Cuộc gặp lịch sử giữa Mỹ, Nhật, Hàn Quốc ở Camp David

Hội nghị thượng đỉnh ở Camp David giữa ba nguyên thủ quốc gia, thực sự là một sự kiện hết sức quan trọng: “Một kỷ nguyên mới có thể sắp xuất hiện.”
Cuộc gặp lịch sử giữa Mỹ, Nhật, Hàn Quốc ở Camp David. Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

Trong hơn 5 thập niên, Camp David, tọa lạc tại Catoctin Mountain Park ở Maryland, cách thủ đô Hoa Thịnh Đốn khoảng 60 dặm, đã trở thành điểm hẹn cho những cuộc họp quan trọng giữa các tổng thống Hoa Kỳ và nguyên thủ các nước.

Tin mới nhất từ Toà Bạch Ốc cho biết, giữa những mối đe dọa đang gia tăng ở châu Á, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sẽ có cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, và Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol tại Camp David vào Thứ Sáu ngày 18 Tháng Tám.

Ngoại trưởng Antony J. Blinken thông báo về cuộc gặp lịch sử ở Camp David sẽ diễn ra vào ngày 18 Tháng Tám. Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images

Đây sẽ là lần đầu tiên nguyên thủ của ba quốc gia gặp nhau ngoài khuôn khổ của hội nghị thượng đỉnh, cũng như là lần đầu tiên Biden mời các nhà lãnh đạo nước ngoài đến David Camp. Tổng thống Biden hy vọng sẽ củng cố mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoại trưởng Antony J. Blinken cho biết cuộc họp sẽ tạo cơ hội cho ba nhà lãnh đạo thảo luận về các bước cụ thể nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Nhìn chung, mục tiêu của cuộc họp là để tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự giữa Hoa Kỳ và hai đối tác chiến lược châu Á, bao gồm chiến lược ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Nhật Bản và Nam Hàn vượt qua bất đồng lịch sử để hợp tác với Hoa Kỳ

Một trong những thách thức của Biden là trở thành cầu nối tin cậy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, khi hai nước này có lịch sử ngoại giao căng thẳng và thậm chí thù địch, trong lúc Hoa Kỳ phải đối phó với thách thức lớn từ Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn. Hoa Kỳ đã dành nhiều thập kỷ để cố gắng thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác với nhau trong các vấn đề an ninh, nhưng không có nhiều kết quả.

Kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhấn mạnh ưu tiên cải thiện quan hệ với Nhật Bản và liên kết Hàn Quốc chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhằm đối phó với Bắc Hàn và Trung Quốc. Trong bài phát biểu hôm thứ Ba đánh dấu kỷ niệm ngày Nam Hàn giành được tự do trước Nhật Bản vào cuối Thế chiến II, Tổng thống Yoon đã tránh thảo luận về những bất bình lịch sử của nước này với Nhật Bản, thay vào đó nhấn mạnh đến lợi ích của quan hệ đối tác.

Có lẽ quan trọng nhất, ông Yoon đã thực hiện các chính sách để giải quyết những tranh cãi dai dẳng về việc hơn 700 ngàn người Hàn Quốc đã bị Nhật Bản cưỡng bức lao động trong 35 năm chiếm đóng. Nỗ lực hòa giải của ông Yoon đã mở ra cơ hội cho nhiều cuộc gặp gỡ giữa ông và Thủ tướng Kishida, cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Nhật Bản đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc.

Không phải mọi người dân Hàn Quốc đều hài lòng với chính sách thân Nhật của ông Yoon. Các nhà phê bình trong nước chỉ trích cho rằng Nhật Bản đã thất bại trong việc đền bù lỗi lầm cho chế độ thực dân tàn bạo của mình. Họ cũng lo ngại rằng những nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và Nhật Bản của ông Yoon sẽ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Còn đối với thủ tướng Nhật, vị thế chính trị và uy tín của ông không được đánh giá cao, đặc biệt nhiều chính trị gia bảo thủ đã cảnh giác ông Kishida về tâm lý bài Nhật của Nam Hàn.

Hợp tác chặt chẽ để đối phó Trung Quốc 

Mối thâm giao ngày càng tăng giữa các cường quốc hạt nhân, Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn, trong thời gian gần đây, khiến cả Nhật Bản và Nam Hàn phải lo ngại.

Cuối Tháng Bảy vừa qua, truyền thông nhà nước Bắc Hàn đưa tin về một cuộc duyệt binh lớn được tổ chức ở Bình Nhưỡng với sự tham dự Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lý Hồng Trung (Li Hongzhong). Cuộc diễu hành quân sự của Bắn Hàn là để phô trương các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà nước này đã phát triển để thách thức Hoa Kỳ và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tổng Thống Joe Biden và Thủ Tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Aytac Unal/Anadolu Agency via Getty Images

Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất, được nước này mô tả là cốt lõi của lực lượng tấn công hạt nhân, như một “lời cảnh báo thực tế mạnh mẽ” đối với các đối thủ. Để đáp trả, lực lượng hải quân Hoa Kỳ, Nam Hàn, và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa hải quân chung để chống lại các mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng của Bắc Hàn.

Hoa Kỳ đã thừa nhận trong nhiều năm rằng một mình nước này không thể chống lại Trung Quốc. Hoa Kỳ cần sự trợ giúp tích cực và có chiến lược từ hai đồng minh Nhật Bản và Nam Hàn. Trong khi đó, mối lo ngại từ hợp tác quân sự của Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn đã khiến Nhật Bản và Nam Hàn tìm cách vượt qua những hiềm khích lịch sử, để chung tay hợp tác với Hoa Kỳ.

Kunihiko Miyake, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu, cho biết tình hình “trên thế giới đang trở nên tồi tệ hơn rất nhiều so với dự đoán của nhiều người.” Sự viện trợ tài chính và quân sự của Nhật Bản và Nam Hàn đối với đồng minh dân chủ Ukraine là rất đáng kể, bởi họ ý thức rõ chỉ có liên minh dân chủ mới đối phó hiệu quả với các hiểm họa chuyên chế.

Quan trọng hơn, cả hai đồng minh Châu Á của Mỹ đều lo lắng rằng các cam kết hợp tác của Hoa Kỳ sẽ bị hủy bỏ, nếu Donald J. Trump đắc cử tổng thống vào năm tới. Vì thế, Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, cho biết một trong những mục tiêu chính của cuộc họp tại David Camp là gắn các cơ chế hợp tác “vào DNA” của ba chính phủ và để “tạo ra một chuẩn mực mới” khó có thể thay thế, hay đảo ngược.

Kim Tae-hyo, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Yoon, cho biết chính quyền Hàn Quốc kỳ vọng sẽ “thiết lập một cấu trúc quan trọng cho hợp tác ba bên và thể chế hóa nó.” Thêm nữa là ba quốc gia cam kết sẽ tổ chức cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo. Các quan chức dự kiến sẽ công bố hợp tác mở rộng không chỉ trong các cuộc tập trận quân sự chung và chia sẻ tình báo quân sự, mà còn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng, an ninh mạng, và kinh tế.

Đối với Tổng thống Nam Hàn, hội nghị tại Camp David “sẽ đặt một cột mốc mới trong hợp tác ba bên góp phần vào hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Tetsuo Kotani, một thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản, cho biết cuộc gặp mặt là cần thiết để “đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc.” Ông Kotani cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine cũng sẽ được thảo luận.

Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cảnh báo Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn không nên thành lập “bè lũ”, “phản đối hành vi tăng cường đối đầu và gây tổn hại đến an ninh chiến lược của các nước khác.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, đã cảnh báo Nhật Bản và Hàn Quốc về việc liên kết quá chặt chẽ với Hoa Kỳ: “Cho dù bạn nhuộm tóc vàng thế nào, mũi bạn nhọn ra sao, bạn sẽ không bao giờ trở thành người châu Âu, hay người Mỹ, bạn sẽ không bao giờ trở thành người Tây.”

Vương Nghị hiểu rõ hơn ai hết mục tiêu mà Nhật Bản và Nam Hàn liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ không phải để trở thành người Mỹ, hoặc người Tây. Nhưng mục tiêu tối hậu là hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ về quân sự và kinh tế để tạo thành gọng kiềm vững chắc, đối phó với liên minh độc tài: Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nga.

Politico dẫn lời Robert Sutter, cựu sĩ quan tình báo quốc gia phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, hiện là giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, cho biết hội nghị thượng đỉnh ở Camp David giữa ba nguyên thủ quốc gia, thực sự là một sự kiện hết sức quan trọng:Một kỷ nguyên mới có thể sắp xuất hiện.

Không có gì khiến Trung Quốc phải lo ngại hơn là một liên minh dân chủ, do Hoa Kỳ lãnh đạo, bằng chiến lược quyết đoán và cam kết an ninh vững chắc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: