(ảnh: Zwaddi/Unsplash)

Trong cuộc sống, nơi sâu thẳm của vô thức ai cũng âm thầm đi tìm một tri kỷ. Tri kỷ nghĩa là người hiểu mình, một cái hiểu sâu sắc, không phải là mớ tri kiến, sành đời, không phải a dua, không phải cùng nhóm đảng, không phải cùng ý thức hệ mà một cái hiểu thẩm thấu về tâm hồn, tình cảm, ước mơ, lý tưởng… Cái hiểu không đòi hỏi, không lên án, không phe phái… Một mối tình bạn trong sáng, trân trọng, yêu thương.

 Cố nhiên ta không đòi hỏi tri kỷ phải hiểu ta tuyệt đối, vì chính ta đã hiểu hết ta đâu! Chỉ cần một người bạn chấp nhận, thông cảm, có mặt, lắng nghe, nâng đỡ ta khi ta chìm xuống, hiểu ta tới một mức nào đó mà ta có cảm tưởng tin tưởng nơi người ấy khi chia sẻ nỗi lòng.

 Trên đời này mà có một người hiểu ta là một ân huệ rất lớn. Nhất là trong cuộc sống nhiêu khê này, có người bạn như thế thì đời ta đỡ khổ biết chừng nào. Chỉ cần nghĩ về người đó thôi, ta cũng có cảm giác bình an rồi. Có lúc tìm mãi mà không tìm ra một tri kỷ nên ta nghĩ rằng chỉ có mình là tri kỷ của mình thôi, đi tìm sự hiểu biết từ một người khác là một ảo tưởng.

 Đúng! Tri kỷ là một người hiểu một người, và ta có thể là người ấy, nhưng hãy cẩn thận, vì suy nghĩ này có thể rất chủ quan, có chất liệu tự hào, kiêu ngạo, bởi ta nghĩ rằng ta là người giỏi nhất, nên chẳng có ai trên đời này hiểu ta ngoài ta. Đây không phải là tri kỷ là tự kỷ, tự hào, tự phụ.

 May mắn tôi tìm ra những tri kỷ. Thầy tôi là tri kỷ của tôi, bởi trên đời này Thầy tôi hiểu tôi nhất. Sư anh Nguyện Hải là tri kỷ của tôi, nắng mai là tri kỷ của tôi, em tôi là tri kỷ của tôi, chị tôi là tri kỷ của tôi, dòng sông Bình Quới là tri kỷ của tôi…

 May mắn cho tôi, gần đây tôi có thêm một tri kỷ; đây không phải là nắng, là mây, là dòng sông đâu mà là một người bạn, một người học trò, một người thương mà tôi tin tưởng.

 Trong cuộc đời, tôi thương nhiều người lắm, nhưng tri kỷ là người mà tôi tin tưởng và hiểu tôi. Tại sao tôi tin chắc bạn này là tri kỷ của tôi, bởi tôi tin tưởng người này. Tôi trải lòng mình ra với người này như trải lòng ra với nắng mai, với dòng sông. Tôi tâm sự thật nhiều, thật thoải mái và rất thật với người này mà không cảm giác sợ hãi. Tôi dám nói tất cả những gì đang còn nóng hỗi trong trái tim và tâm hồn tôi.

 Đối với tôi, tri kỷ là người hiểu ta, nhưng câu hỏi là ta có chịu mở lòng ra để người ấy hiểu ta không? Ngồi bên dòng sông, ta có thật sự mở lòng với dòng sông hay không? Đi trong nắng mai, ta có mở lòng ra cảm giác sự ấm áp trên da thịt không? Ngồi bên Thầy, ta có mở lòng ra với Thầy ta hay không? …

 Nhiều lúc tâm hồn ta là một cánh đồng tuyết trắng; nó lạnh ngắt, băng giá, chỉ có gió buốt, chỉ là một màu trắng mịt mù che phủ mây mờ sương khói. Do thế tâm ta dễ nghi ngờ người khác nên ta thường cảm giác sợ hãi và cô đơn. Ta sợ hiểu lầm, sợ lên án, sợ thị phi… Nỗi sợ này cũng có nguyên nhân chính đáng, vì cuộc đời có lắm thị phi. Đi đâu, tới đâu, nơi nào cũng có những chuyện nói xấu người thứ ba, thứ tư, người này, người nọ, nhóm này, nhóm kia.

 Ta muốn rút lui trong góc nhỏ, cái vỏ sò cô độc, khung cửa vắng, cánh đồng riêng biệt. Ta xa lánh con người. Ta chỉ muốn sống với thiên nhiên, vì thiên nhiên đâu có nói năng gì! Càng xa lánh con người ta càng cảm giác cô đơn, bởi vì ta cũng là một con người như bao nhiêu tâm hồn cô đơn, lạnh giá khác.

(ảnh: Anders Jildén/Unsplash)

 Bạn có tâm trạng này không? Tôi cũng có tâm trạng này, nhưng tôi biết chấp nhận tính nết của con người. Có lúc tính con người rất là nhỏ nhen, ích kỷ, nói xấu, và nói xấu riết nên nó trở thành thói quen. Nói xấu vì ganh tỵ, phe đảng, bực tức, cố chấp, tự ái… Nói xấu là con vi trùng ăn sâu trong tâm hồn con người. Bạn hãy phát khởi lòng thương xót cho con người.

Sự thật chính người này mới đáng thương vì khi nói xấu ai, người này tự mình làm xấu tâm hồn của người này, người này tô vào tâm hồn một màu đen tối. Càng nói xấu tâm hồn người này càng nhỏ nhen, ích kỷ, tự hào.

 Theo tôi, nói ra những tính nết này để hiểu nhau, chứ ta không nên nghi ngờ con người, không nên suy nghĩ và nói về những cái không hay, chưa đẹp của con người. Ta không muốn tự mình làm hoen ố bức tranh tâm hồn ta. Ta không muốn ta trở thành cánh đồng phương bắc lạnh giá. Ta muốn làm ngược lại tính nết trên. Ta muốn có một thói quen mới là suy nghĩ và nói về những cái tốt, cái đẹp, cái thật, cái lành của người khác. Ta không lỗ lã gì đâu, bởi ta với con người làm bằng một cánh đồng tâm thức. Tâm thức là một cánh đồng năng lượng. Khi nghĩ và nói tốt, đẹp, lành, thật về bất cứ ai, thì chính ta là người hưởng những lời nói, suy tư lành đẹp ấy. Ta là hoạ sĩ, và ta vẽ vào cánh đồng tâm thức những màu xanh tươi sáng.

 Ta hãy tập trải lòng ra với sự sống. Ta tiếp xúc với sự sống bằng tâm hồn của một em bé vô tư, không suy tư, không so sánh, không đòi hỏi. Ta thấy nắng lung linh như thấy lần đầu, một cái thấy trong suốt, thiêng liêng, lạ lùng. Ta muốn khám phá thế giới màu sắc của nắng. Ta trở thành nắng. Tâm hồn ta cũng lung linh từng giọt nắng. Ta tập thấy tất sự sống bằng tâm hồn trẻ thơ trong suốt, vô tư, hồn nhiên.

(Pháp Bụt và Lời dạy Sư Ông)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: