Liên Hiệp Quốc ngày càng mất uy tín

Cuộc khủng hoảng Trung Đông đã tái hiện không khí khủng hoảng trong LHQ (ảnh: Turkish Ministry of National Education/Handout/Anadolu via Getty Images)

Kể từ năm 1947, khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu ủng hộ việc phân chia Palestine thành các quốc gia Do Thái và Ả Rập, tổ chức quốc tế này luôn vật lộn với các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Phản ứng của LHQ quanh vụ Hamas tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười 2023 cũng như cuộc trả đũa Israel vào Gaza sau đó một lần nữa cho thấy vai trò lỏng lẻo thiếu sức thuyết phục của LHQ.

Sự hoài nghi về hiệu quả của một thể chế được thiết kế để phản ánh các mối quan hệ quyền lực của thế kỷ 20 và giải quyết các vấn đề thời hậu chiến hầu như không mới. Tuy nhiên, LHQ dường như ngày càng trở nên mất phương hướng hơn bao giờ hết, không thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng, từ bạo lực bùng phát ở Sudan và Nagorno-Karabakh cho đến cuộc đảo chính ở Niger.

Các nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an nói rằng căng thẳng giữa Nga và phương Tây về Ukraine – chủ đề của nhiều vô vàn tranh luận không có kết quả tại LHQ kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào Tháng Hai 2022 – đang làm suy yếu các cuộc thảo luận về các vấn đề không liên quan ở Châu Phi và Trung Đông. Tháng Chín 2023, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã cảnh báo tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng rằng một “vết nứt lớn” trong hệ thống quản trị toàn cầu đang xuất hiện.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas tiếp tục làm trầm trọng mối đe dọa uy tín của LHQ về khả năng của tổ chức này trong việc ứng phó các cuộc khủng hoảng. Chính phủ các quốc gia và giới chức LHQ đang đối mặt với câu hỏi làm thế nào LHQ có thể đóng góp cho hòa bình và an ninh vào thời điểm mà điểm chung giữa các cường quốc đang ngày càng thu hẹp, làm thế nào LHQ có thể tái dựng hoặc kiến tạo hòa bình khi ngay trong LHQ người ta có thể dễ dàng chứng kiến sự hỗn loạn và mất trật tự.

Cuộc khủng hoảng niềm tin vào LHQ đã hình thành kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine. Trung Quốc và Nga chẳng coi LHQ ra gì. Nga đã hành động như một kẻ phá hoại LHQ với tần suất ngày càng tăng. Tháng Sáu, Moscow thông đồng với chính phủ Mali – vốn phải nhờ đến công ty quân sự tư nhân Wagner do Kremlin hậu thuẫn để hỗ trợ an ninh – để buộc lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ rút khỏi lãnh thổ Mali, kết thúc sứ mệnh kéo dài hàng thập niên.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Tháng Bảy, Nga phủ quyết việc gia hạn một “sắc lệnh” của Hội đồng Bảo an, được áp dụng từ năm 2014, liên quan hoạt động của các cơ quan LHQ cung cấp viện trợ cho những khu vực do phe nổi dậy nắm giữ ở Tây Bắc Syria. Moscow cũng rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (Black Sea Grain Initiative), một thỏa thuận do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào Tháng Bảy 2022 nhằm giúp Ukraine xuất khẩu nông sản mà không có sự can thiệp của Nga.

Ngày 27 Tháng Mười, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi “đình chiến nhân đạo” giữa Israel và Hamas, với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 44 phiếu trắng. Hoa Kỳ bỏ phiếu chống, với lý do văn bản này không lên án Hamas. Các nước châu Âu bị chia rẽ, một số bỏ phiếu ủng hộ, một số phản đối và một số bỏ phiếu trắng. Sự sụp đổ đã được dự đoán trước. Từ vụ trên, lẫn vụ Ukraine trước đó, giờ đây các nhà ngoại giao từ các nước đang phát triển nói rằng họ có thể từ chối các nghị quyết LHQ hỗ trợ Ukraine trong tương lai để trả đũa việc phương Tây thiếu đoàn kết trong việc ủng hộ người Palestine.

Cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông không chỉ làm trầm trọng thêm những xung đột ngoại giao giữa các quốc gia thành viên LHQ. Họ cũng đang gây áp lực rất lớn lên lãnh đạo LHQ. Tại những điểm nóng hỗn loạn như Sudan, Mali và Cộng hòa Dân chủ Congo, các chính phủ và các bên tham chiến đã từ chối làm việc với những nhà hòa giải LHQ. Họ thậm chí yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ cuốn gói khỏi nước họ. LHQ vẫn cố gắng duy trì sự hiện diện nhân đạo ở những nơi như Afghanistan, nhưng họ đối mặt sự thiếu hụt ngày càng tăng về nguồn tài trợ, trong bối cảnh nhiều nhà tài trợ phương Tây cắt giảm ngân sách để chi cho Ukraine.

Cá nhân Tổng thư ký LHQ Guterres cũng mất uy tín trầm trọng. Sau khi Guterres ám chỉ cuộc tấn công của Hamas vào Israel là “không có lửa sao có khói” (nguyên văn: “did not happen in a vacuum”) trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an ngày 24 Tháng Mười, Israel đã kêu gọi Guterres từ chức và nói thêm rằng Tel Aviv không muốn hợp tác với các quan chức nhân đạo của LHQ. Guterres biện luận rằng cách nói của ông không phải là lời biện minh cho “hành động khủng bố” của Hamas.

Xung đột Trung Đông và cuộc chiến Ukraine kết thúc như thế nào đi chăng nữa thì sự mất đoàn kết ngoại giao và những điểm yếu trong hoạt động hiện gây khó khăn cho LHQ chắc chắn vẫn tồn tại hoặc trở nên tồi tệ hơn, trong bối cảnh sự chia rẽ toàn cầu ngày càng mở rộng. Với nhiều nhà quan sát, không có con đường rõ ràng để LHQ lấy lại vai trò trước đây của mình như một nền tảng đa năng nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Giới chức LHQ cũng nhận ra “số phận” và nhiệm vụ ngày càng bị thu hẹp của họ.

Tháng Bảy, Tổng thư ký Guterres công bố “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” (“New Agenda for Peace”), với nội dung hạ thấp các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và thay vào đó kêu gọi các thành viên tập trung vào các mối đe dọa an ninh mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, người ta có thể thấy LHQ khó có thể có ảnh hưởng trong vấn đề này. Những ông lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đặc biệt Mỹ và Trung Quốc, có thể không muốn LHQ ngồi vị trí chủ trì quản lý công nghệ AI.

Điều cần nói thêm nữa là LHQ ngày càng bị Trung Quốc khống chế. Với tư cách thành viên đóng góp tài chính nhiều thứ hai cho LHQ (sau Mỹ), Bắc Kinh đã và đang cài người vào khắp các cơ quan thuộc hệ thống LHQ. Mới đây, trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 10 Tháng Mười 2023, Trung Quốc đã tái đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ – cơ quan được thành lập năm 2006. Hàng loạt tổ chức đại diện cho người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Hong Kong và các nhóm khác, trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York, đã lên tiếng chỉ trích.

Trung Quốc ngày càng thao túng các cơ quan LHQ. Trong ảnh là Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân (Zhang Jun) – ảnh: Wang Fan/China News Service/VCG via Getty Images

Không có gì mỉa mai hơn việc một quốc gia độc đảng, độc tài, nổi tiếng với những chính sách theo dõi, đàn áp, bỏ tù, hoặc thậm chí giết công dân, chưa kể vô số hành động ngang ngược khác, lại là thành viên Hội đồng Nhân quyền (cùng với Albania, Brazil, Bulgaria, Burundi, Côte d’Ivoire, Cuba, Dominican Republic, Pháp, Ghana, Indonesia, Nhật, Kuwait, Malawi, và Hà Lan). Việc Trung Quốc tái đắc cử tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền trong nhiệm kỳ ba năm (2024-2026), ngay trong bối cảnh 47 nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong bị xét xử, cho thấy LHQ thật sự không còn là một tổ chức quốc tế đáng tin cậy.

Chỉ năm ngày trước khi Trung Quốc được phê chuẩn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã tuyên bố, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về “tội ác chống lại loài người”, trong đó có đàn áp văn hóa và tôn giáo, chia cắt gia đình, bắt giữ tùy tiện hàng loạt, hãm hiếp, tra tấn… nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới Dolkun Isa nhấn mạnh, Trung Quốc không chỉ vi phạm các nguyên tắc thành lập của LHQ mà còn vi phạm Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ, rằng “Trung Quốc nên bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ và thậm chí Hội đồng Bảo an để đảm bảo nhân quyền và an ninh cho tất cả các dân tộc, đặc biệt là những người sống dưới chế độ tàn bạo của nhà nước Trung Quốc”. Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Sophie Richardson cho biết thêm, năm 2022, Trung Quốc đã vận động rất mạnh để một cuộc thảo luận về báo cáo của văn phòng Cao ủy Nhân quyền liên quan vấn đề Duy Ngô Nhĩ không được tổ chức.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: