây nghỉ ngơi một lúc thì hết bịnh chớ gì!

Hiếu cũng hiểu ngay là mẹ giả đò, nên càng cảm động, nàng càng khóc nhiều hơn. Bà Trung dỗ con một hồi rồi lui cui đi dọn cho nó một cái buồng riêng, buồng ấy đã giao cho thằng em kế, từ ngày nàng đi lấy chồng. Bà thấy rằng Hiếu đã quen tiện nghi, giờ để nàng đột ngột rơi vào cảnh luộm thuộm, nàng sẽ khổ không biết bao nhiêu, nên cố làm cho dịu lại phần nào bước xuống chơn của con bằng cách thiết lập những tiện nghi khiêm tốn.

Ông Trung không tế nhị như bà, cứ tưởng Hiếu về như hôm ở Pháp mới hồi hương. Hôm ấy nàng còn tệ hơn bây giờ nhiều, vì lúc đó nàng là một con bịnh không ngồi được, không ăn được.

Đến khuya lại, bà Trung thỏ thẻ nói hết mọi việc cho ông nghe, ông mới biết đâu là đâu. Bấy giờ người đàn ông hiền từ mà không bao giờ lầm lỗi ấy, hối hận như đã phạm một tội ác không sao chuộc được.

Ông hối hận và xấu hổ với ông quá, đã nhờ vả vào con, đã ăn xài quá sức của gia đình cho con nó phải cần tiền mãi cho đến đỗi ưng lấy một người làm chồng, chỉ vì tiền. Bỗng dưng ông nhớ lại vụ người giữ kho cho hãng mà ông giúp việc. Anh ấy cũng bị gia đình nhờ vả như thế mà đến sanh ra gian tham, lưu của kho ra bán lén, cho tới một khi kia thì bị bắt.

Con trai biến thành lưu manh, con gái bán thân, cả hai trường hợp đôi khi đều do một nguyên nhân thúc đấy: sự nhờ vả vô ý thức của cha mẹ. Thế là một đời con ông đã hỏng. Bà Trung không trách chồng lấy một tiếng, nhưng ông đã thở dài và nói:

-Cũng tại tôi! Thôi thì bà trông lo an ủi con và đừng phiền trách gì tôi cả, tôi đau xót cho con lắm rồi.

Hai đêm liền, Hiếu thức cho đến giờ mà ngày xưa nàng gánh nước ngoài phông-tên trong khi mẹ nàng coi chừng cửa. Nàng lắng nghe tiếng thùng không khua ngoài ngõ, lắng nghe mấy chị gánh nước nói chuyện với nhau, và cái thời con gái của nàng thình lình sống lại.

Chỉ mới, năm ngoái đây thôi chớ gì, nhưng sao nàng lại nghe như đã lâu lắm rồi, và thời ấy như là thuộc vào một quá khứ xa xôi nào.

Bao nhiêu gương mặt cũ, từ thầy đến bạn, từ những người đồng học đánh máy đến những cô hoa hậu hụt, từ Trọng cho đến Nghi, tất cả những gương mặt ấy, như những bóng ma, lũ lượt kéo qua trước mắt nàng.

Cái gương mặt bị nàng xua đuổi mãi là một gương mặt nước da bánh ếch đường hạ, thứ đường khạp thật sậm màu, mũi cao, mắt sáng, tóc quăn quíu tự nhiên. Nhưng con ma ấy dữ quá, nó cứ nhào tới không sao ngăn được. Bao nhiêu ma khác qua rồi mà nó vẫn còn dật dờ trước mắt nàng, mỉm cười một cách mỉa mai rồi giận dữ, nhìn nàng bằng đôi mắt đầy man rợ của nó.

Những ngày đóng phim thơ mộng với Nghi, những ngày ăn chơi tưng bừng với Long, và giờ, những ngày túng thiếu đây!

Chỉ tại mộng lớn quá mà mộng nầy không do nàng cả tham. Khi không, đang sống an lành, thủ phận với cái kiếp nhỏ nhoi tăm tối của nàng, thình lình người ta lôi nàng ra, bảo rằng nàng đẹp nhứt thế gian, rồi người ta lại tạo thêm bao nhiêu là điều kiện phụ thuộc để làm cho nàng lầm tưởng rằng hễ đẹp nhứt thế gian thì phải được hưởng thụ như người tài giỏi nhứt thế gian.

Phải, người đẹp nhứt thế gian rất có thể hưởng giàu sang, nhưng không cứ luôn luôn người đẹp nào cũng được cái diễm phúc đó. Từ sự ngộ nhận ấy, nàng bước lần trên những bực thang gập ghềnh, tuy nhiên cũng đã lên được. Tâm trạng nàng dĩ nhiên biến đổi theo nhịp bước lên ấy, nàng có muốn thế đâu, và cô gái khiêm tốn, tốt bụng của buổi ban đầu bị nếp sống phù hoa uốn nắn thành một kẻ gần như phách lối, bạc bẽo, uốn nắn từ từ quá, khiến nàng không hay để mà cưỡng lại.

Ngày đầu về nhà mẹ, Hiếu ăn cơm không vô. Gàu mên cơm xách đằng nhà Long, tuy dở hơn cơm cao lâu nhiều, vẫn sang hơn cơm ở đây. Ăn không được nàng nghe đói, nhưng vẫn không thèm khát các quà bánh bán trong các ngõ hẻm.

Nàng ngồi đọc báo, nhớ lại thời thơ ấu của mình, nhớ một buổi chiều đi học về mắc mưa dọc đường, và khi bước vào tới cửa, nàng nghe một mùi thực phẩm lạ lắm, nó chọc hạch nước miếng của nàng chảy rất nhiều.

Chạy xuống bếp, Hiếu thấy mẹ đang nướng cá rô trên than hồng, lối nấu ăn mà người Sài-gòn không ai làm cả, người ta chỉ chiên thôi, vì chiên dễ dàng và đỡ nhọc công hơn. Bữa ăn chiều mưa hôm đó, nàng đã ăn cơm quên thôi với món mít sống chấm nước mắm dầm cá rô nướng, nó thơm cái mùi sằn dã mà chỉ có quê ngoại nàng mới tạo ra được.

Vứt tờ báo, Hiếu bước xuống nhà bếp và nói với mẹ:

-Má ơi, sao con thèm cá rô nướng quá má à!

Nghe câu đó, hà Trung cũng thình lình nhớ lại quê nhà, nhớ lại những chơn trời quen thuộc, những mùi vị không nơi nào có cả, và nhứt là nhớ lại những gương mặt thân yêu của một từ mẫu, một người chị và giờ đây đã ra người thiên cổ, bà đứng tần ngần rất lâu rồi đưa tay ra vịn lấy con, bà nói:

-Con đã trở về! Hiếu ngơ ngác hỏi:

-Trở về đâu má?

-Trở về thời thơ ấu, với gia đình, với hàng ngũ của ta.

Hiếu chợt hiểu. Phải, nàng đã trở về với hàng ngũ của những kẻ cần lao như ba nàng, như má nàng như bao nhiều người trong xóm.

Một bài học thuộc lòng ngày xưa, một ngụ ngôn của La-phông-Tên do một nhà giáo Việt-Nam dịch và in thành sách giáo khoa cách đây lâu lắm mà ông Trung rất thích, nhớ mãi đến bây giờ. Và thỉnh thoảng đọc ra để dạy con, bài hát ấy bỗng đâu vang lên, văng vẳng bên tai Hiếu.

Gà lôi mang lớp con công,

Ngỡ rằng mình đẹp đi dông, đi dài,

Gặp công, xáp lại nhập bầy,

Công đá rách mặt trầy mày, đuổi đi,

Trở về đồng loại một khi…

………………………

Bà Trung dịu dàng nói:

-Để mai má đi chợ, chọn cá rô mề mua về nướng rồi giầm mắm nêm cho con ăn.

Tất cả ở đây đều an ủi vỗ về, từ bầu không khí ngạt khói của căn nhà bếp hẹp, đến cái mùi nước mắm hành dùng để kho cá, từ bóng dáng bà mẹ trên hai mươi năm không rời khỏi ba ông táo thâm niên trên nền đất ẩm ướt, tất cả những thứ ấy như các dược phẩm của một liều thuốc tiên, làm tỉnh dậy cô nữ sinh dịu hiền ngày trước đã bị một người đẹp đánh cho chết ngất đi một thời gian ngắn.

Cô học trò vừa được hồi sinh, tự nhiên bước lại bộ ván nấu ăn, ngồi lên đó rồi lấy dao thái chỗ thịt mà mẹ nàng bỏ dở từ nãy đến giờ. Đó là một trong những công việc mà mẹ nàng đã dạy và nàng đã cố công học tập để trở nên người nội trợ đảm đang của một thầy ký.

Cô gái ấy đã được chuẩn bị hẳn hòi từ trong tinh thần đến ngoài người nàng để làm nội trợ của một anh con trai đồng địa vị. Sự chuẩn bị ngỡ không bao giờ có ích về việc vì, nhưng giờ bà Trung nghĩ nó rất là hợp lý. Nếu không giáo dục Hiếu theo chiều hướng đó thì không khi nào Hiếu trở về cả. Phải có một quê hương mới trở về được, mà quê hương đó là căn bản giáo dục nầy vậy. Không căn cứ, Hiếu sẽ đi luôn, phiêu lưu trong các nẻo sóng gió mà những kẻ sợ nồi cơm trách cá thích theo.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: