Tuốt gươm ra, nơi một chốn rất xa…

Đồi 881, gần Khe Sanh, Nam Việt Nam, 1960’s (Getty Images)

Bạo lực không hề, không thể tồn tại bởi tự nó,

Bạo Lực cố kết bất biến với Dối Trá.

Alexander Solzhenitsyn (1918-2008)

Diễn văn Nobel Văn Học 1972

Dẫn Nhập:

Mới lướt qua đầu đề bài viết, hẳn người đọc có thể nghĩ: Do người viết (Pnn) chuyển qua một đề tài “võ hiệp” hay chăng? Không phải thế, cũng không là bài “giới thiệu” sách “Tuốt Kiếm Phương Xa”, bản dịch của Phan Lê Dũng từ Drawn Swords in a Distant Land của George J. Veith theo nghĩa thông thường. Hoàn toàn không phải vậy, vì từ khi bắt đầu cầm viết, người viết đã (tự) biết rõ một điều: Nhận định, phê bình sách không thuộc về khả năng bản thân – Vốn chỉ là một Người Lính–Viết Văn viết những chuyện liên quan đến người, việc chính mình mà hơn nửa thế kỷ qua đến nay cũng không nên xong.

Nhưng bởi, hôm nay, nhân lần chiến tranh Nga-Ukraine khởi động từ Tháng Hai 2022, và cuộc ác chiến bùng nổ giữa nhóm khủng bố Hamas và Nhà nước Israel – Những tiếng mời gọi máu thêm một lần trỗi dậy! Lời kêu gào từ những thành phần trước đây đã từng mang danh là “tỵ nạn cộng sản” với những thế hệ thứ hai, thứ ba của phường hội “trí thức tiến bộ phản tỉnh” chống đối chiến tranh “đế quốc” (Mỹ) là đất nước chúng đang cư ngụ. Trong tình thế nầy, bài viết xét thấy là một cần thiết.

Một.

Chúng ta đang ở Tháng Mười Một 2023, đúng 60 năm trước,  Tháng Mười Một 1963 đã xẩy ra hai biến cố quan trọng. Trước tiên ở Sài Gòn, Nam Việt Nam với cuộc đảo chính quân sự diễn ra trong ngày 1 Tháng Mười Một, hậu quả là lần sát hại Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em, cố vấn Ngô Đình Nhu trong Ngày 2. Về phía Mỹ, vào ngày 22 Tháng Mười Một, Tổng thống Mỹ đời thứ 35, John F. Kennedy, bị bắn tử thương tại Dallas, TX.

Hai biến cố trọng đại nầy có những nguyên nhân, diễn tiến, hậu quá khác nhau mà giới nghiên cứu Mỹ, Việt, trên thế giới đến nay vẫn chưa thể có kết luận chính xác, cụ thể, chung nhất. Thế nên, đối với vấn nạn lịch sử 69 năm trước, sách Tuốt Kiếm Phương Xa của Phan Lê Dũng chuyển dịch từ Drawn Swords in Distant Land của George J. Veith, không hề là ngẫu nhiên sẽ giúp người đọc thuộc thế hệ tìm hiểu một cách khách quan mối liên hệ trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam/Nam Việt Nam trong suốt thời gian dài trước, sau kể từ kết thúc 30 Tháng Tư 1975.

Ngày 8 Tháng Năm 1957, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm chính thức thăm viếng Mỹ. Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Foster Dulles đón tại cầu thang máy bay với lời chúc tụng nồng nhiệt nhất đối với một nguyên thủ quốc gia, lại là một nước nhỏ xa xôi vừa mới thành hình ở Đông-Nam Châu Á, 26 Tháng Mười 1955. Tổng Thống Diệm được báo chí tung hô như một kỳ nhân (miracle man), đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội, họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia, được đón rước dọc Đại Lộ số 5, Nữu Ước…

Nhưng những lời xưng tụng trên báo chí, từ Quốc hội Mỹ, của chính quyền Tổng thống Eisenhower (Đảng Cộng hòa) qua thập niên 1960 hoàn toàn thay đổi. Thật ra chỉ ba năm kể từ 1957, bắt đầu với chính quyền của Tổng thống Dân chủ John Kennedy (1961-1963), thế hệ lãnh đạo mới của Mỹ sau lần Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, 1945, mở đầu Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Tư Bản-Cộng Sản (1960-1989).

Tháng Tám 1963, Tổng thống Kennedy cử Đại sứ Henry Cabot Lodge (1902–1985; thượng nghị sĩ/Cộng hòa tiểu bang Massachusetts) đến Sài Gòn thay thế Đại sứ Frederick Nolting, một người có lập trường yểm trợ chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đại Sứ Lodge không chỉ thay thế ông Nolting trong nhiệm vụ hành chính-ngoại giao thông thường, ông đến Sài Gòn với một nhiệm vụ quan trọng hơn hẳn.

Cần nói rõ chi tiết, Đại sứ Lodge và Tổng thống Kennedy thuộc về hai gia đình đối thủ chính trị của nhau qua nhiều thế hệ, cùng ở tiểu bang Massachusetts; một người thuộc đảng Cộng hòa, một người là Dân chủ. Năm 1946, khi Kennedy đắc cử dân biểu lần đầu tiên, Lodge đắc cử nghị sĩ lần thứ ba. Là đối thủ chính trị qua nhiều đời, nhưng tại sao Kennedy chọn Lodge làm đại diện cho mình tại Nam Việt Nam vào giữa năm 1963?

Dư luận cho rằng đấy là nước cờ cao, để chia sẻ bớt trách nhiệm nặng nề về vấn đề Việt Nam. Sử dụng đối thủ làm việc cho mình là cách tốt nhất để ngăn chỉ trích từ phía đối lập, và nếu thất bại, trách nhiệm phần mình cũng nhẹ hơn. Lodge là đại sứ thứ nhì được Kennedy gửi tới Sài Gòn, vào lúc tình hình ở đấy trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng. Khi mới cầm quyền, Kennedy đã cử một nhà ngoại giao chuyên nghiệp sang VNCH vào Tháng Năm 1961 là Đại sứ Frederick Nolting, thay thế đại sứ Elbridge Durbrow, do Tổng thống Eisenhower, người tiền nhiệm của Kennedy đề cử.

Vừa đến Sài Gòn, Đại sứ Lodge đích thân mời David Halberstam, Malcolm W. Browne, Neil Sheehan, nhóm ký giả của hãng thông tấn AP, truyền hình CBS, báo New York Times đã có mặt từ lâu tại Sài Gòn đến ăn cơm, tiếp xúc thân mật riêng tư để trao đổi câu chuyện, điển hình những lời “cố vấn” như sau của Sheehan về “chế độ; khủng hoảng Phật Giáo (xẩy ra từ 8 Tháng Năm 1963 tại Huế), về cuộc chiến….”. Sheehan cho “ý kiến/cố vấn”:

Tựu trung, chế độ Ngô Đình đã bị ghét bỏ, điên cuồng không cai trị được đất nước. (Nếu) Diệm (không có chức vụ, danh vị đi trước tộc danh) và gia đình tiếp tục cầm quyền thì cuộc chiến tất sẽ thất bại. (Nếu) chế độ họ Ngô được thay thế bởi một chế độ quân nhân thì không có gì bảo đảm các ông tướng sẽ hành xử khá hơn, nhưng hy vọng là họ sẽ có thể”. Sheehan “cố vấn” tiếp: “Với họ Ngô Đình nhìn về tương lai thì chỉ có thất bại!”

(Neil Sheehan, A Bright Shining Lie. New York, Random House 1988. Page 359). (Lưu ý: Neil Sheehan sinh 1936, khi “cố vấn” cho Đại sứ Logde quyết định vận mệnh Dân Tộc/Chiến Tranh Việt Nam, Sheehan mới 27 tuổi-Pnn).

Không phải vô cớ và vô tình, Đại sứ Lodge chọn Sheehan, Halberstam… để mời ăn khi tới Sài Gòn, vì bài báo của những người nầy đã được William Averell Harriman (1891-1986); nhà ngoại giao được đánh giá cao/cao nhất của chính giới Mỹ thuộc đảng Dân chủ) để ý đến từ khi nhân sự nầy giữ chức Giám Đốc Đông Nam Á Vụ, tiếp theo chức Phụ Tá Ngoại Trưởng về ngoại giao, nhường ghế giám đốc lại cho Roger Hilsman (Ibd, Pg. 359).

Phải nói rõ thêm: Hệ thống nhân sự Harriman, Hilsman từ lâu vốn mang mối thâm thù chính trị quyết liệt đối với Tổng thống Diệm khi nhà lãnh đạo VNCH cực lực phản đối Hiệp Định Trung Lập Lào 1962 do Harriman chủ trương (nhằm đạt thỏa thuận với Liên Xô để ký kết về Hiệp Ước Vũ Khí Hạt Nhân). Giới quan sát quốc tế không vô lý gọi Đường HCM trên đất Lào là Harriman Freeway!

Tóm lại “quyết định lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng hòa/Tổng thống/Ngô Đình Diệm hoàn toàn (có trước/bên ngoài/rất xa) so với sự kiện tại Đài Phát Thanh Huế (8 Tháng Năm 1963); Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu (11 Tháng Sáu 1963) tại Sài Gòn v.v… Tất cả chỉ là giọt nước tràn chiếc ly (sẽ) bị đập vỡ. Tập đoàn tướng lãnh VNCH giáng xuống chiếc búa quyết định tại Ngày 1 Tháng Mười Một 1963. Cần nói lại một lần: Tín hiệu bật đèn xanh để Đại sứ Lodge đồng thuận cho cá nhân/nhóm cá nhân tướng lãnh sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu là Công Điện số 243 do Roger Hilsman soạn thảo, gởi từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đến Đại sứ Henry Cabot Lodge Jr. tại Sài Gòn trong ngày 24 Tháng Tám 1963.

Công điện số 243 quyết định vận mệnh người lãnh đạo Miền Nam, đưa cuộc chiến vào một ngã rẽ tai họa không do tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng ngoại giao, kể cả phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ quyết định, nhưng do Roger Hilsman đơn độc thực hiện lúc 44 tuổi (sinh 1919-2014-Pnn).

Công Điện 243 tuyên cáo Hoa Thịnh Đốn không muốn để Nhu (Cố Vấn Nhu, bào đệ Tổng thống Ngô Đình Diệm, chỉ có gọi tộc danh Nhu trong điện văn – Pnn) ở vị thế quyền lực và ra lệnh Đại sứ Lodge phải buộc Diệm (chỉ nêu tộc danh Diệm-Pnn) phải cắt bỏ người em. Công điện nói rõ, nếu Diệm từ chối, Người Mỹ (là những ai?–Pnn) sẽ khai triển khả năng thay thế (người) lãnh đạo Nam Việt Nam.

Cuối cùng, chỉ trong một Tháng Mười Một, Tổng thống Kennedy, nhà lãnh đạo trẻ nhất (sinh 1917; nhậm chức lúc 44 tuổi-Pnn), được yêu mến của 35 đời tổng thống Mỹ, kể tới năm 1961, cũng đúng tại hôm nay, bị bắn vỡ đầu tại Dallas, Texas trong ngày 22 Tháng Mười Một 1963. Tổng thống Kennedy bị sát hại “bất ngờ/nhanh chóng/vô lý” đến nỗi dư luận phản chiến, báo chí thiên tả chưa kịp tạo nên bất cứ lý do (khả thể) nào để giải thích cho cuộc mưu sát! Vậy thì tại sao? Tại sao?

Có nhiều lý do, nguồn giải thích về vụ mưu sát Tổng thống Kennedy, không thể kể ra (đủ) trong bài viết ngắn nầy. Người viết CHỈ đúc kết lý do cốt lõi qua thực tế lịch sử được soi rạng từ 60 năm qua.

Nguyên nhân ấy là: Trong lần gặp Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield (Mùa Xuân 1963) với tư cách riêng, Tổng thống Kennedy ĐÃ nói rõ : “Tôi chỉ có thể rút ra khỏi Việt Nam trong năm 1965 – Sau khi tôi tái đắc cử (sau bầu cử tổng thống 1964)” – Seymour M. Hersh, The Dark Side of Camelot. Boston New York, Little Brown and Company. 1997. Page 430.

Đoạn sau của trang 430 nầy, Tổng thống Kennedy nói rõ hơn với người bạn thân, O’ Donnell: “Vào năm 1965 (sau khi tái đắc cử/và rút quân khỏi Việt Nam – Pnn), tôi sẽ trở nên là một tổng thống bị ghét bỏ nhất trong lịch sử. Tôi sẽ bị kết án khắp nơi là “thỏa hiệp với cộng sản”. Nhưng tôi bất cần (vào năm 1965/sau khi Đã tái đắc cử). Phần cuối trang 430, nói rõ thêm về Tổng thống Ngô Đình Diệm: “Ngô Đình Diệm bị giết là vì ông ấy muốn thực hiện một điều gì (tương tự như cuộc rút quân dự trù 1965 của Tổng thống Kennedy) từ 1963 – Đưa quân Mỹ ra khỏi Việt Nam”.

Vâng, chỉ là: “Đổ quân vào/Rút quân ra khỏi Việt Nam-Rút gươm ra/Tra gươm vào” theo cách đặt tên của George J. Veith/Phan Lê Dũng chứ không có gì khác! Khác chăng là Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm muốn thực hiện từ 1963 – Tổng thống Liên Bang Mỹ Kennedy (dự trù) thực hiện vào năm 1965, sau lần tái đắc cử, 1964 (Tuốt Kiếm Phương Xa, Chương 3, “Diệm Đổi Chính Sách hoặc Chúng Ta Đổi Diệm”, Trang 94-124)

Hai. 

Tấn kịch chính trị (do Mỹ) dàn dựng từ 1955-1963 được hiện thực màn cuối vào Tháng Tư 1975 tại Sài Gòn/Nam Việt Nam với một nhân vật khác: Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu (1924-2001). Màn cuối có đoạn bi thảm như sau: Ngày 2 Tháng Tư 1975 sau khi Đà Nẵng thất thủ, Tổng Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger trong một cuộc họp báo, vẫn còn (nói cứng): “… tương đối ít có đánh nhau” vì Schlesinger muốn giảm thiểu tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng đang xẩy ra tại miền Nam sau trận Ban Mê Thuột thất thủ.

Thực ra ông (cũng) đã tin (chắc) rằng sau khi mất Đà Nẵng thì chuyện đã xong rồi, và mối quan tâm lớn của Hoa Kỳ chỉ còn là làm sao di tản an toàn số 6,000 người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Ngày 6 Tháng Tư, trên chương trình truyền hình hàng tuần “Đối diện với Quốc Dân” (Face the Nation), Schlesinger lại tuyên bố: “Thật rõ ràng là chữ ‘đại tấn công’ chỉ là chữ có lẽ nên để trong ngoặc kép. Những gì đã xảy ra chỉ là một sự suy sụp một phần nào của lực lượng Nam Việt Nam mà thôi (?!)

Tuy nhiên, ngày hôm sau, Phụ tá Tổng Trưởng Quốc Phòng Eric Von Marbod từ Palm Springs về Washington với Tướng Frederick Carlton Weyand (nhận định, quan sát từ Việt Nam trở về) đã tới ngay văn phòng Tổng Trưởng Schlesinger để đưa cho ông xem những bức thư của Tổng thống Nixon cam kết với Tổng thống Thiệu. Sau này Schlesinger đã bình luận: “Tôi tin rằng Tổng thống Ford (cũng) đã bị lừa bịp về những lá thư này…”.

Dù đã quá muộn, ông muốn Quốc Hội Hoa Kỳ phải biết việc này. Ngày 8 Tháng Tư, Thượng Nghị Sĩ Henry Jackson (DC, Washington) công khai tố cáo đã có “những thỏa ước mật” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng Ngoại trưởng Henry Kissinger không chịu bình luận trực tiếp, chỉ nhắc lại một lời tuyên bố trước kia là: “Hoa Kỳ không có cam kết theo luật pháp” nào hết và những nghĩa vụ của Hoa Kỳ chỉ là “cam kết tinh thần”.

… Như vậy, toàn bộ những văn kiện, cam kết trao đổi miệng, liên hệ tới sự sống còn của VNCH đã bị giấu nhẹm. Trước hết là 27 mật thư của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu từ 1972 tới 1973… Rồi bốn bức thư của ông Ford trấn an ông Thiệu từ Hè 1974 tới cuối Tháng Ba 1975.

Cuối cuộc là những bức thư cầu cứu của ông Thiệu gửi ông Ford ngày 25 Tháng Ba 1975; Thư Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa gửi Tổng thống Hoa Kỳ ngày 24 Tháng Ba 1975 và hai thư Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa gửi Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ ngày 25 Tháng Ba 1975. Đây là những văn kiện lịch sử quan trọng giữa Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ chứ đâu phải giữa những cá nhân Nguyễn Văn Thiệu với Richard Nixon, hay giữa Chủ tịch Quốc Hội Trần Văn Lắm với Phó Tổng thống Nelson Rockefeller?!

Tất cả hồi ký của các ông Ford và Kissinger xuất bản năm 2003, chỉ trình bày bức thư của ông Sirik Matak, cựu Thủ tướng Campuchia gửi Đại sứ John Gunther Dean (ngày 12 Tháng Tư 1975).

“Thưa Ngài Đại Sứ và bạn thân mến,

… Riêng với cá nhân Ngài và đặc biệt với xứ sở yêu dấu của Ngài, không bao giờ, dù chỉ một giây lát, tôi đã dám tin rằng, các Ngài nỡ lòng nào cam tâm bỏ rơi một dân tộc đã chọn đứng về phía tự do. Các Ngài đã nhẫn tâm từ bỏ, không bảo vệ chúng tôi, trong khi chúng tôi đang trong tình thế thúc thủ chịu trận…

Tôi chỉ ân hận là đã phạm một sai lầm lớn khi đặt lòng tin tuyệt đối vào quý Ngài

Sirik Matak

(Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy/Chương 11Che Giấu Quốc Hội, Nhân Dân Hoa Kỳ”, Trang 275-296)

Bi (thảm) kịch của VNCH và cá nhân Tổng thống Thiệu trong giai đoạn 1963-1975 được Tuốt Kiếm Phương Xa nói rõ chi tiết hơn bắt đầu với cảnh tượng Đại tá Nguyễn Văn Thiệu đến chào kính xác Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đại tá Thiệu là người chỉ huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh tấn công Dinh Gia Long trong ngày 1, 2 Tháng Mười Một 1963; từ trang 600, chương có nhan đề là “Thiệu vượt quá giới hạn của mình” đến hết cuốn sách là phần nói rõ việc làm, quyết định của ông Thiệu đối với lần sụp vỡ miền Nam 30 Tháng Tư 1975 như phần trên đã trình bày. Ông Thiệu không viết lá thư tuyệt mệnh như Thủ tướng Sirik Matak, ông rời khỏi Việt Nam sau diễn văn từ chức đầy phẫn uất ngày 21 Tháng Tư 1975.

Kết Luận.

Tuốt Kiếm Phương Xa do tác giả George J. Veith viết nên sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử Quốc-Cộng tại Việt Nam, cụ thể miền Nam Việt Nam. Trước đây, George J. Veith đã viết Tháng Tư Đen/Black April, bản dịch của Nguyễn Ngọc Anh đã kể lại những trận đánh của Quân Lực VNCH trước ngày 30 Tháng Tư 1975.

Nay là Tuốt Kiếm Phương Xa viết về chính trị-xã hội-quân sự từ lúc khai sinh Đệ Nhất Cộng Hòa, 1955 cho đến khi chấm dứt Đệ Nhị Cộng Hòa, 1975. Như thế, phải có một điều gì cảm kích sâu xa khiến tác giả George J. Veith đã bỏ công sức suốt hơn hai mươi năm để hoàn thành hai cuốn sách về quân sử, chính trị, xã hội của VNCH; và dịch giả Phan Lê Dũng đã cố công chuyển ngữ những sách, sử về Việt Nam như Than Hồng Chiến Cuộc/ Embers of War của Fredrik Logevall; Việt Nam, Cuộc Chiến Leo Dốc/Uphill Battle của Frank Scotton; và nay là Tuốt Kiếm Phương Xa.

Tác giả George J. Veith và dịch giả Phan Lê Dũng tự bản thân thuộc thế hệ lớn lên, trưởng thành ở Mỹ không liên hệ vật chất, tinh thần gì với những nhân vật lịch sử có tính danh là Tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… cũng không bị ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh trước 1975 nơi miền Nam. Vậy chúng ta có thể nói không sợ nhầm lẫn: Họ đã viết và chuyển ngữ sách về chiến cuộc, bi thảm kịch của người và xã hội Việt Nam với một tấm lòng. Tấm Lòng chân thực đối với Mối Đau: Mối Đau Việt Nam hay Mối Đau Nước Mỹ nào đâu khác. Xin cám ơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: