Trung Quốc chặn dòng sông Mekong, hạ nguồn hạn nặng

Hạn hán khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long. TTXVN

HIẾU CHÂN

Các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong đã chặn một khối lượng rất lớn nước sông, gây hạn hán trầm trọng ở các nước hạ nguồn; một báo cáo nghiên cứu của Mỹ cho biết.

Bài liên quan: Thủy điện Lancang-Mekong gây khát và đói cho ĐBSCL như thế nào?

Hạn mặn kỷ lục 100 năm

Ở Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa, thủy sản và cây ăn trái của Việt Nam, hạn hán luôn đi kèm với nhiễm mặn vì khi nguồn nước ngọt bị giảm thì nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, có nơi vào sâu hàng trăm kilômét.

Theo báo chí trong nước, đến cuối tháng 02-2020, nhiều tỉnh Nam phần Việt Nam đã công bố thiên tai do hạn hán và nhiễm mặn, cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn vì thiếu nước ngọt, trên đồng lúa chết hàng loạt, cây ăn trái, hoa màu héo khô. “Hiện nay, một số nơi ở miền Tây nước ngọt đang cực kỳ khan hiếm, người dân phải mua nước bình loại 20 lít với giá 10.000-15.000 đồng để sử dụng. Một số gia đình khác thì chấp nhận mua nước ít nhiễm mặn với giá ‘cắt cổ’ từ 30.000-100.000 đồng/m3 để sử dụng”, báo Vietnamnet ghi nhận và đánh giá thiên tai hạn mặn hiện nay là “kỷ lục 100 năm qua”.

Nông dân miền Tây trước cánh đồng nứt nẻ vì hạn hán. dantri.com.vn

Theo ông Vũ Thành Tự Anh – giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ này. Thứ nhất, nguồn nước mặt bị ô nhiễm do việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu và các hoạt động nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Thứ hai, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Thứ ba, nguồn nước bị chặn ở thượng nguồn do mạng lưới thuỷ điện chằng chịt. Và cuối cùng, mực nước biển dâng và ngập mặn do biến đổi khí hậu. “Vấn đề nước thứ ba là sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do mạng lưới chằng chịt hàng trăm đập thủy điện ở thượng nguồn gây ra. Thiếu nước ở ĐBSCL – điều chúng ta đang chứng kiến mấy tuần qua – đã ngày càng trở nên nghiêm trọng trong mùa khô. Mặc dù trong mùa mưa, các đập của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nhưng vào mùa khô, tỷ lệ này có thể lên tới 40-50%, khiến cho lượng nước ở hạ nguồn bị phụ thuộc rất lớn vào việc vận hành các đập của Trung Quốc,” ông Tự Anh viết trên Facebook cá nhân.

Trung Quốc chặn dòng Mekong

Trong khi đó, nghiên cứu của Eyes on Earth Inc. – một công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn về nước, thực hiện theo đặt hàng của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ghi nhận trong mùa khô năm ngoái 2019 mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua, tàn phá cuộc sống của 60 triệu nông dân, ngư dân năm nước hạ nguồn mà con sông chảy qua, từ Miến Điện, Lào, tới Cambodia, Thái Lan và Việt Nam. Nghiên cứu cũng ghi nhận có nhiều đoạn dòng sông đã khô cạn hoàn toàn, bày ra những bãi cát, có đoạn nước sông chuyển sang màu xanh sáng thay vì màu nâu đỏ thường thấy bởi vì nước quá cạn và không có phù sa.

Eyes on Earth cho rằng, tình trạng trên là do các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn đã giữ nước sông Mekong lại, gây hạn hán cho hạ nguồn, bất kể phần con sông chảy qua Trung Quốc có mực nước cao hơn mức trung bình nhiều năm.

“Nếu Trung Quốc nói rằng họ không góp phần gây ra hạn hán thì dữ kiện của chúng tôi không ủng hộ lập trường đó,”

Alan Basist , Eyes on Earth Inc.

Trung Quốc phản đối kết luận đó, họ nói nước sông Mekong xuống thấp vì lượng mưa đổ xuống lưu vực con sông dài 4.350 km này bị giảm trong mùa mưa năm ngoái. Ông Alan Basist, nhà khí tượng học và chủ tịch của Eyes on Earth không chấp nhận cách giải thích của Trung Quốc. “Nếu Trung Quốc nói rằng họ không góp phần gây ra hạn hán thì dữ kiện của chúng tôi không ủng hộ lập trường đó,” ông nói.

Các phương pháp đo đạc từ vệ tinh của Eyes on Earth cho thấy ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nơi con sông chảy qua, trong mùa mưa từ tháng 05 đến tháng 10 năm ngoái, lượng nước do mưa và tuyết tan thực sự cao hơn mức bình quân nhiều năm trong khi cùng thời gian mực nước sông Mekong dọc biên giới Lào-Thái Lan bị giảm hơn 3 m (10 feet). Điều đó cho thấy Trung Quốc “không để cho nước sông chảy xuôi trong mùa mưa, bất chấp việc Trung Quốc giữ nước lại gây tác động trầm trọng tới nạn hạn hán ở hạ nguồn”, ông Basist nói.

Các đập nước của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong (chấm màu đỏ)

Tác động của 11 con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong đã được bàn luận nhiều nhưng có rất ít dữ kiện vì Trung Quốc không công khai chi tiết về lượng nước mà các con đập này giữ lại để làm đầy các hồ chứa khổng lồ, mà theo Eyes on Earth, phải lên tới con số 47 tỷ mét khối.

Nghiên cứu của Eyes on Earth sử dụng dữ liệu vệ tinh dùng công nghệ Cảm biến Vi ba Đặc biệt để chụp ảnh và ghi âm (SSMI/S) để đo lượng nước mặt do mưa và tuyết tan ở lưu vực sông Mekong trên đất Trung Quốc từ năm 2012 đến cuối năm 2019. Sau đó, các khoa học gia so sánh dữ liệu này với dữ liệu thu thập được ở trạm khí tượng Chiang Saen do Ủy ban sông Mekong vận hành trên đất Thái Lan, sát biên giới Trung Quốc; từ đó lập ra mô hình dự báo mức nước “tự nhiên” cho dòng sông dựa vào lượng mưa và tuyết tan trên thượng nguồn. Từ năm 1992 đến 2012, mô hình dự báo và thực tế đo được trên sông hầu như khớp với nhau.

Nhưng từ năm 2012, khi những con đập khổng lồ của Trung Quốc trên dòng Mekong bắt đầu hoạt động thì dữ kiện thu thập được ở Trung Quốc và Thái Lan cũng bắt đầu cách biệt nhau, dao động theo từng thời gian mà Trung Quốc tích nước vào hồ chứa trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô. Sự chênh lệch rõ nhất trong năm 2019, theo ông Basist.

Rất tiếc là nghiên cứu của Eyes on Earth chỉ tập trung vào lượng nước sông Mekong chảy ra khỏi đất Trung Quốc sang tới Thái Lan mà không tìm hiểu xa hơn về phía hạ nguồn, nơi Lào cũng đã vận hành hai đập nước lớn trên dòng chính sông Mekong từ cuối năm 2019.

Nói dối hoặc bị báo cáo láo

Hoa Kỳ, thường xuyên thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cho rằng về căn bản Trung Quốc đã kiểm soát sông Mekong. Tại một hội nghị ở Bangkok, Thái Lan, năm ngoái, Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc hạn hán ở lưu vực dòng sông là do “Trung Quốc quyết định chặn dòng nước ở thượng nguồn”.

Hoặc là chính phủ Trung Quốc nói dối, hoặc các công ty vận hành đập nước đã báo cáo láo. Ở đâu đó đang có những người không nói lên sự thật

Brian Eyler , Stimson Institute, Washington D.C.

Trung Quốc hứa hẹn sẽ hợp tác quản lý dòng sông và điều tra nguyên nhân gây hạn hán nhưng Trung Quốc không công nhận kết quả nghiên cứu. “Cách lý giải Trung Quốc xây đập trên sông Lan Thương (Lancang – tên của sông Mekong đoạn chảy qua Trung Quốc) gây nên hạn hán ở hạ nguồn là không hợp lý,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông báo gửi cho hãng tin Reuters. Bộ này cho rằng tỉnh Vân Nam cũng bị hạn nặng trong năm ngoái và mực nước các hồ chứa sau các con đập ở Trung Quốc cũng giảm xuống mức chưa từng thấy, song hứa hẹn “Trung Quốc tiếp tục nỗ lực tối đa để bảo đảm khối lượng nước hợp lý xả xuống hạ nguồn”.

Tuy nhiên, lời khẳng định của Trung Quốc không phù hợp với các kết quả nghiên cứu mới, theo ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Stimson, một cơ quan nghiên cứu ở thủ đô Washington. “Hoặc là chính phủ Trung Quốc nói dối, hoặc các công ty vận hành đập nước đã báo cáo láo. Ở đâu đó đang có những người không nói lên sự thật,” ông Eyler nói.

(theo Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: