Tâm lý mòn mỏi với cục diện Ukraine

Một người lính Ukraine trên mặt trận Donetsk Oblast ngày 11 Tháng Mười Một 2023: Chiến tranh chừng nào kết thúc? (ảnh: Diego Herrera Carcedo/Anadolu via Getty Images)

Trong một bài tiểu luận và cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Economist, ông Valery Zaluzhny, vị tướng hàng đầu của Ukraine, đã công khai nêu rõ “những sự thật hiển nhiên” trên chiến trường: Ukraine đang ở trong thế giằng co với Nga và rất có thể sẽ không bên nào có bước đột phá lớn và ý nghĩa!”.

Kiệt sức và mệt mỏi

Tuyên bố của Zaluzhny cho thấy Ukraine cần thay đổi chiến lược trong cuộc chiến chống xâm lược Nga, ngay cả khi Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu vẫn tiếp tục giúp đỡ như trước. Vị tướng nhấn mạnh:

“Hiện nay Ukraine và Nga đều đạt đến trạng thái không biết phải làm thế nào trong các chiến hào, giống như thời Đệ nhất Thế chiến, và không bên nào có thể giành được lợi thế trước đối phương. Thực tế đơn giản là chúng tôi biết những gì kẻ thù đang làm và họ cũng biết mọi việc chúng tôi đang làm. Nhưng cả hai đều giậm chân tại chỗ, không biết cái gì đang chờ phía trước. Để phá vỡ sự bế tắc, chúng tôi cần điều gì đó mới mẻ. Ukraine cần một bước nhảy vọt về công nghệ, phải có sức mạnh không quân mới, pháo binh mới, khả năng tác chiến điện tử và công nghệ dò mìn”.

Thêm vào tuyên bố u ám của Zaluzhny, những gì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky suy nghĩ trong bài viết trên tạp chí TIME mới đây đã phản ánh mối lo phương Tây đang bỏ rơi Kyiv trước khi lực lượng của họ có thể đẩy lùi quân xâm lược Nga. Zelensky nói: “Điều đáng sợ nhất là một phần thế giới đã nhàm chán với cuộc chiến Ukraine. Tâm lý kiệt sức vì chiến tranh đang lan nhanh như cơn sóng. Bạn nhìn thấy nó ở Hoa Kỳ, ở châu Âu. Giống như phải xem một bộ phim nhiều lần, khi sự mệt mỏi đến khán giả sẽ phàn nàn: Tôi không thể xem lại bộ phim này lần thứ… 10 nữa!”.

Về mặt quân sự, Ukraine đã làm hết sức có thể. Họ đã mở được hành lang vận chuyển ngũ cốc, đẩy lùi lực lượng Hải quân Nga bằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái. Trong chiến đấu trên bộ, lực lượng Ukraine đã gây thiệt hại rất lớn về thiết giáp và nhân lực cho quân Nga.

Trong trận chiến giành thị trấn Avdiivka vào Tháng Mười, thương vong của Nga có lúc lên tới 900 người trong chỉ một ngày. Tuy nhiên, người ta vẫn có cảm giác cuộc chiến này chiến tranh đã bị đình trệ. “Chúng ta cần đoàn kết lại! – Zelensky trấn an người dân trong chương trình truyền hình “Meet the Press” – Quân đội chúng ta đang thiết kế các kế hoạch khác nhau và các hoạt động khác nhau để phản công nhanh hơn và bất ngờ hơn”.

Tốc độ chuyển giao vũ khí của phương Tây cho Ukraine hiện vẫn ổn định nhưng “chừng mực và thận trọng” khiến Zelensky thất vọng. Ukraine nghĩ các đồng minh chỉ giúp họ tồn tại chứ không phải giành chiến thắng, một phần vì lo ngại của Tổng thống Biden về việc Nga đưa cuộc chiến ra ngoài Ukraine. Trong vài tuần tới, Quốc hội Mỹ có thể vực dậy tinh thần chiến đấu và nhịp độ chiến tranh của Ukraine bằng cách thông qua một gói viện trợ kinh tế và quân sự đủ để không xảy ra những gián đoạn khiến Ukraine bị thất thế trên chiến trường. Bất chấp sự miễn cưỡng của một số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện, vẫn có đa số khá lớn ở cả hai viện ủng hộ một gói như thế.

Chiến thuật câu giờ và chờ đợi của Nga

Hoa Kỳ và các đồng minh cũng cần nỗ lực ngăn chặn Kremlin vi phạm mức trần $60/thùng áp đặt cho dầu xuất khẩu của Nga (các công ty phương Tây chỉ được vận chuyển, buôn bán hoặc bảo hiểm dầu của Nga có  giá bán bằng hoặc thấp hơn mức trần nếu không sẽ phải đối mặt với các hình phạt).

Để lách quy định này, các công ty dầu mỏ và thương nhân Nga đã ranh ma xây dựng một đội tàu chở dầu thay thế. Các khách hàng lớn nhất của họ, Trung Quốc và Ấn Độ cũng không tôn trọng mức trần khi mua dầu giá rẻ của Nga. Nhìn chung, doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong Tháng Mười đã tăng hơn 1/4 so với cùng kỳ năm 2022, quá đủ để giúp Nga nuôi béo bộ máy chiến tranh. Muốn mức trần có thực chất, phương Tây cần áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người tạo điều kiện cho “hạm đội chở dầu bóng tối”.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài (như Tổng thống Latvia vừa cảnh báo) phải được xem là mối nguy hiểm thực sự đối với Kyiv vì Ukraine phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp và hỗ trợ từ bên ngoài chứ không thể tự lực tự cường. Với Kremlin, ngân sách sắp được Quốc hội Nga thông qua có chi tiêu quốc phòng tăng 70% trong năm 2024 (chiếm gần 1/3 tổng chi tiêu công và gần 6% tổng sản phẩm quốc nội).

Rõ ràng, Putin đang hy vọng vắt kiệt sự kiên nhẫn của phương Tây cũng như nguồn dự trữ binh lính và trang thiết bị của Ukraine (có thể Putin cũng chờ đợi cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử và ý chí của Mỹ suy giảm mạnh trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine). Tất cả những toan tính này của Nga báo hiệu trước nguy cơ Ukraine sắp đối mặt với thực tế: Sẽ phải đàm phán với kẻ thù Nga, nơi đang áp dụng chiến lược sẵn sàng hy sinh không ngừng của cải và mạng sống trên chiến trường.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: