Ảnh: eleni-bellou-unsplash

Tôi vừa rời quán ở phía trước có đậu một chiếc xe hủ tiếu để quảng cáo thì thình lình xuất hiện hai người đàn ông lạ mặt đang đứng nép bên thành xe xáp lại gần, hai bên kè chặt tay tôi, nói nhỏ vừa đủ nghe giữa phố xá đông người vào buổi sáng: Công an Tiền Giang có lệnh bắt anh. Tôi chưa kịp phản ứng gì, chỉ nhìn thấy rải rác bên kia đường, hiện lên các khuôn mặt đang chăm chú theo dõi hiện trường một cách rất nghiêm ngặt. Toàn thân tôi lạnh toát, bước đi như tượng gỗ, không nói được một lời cũng như không có thái độ nào để kháng cự lại vì quá bất ngờ.

Khi ra khỏi khu thị tứ chừng một khoảng ngắn vừa đủ thưa người, tất cả những gương mặt lặng câm hơi ngờ nghệch ban nãy bắt đầu vây quanh tôi để làm nhiệm vụ thật nhanh chóng và chuyên nghiệp. Dừng lại bên vệ đường, cạnh chiếc Toyota đời cũ màu trắng, họ đưa cho tôi một tờ giấy và yêu cầu tôi viết hàng chữ “Em ra gặp anh gấp, có chuyện anh cần nói với em”, rồi đưa cho một anh đứng gần đó mang đi.

Ngay sau đó, họ bắt đầu trói thúc ké, siết chặt một sợi dây nilon vòng qua hai cánh tay tôi, lên sát gần tận nách. Tôi nhìn thẳng một người có vẻ mặt tai tái, màu bánh mật, trước khi anh ta bước tới dùng khăn vải dày màu đen bịt kín mắt và cột thật chặt phía sau. Một người đè lên vai tôi, đẩy vào phía trong xe, rồi ngồi sát vào phía bên phải, hơi chuyển động nhẹ, nhích lên xuống, cạ vào hông tôi một vật rất cứng, ngầm cho tôi biết là đừng có hòng.

Khoảng nửa giờ sau, tôi nghe tiếng xe gắn máy ngừng lại bên hông xe cùng với tiếng mở cửa xe phía bên trái và rồi có tiếng khóc uất nghẹn, kinh hoàng thật yếu ớt.

-Sao vậy anh?

-Không sao đâu em.

Sau đó xe lăn bánh rời Củ Chi thẳng đường về Tiền Giang. Ngoài tiếng máy xe nổ đều hòa cùng với tiếng khóc ri rỉ bên cạnh, tôi không còn nghe thứ âm thanh nào khác. Chỉ chừng hơn hai tiếng đồng hồ sau, khi xe dừng lại, tôi chợt nghe có tiếng khóc thét thật to cùng lúc tôi được kéo ra khỏi xe. Tôi chỉ kịp nghiêng quay sang phía nhà tôi, nói nhỏ: Không sao đâu em… Tiếng khóc mỗi lúc một xa dần trong nỗi đau xót dường như bất tận.

___________________

Từ ngày hết hạn quản chế tại Cai Lậy, tôi xuống Mỹ Tho tham gia tổ hợp sản xuất xà bông kem với một vị thầy cũ dạy Lý Hóa hồi ở trường trung học. Tôi được thầy cho sinh hoạt ăn, ngủ luôn trong cơ sở sản xuất. Thông thường, tôi xin giấy phép đi đường thời hạn từng tháng do công an khu vực cấp, ghi rõ địa điểm nơi đến, có xác nhận chữ ký của tổ trưởng tổ hợp. Ban đầu chỉ là công việc làm ăn bình thường nhưng thầy không trả lương tháng mà lại trả thù lao sau mỗi đợt nấu xà bông. Thầy chia tiền rất hậu hỉ tùy theo mức tiêu thụ sản phẩm. Bấy giờ xà bông là mặt hàng hiếm vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Tổ hợp có sáng kiến sử dụng dầu trái cao su làm thành xà bông kem, giá thành rẻ nên bán rất chạy.

Sau đó, tôi quen một anh kỹ sư trước 1975 làm ở xí nghiệp thuốc lá Sài Gòn; xin xí nghiệp nhượng lại một ít hương liệu dùng ướp thuốc lá để đem về trộn vào xà bông kem. Sản phẩm được quảng cáo khắp Mỹ Tho. Tổ hợp phát triển mạnh, thuê mướn nhiều nhân công. Được chừng nửa năm, tổ hợp bị sáp nhập vào Liên hiệp xã công thương nghiệp Mỹ Tho. Thầy nghỉ việc từ đó và trước khi rời Mỹ Tho về quê Bến Tre, thầy tặng cho tôi một số tiền. Từ đó tôi bắt đầu liên lạc một số anh em chế độ cũ để tìm đường vượt biên.

Tôi có người quen thân với gia đình bên vợ của người chú ruột ở cù lao Tân Thới. Thế là chúng tôi tổ chức đóng ghe và móc nối những người quen biết. Việc chính của tôi là thu góp tiền, vàng. Công việc kín đáo và cẩn thận. Chủ ghe có hộ khẩu tại cù lao, xăng nhớt trữ ở nhà máy xay lúa. Tài công và thợ máy là người địa phương quen biết dưới sự điều động của một vị cựu sĩ quan Hải quân VNCH. Gần cuối năm, mọi việc tương đối xong xuôi, chỉ còn việc vô cùng quan trọng là sắp xếp đưa rước người làm sao cho an toàn và kín đáo đến địa điểm “ém quân” ở cù lao Tân Thới. Trong khi chờ ngày vượt biển, tôi xin phép công an đi đường nửa tháng ra Kontum để làm lễ cưới. Cưới xong về tạm trú ít ngày ở Sài Gòn rồi cùng đi vượt biển.

Theo kế hoạch, tôi và cựu Hải quân Đại úy T. định ngày ra cửa là vào một trong ba tối 28, 29 hoặc 30 Âm lịch. Tất cả khách đều là người chế độ cũ, không có trẻ em. Mỗi gia đình chỉ được hai người, không thêm bớt, chính xác là 38 người. Phân nửa khách ở Sài Gòn và miệt trên do tôi hướng dẫn sẽ đi theo hướng Cầu Nổi về Gò Công vào sáng 26 Âm lịch. Đại úy T. sẽ hướng dẫn khách từ Mỹ Tho đi xe đò về Gò Công Tây vào trưa 26 Âm lịch. Tất cả, từng tốp ba, bốn người, tập trung ở bến phà Rạch Vách (Vĩnh Hựu) thuộc Gò Công Tây. Bên kia bờ là cù lao Tân Thới. Mọi người qua phà từng đợt, di chuyển rải rác dọc theo cù lao. Hai anh em ruột người địa phương là S. và S. đón khách ở bên cù lao rồi lần lượt dẫn họ về nhà, chờ nửa đêm làm nhiệm vụ taxi, dùng xuồng ba lá đưa khách ra ghe lớn nằm đậu sẵn ngoài khơi Cửa Tiểu phía dưới xã Tân Phú.

Khuya 27 Âm lịch, đúng lịch trình, hai chiếc taxi (xuồng ba lá) bắt đầu đưa khách mỗi chuyến 4, 5 người ra vàm. Trời tối đen như mực, mọi người núp theo bờ bụi ven sông chờ tới phiên mình ra ghe lớn. Hai anh em S và S chèo ghe trong đêm rất thạo cho đến chuyến áp chót. Tôi chợt có linh tính vì thấy hai anh em có vẻ hơi lúng túng khi rước khách. Khi bước xuống ghe taxi để ra ghe lớn, vừa thấy chiếc dép kẹp bằng nhựa màu xanh dương nước biển, tôi nói nhỏ với tài xế taxi, em S. vừa đủ nghe:

– Anh bỏ quên túi tiền, vàng trên bờ. Em đợi chút xíu để anh lên lấy rồi xuống ngay.

Tôi nói với ba người chuẩn bị đi chuyến chót cùng lên bờ phụ tôi tìm túi xách. Vừa bước xuống bờ, tôi quay sang mọi người nói nhỏ “bể rồi.” Mạnh ai nấy chạy. Vợ chồng tôi dắt díu nhau chạy ngược vô bờ về hướng nhà anh Ba, người anh vợ của chú tôi, thay quần áo và nhờ chèo xuồng ba lá xuống phía dưới bến đò ngang Vĩnh Hựu để qua sông trước khi trời rạng sáng. Khi qua được bên kia sông, tôi dự định đi theo đường tỉnh lộ ngược về Gò Công để thoát về Sài Gòn. Tại bến đò Vĩnh Hựu, anh Ba vào nhà hỏi thăm người bà con có ghe chài cỡ lớn chuẩn bị chở dừa khô về Sài Gòn theo hướng kênh Chợ Gạo, khởi hành lúc 3 giờ sáng. Anh Ba gởi chúng tôi lên ghe và nhét vào túi tôi một ít tiền.

Khi ghe cập bến, tôi thuê xe về ngay khu lò da Phú Thọ Hòa, ghé nhà một anh bạn người Hoa có vợ người Củ Chi. Tôi trình bày tất cả sự việc và nhờ anh giúp. Anh bạn giới thiệu tôi cho người em vợ của anh ta, Cao Văn X., đang làm nhân viên hợp đồng thu mua nông sản cho Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp huyện Củ Chi. Tôi đưa vợ về tạm trú nhà người thân trong cư xá công nhân cũ ở ngã tư An Khánh, Thủ Đức rồi một mình đi ngay lên địa chỉ nhà được giới thiệu ở xã Phú Hòa Đông, Củ Chi.

Đến Củ Chi được hai hôm, anh X. chở tôi qua thăm người bác của anh ta tại tư gia. Sau vài câu xã giao, anh giới thiệu tôi là người “miền Tây” muốn kiếm việc làm. Tôi đưa giấy chứng nhận hồi còn làm ở tổ hợp xà bông tại Mỹ Tho (Trình độ: Tốt nghiệp Đại Học. Chức vụ: Kỹ thuật viên Hóa chất).

Lúc bấy giờ mới bước vào thời kỳ đổi mới nên các cơ quan nhà nước, nhất là bộ phận làm kinh tế luôn náo nức mở rộng thị trường và làm ăn rất thông thoáng. Sau khi bàn bạc về thị trường thu mua nông sản, và việc thương nhân buôn lậu da trâu, bò qua vùng biên giới Việt Nam-Campuchia đang thịnh, chúng tôi thống nhất với nhau là anh sẽ giới thiệu tôi là kỹ sư hóa chất, chuyên ngành thuộc da.

Công ty bắt đầu đưa người đi đến các chốt cùng với công an và quản lý thị trường để vừa kiểm soát vừa thu mua da trâu, bò tươi mổ lậu ở các địa điểm gần biên giới. Tôi thỉnh thoảng theo dõi và tìm hiểu nguồn da cung cấp từ biên giới. Thông thường lái buôn sang mua trâu, bò từ bên Campuchia rồi mướn người lùa qua biên giới bán lại cho các tay trung gian chuyển đến các lò mổ lậu trong vùng, vừa cung cấp thịt lậu vừa mua bán da tươi. Họ đi qua lại biên giới trong ngày rất dễ dàng. Tôi bắt đầu làm quen thân với các tay lái buôn nầy và người lùa trâu qua biên giới. Có hôm tôi còn cùng với anh X. theo họ sang tận bên Campuchia để nắm vững đường đi nước bước. Tôi chờ cơ hội để hai vợ chồng theo lái buôn trâu, bò sớm vượt biên sang Campuchia…

________________

Khi tiếng máy xe hơi dần xa khuất, hai công an mặc thường phục xốc nách tôi dừng lại trước cửa phòng mở sẵn. Họ tháo khăn bịt mắt và cởi trói đẩy tôi vào. Chỉ thấy mờ mờ hai bóng người ngồi trong xó tối. Tôi im lặng trong khoảng gần nửa giờ. Sau đó người đàn ông đứng tuổi trong phòng lên tiếng:

-Bị bắt ở đâu vậy?

-Ở chợ Củ Chi.

-Bị bắt về vụ gì?

-Chưa biết.

Tôi hơi mệt và lo lắng nên không muốn nói thêm. Lo nhất là không biết họ chở nhà tôi đi đâu. Sáng hôm sau, công an đưa tôi lên lầu. Chờ chừng 15 phút, một người đàn ông tướng to cao, trắng trẻo đẹp trai, mặc sơ mi ngắn tay màu nhạt bỏ ngoài quần, bước vào cười nhẹ hỏi tôi có biết đang ở đâu không. Sau đó ông yêu cầu kể lại mọi việc cũng như những mối quan hệ từ khi đi cải tạo về. Tôi bắt đầu khai. Tôi viết thoải mái vì đã rất quen thuộc với việc “tự khai” kể từ sau ngày 30 Tháng Tư 1975.

Tôi có một nguyên tắc từ hồi còn cải tạo ngoài Bắc là đã đến nước nầy thì chỉ nên khai thật những sự việc liên quan đến mình, không có hay có rất ít về người khác, may ra sẽ tránh được sự tra tấn; đặc biệt không đổ cho ai. Cán bộ hỏi là làm sao tôi thoát được. Tôi trả lời là do hai anh em tài xế taxi ra hiệu cho biết “bị bể”. Tôi không nói rõ sự nhạy bén của mình trong diễn tiến sự việc vì sẽ gây nhiều ác cảm đối với công an điều tra. Cuối cùng sau chừng hơn bốn tháng, họ chuyển tôi về Phòng Chấp Pháp (P15) thuộc Công an tỉnh Tiền Giang để làm thủ tục tạm giam.

Về tới buồng giam số 1 ở cơ quan chấp pháp, ngay chiều hôm ấy, anh T. đưa cơm ở nhà bếp cho tôi biết nhà tôi đã được thả về cách nay mấy hôm. Cuối cùng, anh em chuyền tin cho tôi biết là trên chuyến đi do tôi tổ chức, có một người khách nguyên là cựu Hạ sĩ quan Hải quân (thuộc cấp của cựu Đại úy T.) đã bí mật hợp tác với công an từ trước, được gài vào chuyến đi để điềm chỉ. Ở trại giam chấp pháp, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đánh đập tàn nhẫn, dã man của công an. Tôi tiếp tục bị thẩm vấn và chịu nhiều căng thẳng ở P15 thêm ba tháng nữa mới kết thúc cuộc điều tra, sau đó tôi được chuyển xuống trại giam tỉnh Tiền Giang để chờ đưa vô trại cải tạo Mỹ Phước thụ án lao động cải tạo với tội danh “Tổ chức đưa người vượt biên trái phép”.

Sau ba năm lao động khổ sai ở trại cải tạo Mỹ Phước cho đến giáp Tết Kỷ Tỵ (1989) tôi được thả, cũng là lúc Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc quyết định đóng cửa các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, không nhận thuyền nhân nữa, đồng thời sẽ đưa hầu hết thuyền nhân còn lại ở các trại về nước. Thật là hết đường hy vọng. Nhưng khi về đến Cai Lậy vài tháng thì có tin vui giữa hồi tuyệt vọng là chương trình HO do chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ cho người thuộc chế độ cũ có ba năm cải tạo trở lên sẽ được chính thức nộp đơn xin định cư Hoa Kỳ. Chờ đợi thêm bốn năm, ngày 8 Tháng Mười Một 1993, vợ chồng tôi cùng với một đứa con nhỏ đặt chân xuống phi trường Los Angeles…

Tác giả trong lễ tốt nghiệp Đại học Long Beach, Class of 2002 (cùng vợ và con gái) – ảnh: tác giả gửi
Gia đình tác giả (vợ chồng và hai con gái) – ảnh: tác giả gửi

__________________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: