Từ ngày không đi làm, đâm ra tự ti và sợ chồng

(Minh họa: SHVETS production/Pexels)

Thưa cô Nguyệt Nga,

Cháu năm nay 32 tuổi, có hai con trai 3 và 5 tuổi. Chồng cháu đi làm còn cháu đã xin nghỉ làm từ ngày sinh cháu thứ hai.

Hồi sinh cháu đầu, vì bận đi làm nên hàng ngày cháu đem gửi con cho bà nội ở gần đó, đến khi sinh đứa thứ hai thì bà nội không chịu giữ cháu nữa, nên cháu phải ở nhà trông con vì tiền gửi cũng xém hết tháng lương của cháu.

Chồng cháu nói thôi ở nhà trông con, để con được gần mẹ, đi gửi cũng không an tâm, mà phải chở con đi, đón con về thì quá tốn thì giờ. Đó là chưa kể chỗ gửi cũng có mấy đứa trẻ khác nên nếu có bệnh gì thì lây cả đám cho nhau. Nghe chồng nói, cháu cũng thấy phải, nên quyết định xin nghỉ dài hạn.

Thời gian đầu nghỉ ở nhà, cháu thật thích, có thì giờ chăm con, chẳng bù với ngày trước, tan sở là tức tốc chạy về nhà nội đón con. Về nhà thì chưa kịp thay áo quần đã bắt vội nồi cơm lên, nhào vào tắm rửa cho con, quơ vội áo quần bỏ vào máy. Làm hai ba việc cùng lúc, vừa ngơi tay thì chồng về, cháu lại phải lo dọn cơm nước, ăn xong, lo cho con ngủ, dọn dẹp, cũng đến 11, 12 giờ mới lên giường. Ở nhà, cháu có nhiều thì giờ hơn, nấu bữa ăn chu đáo hơn, lo cho con cũng chu đáo hơn, nhà cửa không bừa bộn như xưa. Cháu hài lòng lắm.

Nhưng nếu cứ thế thì cháu đã không thư cho cô. Số là cháu ở nhà chừng hơn năm thì cháu bắt đầu thấy… chán! Cả năm trời ở nhà, cháu không còn nhu cầu make up, tóc cháu cũng thấy không cần phải đi tiệm cắt, cháu đâu kiếm ra đồng nào mà tốn tiền cắt tóc? Tóc cứ túm lên là xong, không còn đi tiệm, sấy tóc, hấp tóc, kiểu này kiểu nọ.

Từ ngày ở nhà cháu đâu có thả tóc như xưa, hai đứa con nó phá, lúc nào cháu cũng quấn tóc lên cao. Cháu đã không còn chăm sóc mái tóc dài mà ngày xưa chồng cháu yêu nữa. Năm thì mười họa cháu mới đụng đến những bộ áo quần lịch sự để ra ngoài. Không đi làm nên nhiều khi trong bữa cơm chồng cháu đề cập đến những vấn đề thời sự thì cháu mù tịt.

Chẳng bù với ngày xưa, khi cháu còn làm cho một đài phát thanh, tin tức cháu cập nhật từng ngày, từ Việt Nam cho đến thế giới, từ chiến tranh đến thể thao hay văn nghệ. Những câu chuyện giữa hai vợ chồng cháu ngày nay chỉ xoay quanh hai đứa con, chỉ xoay quanh cơm áo gạo tiền. Thậm chí cháu còn không biết hôm nay là thứ mấy trong tuần.

Cháu thấy dần dà đầu óc cháu nhỏ dần nhỏ dần. Hồi xưa một đứa con thì còn dễ, nay hai đứa nó hùa nhau phá, làm cái gì cũng hùa nhau làm, một đứa đói thì đứa kia cũng đòi ăn, một đứa cần thay tã thì đứa kia cũng cần. Một đứa khóc thì đứa kia cũng khóc. Hai đứa làm cháu điên đầu, cháu lại thấy mình xoay mòng mòng như ngày xưa. Khi thằng lớn vào tuổi đi học, cháu tay dắt, tay đẩy xe, rồi túi, rồi cặp… cháu thấy chung quanh cháu lại bề bộn. Tệ nhất là người cháu đổ ra, bụng cháu cứ càng ngày càng to, áo quần cũ không mặc vừa nữa, mà sắm cái mới thì tiếc tiền, không làm ra tiền cháu đâu dám xài phí. Thật lòng cháu cũng ngại khi mua sắm cho bản thân, mặc dù chồng cháu không nói năng gì, cháu mua thì cứ cà thẻ, nhưng lòng cũng không thoải mái như tiền của mình làm ra. Rồi mẹ cháu ở Việt Nam, cả năm nay cũng không cho mẹ đồng nào, cháu lấy tiền chung ra cho mẹ cũng được nhưng lại ngại chồng nghĩ ngợi.

Cô ơi! Tự nhiên từ ngày ở nhà cháu đâm ra sợ chồng, cháu thấy mình thua kém, nhiều khi chồng cháu nói cái gì đó không phải thì cháu lại nhịn, cháu thấy mình đâm hèn với chồng. Mới tháng nay, cháu thấy chồng cháu hay về trễ, anh giải thích phải ở lại sở làm thêm. Lòng cháu không vui nhưng không dám nói. Ngày xưa là cháu sẽ hỏi và tìm hiểu thật hư, nhưng ngày nay cháu lại không muốn tìm hiểu vì sợ rằng sự thật làm cháu đau lòng thì sao.

Cháu thấy cháu không còn tự tin nữa cô ơi! Cháu không còn là cháu từ bề ngoài cho đến tâm hồn. Cháu sợ tình trạng này càng ngày sẽ càng lôi cháu xuống, cháu phải làm sao đây thưa cô, cô giúp cháu với. Cháu rất cám ơn cô. (TrangNguyen)

GÓP Ý

– Yến
Nói chung phụ nữ nằm nhà là bị yếu thế chắc rồi!

– Van Nguyen

Dường như câu trả lời đã nằm sẵn trong bài tâm sự của em. Khi còn đi làm thì em là một người tự tin, biết chăm sóc cho mình, theo dõi tin tức, biết được những gì đang xảy ra xung quanh.

Vậy thì cách giải quyết là em nên đi làm trở lại. Làm sao gửi con để đi làm thì hai vợ chồng bàn thảo, hoặc là tự em quyết định, miễn sao khi đi làm về thì vui vẻ lo việc nhà, lo cho chồng con, chứ còn đi làm về mà quạu cọ thì tình trạng càng tồi tệ hơn.

Biết bao nhiêu người phụ nữ khác có gia đình có con cái vẫn có thể vừa đi làm vừa đi học vừa nuôi con. Họ làm được thì mình làm được, ăn thua là mình có ý chí, có nghị lực, có bản lãnh hay không.

Chúc em sớm tìm được cách giải quyết để có cuộc sống vui hơn!

– Thuỳ Linh

Chị Trang thân mến, lá thư của chị làm tôi thật chạnh lòng, nó không khác gì hoàn cảnh của tôi ngày trước. Cũng vì thương con mà mất chồng. Tôi cũng vì đắn đo, cân nhắc giữa tiền lương và tiền cho người giữ trẻ, mà đã quyết định ở nhà để trông con.

Ban đầu thật là sung sướng khi toàn thời gian trong ngày mình được bên con. Nhưng sau đó xảy ra nhiều tình huống thật không biết xử trí sao, ví dụ có những buổi tiệc cưới, sinh nhật vì mang con theo phiền mọi người, nên mình phải ở nhà giữ con để cho chồng đi một mình. Ban đầu chồng không chịu đi một mình, cứ chèo kéo mình đi, phải năn nỉ, chồng mới đi một mình, nhưng dần dần thành thói quen, hễ đi ăn tiệc tùng là đương nhiên mình ở nhà. Khi chồng chèo kéo thì mình từ chối, nhưng khi anh ấy tự động đi một mình vì nghĩ vợ ở nhà trông con, thì mình tức không chịu được.

Tôi nghiệm ra, thà mình đi làm, lấy tiền đó trả cho người giữ trẻ. Trong xã hội, mỗi người một việc, người giữ trẻ thì giữ trẻ, người thợ may thì may, chứ người thợ may mà làm thêm giữ trẻ thì cả hai việc đều hỏng. Tôi cũng vì ở nhà riết mà chồng chán, vì vợ bây giờ không còn như xưa, lúc nào cũng đầu bù tóc rối. Đó là ý tôi khuyên chị, nên cân nhắc cái giá mình phải trả. Theo tôi chị nên đi làm, nếu chị muốn dành giờ cho con thì chị làm part time thôi cũng được.

– Huy

Cháu Trang thân mến, đọc thư cháu thật là thương, không phải thương vì hoàn cảnh của cháu mà thương vì cháu hiền lành quá! Chắc tính tình cháu hay nhịn và luôn nhận những thiệt thòi về mình.

Cháu nghe cô đây, hai đứa nhỏ có phải là những đứa con riêng của cháu không hay là chúng cũng là con của chồng cháu? Cháu đang hy sinh con đường sự nghiệp để ở nhà nuôi con chung của hai người, cháu không mắc gì phải tự hạ mình, hay lo sợ chồng. Nếu chồng cháu đi tiệc tùng, thì cháu cũng có những buổi tiệc phía cháu, và khi ấy chồng cháu phải là người ở nhà coi con. Những suy nghĩ của cháu là do cháu nghĩ, chưa chắc chồng cháu đã nghĩ như vậy.

Cháu điều chỉnh lại suy nghĩ của mình, vì nếu cháu cứ nghĩ như vậy sẽ hại đến hôn nhân của cháu.

– Anna

Tôi đã từng có cháu nhỏ nên tôi hiểu và rất thông cảm hoàn cảnh hiện tại của cô, theo kinh nghiệm đã trải qua lúc con tôi còn nhỏ thì tôi khuyên cô xử lý như vầy.

Cô bảo với chồng cô không muốn anh làm thêm nhiều quá, cô hù anh ta cô sẽ gửi con ở nhà trẻ và cô xin đi làm, cô bảo cô không thể chịu nổi cảnh anh đi làm thêm rồi về trễ như vậy, cô giả bộ muốn đi làm lắm, để xem anh ta tính làm sao.

Dù hù hè vậy, nhưng cô cũng kiên nhẫn ráng đợi cho con thứ nhì của cô vào tiểu học rồi hãy xin đi làm, lúc ấy thì việc phân công đưa rước giữa cô và chồng rõ ràng hơn là cô ôm một mình việc giữ con.

Có nhiều bà giận chồng nên hành hạ con bằng nhiều hình thức, tôi khuyên cô hãy nén lại và phải nghĩ tất cả là vì con. Đứa trẻ lúc còn bé hay đau bệnh vặt nên cô ở nhà là đúng, khi ở nhà riết ngày nầy qua ngày khác cô đâm chán nản, nhưng khi cô có mục đích rõ ràng cô sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

Chào cô, mong cô bình tâm, và đừng suy nghĩ quá nhiều có hại cho sức khỏe!

(Minh họa: Katerina Holmes/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Con gái em năm nay đang học lớp 11, cháu ngoan, thương mẹ. Ngày trước khi còn tiểu học, chuyện gì ở trường cũng hay về kể cho mẹ nghe. Bạn bè, cô thầy giáo, hay bài vở cháu đều tỉ tê với mẹ.

Nhìn chung quanh, bạn bè cùng trang lứa, ai cũng than có con mà như người lạ trong nhà, con đàng con, mẹ đàng mẹ. Hỏi nó chuyện gì nó chỉ ầm ừ không nói, đi học về chào hỏi cho qua chuyện rồi rúc vào phòng. Không biết là cái giống gì trong đó mà ở miết không thấy ra. Thậm chí đến giờ cơm, mình réo năm lần bảy lượt mới thấy nó đủng đỉnh đi ra.

Nghe bạn bè than, em cũng lo sợ, nhưng thấy cháu gái ở nhà không như vậy. Cháu đi học về, thay áo quần xong là ra hỏi mẹ cần gì giúp không, nếu không con sẽ vào phòng học bài. Em thấy con mình vậy thì mừng lắm. Nhưng hạnh phúc đó em hưởng không lâu!

Đầu năm lớp 11 thì cháu khác hẳn. Cháu trầm tư hơn, ít nói hơn, rồi thì cháu lại hay vào phòng riêng nhiều hơn. Em đợi cháu đi học, vào phòng lục lọi coi thử có gì đáng nghi ngờ không. Nhưng vì mình đang làm chuyện xấu là lục phòng con, nên em cứ mắt trước mắt sau, lấm la lấm lét không dám lục cho đến nơi đến chốn. Kết quả là em chẳng tìm ra cái gì khác lạ, laptop thì em đâu biết password để mở coi cháu có liên lạc, giao du với ai không.

Mới đây khi bắt đầu có những giấy của các trường đại học gửi về, con gái em lại chỉ muốn chọn những trường xa nhà, và chuẩn bị, tìm hiểu nơi chốn mà cháu có thể đến. Em thấy sợ quá, nghĩ rồi đây con mình không còn trong nhà nữa, rồi biết cháu sẽ ra sao khi một thân một mình ở xa nhà? Ai lo cho cháu ăn uống, giặt giũ… rồi bao nhiêu cạm bẫy rình rập bên ngoài. Em lo mà mất ngủ luôn!

Em cũng nói với cháu là nhà mình nghèo, con mà đi như vậy thì tháng tốn bộn tiền, tiền thuê nhà cửa, xe cộ, ăn uống. Nhưng coi bộ những lời than vãn của em không lay chuyển được cháu. Cháu trả lời, con sẽ mượn tiền trường, mẹ an tâm sẽ không tốn gì cho con đâu. Cứ nhìn cảnh chưa đến ngày đi mà cháu rộn ràng, sắm sửa, làm em thật đau lòng. Từ nào giờ cháu chưa xa em nửa bước, nay cháu dọn ra riêng thật không có gì khủng khiếp với em hơn.

Để khuyến dụ cháu, ban đầu em cũng phân tích thiệt hơn, sau đó dùng tình cảm, có khi còn dùng những lời tỏ ý giận hờn nhưng tất cả không một chút lay chuyển quyết tâm của cháu.

Thưa chị Nguyệt Nga, làm sao để con em đừng ra khỏi nhà, vì cháu lớn nhưng còn dại khờ lắm, em sợ con em vấp ngã. (Thuý)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: