Cà phê trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu, Starbucks ‘ra tay’

(ảnh: Unsplash)

Cà phê là một loại cây trồng khó tính – đặc biệt là cà phê Arabica, loại phổ biến nhất, và biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa lớn cho ngành kinh doanh cà phê và nông dân.

Theo ngân hàng Inter-American Development Bank (IADB), một tổ chức tài chính phục vụ châu Mỹ Latinh và Caribe, “Để phát triển đúng cách, cây cà phê cần có nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm cụ thể”. Hiện tại, những điều kiện đó phần lớn được đáp ứng ở một số khu vực của Mỹ Latinh, trong khu vực được gọi là vành đai cà phê, một báo cáo gần đây của IADB lưu ý. Theo CNN.

Nhưng đến năm 2050, ngân hàng cảnh báo, “nhiệt độ tăng sẽ làm giảm tới 50% diện tích thích hợp để trồng cà phê”. IADB lưu ý rằng khí hậu thay đổi có thể đồng nghĩa với việc một số quốc gia có thể cung cấp cà phê mới.

Starbucks là doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 3% tổng lượng cà phê trên thế giới, đang phát triển các giống cà phê arabica mới được trồng đặc biệt để tồn tại tốt hơn trên một hành tinh đang nóng lên.

Cây cà phê giống Arabica. (ảnh: Unsplash)

Trong hơn 10 năm, các nhà nông học tại Starbucks đã nhân giống nhiều loại cây cà phê khác nhau, cố gắng tìm ra những loại cây sẽ cho nhiều quả trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời có khả năng chống lại bệnh gỉ sắt lá cà phê, một loại bệnh tấn công cây cà phê và trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Sau khi kết hợp hàng trăm loại, công ty đã chọn được sáu loại phù hợp với yêu cầu và đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty về mùi vị. Một danh mục mô tả sáu giống mới của Starbucks có sẵn cho nông dân tại trang trại cà phê Hacienda Alsacia của công ty, một trung tâm giáo dục và nghiên cứu ở Costa Rica.

Danh mục liệt kê nhiều loại cà phê có hương vị khác nhau, như cà phê hương dưa, mật ong, mía, hương cam quýt, thảo mộc, hoa. Danh mục này cũng phác thảo các đặc điểm phát triển của cây, như độ cao mà nó có thể tồn tại, kích thước và cấu trúc của cây cũng như thời gian vụ mùa là bao nhiêu năm để thu hoạch lần đầu tiên.

Michelle Burns, phó chủ tịch điều hành cà phê toàn cầu của Starbucks cho biết: “Một số giống mà chúng tôi đang hợp tác và thử nghiệm đang thu hoạch trong chu kỳ hai năm, thay vì ba hoặc bốn năm. Nếu mọi việc suôn sẻ, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều cà phê nhanh hơn, một chiến thắng cho Starbucks và các nhà cung cấp.”

Khí hậu đến với cà phê

Starbucks có gần 36,000 cửa hàng trên toàn cầu, phụ thuộc rất nhiều vào nông dân, vì họ mua cà phê từ khoảng 400,000 nông dân trên 30 quốc gia. Họ cùng với những người trồng cà phê đang phải vật lộn để thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu đã có tác động lớn đến Suzanne Shriner, chủ tịch của Lions Gate Farms ở Hawaii, nơi không phải là nhà cung cấp của Starbucks. Cô nói: “Những cơn mưa ở đây ngày càng ít, trở nên nghiêm trọng hơn, gây khó khăn cho cây trồng”.

Ở Hawaii, Shriner cho biết, nông dân đang hợp tác với World Coffee Research, một tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm cả Starbucks, để đưa ra giải pháp cho bệnh gỉ sắt lá cà phê (coffee leaf rust) vốn đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trong khu vực. Theo Shriner, cư dân ở đảo đang tìm kiếm những đổi mới tương tự, và đang theo dõi chặt chẽ chương trình của Starbucks.

Giám đốc nông học toàn cầu của Starbucks, Carlos Mario Rodriguez tại trang trại cà phê Hacienda Alsacia. (ảnh: Starbucks)

Không chỉ cà phê

Tất nhiên, cà phê không phải là cây trồng duy nhất bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Hạn hán, băng giá hoặc mưa lớn có thể làm giảm năng suất của các loại nông sản từ ca cao đến nho. Và thời tiết khắc nghiệt không thể dự đoán, khiến nông dân khó lập kế hoạch ứng phó những thay đổi này một cách hiệu quả.

Nhưng cà phê Arabica, loại duy nhất được Starbucks sử dụng, đặc biệt gặp rủi ro.

Chống bệnh gỉ sắt lá cà phê

Miguel Gomez, giáo sư tiếp thị thực phẩm tại trường Cornell’s Dyson School của Cornell, cho biết, với cà phê Arabica, “nhu cầu cấp thiết” là phải phát triển nhiều giống có khả năng chống chọi với khí hậu hơn.

Ông nói: “Những cây cà phê Arabica hiện nay không có khả năng chống chọi với áp lực về nước. Chúng có xu hướng dễ mắc các bệnh như bệnh gỉ sắt lá… xuất hiện bất cứ khi nào nhiệt độ cao bất thường.”

Cây cà phê có khả năng kháng bệnh gỉ sắt có thể là một lựa chọn hấp dẫn đối với nông dân. Nhưng nó sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra, Monika Firl, cố vấn cấp cao cho chương trình cà phê của Fairtrade International, cảnh báo.

Cô nói: “Không có ‘viên đạn bạc’ nào có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cho nông dân, mà thiên nhiên “thích nghi nhanh hơn khoa học trong phòng thí nghiệm. Các giống được tối ưu hóa để phát triển mạnh trong những điều kiện nhất định có thể yếu đi ở những điều kiện khác. Do đó, một giải pháp có thể hiệu quả ngay bây giờ, nhưng không phải về lâu dài.

Cây cà phê. (ảnh: Dang Cong/Unsplash)

Firl cho rằng để cà phê phát triển bền vững cần phải chuyển dịch mô hình trang trại cà phê công nghiệp hóa. Cô nói, cần phải đưa “cà phê trở về cội nguồn rừng” để thúc đẩy một hệ sinh thái lành mạnh.

Năm 2021, Starbucks cam kết đầu tư vào việc bảo vệ và phục hồi rừng, đồng thời đặt ra các mục tiêu khác liên quan đến khí hậu. Burns mô tả chương trình nhân giống của công ty là một quá trình “đang diễn ra”, đồng thời cho biết công ty sẽ tiếp tục thử nghiệm các giống mới để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các giống cà phê khác, như Robusta và Liberica, có khả năng trụ vững tốt hơn Arabica trong những điều kiện khó khăn này. Nhưng các nhà sản xuất cà phê có xu hướng tránh những loại này vì người tiêu dùng thích mùi vị của cà phê Arabica hơn, Gomez của Cornell lưu ý. Mục tiêu đưa ra là phát triển các giống có hương vị giống cà phê Arabica.

Ngay cả trước khi Starbucks phát triển các giống cây chịu được khí hậu của riêng mình, họ đã cung cấp các hạt giống chịu được khí hậu do những người khác phát triển, và đôi khi được Starbucks cải tiến, cho nông dân.

Theo công ty, trong vòng 5 năm qua, họ đã tặng cho nông dân 3 triệu hạt giống mỗi năm. Ngoài hạt giống, Starbucks còn phân phối khoảng 70 triệu cây cà phê kháng bệnh gỉ sắt cho nông dân, như một phần trong mục tiêu cung cấp 100 triệu cây vào năm 2025.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: