Tại sao “bức tường sắt” bị xuyên thủng?

Các tay súng Hamas phá hàng rào và thâm nhập vào Israel trong cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Hani Alshaer/Anadolu Agency via Getty Images)

Hàng rào sắt-bê tông kiên cố trang bị cảm biến tại biên giới Israel-Gaza được Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xem là “lá chắn hoàn hảo” chống những màn đột kích từ dưới đường hầm. Tuy nhiên, trong cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười, những tay súng khủng bố Hamas đã phá được bức tường và tràn qua Israel, ngay trên mặt đất chứ không phải đường hầm.

Hàng rào kiên cố dọc biên giới Israel-Gaza từng được tin là có thể chặn đứng mọi kế hoạch tấn công của Hamas (ảnh: Bộ Quốc phòng Israel)

Tham mưu trưởng IDF, tướng Aviv Kohavi từng tự tin nói: “Bức tường dài 40 dặm (65 km, cả phần nổi và phần ngầm dưới mặt đất) sẽ thay đổi thực tế bất ổn dọc biên giới, nơi các cuộc tấn công từ đường hầm đã ám ảnh quân đội suốt nhiều năm”.

Đứng dưới bóng bức tường cao 30 foot (9 mét), một ngày đầu tháng Mười Hai 2021, trong dịp khánh thành bức tường, các quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Israel hài lòng nhìn vào công trình khổng lồ chạy dọc theo chiều dài Dải Gaza. Dự án trị giá $1.1 tỷ phải mất hơn ba năm mới hoàn thành với mục tiêu chính là triệt tiêu khả năng mở những cuộc tấn công bất ngờ từ các đường hầm xuyên biên giới của khủng bố Hamas.

Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó Benny Gantz tuyên bố tại buổi lễ: “Bức tường kỳ quan công nghệ và sáng tạo bậc nhất này đã tước đi một trong những ‘vũ khí lợi hại’ của bọn khủng bố. Sắt, cảm biến và bê tông sẽ ngăn chia vững chắc Hamas và cư dân miền Nam Israel”.

Để xây bức tường quy mô, IDF phải huy động khoảng 1,200 công nhân và 330,000 lượt xe tải vận chuyển cát, đất, đá, và hai triệu mét khối bê tông, cốt thép. “Nếu được nối tiếp các đoạn vận chuyển từng xe với nhau, chúng tôi có thể đưa vật liệu đến tận… Úc!” – Tướng Eran Ofir, người giám sát việc xây dựng bức tường phòng thủ cho Bộ Quốc phòng Israel nói: “Dài 40 dặm (65 km) trải dọc biên giới Gaza tận ra biển, bức tường bảo đảm rằng các nhóm khủng bố không còn đào đường hầm cả trên đất liền lẫn dưới lòng đất như chúng từng làm trước đây. Bộ Quốc phòng còn xây dựng một số trung tâm chỉ huy dọc bức tường như một phần của dự án”.

Bức tường phòng thủ gồm nhiều thành phần: Phần bê tông cốt thép dưới lòng đất có gắn các cảm biến để phát hiện những dấu hiệu hoạt động của đường hầm; hàng rào thép bên trên cao 20 foot (6 mét), mạng lưới radar và các cảm biến giám sát. Ngoài ra còn vũ khí điều khiển từ xa như súng máy trên các chòi canh.

Tướng Eran Ofir, người giám sát công trình hàng rào điện tử tại biên giới Israel-Gaza (ảnh: Bộ Quốc phòng Israel)

Tướng Eran Ofir, người cũng được giao giám sát các dự án xây dựng những rào chắn an ninh khác (đặc biệt dọc biên giới Ai Cập và Lebanon) rất tự hào sau khi hoàn thành bức tường nhưng cũng nói rằng “hệ thống phòng thủ nói chung ở Gaza của chúng tôi vẫn còn những điểm yếu có thể bị đối phương khai thác”.

Ông kể: “Việc xây dựng đường hầm là một quá trình vô cùng phức tạp vì giao tranh thường xuyên bùng phát dọc biên giới. Công việc không hề đơn giản. Chúng tôi đã chịu đựng 15 đợt giao tranh và có khi làm việc dưới làn đạn, nhưng gần như không bao giờ ngừng nghỉ. Chỉ vài giờ sau khi tạm ngưng tiếng súng là công việc lại tiếp tục. Bức tường hoàn tất có nghĩa là Israel đã có một hệ thống lớn đảm bảo không có đường hầm nào đi vào lãnh thổ.”

Quyết định xây dựng bức tường Gaza được đưa ra sau cuộc chiến tranh Gaza năm 2014 mà phía Israel gọi là chiến dịch “Operation Protective Edge”, tập trung chủ yếu vào việc phát hiện và phá các đường hầm.

Từ lâu, IDF lo ngại Hamas hoặc một nhóm khủng bố khác sẽ sử dụng các đường hầm xuyên biên giới để đưa chiến binh vào tận các cộng đồng dân cư Israel gần biên giới để giết, bắt cóc và chiếm lãnh thổ trong một thời gian ngắn. Năm 2004, lần đầu tiên Hamas đã sử dụng đường hầm để tiến hành các cuộc tấn công chết người vào các vị trí của Israel bên kia biên giới và cho nổ những quả bom cực mạnh.

Tháp canh tại hàng rào bị bắn cháy trong cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười (ảnh: Abed Rahim Khatib/picture alliance via Getty Images)

Năm 2006, các thành viên Hamas đã theo đường hầm vào Israel, giết chết một số binh sĩ, bắt cóc Gilad Shalit và giam giữ năm năm trước khi đạt được thỏa thuận trao đổi với Israel. Các đường hầm, cả đường hầm xuyên biên giới và bên trong Gaza, cũng được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến Gaza 2014. Lúc đó, bộ binh IDF phải tiến vào Gaza và dùng thuốc nổ phá hủy các đường hầm Hamas đào sâu sang biên giới.

Sự kiện ngày 7 Tháng Mười cho thấy hàng rào sắt khổng lồ tại biên giới Israel-Gaza không thể ngăn chặn được cuộc tấn công của đối phương. Hệ thống giám sát biên giới của Israel gần như phụ thuộc hoàn toàn vào camera, cảm biến và súng máy được điều khiển từ xa. Vấn đề ở chỗ quân đội Israel đã tin tưởng quá mức vào khả năng bất khả xâm phạm của hệ thống này. Họ cho rằng sự kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại giám sát từ xa, hàng rào biên giới được xây trên mặt đất lẫn ngầm bên dưới sẽ ngăn chặn Hamas đào đường hầm vào Israel, khiến cho việc xâm nhập khó xảy ra; nhờ đó, quân đội Israel giảm nhu cầu bố trí binh lính dọc biên giới.

Tuy nhiên, đó là một sai lầm chết người. Lợi dụng sự thiếu vắng lính canh biên giới, Hamas đã phóng máy bay không người lái bắn hạ các tháp truyền tín hiệu đến hệ thống giám sát. Không có tín hiệu, hệ thống trở nên vô dụng. Những người lính trong phòng điều khiển phía sau chiến tuyến hoàn toàn không nhận được cảnh báo rằng hàng rào ngăn cách Gaza và Israel đã bị phá. Và tất nhiên họ cũng không thể thấy trên màn hình cảnh bọn khủng bố Hamas đang san phẳng hàng rào bằng xe ủi.

Hậu quả, hơn 1,500 tay súng Hamas đã dễ dàng vượt qua gần 30 điểm dọc biên giới. Một số còn thâm nhập vào Israel bằng dù lượn và tiếp cận ít nhất bốn căn cứ quân sự của Israel mà không bị chặn – The New York Times thuật. Một số bức ảnh được một quan chức Israel chia sẻ cho thấy nhiều binh sĩ Israel đã bị bắn khi họ đang ngủ trong doanh trại. Vài người vẫn còn mặc quần áo lót.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: