Qua Thiên Sơn đi trên đường Tơ Lụa

Share:
Minh họa: joey-huang-unsplash

“Qua Thiên Sơn kìa ai chén rượu vừa tàn…” – Đó là một câu trong Hòn Vọng Phu, bản trường ca bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương, gồm ba bài sáng tác từ năm 1943 đến 1947 – một trong những trường ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.

Lê Thương đã nghiền ngẫm đề tài người chinh phu từ lâu trước khi sáng tác. Theo một số tài liệu, nhạc sĩ đọc thuộc “Chinh Phụ Ngâm”, cả nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn và bản dịch chữ Nôm của Đoàn Thị Điểm. Ngoài ra, Lê Thương đã bắt gặp nhiều hình tượng người chinh phụ ngoài đời thực. Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đến nỗi hóa thành đá ở Lạng Sơn, người chinh phụ trên núi Đá Bia, ở Phú Yên, phía đông đèo Cả, thậm chí là cả Vọng Phu Thạch ở Trung Quốc khi ông vượt qua biên giới Việt Trung. Tất cả những hình tượng này đều khiến Lê Thương đưa ra một chiêm nghiệm: Dù ở phương trời nào, chiến tranh luôn gây ra nỗi đau đè nặng lên người phụ nữ. Cảm xúc đó đã khiến nhạc sĩ xúc động sâu sắc để viết bộ ba bài hát Hòn Vọng Phu.

Đoàn Thị Điểm đã viết trong đoạn mở đầu Chinh Phụ Ngâm:

“Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín tầng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”

Tất cả những cảnh bi hùng trong Chinh Phụ Ngâm đều đã ẩn hiện trong trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương:

“Lệnh vua hành quân trống kêu dồn,
Quan với quân lên đường,
Đoàn ngựa xe cuối cùng,
Vừa đuổi theo lối sông.
Phía cách quan xa trường,
Quan với quân lên đường,
Hàng cờ theo trống dồn
Ngoài sườn non cuối thôn,
Phất phơ ngập trời bay.

Qua Thiên Sơn kìa ai chén rượu vừa tàn,
Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.
Người đi ngoài vạn lý quan san,
Người đứng chờ trong bóng cô đơn.
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng
Người không rời khỏi kiếp gian nan
Người biến thành tượng đá ôm con”

Người chinh phu của Lê Thương xuất phát từ một miền nào đó trên đất Tàu, lội bộ hay cưỡi ngựa hàng ngàn dặm qua Man Khê, Tiêu Tương đến Tân Cương sát chân rặng Thiên Sơn, phía bên kia là vùng Trung Á. Sau bao nhiêu năm chinh chiến, chàng rong ngựa, lội bộ trở về, chàng không về trên đất Tàu mà lại xuôi Nam, về Việt Nam. Chặng đường thiên lý qua Vạn Xuyên, Cổ Lũy, đò Vạn Lý, đò Ải Quan, Cổ Loa, Vạn Kiếp… để về với nàng:

“Bên nợ tình thâm, bên nợ giang san
Bên đồi ai oán, bên rừng đa đoan tiễn đưa bóng chàng
Đường về nước chập chùng xa
Nhiều đồi núi cheo leo
Cây với rừng rườm rà
Đường Vạn Xuyên, đuờng Cổ Lũy
Duyên núi sông vẫn như thắm nhòa

Đò Vạn lý, đò i quan,
Đò rừng lá nước trong bao cá lội từng đàn
Thành Cổ Loa, Đền Vạn Kiếp,
Bao tháng năm vẫn chưa xóa nhòa”.

Minh họa: Vicky-unsplash

Chúng tôi cũng đã đến rặng Thiên Sơn, như chàng chinh phu của Lê Thương nhưng ở phía bên này của miền Trung Á, xứ Kyrgyzstan. Không vất vả cưỡi ngựa hay lội bộ hàng năm trời, nhưng phải chuyển ba chuyến bay và mất gần 30 giờ. Từ Seattle, một thành phố ven biển Thái Bình Dương, phía Bắc nước Mỹ, chúng tôi bay qua New York, theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ, chờ ở Istanbul khá lâu để bay tiếp đến thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Còn một ngả khác là bay qua Moscow.

Kyrgyzstan phía Đông ngăn với nước Tàu bởi rặng Thiên Sơn đầy hiểm trở, các mặt khác giáp với một số quốc gia mà tên đều có vần cuối là “stan”, có nghĩa là “đất”: Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan. Có người nghe thấy tiếng “an” trùng âm với “ant” và gọi đùa đây là một ổ kiến, nhưng đây là một ổ kiến hiền. Khác với mấy con kiến lửa ở phía Nam là Afghanistan, Pakistan, Taliban và Iran

Kyrgyzstan thuở xưa là trung tâm trao đổi của Con Đường Tơ Lụa. Con đường này là một mạng không những chỉ về thương mại nối giữa Đông và Tây mà cũng là trung tâm giao lưu về kinh tế, chính trị và tôn giáo giữa hai vùng từ thế kỷ thứ hai trước Thiên Chúa cho tới thế kỷ thứ 18. Đường này nối vùng Đông Á, Đông Nam Á với vùng Nam Á, Ba Tư, bán đảo Ả Rập, Đông Phi Châu và Nam Âu Châu.

Khởi đầu, nhà Hán bên Tầu kéo dài Con Đường Tơ Lụa về phía Tây từ năm 207 BC, họ cử tướng Trương Khiên (Zhang Qian) mang binh đoàn đi chinh phục thêm đất đai, bảo vệ hàng hóa, cũng như xây nối dài thêm Vạn Lý Trường Thành để bảo vệ con đường này và sự di chuyển hàng hóa. Con Đường Tơ Lụa còn đóng một vai trò đáng kể trong sự ảnh hưởng khai hóa nền văn minh của các nước Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Âu Châu, Horn of Africa và Ả Rập. Tuy rằng Lụa là phẩm vật chính xuất cảng từ Tàu, nhưng còn có nhiều hàng hóa khác cũng như các nền văn minh được trao đổi, hay hòa đồng tôn giáo, tư tưởng, triết lý, khoa học và kỹ thuật như chế tạo giấy, thuốc súng…

Marco Polo cũng từng đi trên con đường này. Cuốn “Il Milione” (The Million) của ông, được dịch sang Anh ngữ với tựa “Travels of Marco Polo”, là một cuốn sách kinh điển về du lịch. Cũng không thể nào không nhắc đến cuộc xâm lăng và tàn sát của quân Mông Cổ tại vùng Trung Á: “Vó ngựa của Mông Cổ đi đến đâu là cỏ không thể mọc được.” Năm 1220, Thành Cát Tư Hãn đem quân vượt Thiên Sơn, đánh bại đế quốc Khwarazmian; sau đó, tiến sâu vào Đông Âu sát tới Hắc Hải, và cả Âu Châu. Cuộc trường chinh của Thành Cát Tư Hãn gây bão táp và sự tàn bạo của đạo quân Mông Cổ hung mãnh chấm dứt hai mươi năm sau, năm 1240.

Một góc rặng Thiên Sơn (ảnh: oziel-gomez-unsplash)

Chắc sẽ có một câu hỏi đến với chúng tôi, cớ sao lại tìm một chỗ xa xôi oái oăm như thế để đến. Chúng tôi có cô con gái út, nếu ngồi tính lại sau khi ra trường thì cô ấy gần như luôn sống ở ngoài nước Mỹ – một năm ở Tây Ban Nha, hai năm ở Đức, ba năm ở Argentina lấy bằng MA về bang giao quốc tế; rồi cô lập gia đình, chồng là anh bạn Umar Shavorov (người Kyrgyzstan) – trước kia họ học cùng lớp tại trường đại học ở Buneos Aires và sau này gặp lại nhau lúc cùng làm cho World Bank tại Washington DC.

Đám cưới được tổ chức tại hai địa điểm. Tại Sài Gòn, trên con thuyền rồng sơn mầu vàng đi từ bến Bạch Đằng tới Bình Quới. Hai cô cậu trong y phục Việt Nam truyền thống. Ngoài sự tham dự của họ hàng và thân quyến chúng tôi ở quê nhà, bà mẹ chồng và các em chú rể đến từ Kyrgyzstan, cũng mặc áo dài Việt Nam và lần đầu nếm các món ăn Việt. Trở lại Seattle, một bữa tiệc cưới nữa cũng được tổ chức, với đông đảo bạn bè thân thuộc.

Sau đó, họ ở lại Mỹ một năm để anh chồng lấy nốt bằng MA Quản Trị Công Quyền tại Harvard và thêm một năm ở với chúng tôi để nhờ vợ chồng tôi giúp chăm sóc hai đứa con sinh đôi – một trai một gái. Khi hai đứa nhỏ biết đi, hai vợ chồng lại nhận việc ở Bogota, Columbia và lưu lại đó một nhiệm kỳ ba năm. Sau đó, cô theo chồng về Kyrgyzstan, với ý định giúp chồng phục vụ quê hương, mong theo kịp thế giới bên ngoài. Tôi thầm nghĩ, những nước mà tiền thân là Cộng Sản thì khó lòng chấp nhận người có bằng cấp Âu Mỹ vào những chức vụ cao để tài năng được hữu dụng…

Chuyến bay của chúng tôi từ Istanbul đến Bishkek, thủ đô Kyrgyzstan, hạ cánh trong buổi sáng. Vợ chồng con gái tôi đến đón và đưa thẳng đến một tiệm phở, chắc là sợ chúng tôi đói và không quen món ăn bản xứ. Đây là tiệm mới mở, có thể nói là độc nhất tại xứ này. Tiệm có tên là Phở Hanoi, chủ quán là còn trẻ, nói tiếng Nga thông thạo. Chúng tôi xem thực đơn, có nhiều món và tôi gọi một tô phở mà anh ta khoe là đúng phở Hà Nội.

Anh chủ tiệm cho biết anh sanh ở Bắc Ninh, còn tôi ở Hà Nội. Chúng tôi cùng nói về quê hương. Anh đã ở Nga nhiều năm, và đi khắp nơi, mang tiền để dành về Việt Nam hai lần làm ăn đều thất bại, rồi lại ra đi. Anh nói, người Việt tập trung ở đây, có khoảng 30 người. Tôi hỏi thăm về gia đình, anh nói chỉ mang theo một đứa con trai sáu tuổi. Tôi nghe như có một cái gì đổ vỡ. Thì ra bên cạnh bát phở ở một góc trời, còn biết bao nhiêu là tình tự quê hương của những người tha hương, và những cảnh đời như những cánh chim viễn xứ bạt ngàn…

Chúng tôi ở lại thủ đô Bishkek hai tuần. Từ đó, dùng xe và máy bay đi thăm một số vùng khác. Bishkek là một thành phố được thiết kế và xây dựng lại bởi người Nga trong thế kỷ thứ 19. Đại lộ và đường phố rộng rãi xây theo mẫu ô vuông, vỉa hè khang trang, cây lớn được trồng hai bên đường xanh mát, không có nhiều cao ốc, trông giống như một thành phố cổ bên Âu Châu. Các trục giao thông cũng thoải mái, không ồn ào, không thấy có xe gắn máy. Ngoài các quán ăn địa phương, những nhà hàng và quán cà phê chúng tôi đến đều có tiêu chuẩn Âu Châu.

Một góc Bishkek (ảnh: irene-strong-unsplash)

Dù là quốc gia theo Hồi Giáo nhưng y phục nam nữ của họ theo Âu Tây, ít màu sắc, không che mặt hay vải phủ che kín từ đầu xuống chân. Không thấy ai trải khăn phủ phục lễ mỗi ngày mà ta thường thấy ở những quốc gia Hồi Giáo khác. Tôi cũng không nhìn thấy nhiều nhà thờ Hồi Giáo mà thấy có các nhà thờ đạo Orthodox. Y phục cổ truyền đặc biệt của họ với nhiều mầu sắc, may cầu kỳ, chỉ được sử dụng trong các buổi trình diễn có ý nghĩa biểu tượng của một thời cổ xa xưa…

Lần đầu, chúng tôi lái xe ra khỏi thành phố, lên phía Bắc, sát với biên giới với Kazakhstan, một quốc gia lớn có nhiều tài nguyên. Xe chạy qua những vùng mênh mông toàn đồi đá xen với cỏ xanh, ít thấy làng mạc. Thỉnh thoảng xe phải dừng lại để tránh mấy con sơn dương, lông dài quắn lại, đứng bên đường yên lặng ngắm chúng tôi.

Có lúc phải tránh những đàn bò, đàn ngựa mà người đi chăn thường cưỡi ngựa như cao bồi Mỹ. Đi qua một đường dây cáp trượt tuyết trong mùa hè đến một khu rừng, cây xanh cổ thụ cô lập, được thiết kế thành một resort lớn khá đặc biệt. Du khách ngụ trong các lều du mục tân trang, tiện nghi đầy đủ, trên các đồi cao nhìn xuống thung lũng chạy dài phía dưới. Thức ăn của họ khá ngon, có hương vị đặc biệt và được trình bày mỹ thuật.

Lần thứ hai chúng tôi lái xe dọc phía Nam hồ, hướng về rặng Thiên Sơn. Issyk Kul là một hồ nước mặn, chiều dài 182 km trải từ Tây sang Đông, chiều ngang rộng tới 61 km, chiều sâu có chỗ tới 702 m, nước trong, có thể nhìn xuống sâu tới 20m. Đứng bên này hồ không nhìn thấy bờ bên kia.

Không thấy thuyền bè qua lại, cũng không thấy bè nuôi cá. Nếu đặt vào lòng hồ này, hòn đảo Phú Quốc lớn nhất của Việt Nam sẽ nằm thọt lỏn. Lần này chúng tôi được ở trong các lều du mục Yurt thật sự bằng khung gỗ và bao quanh bằng vải. Bên trong giường ngủ, chăn màn, cách trang trí thêu dệt giống hệt như thời du mục của “Con Đường Tơ Lụa” thuở xưa.

Buổi ăn tối, ngồi trên thảm, lưng dựa vào những chiếc gối thêu xem họ trình diễn ca nhạc và các điệu múa trong một căn lều khổng lồ có thể chứa hơn trăm người. Lần đầu tiên, chúng tôi gặp một đoàn du khách Pháp. Sáng hôm sau, chúng tôi tới một cánh đồng rộng, tập bắn cung, được nâng một chú đại bàng nặng trĩu tay và tung nó lên trời để rượt bắt con thỏ giả được kéo chạy ngoài xa.

Lần cuối, chúng tôi lấy máy bay xuống Osh, một thành phố lớn thứ nhì, với dân số 243,300 và là quê của con rể chúng tôi. Giờ bay chỉ gần một giờ, nếu lái xe cần một ngày đường vì phải vượt qua một rặng núi ngăn hai miền Bắc-Nam. Con rể tôi nói, đường đi quanh co nhưng trên các đỉnh cao ngắm toàn cảnh rất hùng vĩ.

Vợ chồng tác giả với khu lều Yurt tân trang (ảnh tác giả gửi)

Khác với Bishkeh, thành phố Osh còn giữ nhiều nét của một thời Con Đường Tơ Lụa xưa. Nhiều khu đường phố rộng không thẳng đường và không có vỉa hè. Đặc biệt nhất khu chợ trời còn sót lại, rất rộng, gồm nhiều mẫu đất. Trên đó, gồm những căn lều lớn phủ bạt, có những khu gian hàng dựng bằng vật liệu nhẹ, hình như lúc nào cũng thấy họ sửa sang chắp vá lại. Họ bày bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ các đồ dùng nhỏ nhặt gia dụng, trong nhà, giầy dép quần áo, đồ chơi, hàng nhựa cho tới nữ trang bằng vàng thật.

Đặc biệt có hai khu – khu bán hương liệu, hoa quả thực phẩm khô để dễ dàng mang theo cho những cuộc hành trình xa; và khu thợ rèn, có nhiều tiệm, tiếng búa đập trên đe chói chang vang cả một vùng. Nghề thủ công này tôi từng thấy ở những làng quê Bắc Việt hồi thập niên 1940. Nhìn những thân hình mồ hôi bóng nhẫy, bắp thịt nổi cuồn cuộn giơ cao búa, nện liên tiếp xuống mảnh thép đỏ rực đang được rèn thành một vật dụng, tôi tưởng cảnh tượng này như đã biến mất trên Trái đất từ lâu rồi. Có một điều khác biệt ở đây là, thay vì có một người kéo bễ để thổi lửa thì họ dùng bình khí đốt.

Tôi có để ý đến những thứ họ sản xuất ra, vẫn là những vật dụng cổ truyền cá nhân của nghề nông như liềm, cào, dao rừng… hay những thứ gia dụng bằng kim khí. Còn có những thứ khác mà tôi không hình dung được để dùng làm gì. Tôi nghĩ nghề thợ rèn này còn tồn tại từ những thế kỷ của Con Đường Tơ Lụa, từ thời những cuộc hành trình hàng ngàn dặm thồ hàng trên lưng ngựa hay lưng lạc đà. Chắc chắn xã hội ngày nay ở đây vẫn còn cần đến, cho những nhu cầu riêng biệt, những thứ mà thế giới tiến bộ dập khuôn sản xuất hàng triệu vật như nhau không thích hợp với họ.

Hôm sau Umar chở chúng tôi thăm làng quê, nơi còn người bà nội và các chú bác anh em. Chúng tôi lái xe qua những vùng ruộng đồng mênh mông, không bị phân chia nhỏ, chắc chịu ảnh hưởng của thời hợp tác xã tập thể. Xe chạy trên một xa lộ dài khá tốt, quang đãng an toàn, đây là con đường vòng đai của Trung Cộng làm, con đường Tơ Lụa Mới. Xe dừng nghỉ và đổ xăng tại một “rest area” khá lớn, gồm một nhà hàng gần trăm bàn, trần cao trang trí hợp thời.

Thức ăn nóng, bánh trái hoa quả tự chọn trong các quầy kính dài tiêu chuẩn. Bên cạnh là những tiệm bán hàng lưu niệm. Các phòng vệ sinh được trông nom sạch sẽ thường xuyên. Trung Cộng còn làm một đường xe lửa dài hơn 400km, nhưng chúng tôi không có dịp đi thăm. Kyrgyzstan cũng như nhiều quốc gia khác đã mắc vào cái bẫy nợ không biết bao giờ mới trả xong. Trong thời đại dịch, kinh tế khó khăn khiến nước này đã phải xin khất nợ. Riêng Nga thì đã có lần xóa hết nợ cho Kyrgyzstan.

Gọi là làng, vì đất rộng nên nhà này cách nhà kia khá xa, không xây chen chúc sát nhau. Nhà được xây bằng gạch rộng rãi khang trang, trần cao, thềm nhà có bậc, tường dày, cửa kính, mái nhiều lớp để chống cái rét trong mùa tuyết lạnh. Nhiều gia đình sống tam đại đồng đường, có xe hơi để di chuyển.

Tôi có cảm tưởng họ sống gần như tự túc, có vườn trồng rau, cây trái. Nước dùng cho gia đình và tưới rau được dẫn bằng một đường ống cao su từ các con suối, chảy thường xuyên tràn trên sân gạch ra vườn, không cần bể chứa. Nhà nào cũng có một dẫy chuồng nuôi súc vật dê, cừu… và cỏ khô chất đống để nuôi gia súc trong mùa đông. Có nhà lại làm nhiều tổ nuôi ong lấy mật trong vườn.

Họ hàng của Umar khá đông ở Osh, nhà cửa trang trại khang trang, có ông chú là biện lý, hai vợ chồng người em là hai bác sĩ chuyên khoa… Họ rất ân cần, hiếu khách, từng gia đình thay nhau tiếp chúng tôi nồng hậu. Bữa tiệc nào cũng thấy đầy đủ họ hàng con cháu trong nhà, theo cách truyền thống, thức ăn thịnh soạn bày đầy trên một bục rộng có trải thảm chiếm gần hết căn phòng, mọi người ngồi quanh, có những chiếc gối thêu lớn dùng để ngồi hay để dựa vào tường.

Những căn lều trên thảo nguyên – hình ảnh thường thấy khắp Kyrgyzstan (ảnh: dastan-suiuntbekov-unsplash)

Tôi có dịp đi quanh nhà, thăm khu vườn rộng như một trang trại nhỏ. Theo dọc một con đường đá nhỏ, hàng rào cây hai bên nở đầy hoa. Cảnh quá thanh bình, bao nhiêu năm chiến tranh không đến với họ. Tự nhiên tôi nhớ đến cái tình tự quê hương của một thời xa xôi lắm, cũng có thanh bình, có khu vườn trồng cải vàng với bướm trắng, có hàng rào hoa dại, có đường vào xóm giếng ngày xưa vắng lặng… Tôi trèo lên một sườn đồi cao lúc nào không biết, nhìn xuống dưới, một con suối lớn nước chảy ào ào, vỗ vào các tảng đá giữa dòng tung bọt trắng xóa. Tôi lại nhớ đến những giấc mộng lãng mạn ngày còn trẻ.

Nhớ bài hát Suối Mơ của Văn Cao:

“Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối,
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát,
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi”

Nhớ bài thơ Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính:

“Nhà tôi ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường.
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
”…

Trước khi rời làng, tôi nói đùa với một ông chú của Umar là tôi muốn ở lại đây, có một căn nhà xây bên dòng suối, ông ta bèn nói với tôi ngay không suy nghĩ: “Ông cứ chỉ cho tôi bất cứ chỗ nào đất còn trống, chúng tôi sẽ giúp ông dựng căn nhà như ý của ông”. Chuyện đùa nhưng nghe quá dễ dàng thành sự thật. Tôi nhớ có hẹn anh chủ tiệm Phở Hà Nội quay trở lại nhưng chúng tôi không còn đủ thời giờ vì sau đó vợ chồng cô con gái lại đưa đi thăm các vùng xa. Xin để lại lời chào và mong có ngày gặp lại.

*****

Trong lòng tôi lúc nào cũng muốn quay lại thăm lại rặng Thiên Sơn quanh năm phủ tuyết, những vùng thảo nguyên mênh mông, những đồi cỏ chập chùng lượn sóng, cảnh những đàn ngựa thả hoang in hình trên những ngọn đồi cỏ, và những đêm ngủ trong các lều du mục… của một vùng đất còn dấu nguyên thủy, như những viên đá quý còn giấu kín chưa tìm thấy.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, ngoài các chỉ số mà các nước vất vả cố nâng cao lợi tức đầu người, sản lượng quốc gia và đạt được những cái đích phát triển khiến cuối cùng đưa đến kết quả là tạo ra một xã hội tranh đua đến độ thiếu nhân bản và đạo đức, chắc là còn phải tìm đặt ra những chỉ số hạnh phúc căn bản cho nhân loại mà chúng tôi vừa sống ít ngày với những người của thời Tơ Lụa, trong một vùng thảo nguyên mênh mông, an bình với những giấc mơ xưa…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: