Chính sách nham hiểm của Trung Quốc: “Đánh” từ trong lòng địch

Tập Cận Bình trong chuyến công du San Francisco, Tháng Mười Một 2023 (ảnh: Yao Dawei/Xinhua/Getty Images)

Indiana và Minnesota là hai trong số tiểu bang đang được Trung Quốc dòm ngó trong chiến dịch thâm nhập Hoa Kỳ. Mới đây, khi các thị trưởng từ thành phố Carmel (Indiana) và Oxford (Minnesota) đến Trung Quốc, họ đã được trống giong cờ mở tiếp đãi trọng thị, từ việc cho lái thử những mẫu xe điện mới nhất đến được đãi rượu Mao Đài.

Min Fan, giám đốc điều hành U.S. Heartland China Association – một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, cho biết các đối tác của họ ở Trung Quốc đã “vui mừng khôn xiết” khi được tiếp đón các thị trưởng Mỹ. U.S. Heartland China Association đã tổ chức chuyến đi cho sáu thị trưởng Mỹ tới năm thành phố ở Trung Quốc vào cuối năm 2023.

Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi hai nước chính thức công nhận nhau hơn 45 năm trước, mặc dù gần đây có những nỗ lực nhằm ổn định quan hệ. Trong tham vọng nỗ lực thống trị toàn cầu, Tập Cận Bình xem Hoa Kỳ là mối đe dọa đối với an ninh và kinh tế quốc gia của Trung Quốc. Chính sách ngoại giao nổi bật dưới thời Tập Cận Bình lôi kéo đồng minh của Mỹ và làm giảm ảnh hưởng Hoa Kỳ.

Trước đại dịch COVID-19, những cuộc trao đổi Mỹ-Trung – các phái đoàn doanh nghiệp, những chuyến kinh ký của các thống đốc, các cuộc trao đổi văn hóa và học thuật – là những hoạt động phổ biến. Hơn 100 thỏa thuận thiết lập “thành phố kết nghĩa” (sister city) giữa các thành phố Trung Quốc và Mỹ đã được ký kết; cùng lúc, hàng chục Viện Khổng Tử cũng được thành lập tại các trường đại học Mỹ. Tất cả hoạt động tương tự bắt đầu chậm lại dưới thời chính quyền Trump. Qua thời Joe Biden, những sự cố như khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ càng đưa đến nhiều đám mây đen hơn trong quan hệ hai nước.

Sáu thị trưởng Mỹ trong chuyến công du Hong Kong vào Tháng Mười 2023 trong khuôn khổ tour tham quan năm thành phố Trung Quốc (ảnh: U.S. Heartland China Association)

Chiến lược của Trung Quốc giờ đây là nhắm vào các tiểu bang, trong cái gọi là “ngoại giao địa phương”. “Mục đích của chúng tôi khá đơn giản: Thúc đẩy hợp tác địa phương. Ví dụ như đầu tư kinh doanh và giao lưu nhân dân”, phát biểu của Zhou Zheng, người đứng đầu bộ phận địa phương vụ (subnational affairs section) thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington.

Mùa thu 2023, trong khi quan hệ Washington và Bắc Kinh vẫn nóng hừng hực, tình hình bắt đầu thay đổi ở cấp địa phương, khi Trung Quốc đón loạt chính trị gia Mỹ, trong đó có Thống đốc California Gavin Newsom (Dân chủ) cùng một phái đoàn thượng nghị sĩ. Tháng Mười Một 2023, Tập Cận Bình, trong chuyến công du đầu tiên đến Mỹ sau sáu năm, đã kêu gọi xây dựng “thêm nhiều cây cầu và con đường để tăng cường mối quan hệ người với người”. Cũng trong chuyến đi này, Tập Cận Bình ăn tối với giám đốc điều hành kinh doanh của Apple, Nike, Pfizer và Boeing.

Ngay cả ở những nơi được xem là thành trì của đảng Cộng hòa (GOP), nơi các nhà lập pháp thường xuyên kêu gọi thúc đẩy luật hạn chế đầu tư từ Trung Quốc, một số tiểu bang tiếp tục tích cực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc. Thống đốc Mississippi Tate Reeves (GOP) – mới năm ngoái còn gọi Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc là “mối đe dọa hiện hữu” đối với nước Mỹ khi ký ban hành luật hạn chế sử dụng công nghệ Trung Quốc trên mạng nhà nước – gần đây đã phê duyệt ưu đãi thuế cho một nhà máy trị giá $1.9 tỷ chuyên sản xuất pin xe điện mà một công ty Trung Quốc sở hữu 10%. Sắp tới đây, sẽ có nhiều thị trưởng Hoa Kỳ hơn đến Trung Quốc. Thư mời đã được gửi ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc trở thành chủ đề rất lớn trong chiến dịch tranh cử đối với tất cả ứng cử viên; cùng với sự mất lòng tin của công chúng Mỹ đối với Bắc Kinh đang ở mức cao nhất lịch sử, chiến dịch “ngoại giao địa phương” của Trung Quốc có thể bị khựng lại. Chỉ riêng năm 2023, ít nhất 81 dự luật đã được đưa ra ở 33 tiểu bang nhằm hạn chế việc mua bất động sản Mỹ của Trung Quốc.

Giương nòng công khai về tấm bia Trung Quốc là điều mà tất cả ứng cử viên tổng thống Mỹ đều làm. Trong khi Donald Trump nói rằng ông đã thảo luận với các cố vấn về khả năng áp mức thuế cố định 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu Trung Quốc; đối thủ của ông, cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, lại chỉ trích Trump chỉ “giỏi cái mồm”, chỉ biết sủa mà không biết cách cắn hiệu quả.

Nikki Haley gọi Trung Quốc là “mối đe dọa nguy hiểm nhất mà nước Mỹ đối mặt kể từ Thế chiến thứ hai”. Trong khi đó, Tháng Mười Một 2023, Thống đốc Florida Ron DeSantis chỉ trích Nikki Haley việc chào đón một công ty sợi thủy tinh của Trung Quốc vào South Carolina khi bà còn ngồi ghế thống đốc; rằng Haley đã viết cho đại sứ Trung Quốc một “bức thư tình, nói rằng tình bạn giữa hai người là tuyệt vời”.

Trung Quốc chưa bao giờ “trong sáng” trong quan hệ ngoại giao. Trong các thỏa thuận thành phố kết nghĩa, Trung Quốc đã yêu cầu một số thành phố Mỹ đồng ý nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh, rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Dù thế nào, có không ít viên chức địa phương Hoa Kỳ vẫn muốn giao dịch với Trung Quốc.

Kim Norton, thị trưởng Rochester (tiểu bang Minnesota), gặp giới chức địa phương tại Vũ Hán trong chuyến kinh lý Tháng Mười 2023 (ảnh: U.S. Heartland China Association)

Thị trưởng Kim Norton của Rochester, một thành phố khoảng 120,000 dân ở Nam Minnesota, đã đến Trung Quốc lần đầu tiên do U.S. Heartland China Association tổ chức. Bà rất ấn tượng trước tàu cao tốc và xe buýt điện. Thành phố Rochester của bà nhiều năm nay nằm trong danh sách chờ xây dựng mạng xe buýt điện nhưng Washington tiếp tục hạn chế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc. Mới đây thị trưởng Kim Norton đã nói thẳng với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pete Buttigieg: “Liệu chúng ta có thể hợp tác với một quốc gia như Trung Quốc để giúp đỡ chúng ta tháo gỡ vấn đề không?”

Trong thực tế, dè dặt với Trung Quốc là điều cần làm. Thậm chí giới phân tích (chứ không phải những người hoạch định chính sách của Hoa Kỳ) cho rằng vấn đề nguy hiểm thật sự ở đây là các kết nối cấp cơ sở có thể làm suy yếu chính sách quốc gia hoặc được sử dụng để phá vỡ nền dân chủ Mỹ. Theo Anne-Marie Brady, giáo sư tại Đại học Canterbury của New Zealand, Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chiến lược “dùng địa phương bao quanh trung tâm”.

Tại nhiều quốc gia, Trung Quốc đã chơi trò này: Mua chuộc từ “cấp cơ sở” (tức chính quyền địa phương), để lôi kéo ủng hộ, sao cho giành được thuận lợi cho chương trình nghị sự của họ, rồi từ đó tạo ảnh hưởng ngược lên chính quyền trung ương. Ở một nước có bề dày buôn vua và có vô số Lã Bất Vi trong lịch sử, Trung Quốc rất thành thục trong kỹ năng đầu tư chính trị. Cần nhắc lại, hồi là Thống đốc tiểu bang Arkansas, Bill Clinton đã công du Trung Quốc bốn lần.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Em phải sống
Cắm xong ba nén nhang, tôi liếc nhìn bức hình của anh trên bàn thờ. Đại uý Nguyễn Tường Lân trong chiếc áo trận bạc màu, mất ngày 25 Tháng…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: