Rồng xuất hiện trong lịch sử Việt Nam

Tượng rồng bằng gốm sứ trên mái Lăng Ông ở Bà Chiểu. (Hình: Nguyễn Thị Hải Hà)

Trong 12 con giáp được dùng cho năm âm lịch, 11 con là loài thú có thật, chỉ có rồng là con vật tưởng tượng.

Nhưng có phải rồng chỉ có trong tưởng tượng không? Nếu chưa ai tận mắt nhìn thấy rồng thì tại sao người ta có thể vẽ rồng?

Trong một bài đăng trên Scientific American năm 1916, J. O’Malley Irwin quan niệm rằng, ở Á châu, hình ảnh về rồng có thể khởi đầu từ những bộ xương hóa thạch của loài khủng long sauropod dinosaurs.

Vài bộ xương của giống khủng long Á châu khổng lồ sauropod đã được hai vợ chồng Irwin tìm thấy Tháng Mười Một năm 1915, khi ông bà thám hiểm một cái hang lớn có tên là Shen K’an Tzu, trên hữu ngạn của sông Yangtze, gần dòng nước chảy xiết Ichang.

Tiến sĩ Carl Sagan trong quyển sách có tên là Dragons of Eden (Rồng trong Địa Đàng, 1977), đề nghị rằng huyền thoại về rồng, có lẽ bắt nguồn từ trí nhớ của loài người về loại khủng long, hay từ những con thú thời cổ xưa kết hợp với loại rắn to lớn sống ẩn núp trong bóng tối.

Rõ ràng là có một vài loại khủng long có nhiều chi tiết về hình dáng giống rồng, đặc biệt là những con thú lớn ăn thịt người. Điều này chỉ là tình cờ hay là sự biến hình của trí nhớ về những hổi tưởng rất xa xưa? Ai biết?

Người Việt nhận mình là con rồng cháu tiên, ông tổ là Lạc Long Quân, ắt hẳn, phải có niềm tin vững chắc, rồng là loài vật thiêng liêng và có thật.  Khi rồng đáp xuống một vùng đất nào đó, vùng đất này sẽ có vua sinh ra, hay ngự trị, nếu không cũng là nơi sẽ trở nên giàu có thịnh vượng. Cứ nhìn vịnh Hạ Long thì biết. Ngoài vịnh Hạ Long, nơi rồng đáp xuống, còn có vịnh Bái Tử Long nơi rồng cúi đầu lạy chào.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư[1] có ghi lại một số sự việc người ta tận mắt nhìn thấy rồng.

Kỷ Nhà Đinh ghi rằng, Đinh Bộ Lĩnh (924-979) khi còn nhỏ thường bắt trẻ chăn trâu làm kiệu khiêng mình như vua. Trẻ chăn trâu tôn kính Lĩnh, đến phục vụ thổi lửa hầu cơm.  Người làng mang con em đến theo, lập trưởng ở sách[2] Đào Áo. Người chú của vua, giữ sách Bông, đánh chống Lĩnh.

Còn nhỏ, yếu thế, Lĩnh thua chạy.  “Khi qua cầu Đàm Gia Loan[3], cầu gãy bị sa xuống bùn, người chú muốn lấy giáo đâm, thấy có hai con rồng vàng che đỡ, sợ lùi lại.  Vua thu nhặt quân còn sót lại đánh. Người chú phải hàng.  Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đến đâu cũng dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.” Đinh Bộ Lĩnh trở thành vua Đinh Tiên Hoàng cai trị Đại Cồ Việt (968-979). Tr. 155.

Kỷ Nhà Lê, có ghi rằng Lê Hoàn (941-1005) thuở còn hàn vi, cha mẹ mất sớm, Lê Hoàn làm con nuôi của một viên quan sát.  “Từng gặp mùa đông trời rét, vua nằm phục úp cối để ngủ, đêm ấy có ánh sáng lạ đầy nhà, viên quan sát lẳng lặng đến xem, thì thấy con rồng vàng ấp lên trên.”[4] Tr. 168.  Người Việt tin rằng vua là con của trời, được rồng che chở là người có chân mạng đế vương. Lê Hoàn sau trở thành vua Lê Đại Hành cai trị Đại Cồ Việt  (981-1005).

Bạn có biết vì sao kinh đô của nước Đại Việt được gọi tên là Thăng Long hay không?

Kỷ Nhà Lý chép rằng, Lý Công Uẩn (974-1028) lập nên thời Hậu Lý, lấy hiệu Lý Thái Tổ, trị vì 1009-1028.  Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp cho dời kinh đô về thành Đại La vào mùa thu, Tháng Bảy năm 1010. “Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long.” Tr. 196.

Sang đến đời Lý Thái Tông (1000-1054) rồng vàng xuất hiện đôi ba lần trước khi vua lên ngôi.  Đời Lý Nhân Tông có rồng vàng bay từ điện Tử Thần đến điện Hội Long.  Đời Trần Thái Tông, Tháng Mười Hai năm 1242, có rồng vàng xuất hiện. Đây chỉ là một số ít chi tiết tôi chép lại. Còn nhiều nữa nhưng tôi chưa đọc hết bộ sử ký này. Tôi cũng không cố tình thu nhặt giai thoại về rồng trong sử ký, chỉ tình cờ đọc được khi tôi tìm hiểu thêm về văn hóa nước Chăm.

Trong sử ký, thường thường, rồng xuất hiện khi có sự đổi đời.  Khi triều đại cũ vừa bị chấm dứt, rồng xuất hiện như để trấn an dân chúng và củng cố chân mạng đế vương của vua, người cai trị triều đại mới.

Tượng rồng bằng gốm sứ trên mái Lăng Ông ở Bà Chiểu. (Hình: Nguyễn Thị Hải Hà)

Rồng không những được ghi chép trong sử ký Việt Nam mà còn xuất hiện vô số trong các loại nghệ thuật. Trên mái chùa, mái đình. Trên chân đèn, trên các đồ gốm sứ. Xưa, tượng rồng được xây trên lăng mộ vua chúa.

Ngày nay, trên mộ của dân thường cũng được trang trí với hình rồng, nhất là mộ của những người có tên Long. Xưa, đời nhà Trần, vua thường xâm hình rồng trên thân thể, trên bắp vế.  Đến đời một ông vua nhà Trần nào đó, vua từ chối hình xâm. Từ đó tục lệ xâm hình rồng vào thân thể nhà vua chấm dứt.

Đọc những sự kiện về rồng được ghi chép lại trong lịch sử, độc giả ngày nay có thể thắc mắc: Ai là người có thể, hoặc là được quyền ghi lại những chi tiết đã xảy ra trong lịch sử? Liệu chúng ta có thể tin được vào những câu chuyện lịch sử này không? Mức độ khả tín của những chi tiết này chính xác đến độ nào? Ai là người quyết định chi tiết nào đáng được ghi lại trong sử sách? Nếu viết sai thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu viết đúng sự việc xảy ra mà không tốt đẹp cho triều đình, hay nhà cầm quyền lúc ấy, thì số mạng của sử gia sẽ ra sao?

Người đời nay có thể cho rằng rồng chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng biết đâu chừng, cũng như một số biểu tượng tâm linh khác, chẳng hạn như linh hồn, điều chúng ta không thấy, hay chưa thấy, bằng mắt thường, đang chờ một phát minh kỹ thuật tân tiến, ngày nào đó sẽ khám phá và chứng thực trong tương lai.

—-

[1] Nhà xuất bản Hồng Đức in theo nội dung bản in Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Nhà xuât bản Khoa học và Xã hội năm 1971 – 1972, Cao Huy Giu dịch. Đào Duy Anh hiệu đính, chú thích, và khảo chứng.

[2] Sách có lẽ đơn vị nhỏ nhất của thôn quê, sau làng xã.

[3] Nay là sông Hoàng Long, Điểm Xá, Gia Viễn, Ninh Bình

[4] Nhà xuất bản Hồng Đức in theo nội dung bản in Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Nhà xuât bản Khoa học và Xã hội năm 1971 – 1972, Cao Huy Giu dịch. Đào Duy Anh hiệu đính, chú thích, và khảo chứng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: