Sợ mất con khi con đi học xa

(Minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels)

Con gái em năm nay đang học lớp 11, cháu ngoan, thương mẹ. Ngày trước khi còn tiểu học, chuyện gì ở trường cũng hay về kể cho mẹ nghe. Bạn bè, cô thầy giáo, hay bài vở cháu đều tỉ tê với mẹ.

Nhìn chung quanh, bạn bè cùng trang lứa, ai cũng than có con mà như người lạ trong nhà, con đàng con, mẹ đàng mẹ. Hỏi nó chuyện gì nó chỉ ầm ừ không nói, đi học về chào hỏi cho qua chuyện rồi rúc vào phòng. Không biết là cái giống gì trong đó mà ở miết không thấy ra. Thậm chí đến giờ cơm, mình réo năm lần bảy lượt mới thấy nó đủng đỉnh đi ra.

Nghe bạn bè than, em cũng lo sợ, nhưng thấy cháu gái ở nhà không như vậy. Cháu đi học về, thay áo quần xong là ra hỏi mẹ cần gì giúp không, nếu không con sẽ vào phòng học bài. Em thấy con mình vậy thì mừng lắm. Nhưng hạnh phúc đó em hưởng không lâu!

Đầu năm lớp 11 thì cháu khác hẳn. Cháu trầm tư hơn, ít nói hơn, rồi thì cháu lại hay vào phòng riêng nhiều hơn. Em đợi cháu đi học, vào phòng lục lọi coi thử có gì đáng nghi ngờ không. Nhưng vì mình đang làm chuyện xấu là lục phòng con, nên em cứ mắt trước mắt sau, lấm la lấm lét không dám lục cho đến nơi đến chốn. Kết quả là em chẳng tìm ra cái gì khác lạ, laptop thì em đâu biết password để mở coi cháu có liên lạc, giao du với ai không.

Mới đây khi bắt đầu có những giấy của các trường đại học gửi về, con gái em lại chỉ muốn chọn những trường xa nhà, và chuẩn bị, tìm hiểu nơi chốn mà cháu có thể đến. Em thấy sợ quá, nghĩ rồi đây con mình không còn trong nhà nữa, rồi biết cháu sẽ ra sao khi một thân một mình ở xa nhà? Ai lo cho cháu ăn uống, giặt giũ… rồi bao nhiêu cạm bẫy rình rập bên ngoài. Em lo mà mất ngủ luôn!

Em cũng nói với cháu là nhà mình nghèo, con mà đi như vậy thì tháng tốn bộn tiền, tiền thuê nhà cửa, xe cộ, ăn uống. Nhưng coi bộ những lời than vãn của em không lay chuyển được cháu. Cháu trả lời, con sẽ mượn tiền trường, mẹ an tâm sẽ không tốn gì cho con đâu. Cứ nhìn cảnh chưa đến ngày đi mà cháu rộn ràng, sắm sửa, làm em thật đau lòng. Từ nào giờ cháu chưa xa em nửa bước, nay cháu dọn ra riêng thật không có gì khủng khiếp với em hơn.

Để khuyến dụ cháu, ban đầu em cũng phân tích thiệt hơn, sau đó dùng tình cảm, có khi còn dùng những lời tỏ ý giận hờn nhưng tất cả không một chút lay chuyển quyết tâm của cháu.

Thưa chị Nguyệt Nga, làm sao để con em đừng ra khỏi nhà, vì cháu lớn nhưng còn dại khờ lắm, em sợ con em vấp ngã. (Thuý)

GÓP Ý

-Nguyên

Trường hợp chị Thúy cũng giống như của chị tôi.

Chị tôi có cô con gái, khi cháu học xong lớp 12 thì cháu được một trường đại học ở Boston nhận. Cháu cũng thích đi và hăm hở lắm. Chị tôi có nói cháu là học ở gần đây trong vùng Orange County, sáng đi chiều về hay là ở nội trú trong trường và cuối tuần về nhà.

Vì sang Mỹ chỉ có hai mẹ con, đi xa thì mẹ không an tâm, lúc đầu cháu không nghe và chỉ muốn làm theo ý nó. Sau cùng chị tôi biết là không thể lay chuyển được, nên chị nói với con rằng, “Qua đây chỉ có hai mẹ con và nếu con qua Boston học thì cho mẹ đi theo với con qua bên đó, chứ một mình mẹ ở Orange County thì cô đơn, rồi khi đau yếu bệnh tật nữa làm sao.

Đứa cháu nghe mẹ nói muốn đi với nó qua Boston, nên sau cùng nó đổi ý định không học ở Boston nữa và cháu ghi tên học ở UCI, một trường đại học ở Irvine. Đó là trường hợp của chị tôi và tôi muốn kể ra để họa may có thể giúp ích được gì cho chị Thúy không?

Xin kính chào Cô Nguyệt Nga và chị Thúy.

-Hoàng L

Coi bộ khó có cách giúp chị làm thế nào để con gái chị không ra khỏi nhà. Bởi nhiều phần con gái chị sẽ dọn ra riêng khi cháu xong trung học. Đó là giây phút mà tất cả những đứa con của chúng ta trông chờ suốt thời gian trung học. Nhưng cũng không phải ít đứa đã trở lại nhà sau một năm đi xa.

Tôi có người bạn, cô ấy nhà ở Westminter, có cậu con học ở UCI, lái xe chừng 15 phút là đến nơi, cha mẹ đinh ninh cháu sẽ ở nhà và lái xe đi học. Nhưng, vừa xong trung học, cháu xin vào trường, cha mẹ nói sao cũng không thuyết phục được con. Nhà bạn tôi đang hưởng chế độ housing, nếu con đi như vậy, giấy tờ sẽ rất phiền phức, bạn tôi phải thay đổi nhà vì bớt người là phải bớt phòng, và bạn tôi gặp biết bao khó khăn trong việc tìm nhà nhỏ hơn khi con ra riêng. Biết ba mẹ khó khăn vì sự ra đi của mình, nhưng cháu không quan tâm và vẫn nhất định ra riêng.

Cháu đi đúng một năm, một hôm về nhà nói với bạn tôi, “Mẹ ơi! Mẹ có cho con về lại nhà không?”
Chị Thuý cứ để cho cháu đi, bây giờ nói cũng bằng thừa, không làm sao cản cháu được đâu, chị cứ để cháu đi, đối với mình thì cháu bao giờ cũng nhỏ nhít nhưng ra đời cháu không nhỏ đâu. Cháu sẽ tự lo khi không có mẹ bên cạnh, nhiều khi cháu còn lo tốt hơn khi không có chị bên cạnh.

-Phúc

Thưa cô, cô y chang mẹ cháu, y chang cả cái kiểu lục đồ đạc của con, không biết con cô đã phát hiện việc cô lục đồ đạc của bạn ấy chưa. Ngày cháu phát hiện ra việc mẹ cháu lục đồ của mình, cháu điên lên, cháu muốn đi ra khỏi nhà ngay tức khắc, và đi ra với hai tay không để trừng phạt mẹ cháu.

Sau đó gần như hai mẹ con không nói với nhau lời nào trong suốt hơn năm trời, cho đến lúc cháu rời nhà để vào đại học. Lúc ở trong đại học nhiều hôm nhớ nhà lắm nhưng cháu vẫn không về vì vẫn còn giận mẹ. Cháu cho rằng người lớn đã lo quá đáng, hãy nhìn những bạn người Mỹ, chúng nó đâu phải là hư thân mất nết hết, mà xét cho công bằng thì con cái những gia đình Việt Nam chỉ giỏi khi ở trung học và bốn năm đại học. Trong khi người Mỹ ở dưới tuy học không bằng người Việt nhưng các bạn ấy học rất tốt khi lên những lớp trên. Cứ nhìn vào con số tốt nghiệp trung học, kết quả bao giờ người Việt cũng chiếm hết vị trí đầu bảng, nhưng dần dần lên cao hơn, Master rồi PhD, càng lên cao số học sinh Việt càng bị thu nhỏ lại.

Hãy để cho con cái sống cuộc đời của nó, cháu nghĩ thế.

(Minh họa: cottonbro studio/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô, gia đình tôi mới qua Mỹ do chú em chồng tôi bảo lãnh. Chồng tôi là anh cả, nhà có bảy anh chị em, tất cả họ qua Mỹ từ sớm theo đường vượt biên. Tôi rất cảm kích là họ đã chịu cực khổ suốt bao năm qua ở xứ Mỹ, nay vẫn thương gia đình tôi để bảo lãnh qua và cho hai đứa con tôi có cơ hội được vào đại học bên này.

Cô em chồng tôi thương ông anh sức yếu không đi làm được nên cho gia đình tôi ở chung. Cổ tốt với chồng tôi lắm. Anh em nhà họ thương nhau, đoàn kết, thân thiết với nhau. Ngày nào cổ và mấy anh chị em khác cũng nói chuyện với nhau, bàn ra tán vào chuyện gia đình của nhau, dĩ nhiên không loại trừ gia đình tôi, nếu không muốn nói, gia đình tôi là tâm điểm! Vì là nhà của cô nên cô rất tự nhiên, câu chuyện nhiều lần lọt vào tai tôi.

Tôi nghe mà buồn tủi khi họ thương mến, kính trọng chồng tôi bao nhiêu thì họ chê trách gièm pha tôi và hai con tôi bấy nhiêu. Tôi là chị dâu, người ngoài máu mủ đã đành, nhưng hai con tôi là cháu họ, họ gần như không có chút tình gia đình nào dành cho hai đứa con tôi mới qua. Họ luôn trách hai đứa hư đốn và cư xử như đồ nhà quê. Tôi tủi thân vô cùng, họ cho tụi nhỏ hư là do tôi không biết dạy. Lúc thì họ nói tôi không biết dạy con, lúc thì họ gọi con tôi là “cháu ngoan bác Hồ” nên hư hỏng.

Tôi thì tôi thấy con tôi đúng là có lúc không ngoan, nhưng tụi nó cũng đi học, đi làm cố gắng cho bằng bạn Mỹ. Nói chung, tôi biết con tôi không thuộc loại ngoan ngoãn giỏi giang hơn người, nhưng cũng như bao đứa thanh thiếu niên khác mà thôi. Con họ cũng vậy, đâu phải đứa nào cũng xuất sắc đâu. Tôi thấy tủi thân cho con mình lắm, mà không biết phải làm sao. Rồi nhiều chuyện nữa, ăn uống, tiền bạc, sinh hoạt, tiếng ồn, thói quen khác nhau, khiến nhiều vấn đề xảy ra.

Nhiều lúc tôi quá phẫn uất, nhưng nuốt nghẹn vì nhớ rằng mình được ngày nay là do nhà chồng bảo lãnh qua. Họ thương tình cho ở chung nhà không lấy tiền, tôi chịu đựng họ thì họ cũng chịu đựng tôi, cứ nghĩ thế mà sống qua ngày. Nhưng không phải dễ để kéo dài cuộc sống từ ngày này sang ngày nọ. Tôi muốn dọn đi lắm, tôi và hai con đi làm nếu nhịn ăn nhịn mặc thì cũng trả được tiền nhà. Nhiều lần tôi bàn với chồng ra riêng, nhưng chồng tôi nhất định cản. Ổng vì thấy mình không lo được cho gia đình, nên muốn tận dụng sự giúp đỡ của các em (trước đây có thời gian dài, ổng là người nuôi họ khôn lớn), để các con tôi học hành cho xong.

Tôi buồn quá cô ơi. Vừa giận con, vừa thương con mà cũng vừa giận vừa thương chồng. Lòng buồn nên mệt mỏi, bệnh hoài, cô ơi! (Cháu Phượng)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: