Vương quốc mì gói của Kim Jung-soo

K-food chinh phục thế giới
Minh họa: montatip-lilitsanong-unsplash

Cuộc đời của bà Kim Jung-soo ly kỳ không khác gì K-drama (điện ảnh truyền hình Hàn Quốc). Kim Jung-soo kết hôn với thành viên gia tộc thuộc tập đoàn Samyang, cam phận làm bà nội trợ rồi bất ngờ gia nhập công ty sau khi Samyang tuyên bố phá sản vào cuối những năm 1990. Kim Jung-soo thậm chí đối mặt với nhiều tai ương pháp lý nghiêm trọng mà chỉ có lệnh ân xá tổng thống mới có thể cứu bà… Bây giờ, Kim Jung-soo là CEO của Samyang.

__________________

Làn sóng K-food đổ bộ vào Mỹ và tràn khắp thế giới

__________________

Đằng sau sự nổi lên của người phụ nữ 59 tuổi này là sự thành công khó có thể xảy ra của thương hiệu mì ăn liền do chính bà tạo ra. Mì gói “Buldak” của công ty Samyang – nghĩa đen là “gà lửa” trong tiếng Hàn – hiện có mặt trên kệ loạt siêu thị Mỹ, từ Costco, Walmart đến Albertsons và sắp tới là Kroger. Đằng sau sự thành công của công ty Samyang là sự bùng nổ về doanh số bán mì ăn liền trên toàn cầu khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm kiếm những bữa ăn dễ nấu, rẻ tiền. Theo ước tính từ Euromonitor International, thị trường mì ăn liền trên toàn thế giới đạt khoảng $50 tỷ vào năm 2023, tăng 52% so với 5 năm trước.

Một động lực chính là sự tăng trưởng ở thị trường Hoa Kỳ, nơi mà trước đây người ăn thường coi mì ăn liền là món ăn nhẹ rẻ tiền. Sự gia tăng chi tiêu thận trọng hơn của người tiêu dùng, cũng như sự phổ biến của các phiên bản mì ramen, đã giúp bùng nổ doanh số ramen.

Không như các sản phẩm nổi tiếng từ những công ty lớn trong ngành như Maruchan hay Nissin, mì của Samyang hướng đến những người có khẩu vị “nặng” (đặc biệt cay) và có giá cao gấp khoảng ba lần so với các thương hiệu có tên tuổi ở Mỹ. Món mì cay của công ty này cay gấp đôi sốt Tabasco. Ramen Buldak nguyên bản có chỉ số 4,404 đơn vị trên thang Scoville (the Scoville scale), thước đo độ cay của ớt. Mì Samyang cũng được cung cấp với nhiều hương vị khác nhau, chẳng hạn như carbonara kem cay (spicy-cream carbonara) hoặc chanh habanero (habanero lime).

“Mì lửa” siêu cay của Samyang

Walmart cho biết mì Buldak hiện nằm trong số các loại mì ramen cao cấp bán chạy nhất. Theo công ty Samyang, sau khi thử nghiệm doanh số của Buldak tại một số cửa hàng chọn lọc ở Bờ Tây, Costco đang xem xét mở rộng việc cung cấp sản phẩm Samyang  trên toàn nước Mỹ bắt đầu từ năm 2024. Cổ phiếu của công ty mì ăn liền Samyang đã tăng 70% vào năm 2023 so với mức tăng 19% đối với chỉ số Kospi chuẩn của Hàn Quốc. Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, xuất khẩu mì ramen của nước này, mà Samyang là một trong những nhà đóng góp lớn nhất, dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024 – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Kim Kyeong-jun, chủ tịch CEO Score, cho biết hầu hết tập đoàn lớn của Hàn Quốc, như Samsung, LG và Huyndai, đều do nam giới thừa kế từ những người sáng lập lãnh đạo, vì vậy, thành công của bà Kim Jung-soo trong việc tạo ra bước ngoặt với tư cách con dâu là độc nhất vô nhị. Samyang Foods được thành lập năm 1961 bởi cựu giám đốc một công ty bảo hiểm, vào thời điểm Hàn Quốc còn nghèo khổ bởi hậu quả chiến tranh. Samyang cuối cùng phát triển thành một tập đoàn gồm hơn 10 chi nhánh, trong đó có công ty hoạt động với tên Samyang Foods và hãng sản xuất mì gói ramen Buldak. Tập đoàn đổi tên thành Samyang Roundsquare vào Tháng Bảy 2023.

Bà Kim Jung-soo (ảnh: Samyang Roundsquare)

Hoạt động kinh doanh mì ăn liền của Samyang ban đầu phát triển mạnh nhưng gặp phải thách thức khi các đối thủ nổi lên. Cú sốc lớn xảy ra vào Tháng Giêng 1998, khi công ty tuyên bố phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Bà Kim Jung-soo, lúc đó có hai con nhỏ, được bố chồng, chủ tịch Samyang, yêu cầu gia nhập công ty. Kim Jung-soo, từng học xã hội học tại một trường đại học nữ hàng đầu Hàn Quốc, vào làm việc trong Samyang với tư cách giám đốc bán hàng. Là thành viên của gia đình sở hữu Samyang, bà cũng giúp giám sát mọi hoạt động chung của công ty, với nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm chi phí để vực dậy tài chính cho công ty.

Sau khi tình hình tài chính của Samyang ổn định, Kim Jung-soo đứng đầu một ủy ban sản phẩm mới được thành lập vào năm 2006. Gần như tất cả món mì ăn liền dạng súp của Hàn Quốc đều có nước dùng màu đỏ. Kim Jung-soo là người đầu tiên đưa ra ý tưởng nước dùng trong (không màu). Ý tưởng phát minh sản phẩm mang tính định hướng của bà xuất hiện vào mùa xuân năm 2010. Luôn thai nghén trong đầu việc phát triển sản phẩm, Kim Jung-soo nhớ lại chuyến đi dạo cuối tuần ở trung tâm Seoul với cô con gái đang học trung học.

Đang tìm tiệm ăn, mẹ con bà Kim Jung-soo phát hiện một hàng dài người bên ngoài một nhà hàng cơm chiên nổi tiếng với hương vị cay nồng. Khi vào trong, họ nhìn thấy thực khách xì xụp ăn đồ nóng. Kim Jung-soo rất ngạc nhiên. Cha mẹ của Kim Jung-soo và chồng bà có nguồn gốc từ Bắc Triều Tiên trước chiến tranh, nơi có nền ẩm thực “nhẹ” hơn. Kim rời nhà hàng với suy nghĩ: “Chúng ta phải làm một phiên bản ramen của món này.” Bà vội vã tới siêu thị gần đó, mua ba loại nước sốt và gia vị cay. Một lô được chuyển đến phòng thí nghiệm nghiên cứu của Samyang, một lô khác đến nhóm tiếp thị và lô cuối cùng được bà mang về nhà.

Việc tìm kiếm hương vị phù hợp mất nhiều tháng. Nhóm phát triển thực phẩm của Samyang đã sử dụng 1,200 con gà và hai tấn nước sốt. Họ nghiên cứu các loại ớt cay từ khắp nơi trên thế giới và ghé đến những nhà hàng nổi tiếng phục vụ các món ăn cay của Hàn Quốc. Khi nếm thử các nguyên mẫu Buldak cay xé lưỡi, ban đầu Kim Jung-soo gần như không thể nuốt nổi nhưng rồi càng ăn lâu ngày càng thấy ngon và… nghiện! Bà Kim Jung-soo không hình dung được là món mì “bốc lửa” lan cực nhanh sau khi ra mắt vào năm 2012. Nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội post lên YouTube cảnh họ đang cố ăn hết món mì màu đỏ sẫm cay xé lưỡi. Mức độ phổ biến của thương hiệu còn tăng vọt khi các ngôi sao K-pop như BTS và Blackpink khoe rằng họ khoái mê mệt sản phẩm này.

Khi vị thế toàn cầu của Samyang tăng, Kim Jung-soo và chồng bà – chủ tịch Samyang – bị kết án vào năm 2020 với tội biển thủ quỹ công ty với tổng trị giá khoảng 5 tỷ won, tương đương $3.8 triệu. Công tố viên cho biết vợ chồng họ đã thành lập một công ty vỏ bọc để thực hiện những giao dịch giả mạo với các chi nhánh của Samyang. Từ năm 2008 đến 2017, chồng của bà Kim nhận được các khoản thanh toán hàng tháng dùng để tài trợ cho việc bảo trì nhà cửa, thuê xe hơi và trả hóa đơn thẻ tín dụng của hai vợ chồng.

Chồng bà Kim đối mặt án tù ba năm. Kim Jung-soo nhận án treo. Lệnh cấm làm việc của bà được dỡ bỏ một năm sau khi bị kết án, cho phép bà trở lại Samyang vào cuối năm 2020. Tháng Tám 2023, Kim Jung-soo được tổng thống ân xá. Bà được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Samyang Roundsquare vào tháng sau. Bà và chồng hiện vẫn có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Cậu con trai 29 tuổi của họ gần đây được thăng chức giám đốc chiến lược của Samyang Roundsquare.

Minh họa: piotr-miazga-unsplash

_________

Mì ăn liền Hàn Quốc (ramyeon hoặc ramyun) đang gây bão trên toàn thế giới. Bài viết mới đây của Asia Fund Managers cho biết, xuất khẩu mì ăn liền đạt $446.2 triệu trong khoảng thời gian từ Tháng Giêng đến Tháng Sáu 2023, tăng 16.4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một con số kỷ lục.

Một sản phẩm quen thuộc của Nongshim

Những thị trường chính của mì ăn liền Hàn Quốc gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan và Malaysia. Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, năm 2022, xuất khẩu mì ramyeon của Hàn Quốc đạt kỷ lục $765.4 triệu, tăng 13.5% so với một năm trước. Do sự phổ biến của mì ăn liền Hàn Quốc, ngay cả Liên minh châu Âu cũng quyết định nới lỏng các quy định đối với sản phẩm mì ăn liền nhập khẩu bằng cách đơn giản hóa quy trình xác minh an toàn.

Theo Actual Market Research, thị trường thực phẩm ăn liền Hàn Quốc có khả năng đạt $7 tỷ USD vào năm 2028, trong đó mì ăn liền Hàn Quốc có thị phần cao nhất. K-pop, K-drama và đại dịch đã thúc đẩy sự phát triển toàn cầu của mì ramyeon Hàn Quốc. Ramyeon từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, nhưng sự lan rộng toàn cầu của nó là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một yếu tố thúc đẩy sự phổ biến của mì ăn liền Hàn Quốc là văn hóa Mukbang (truyền hình ăn uống trực tiếp) trên YouTube. Xu hướng này bắt đầu ở Hàn Quốc vào năm 2010 và lan rộng ra toàn cầu vào năm 2014.

Hơn nữa, các sản phẩm ramyeon của Hàn Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý vào năm 2015 do ảnh hưởng ngày càng tăng của K-pop và K-drama. Hơn nữa, nhu cầu thực phẩm đóng gói tăng cao đã thúc đẩy thị trường mì ăn liền. Ngành công nghiệp thực phẩm Hàn Quốc nổi tiếng với bao bì sáng tạo.

Nongshim

Nongshim là nhà sản xuất mì ăn liền (ramyeon) hàng đầu của Hàn Quốc. Có trụ sở chính tại Seoul, Nongshim không chỉ sản xuất mì ăn liền mà còn cung cấp đồ ăn nhẹ, nước đóng chai và các bữa ăn sẵn. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và họ có 11 nhà máy sản xuất. Tháng Bảy 2023, Dong-won Shin, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết: “Nongshim sẽ tăng doanh thu hàng năm lên $1.5 tỷ, gấp ba lần mức hiện tại vào năm 2030 và dẫn đầu thị trường ramyeon ở Mỹ”. Sản phẩm Nongshim được thế giới biết đến sau khi hai loại mì Hàn Quốc – Chapaguri và Neoguri – được xuất hiện trong bộ phim Hàn Quốc đoạt giải Oscar “Parasite”.

Ottogi

Có trụ sở chính tại Anyang, cách Seoul khoảng 20km về phía Nam, danh mục sản phẩm của Ottogi bao gồm mì ăn liền, nước sốt, giấm, sốt cà chua, mayo, thực phẩm đông lạnh và các sản phẩm dạng bột. Công ty cũng có hoạt động sản xuất-kinh doanh tại New Zealand, Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. Đầu năm 2023, Ottogi gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ won” và lần đầu tiên trong lịch sử đạt doanh thu $2.43 tỷ.

Samyang

Samyang Foods là một trong những nhà sản xuất mì ăn liền sớm nhất ở Hàn Quốc. Các sản phẩm của công ty bao gồm mì ăn liền Samyang, mì ly, cũng như các món ăn nhẹ và topokki (bánh gạo).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: